Huyền thoại Donald Trump – Kỳ 6: Thổi phồng và bóp xẹp giá trị tài sản

Huyền thoại Donald Trump – Kỳ 6: Thổi phồng và bóp xẹp giá trị tài sản
Fred C. Trump (ngồi) và con trai Donald Trump (đứng) thăm một người thuê nhà tại dự án căn hộ của họ ở Brooklyn, New York, tháng 1/1973. Ảnh: Barton Silverman/The New York Times.

Cả cha lẫn con đều là bậc thầy trong việc thao túng giá trị các tài sản của mình, thổi phồng hoặc bóp xẹp chúng tùy vào nhu cầu riêng.

Như kỳ trước về chip đánh bạc đã chỉ ra, hai cha con đều có cùng suy nghĩ khi đối diện với luật pháp và quy định, xem chúng là rào cản khó chịu phải qua mặt, hoặc nếu cần, phớt lờ. Như mô tả của các thành viên gia đình và cộng sự qua những cuộc phỏng vấn và lời khai được tuyên thệ (sworn testimony), mối quan hệ máu mủ giữa hai người rất mật thiết. Họ chia sẻ nhiều bí mật và có quan điểm chung về một thế giới của kẻ mạnh, phải đánh và phải thắng (Hobbesian view). Họ trò chuyện hầu như mỗi ngày và gặp nhau mỗi cuối tuần. Donald Trump ngồi phía bên tay phải của cha mình trong bữa ăn gia đình và tham dự vào các cuộc họp chiến lược hàng tháng của cha với những cố vấn thân tín nhất. Fred Trump là một người quan sát thầm lặng, chăm chú tại nhiều cuộc họp báo của Donald Trump.

“Tôi chắc là một trong những người biết rõ về cha mình, hoặc là người hiểu rõ nhất về ông ấy” là lời của Donald Trump trong một bản khai tuyên thệ (deposition) vào năm 2000.

Theo các cuộc phỏng vấn và tài liệu thu thập được của New York Times, hai người họ đều rất thông thạo cách nói chuyện úp mở, nửa thật nửa giả và nói dối. Họ đều thích thú xé rào vượt luật và không bị bắt. Họ đều là các bậc phù thủy trong việc thao túng giá trị tài sản của mình, thổi phồng chúng hoặc bóp xẹp lại tùy theo nhu cầu.

Tài năng này của họ được dịp áp dụng khi Fred Trump Jr. (anh trai của Donald Trump) qua đời vào ngày 26/9/1981 ở tuổi 42 qua các biến chứng từ việc nghiện rượu, để lại một con trai và một con gái. Những người giám hộ thực thi các tài sản của con trai lớn nhà Trump là cha của ông và người em trai Donald.

Gia tài lớn nhất của Fred Trump Jr. là phần của ông trong bảy tòa nhà (nằm trong tổng số tám tòa nhà) mà cha ông đã chia cho các con. Vài năm sau, gia tộc Trump chuyển đổi những tòa nhà đó thành các công ty hợp tác (cooperatives), có giá trị áp lên là 90,4 triệu đô. Với số tiền đó, phần của Fred Trump Jr. sẽ chịu khoản thuế tài sản gần 10 triệu đô.

Nhưng các bản khai thuế do Donald Trump và người cha ký cho thấy phần sở hữu của Fred Trump Jr. chỉ đáng giá 737.861 đô. Kết quả này có được nhờ vào việc hạ giá tất cả bảy tòa nhà. Thay vì định giá 90,4 triệu đô, Fred và Donald Trump cung cấp các bản định giá khai rằng chúng có giá trị chỉ ở mức 13,2 triệu đô.

Tiêu biểu cho sự táo tợn này là tòa nhà 150 căn hộ Park Briar ở Queens (New York). Mười tám ngày trước khi Fred Trump Jr. qua đời, các anh chị em nhà Trump đã nộp kế hoạch chuyển đổi Park Briar thành công ty hợp tác, khai báo tuyên thệ giá trị của tòa nhà là 17,1 triệu đô. Nhưng khi Fred Trump Jr. qua đời, là những người giám hộ, Donald Trump và cha mình lại ghi trên bản khai thuế rằng Park Briar chỉ đáng 2,9 triệu đô.

Các anh em nhà Trump khai giá trị của tổ hợp Park Briar ở Queens là hơn 17 triệu đô, trước khi anh trai Fred Trump Jr. của họ qua đời vào năm 1981. Nhưng với tư cách người giám hộ thực thi tài sản của anh mình, Donald Trump và cha ông đã báo trong bản khai thuế rằng tài sản này chỉ đáng giá 2,9 triệu đô. Ảnh: Dave Sanders/New York Times.

Khai báo khó tin này – rằng tòa nhà Park Briar chỉ nên gánh phần thuế theo giá trị sụt mất 83% chỉ sau 18 ngày – không bị Sở thuế vụ có ý kiến phản đối gì. Một kiểm toán viên chỉ yêu cầu giá trị phải tăng thêm 100.000 đô, ở mức 3 triệu đô.

Trong thập niên 1980, Donald Trump dính nhiều tai tiếng với việc rò rỉ thông tin rằng mình sẽ thu mua cổ phiếu, ám chỉ việc thâu tóm doanh nghiệp, để rồi hoặc bán chốt lời hoặc tìm cách ép doanh nghiệp bị nhắm đến phải nhượng bộ mua lại giá cao để được yên ổn. Đó là một kiểu thao túng cổ phiếu được đặt cho thuật ngữ không mấy hay ho “greenmailing” (ND: một sự kết hợp giữa “blackmail”, nghĩa là tống tiền, với “greenback”, chỉ loại tiền mặt được phát hành ở Mỹ vào thời kỳ nội chiến). Tờ New York Times tìm ra bằng chứng Donald Trump phối hợp cùng cha mình như một cộng sự đắc lực trong hoạt động “greenmailing” này.

Vào ngày 26/1/1989, Fred Trump mua 8.600 cổ phiếu của Time Inc. với giá 934.854 đô, theo như số liệu kê khai thuế của ông. Bảy ngày sau đó, Dan Dorfman, một phóng viên tài chính được xem là thường qua lại với Donald Trump, tung ra tin tức rằng Donald đã “chiếm một phần đáng kể cổ phần” của công ty Time. Không ngạc nhiên, giá trị cổ phiếu của Time tăng vọt, giúp Fred Trump kiếm lời 41.614 đô chỉ trong hai tuần.

Cùng năm đó, Fred Trump mua 5 triệu đô cổ phiếu của hãng bay American Airlines. Dựa trên giá mua cổ phiếu, 81,74 đô, có thể suy đoán thời điểm ông mua là ngay sau khi phóng viên Dorfman tung ra tin Donald Trump đang thâu tóm cổ phần của công ty. Trong vòng vài tuần, giá tăng lên hơn 100 đô một cổ phiếu. Nếu bán ngay lúc đó, Fred Trump sẽ chốt lời được 1,3 triệu đô. Nhưng ông đã không bán, và giá cổ phiếu sụt xuống nhanh ngay sau đó giữa những nghi ngờ ngày càng tăng về lịch sử bất hảo của Donald Trump qua những thương vụ thâu tóm bom xịt. Fred Trump bán cổ phần của mình vào tháng 1/1990 với khoản lỗ 1,7 triệu đô. Một tuần sau, Dorfman đưa tin Donald Trump cũng đã bán.

Với những thành viên khác của gia đình, Fred Trump có thể hay càu nhàu và nghiêm khắc, như lời chứng tuyên thệ của họ hàng. Ông thường xuyên nạt thẳng “đây là thứ ngu ngốc nhất tôi từng được nghe” mỗi khi ai đó làm ông thất vọng. Với con trai Donald ông lại đối xử khác. Ông có thể chỉ trích con trai – kiểu chỉ bảo “làm xong việc này đi rồi mới bắt đầu việc khác” – nhưng thường thì ông mắt nhắm mắt mở tha thứ và giúp đỡ những việc con làm.

Ví dụ như đến năm 1987, số tiền Donald Trump vay nợ cha mình đã tới ít nhất 11 triệu đô. Nếu đơn giản hủy đi khoản nợ này sẽ khiến Donald phải trả hàng triệu đô la tiền thuế trên con số đó. Hai cha con vì thế đã tìm ra giải pháp khác, chưa từng được tiết lộ trước đó, vừa cấu thành hình thức quà tặng hàng triệu đô không khai báo, lại vừa có khả năng là hành vi trốn thuế bất hợp pháp.

Vào tháng 12/1987, theo tài liệu thu thập được, Fred Trump mua 7,5% cổ phần của Trump Palace, tòa căn hộ 55 tầng do con ông dựng nên ở khu Upper East Side của Manhattan. Hầu hết, nếu không phải là tất cả khoản đầu tư này, trị giá 15,5 triệu đô, được trao đổi với khoản vay chưa trả của con trai ông.

Bốn năm sau đó, vào tháng 12/1991, Fred Trump bán toàn bộ phần của mình ở Trump Palace với giá chỉ 10.000 đô, theo số liệu từ các bản khai thuế và báo cáo tài chính.

Những tài liệu trên không xác định trực tiếp ai đã mua những phần đó. Nhưng các tài liệu khác cho thấy ông bán lại nó cho con trai của mình.

Vào năm 1991, khi Fred Trump khai báo với chính quyền việc đầu tư của ông vào dự án Trump Palace của người con là khoản lỗ nặng, Donald Trump lại đi nói với công chúng rằng chưa bao giờ có thời khắc nào tốt hơn để đầu tư vào đây. Ảnh: Dave Sanders/New York Times.

Theo luật liên bang, nhà phát triển xây dựng phải lập ra “kế hoạch chào bán” (offering plans) cho khách hàng mua căn hộ, trong đó xác định rõ người tài trợ dự án, tức chủ sở hữu của dự án. Kế hoạch chào bán của tòa nhà Trump Palace, nộp vào tháng 11/1989, xác định hai chủ sở hữu: Donald Trump và cha của ông. Theo cùng điều luật trên, nếu Fred Trump bán phần của mình cho một bên thứ ba, Donald Trump sẽ phải cập nhật chủ sở hữu mới trong bản kế hoạch chào bán chỉnh sửa và nộp nó cho văn phòng tổng chưởng lý của bang (state attorney general). Theo các tài liệu có được, Donald không cập nhật bản chỉnh sửa nào như vậy.

Thay vào đó, Donald Trump có ký một bản khai có tuyên thệ (affidavit) một tháng sau khi cha mình bán đi phần của ông. Bản khai này, nộp cho tòa trong một vụ kiện về hóa đơn chưa thanh toán của nhà thầu cho dự án Trump Palace, xác định rõ Donald Trump là chủ sở hữu duy nhất của Trump Palace.

Theo quy định của Sở thuế vụ, bán cổ phần trị giá 15,5 triệu đô cho con của mình với giá 10.000 đô tương đương với việc tặng quà cho con trị giá 15,49 triệu đô. Fred Trump không khai báo bất cứ điều gì về khoản quà tặng này.

Theo các chuyên gia về thuế, trường hợp duy nhất mà Fred Trump không cần khai báo khoản quà tặng như trên là nếu dự án Trump Palace đã ở trong tình trạng phá sản khi ông bán đi phần của mình.

Nhưng tòa nhà Trump Palace không hề có dấu hiệu gì phá sản.

Các tài liệu bất động sản cho thấy hoạt động bán căn hộ ở đó rất nhộn nhịp vào năm 1991. Trump Palace bán được 57 căn hộ với giá 52,5 triệu đô – đạt 94% giá trị niêm yết đưa ra cho số căn hộ đó.

Trong những mẩu quảng cáo trên mặt báo vào năm 1991, Donald Trump tuyên bố Trump Palace là “dự án căn hộ an toàn nhất về mặt tài chính trên thị trường hiện tại”, tuyên bố nhằm đập lại những chỉ trích từ các khách hàng mua căn hộ, những người phàn nàn lo ngại rằng các dự án phiêu lưu mạo hiểm khác của Trump có thể kéo tụt Trump Palace. Vào tháng 12/1991, 17 ngày trước khi Trump cha bán cổ phần của mình tại Trump Palace, Donald đặt mẩu quảng cáo tung hô sự khôn ngoan khi đầu tư vào đây: “Những đồng tiền thông minh mách bảo chưa bao giờ có thời khắc nào tốt hơn thế này.”

Mẩu quảng cáo căn hộ của Donald Trump.

Bằng cách không khai báo cho Sở thuế vụ về khoản 15,49 triệu đô quà tặng cho con mình, Fred Trump trốn được 55% thuế quà tặng, “tiết kiệm” khoảng 8 triệu đô-la. Cùng lúc đó, ông báo với Sở thuế vụ rằng Trump Palace là dự án lỗ nặng, rằng ông đã phải đào thoát khỏi khoản đầu tư 15,5 triệu đô mà chỉ thu về được 10.000 đô la.

Luật thuế liên bang cấm các hành vi kê khai sử dụng các khoản lỗ từ việc bán tài sản giữa các thành viên trong gia đình, vì khả năng bị lạm dụng lừa đảo cao. Vậy nhưng Fred Trump có vẻ đã làm đúng chuyện bị cấm này, né được thêm khoảng 5 triệu đô thuế thu nhập.

Quan hệ đối tác giữa Fred và Donald Trump không đơn thuần là theo đuổi giấc mộng làm giàu. Có một dự án tham vọng hơn nhiều nằm sâu bên trong trái tim của tất cả các hoạt động này. Nó được tiến hành hoàn hảo qua nhiều thập niên – tạo ra câu chuyện thần kỳ, huyền thoại về Donald J. Trump, “tỉ phú tự thân”.

Donald Trump đặt nền tảng cho huyền thoại này vào thập niên 1970 khi nhận toàn bộ đế chế của cha thành của riêng mình. Vào cuối thập niên 1980, Donald lại bắt đầu phủi tay. “Công việc kinh doanh (của cha tôi) không vĩ đại gì lắm. Nó chỉ là công việc kiếm ra tiền”, Donald nói, như thể Fred Trump chỉ làm chủ một chuỗi cửa hàng giặt giũ quần áo. Donald nói với các phóng viên, cha của ông là người thầy hướng dẫn tuyệt vời, nhưng với quy mô giới hạn của công việc kinh doanh gia đình đó, thứ tốt nhất ông có được từ cha mình chỉ là khoản vay 1 triệu đô, và thậm chí ông còn phải trả cả gốc lẫn lãi.

Trong suốt hành trình tạo ra câu chuyện hấp dẫn đó, Fred Trump gật gù tham gia đắc lực. Chưa một lần ông công khai chất vấn con trai về khoản vay 1 triệu đô được nói tới. Thay vào đó, ông bảo với phóng viên của New York Times trong bản tin đầu tiên về Donald Trump vào năm 1976, “mọi thứ nó chạm vào hình như đều biến thành vàng”.


Khi tờ New York Times tiếp tục viết về con trai của ông vào năm 1983, ông tiếp tục “nó đã vượt xa hơn tôi nhiều, rõ ràng là vậy”. Nhưng mặc cho tất cả những gì Fred Trump đã làm để dựng nên huyền thoại về “tỉ phú tự thân” Donald Trump, có một lằn ranh mà ông không cho con mình vượt qua.

(Còn nữa)

Bài tóm tắt: Huyền thoại về ‘tỉ phú tự thân’ Donald Trump
Kỳ 1: Vén màn đế chế gia tộc Trump
Kỳ 2: Cha giàu và triệu phú 8 tuổi
Kỳ 3: Fred Trump nhận trợ cấp chính phủ để gây dựng gia tài
Kỳ 4: Fred Trump và nỗ lực gây dựng hình ảnh tỉ phú tự thân cho con trai
Kỳ 5: Khủng hoảng và tấm lưới an toàn của cha


Bài viết này nằm trong loạt bài giới thiệu phóng sự điều tra đặc biệt của tờ New York Times về quá trình làm giàu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là phóng sự dựa trên hơn 100.000 tài liệu, hồ sơ, sổ sách tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình Trump từ những năm 1970. Bên cạnh đó, New York Times cũng tiến hành phỏng vấn hàng loạt nhân viên cũ của công ty gia đình Trump và các học giả, chuyên gia về thuế. Tổng thống Trump từ chối đề nghị phỏng vấn của tờ Times, còn luật sư của ông thì bác bỏ toàn bộ cáo buộc gian lận thuế và trốn thuế mà phóng sự nêu ra.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.