Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bên cạnh các “đòn” thương chiến rình rang và thu hút sự quan tâm lớn của báo chí và công luận, như đánh thuế và kiểm soát tiếp cận công nghệ, Hoa Kỳ hiện đang áp dụng một loạt phương cách khác nhau để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc.
Một báo cáo chuyên đề về Trung Quốc mới đây của tờ tạp chí The Economist cho chúng ta nhìn được ít nhất là năm trong số các phương cách đó.
Ở vị thế một nước nhỏ đang vừa phải ngồi dưới cái bóng đầy đe dọa của Trung Quốc, vừa phải duy trì quan hệ tốt với Hoa Kỳ để bảo đảm phát triển kinh tế, liệu Việt Nam có thể học được gì từ các biện pháp ngăn ngừa Trung Quốc này?
1. Kiểm soát chặt chẽ đầu tư từ Trung Quốc
Hoa Kỳ có một cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm thẩm tra ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng từ các dự án đầu tư nước ngoài: Ủy Ban về Đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United States – CFIUS).
Được thành lập từ năm 1975 thông qua một sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Gerald Ford, mục đích ban đầu của CFIUS là giúp các tổng thống Mỹ nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài tại Mỹ cho tiện việc giám sát vĩ mô.
Từ thập niên 1980 trở đi, do lo ngại từ việc nhiều công ty Nhật đầu tư mua lại các công ty kỹ thuật công nghệ cao của Mỹ, Quốc hội Mỹ sửa luật để trao thêm cho Tổng thống Mỹ quyền được chặn các phi vụ đầu tư nước ngoài nào có khả năng đe dọa an ninh quốc phòng.
CFIUS trở thành cơ quan tham vấn chính, là nơi hội họp các chuyên gia và đại diện từ nhiều phòng ban trong chính phủ Mỹ để giúp các tổng thống Mỹ đánh giá một dự án đầu tư nước ngoài có thể đe dọa an ninh quốc phòng như thế nào.
Nhờ tham vấn của CFIUS, Tổng thống Obama từng chặn hai dự án đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ năm 2012 và 2016. Cơ quan này cũng tham vấn cho Tổng thống Trump chặn ba dự án đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ từ năm 2017 tới nay.
Quốc hội Mỹ đã nhiều lần cải cách luật để trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho CFIUS.
Năm 2017, một nhóm thượng nghị sỹ từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đề xuất dự thảo Đạo luật Hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (Foreign Investment Risk Review Modernization Act – FIRRMA). Dự thảo này được Quốc hội Mỹ thông qua và sau đó được Tổng thống Trump phê chuẩn vào tháng 8 năm 2018.
Đạo luật FIRRMA trao thêm nhân lực và kinh phí hoạt động cho CFIUS. Đạo luật này cũng mở rộng phạm vi thẩm tra của CFIUS sang nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như đầu tư nước ngoài vào bất động sản nằm gần các khu vực nhạy cảm, và đầu tư nước ngoài trong các ngành kỹ thuật quan trọng.
Trả lời phỏng vấn của The Economist, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marc Rubio cho biết các ngành này bao gồm viễn thông, vi tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo và bất kỳ ngành công nghiệp nào thu thập nhiều dữ liệu điện tử.
2. Quản lý rủi ro đối với cơ sở hạ tầng quan trọng
Tháng 8/2018, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ tuyên bố thành lập Trung tâm Quản lý Rủi ro quốc gia (National Risk Management Centre – NRMC).
Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát các công ty lớn, tiềm tàng rủi ro cao, đang xây dựng và phục vụ cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.
Cơ quan này được thành lập để giám sát việc thi hành hai quyết định hành pháp từ thời Tổng thống Obama: Chỉ thị chính sách số 21 kêu gọi phân tích tổng thể cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, và Sắc lệnh hành pháp số 13636 xác định các cơ sở hạ tầng quan trọng nào có thể bị tấn công bằng mạng máy tính dẫn đến hậu quả tai hại cho an ninh quốc phòng. Trọng tâm ban đầu của NRMC là đánh giá các mối đe dọa chung và phòng bị cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ chống lại những vụ tấn công qua mạng máy tính. Các ngành năng lượng, tài chính, viễn thông sẽ được NRMC ưu tiên.
3. Giám sát, chế tài bằng tư pháp hình sự
Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố thành lập một nhóm chuyên trách về những hiểm họa đến từ Trung Quốc, tên gọi China Initiative.
Theo The Economist, nhóm này bao gồm các công tố viên và điều tra viên đến từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Nhiệm vụ của nhóm là tập trung điều tra các vụ việc Trung Quốc tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ, và điều tra các cá nhân Trung Quốc nào tìm cách gây ảnh hưởng đến tư tưởng của công luận Mỹ.
Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, từ năm 2013 đến năm 2016, không có cá nhân nào bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến cuối năm 2018, bộ này đã buộc tội ba người làm gián điệp hoặc có âm mưu làm gián điệp cho Trung Quốc.
Tại thời điểm cuối năm 2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang truy tố sáu vụ việc liên quan đến đánh cắp bí mật thương mại mà bên hưởng lợi chính là chính phủ Trung Quốc, trong đó có vụ việc liên quan cả đến một nhà thầu Đài Loan của một công ty quốc doanh Trung Quốc.
Mới đây, một doanh nhân người Trung Quốc và một kỹ sư làm việc cho công ty General Electric của Mỹ cũng bị truy tố vì đánh cắp bí mật công nghệ từ General Electric.
Liên quan đến việc điều tra các cá nhân tìm cách gây ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân Mỹ, có vẻ là vẫn chưa có vụ việc nào cụ thể.
Tuy nhiên, giám đốc FBI là ông Christopher Wray đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan giáo dục và cơ quan nghiên cứu tại Mỹ phải để ý cảnh giác việc Trung Quốc cử sinh viên cao học và nghiên cứu viên sang Mỹ để đánh cắp sáng chế và kết quả nghiên cứu khoa học.
Ông Wray cũng bày tỏ quan ngại về các viện Khổng Tử được thành lập trong trường đại học Mỹ để dạy tiếng Hoa và tổ chức sự kiện văn hóa, với ngân sách của Trung Quốc. Thượng nghị sỹ Marc Rubio cũng đã kêu gọi các trường đại học tại bang Florida của ông đóng cửa những viện Khổng Tử như thế.
Số liệu từ The Economist cho thấy năm 2018 chỉ có 10 viện Khổng Tử đóng cửa, và hiện còn khoảng 100 viện vẫn đang hoạt động tại Mỹ.
Việc điều tra các nỗ lực tác động đến tư tưởng và kêu gọi cảnh giác với các viện Khổng Tử cho thấy Hoa Kỳ khá dè chừng các hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc trong nội địa Mỹ. Riêng trong mảng tuyên truyền này thì người Mỹ có một phương cách khác chuyên biệt hơn.
4. Chú trọng phản tuyên truyền từ nước ngoài
Bộ Ngoại giao Mỹ từ đầu năm 2016 đã có Trung tâm Tương tác toàn cầu (Global Engagement Centre – GEC), nhưng nhiệm vụ trước đây của cơ quan này là chống, vô hiệu hóa các tuyên truyền ủng hộ và kích động khủng bố.
Từ cuối năm 2016, GEC được Quốc hội Mỹ mở rộng phạm vi hoạt động sang chống các hoạt động tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nước ngoài.
Trả lời phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy hồi đầu năm nay, lãnh đạo mới của GEC (do Tổng thống Trump bổ nhiệm) cho biết là cơ quan này sẽ tập trung chống tuyên truyền và thông tin sai lệch đến từ Trung Quốc, Iran và Nga.
Hiện chưa có nhiều thông tin về cách thức cụ thể để GEC chống tuyên truyền từ Trung Quốc nhưng nhiều khả năng là cơ quan này sẽ tận dụng chiến lược và nguồn lực mà họ vẫn đang dùng để chống tuyên truyền ủng hộ và kích động khủng bố. Đó là đầu tư xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền từ cả chính phủ Mỹ và từ các “bên thứ ba” (third-party).
Theo đó, GEC có thể tiếp tục đầu tư xây dựng một mạng lưới các tổ chức và cá nhân trên toàn cầu chuyên đưa thông tin có lợi cho Hoa Kỳ, đi ngược lại nội dung tuyên truyền từ các quốc gia thù địch như Trung Quốc.
5. Bảo vệ chuỗi cung ứng trang thiết bị quốc phòng
Theo The Economist, giới quân đội và an ninh Hoa Kỳ cũng nhận ra một rủi ro lớn tiềm tàng: trang thiết bị quốc phòng của Mỹ ngày càng hiện đại nhưng việc sản xuất các trang thiết bị này cũng ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng công nghệ và trang thiết bị, kể cả vào các công ty tư nhân.
Một tướng quân đội Mỹ trả lời phỏng vấn The Economist cho biết rằng, nếu như hồi trước, 70% kỹ thuật quân sự Hoa Kỳ thuộc sở hữu nhà nước, thì nay 70% kỹ thuật quân sự Hoa Kỳ thuộc sở hữu của các công ty tư nhân, phần lớn là doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon.
Nếu các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ và các dây chuyền sản xuất linh kiện quan trọng, đóng góp vào sản xuất trang thiết bị quốc phòng của Mỹ, thì quân đội Mỹ có rủi ro cao sẽ bị Trung Quốc dùng công nghệ để tấn công, quấy phá.
Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã lập ra Phòng Phân tích Thương mại và Kinh Tế (Office of Commercial and Economic Analysis) với nhiệm vụ kiểm tra bảo đảm là các hợp đồng sản xuất trang thiết bị quốc phòng không có các công ty Trung Quốc. Họ kiểm tra kỹ đến cả những nhà thầu phụ.
Một chuyên gia phân tích an ninh điện tử cũng chia sẻ với The Economist rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định họ phải bảo vệ tới cùng nguồn cung cấp chất bán dẫn cho trang thiết bị quân đội Mỹ. Ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn được xem là ngành công nghiệp cuối cùng mà Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu. Theo đó, chuyên gia này dự báo là các hợp đồng quốc phòng đắt giá nhất của Hoa Kỳ sẽ là với các nhà sản xuất chất bán dẫn đóng tại Mỹ.
Từ khóa:
chiến tranh thương mại: trade war (n)
chính sách đối ngoại: foreign policy (n)
bí mật thương mại: trade secrets (np)
hiểm họa an ninh: security threat (np)
cơ sở hạ tầng quan trọng: critical infrastructure (np)
chuỗi cung ứng: supply chain (np)
quản lý rủi ro: risk management (np)
viện Khổng Tử: Confucius Institute
tuyên truyền: propaganda (n)
thông tin sai lệch: disinformation (n)
gián điệp kinh tế: economic espionage (np)
chất bán dẫn (semiconductor)