Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Hôm nay, 5/5, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) mãn hạn tù và được trả tự do tại Trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hoá.
Vợ ông, bà Lê Thị Minh Hà, và luật sư Trần Đình Triển đón ông tại cổng trại giam.
Trả lời phỏng vấn Luật Khoa ngay khi về đến nhà riêng tại phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh cho biết ông “rất vui được trở về nhà và đã gần như quên hết mọi mệt mỏi sau khi phải làm việc liên tục với trại giam trong 10 ngày qua”.
Ông Vinh cho biết, khoảng 10 ngày trước có hai sĩ quan cấp đội phó của Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an) tới yêu cầu làm việc với ông. Họ cho biết đến theo chỉ thị của cấp trên để tìm hiểu nguyện vọng của ông sau khi mãn án. Cuộc làm việc có hai camera ghi lại. Sau một số nội dung làm việc không chính thức, ông Vinh từ chối làm việc với cấp đội phó và đề nghị họ nếu có làm việc thì cử người có thẩm quyền nhất định, thấp nhất là cấp cục phó, có tuổi tác, vốn sống và hiểu biết về quá trình hoạt động của ông.
Theo ông Vinh, phó giám thị trại giam sau đó yêu cầu miệng cho ông giao nộp các văn bản ghi chép của ông theo hình thức thống kê danh sách, đánh số, đóng thùng và niêm phong gửi về Cục An ninh Nội địa. “Tôi hỏi họ căn cứ vào đâu mà làm chuyện này thì họ nói lệnh trên như vậy, tôi hỏi lệnh trên nào thì họ không cho biết. Tổng cộng tôi có trên 1.000 trang ghi chép. Họ nói sẽ cho tôi số điện thoại của Cục để sau khi ra tù tôi liên hệ làm việc. Tôi lập tức khiếu nại lên Viện Kiểm sát Nhân dân Thanh Hoá”, nhà báo chủ trang Anh Ba Sàm cho biết.
“Hôm sau họ lại đến thuyết phục, tôi vẫn không chấp nhận. Cho đến sáng hôm qua (4/5 – PV), họ ra lệnh khám buồng giam của tôi, nói là để tạm giữ giấy tờ tài liệu để kiểm duyệt”.
“Tôi từ chối làm việc, không ký tá gì cả, và ghi vào biên bản là tôi bác bỏ toàn bộ nội dung biên bản. Tôi để kệ cho họ đóng tài liệu thành từng tập, mãi đến 6 giờ tối mới xong. Việc này là sai vì theo Luật Thi hành án Hình sự là họ phải hoàn tất mọi thủ tục mãn hạn tù cho phạm nhân trong ngày cuối cùng chấp hành án. Họ cũng không cho tôi biết là thu giữ đến khi nào, gửi đi đâu, cũng không cho tôi biết là họ sẽ liên hệ hay tôi sẽ phải liên hệ để giải quyết như thế nào”, Anh Ba Sàm cho biết.
Anh Ba Sàm, tên thật là Nguyễn Hữu Vinh, thuộc về thế hệ nhà báo tiên phong trong trào lưu báo chí độc lập Việt Nam. Năm 2007, ông sáng lập trang báo mạng Ba Sàm, với chủ trương “phá vòng nô lệ”, trực tiếp thách thức hệ thống kiểm duyệt của chính quyền. Ông nhanh chóng biến nó thành trang báo có uy tín và ảnh hưởng bậc nhất Việt Nam cho tới khi ông bị bắt vào tháng 5/2014 về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258, Bộ luật Hình sự 1999. Ông bị kết án 5 năm tù về tội danh này trong một vụ án bị giới luật gia và các tổ chức nhân quyền lên án kịch liệt.
Quá trình trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Vinh hôm nay diễn ra trong tình trạng an ninh trại giam và khu vực lân cận được thắt chặt. Bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Vinh, cho biết, xung quanh cổng trại giam có hàng trăm cảnh sát giao thông lẫn an ninh chìm, đồng thời có hai xe ô-tô đi trước và sau xe của gia đình trong suốt một chặng đường dài sau khi xe rời khỏi trại giam.
Trước đó, như Luật Khoa đã đưa tin, một cán bộ trại giam đã đe doạ ông Vinh và bà Hà rằng nếu có người ngoài gia đình tụ tập trước cổng trại giam giương biểu ngữ thì trại sẽ không trả tự do cho ông Vinh tại cổng trại mà sẽ đưa đến một nơi vắng vẻ và thả xuống. Trong nhiều trường hợp của các tù nhân chính trị khác, gia đình và những người ủng hộ thường tổ chức đi đón, có mang biểu ngữ và ghi hình.
Nhân dịp Anh Ba Sàm ra tù, Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội và Nhà xuất bản Tự Do đã tái bản cuốn “Anh Ba Sàm” với nhiều nội dung được cập nhật, bổ sung. Theo nhà báo Phạm Đoan Trang, đây là cuốn sách đầu tiên về một tù nhân lương tâm ở Việt Nam, ra mắt chỉ 24 giờ trước phiên xét xử sơ thẩm vụ án Anh Ba Sàm.
“Đọc sách, ngoài việc hiểu thêm về blogger Ba Sàm và con đường khai dân trí nhọc nhằn của ông, các bạn cũng sẽ biết thêm nhiều điều thú vị và có ích cho bạn trong thời đại Internet, như: khái niệm chuẩn mực tố tụng, sai phạm tố tụng, chứng cứ điện tử, cách nhìn của cộng đồng quốc tế về một blogger Việt Nam, con đường “phản tỉnh” của một sĩ quan an ninh, v.v.”, nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên trang facebook cá nhân.