Khi dân túy núp bóng dân tộc

Khi dân túy núp bóng dân tộc

Có một thứ “tội lỗi ngọt ngào”, ai cũng phạm phải nhưng lắm người chê bai: bắt chước.

Không chỉ con người, mọi loài sinh vật đều sử dụng cơ chế bắt chước để học hỏi, thích nghi, tồn tại và phát triển.

Nhưng có lẽ chỉ có ở con người, loại sinh vật có khả năng tự ý thức cao độ, hành vi này mới gây ra tranh cãi.

Người ta không thể học mà không bắt chước, nhưng một người nếu chỉ biết bắt chước thì sẽ lập tức được gán cho cái mũ “con vẹt” hoặc “con bò nhai lại”.

Trong một xã hội tự do, văn minh, mỗi con người với khả năng tư duy độc lập phi thường của bản thân, luôn được khuyến khích “làm chính mình” thay vì thuần túy đi bắt chước thiên hạ.

Vậy nhưng trong rất nhiều trường hợp, tham vọng chiến thắng bằng mọi giá cùng nỗi sợ hãi mơ hồ về việc phải thua kém “đối thủ” khiến người ta không đủ tỉnh táo để có thể làm chính mình, thay vào đó lựa chọn nhắm mắt đưa chân theo người khác.

***

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2019 mang tựa đề “False flags”, giáo sư Jan-Werner Müller – Khoa Chính trị tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ – đã phân tích chỉ ra sai lầm của nhiều người khi họ không những dễ dàng gật đầu chấp nhận luận điệu cắt gọt của những người dân túy theo đường hướng dân tộc (nationalist populism), mà còn nhanh nhảu bắt chước chính lối tư duy bẻ cong ánh sáng đó. Lựa chọn lười biếng dễ dãi này chỉ dẫn đến kết cục thất bại và đánh mất chính mình.

Phần dưới đây là bài lược dịch từ bài gốc tiếng Anh. Bài lược dịch không nhất thiết tuân theo đúng cấu trúc của bài gốc, có thể lược bỏ một số phần và diễn đạt lại ý của một số phần khác sao cho dễ hiểu trong tiếng Việt.

***

Có một lối giải thích đang dần trở nên phổ biến, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trong giai đoạn gần đây là một hiện tượng bình thường, đương nhiên phải xảy ra. Những người này cho rằng giai đoạn lên ngôi của chủ nghĩa toàn cầu (globalism), của nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới gắn kết thời hậu Thế Chiến II chỉ đơn giản là một cú chập điện, và bản năng bầy đàn bè phái của nhân loại sau một lúc ngủ quên giờ lại được đánh thức.

Suy nghĩ này có vẻ được ủng hộ bằng thực tế, khi làn sóng chủ nghĩa dân tộc tràn qua không chỉ ở những quốc gia độc tài lớn nhất thế giới (như Trung Quốc) mà còn vỗ mạnh vào những nền dân chủ đông dân nhất toàn cầu (bao gồm Brazil, Ấn Độ và Mỹ). Làn sóng này dường như làm lộ ra hố sâu ngăn cách giữa những người theo chủ nghĩa đại đồng (cosmopolitans) và những người theo chủ nghĩa dân tộc (nationalists) – một bên kêu gọi xây cầu kết nối, một bên chủ trương rút ván đóng cửa.

Sự co mình, xù lông tự vệ của những người theo chủ nghĩa dân tộc được diễn giải như một hành động phản kháng trước những hậu quả của toàn cầu hóa, và khát vọng khôi phục đặc tính dân tộc đang bị đe dọa của họ.

Trên thực tế, đấy là cách diễn giải xiên vẹo một chiều của những người dân túy khoác lên mình chiếc mũ dân tộc. Không may ở chỗ, họ không chỉ thành công trong việc thuyết phục những người ủng hộ mình, mà còn khiến các đối thủ cũng tin theo thực tế bóp méo này.

Càng tin vào câu chuyện của những người dân túy, càng bắt chước tư duy và hành xử của họ, những người theo chủ nghĩa tự do sẽ càng bị dẫn dắt. Từ đó, các thể chế chính trị của phe trung tả (center-left) lẫn trung hữu (center-right) sẽ giúp tạo ra một thực tế mới mà chính họ đấu tranh chống lại: xã hội ngày càng đóng, hợp tác quốc tế ngày càng bị thu hẹp, các vấn đề quan trọng toàn cầu cần sự chung tay giải quyết của tất cả nhân loại càng gặp bế tắc.

Ai là “nhân dân thật sự”

Chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa dân túy (populism) thường bị đánh đồng làm một, nhưng thực chất đó là hai loại tư duy rất khác biệt.

Làn sóng trỗi dậy trong những năm gần đây cũng không phải là của chủ nghĩa dân tộc nói chung, mà chỉ là một loại của nó: chủ nghĩa dân túy với chiếc mũ dân tộc (nationalist populism).

Hiểu theo cách đơn giản nhất, chủ nghĩa dân tộc khuyến khích các cộng đồng văn hóa riêng sở hữu nhà nước riêng của mình, và cho rằng những người cùng dân tộc trên hết phải trung thành và ưu tiên cho nhau thay vì với những dân tộc khác.

Chủ nghĩa dân túy trong khi đó có thể được xem là cách gọi vắn tắt của “tư duy chống lại những kẻ cầm quyền” (criticism of elites). Khi ở vị thế đối lập, những người theo chủ nghĩa dân túy đều có xu hướng chống lại chính phủ nắm quyền và những đảng phái khác.

Một đặc điểm quan trọng trong tư duy của những người dân túy là việc luôn cho rằng họ, chỉ có họ, mới có tư cách đại diện cho “nhân dân thật sự”, hoặc “đại bộ phận quần chúng bị cướp đi tiếng nói”.

Với tiền đề đó, họ bác bỏ tư cách của tất cả những ai, ngoài họ, muốn đại diện cho dân, thực hiện quyền lực chính trị. Sự công kích của những người dân túy dành cho đối thủ luôn đậm tính cá nhân và mang đầy màu sắc đạo đức: các đối thủ của họ, bất kể là ai, đều mục ruỗng, vô đạo.

Nhưng chừng đó là chưa đủ. Những người dân túy không chỉ chống lại các hệ thống và giá trị hiện có (anti-establishment), chống lại tầng lớp tinh hoa (elites), họ còn sẵn sàng gạt bỏ bất kỳ người dân nào không chịu chụp chiếc mũ của phe họ. Những ai không theo họ “không phải là những công dân thực sự”: không xứng đáng là người Mỹ, không có tính cách của người Ba Lan, không có dòng máu của người Thổ Nhĩ Kỳ, vân vân và vân vân…

Một xã hội đa nguyên về văn hóa và chính trị là kẻ thù không đội trời chung của những người theo chủ nghĩa dân túy.

Một tranh cổ động ủng hộ Trump với câu cửa miệng của ông này ‘Drain the swamp’ (Dọn khô đầm lầy). Ông luôn tự nhận mình là người sẽ đả bại những hệ giá trị hiện hữu mục ruỗng, xấu xa trong nền chính trị Hoa Kỳ. Ảnh: Ben Garrison, theo ảnh.

Điều đó giải thích vì sao khi những lãnh đạo dân túy nắm được quyền lực, bằng cách này hay cách khác họ đều tìm cách đưa đất nước đi theo đường lối chuyên quyền độc đoán (authoritarian), đặc biệt khi các lực lượng kiểm soát cân bằng quyền lực như nền tư pháp độc lập và báo chí tự do bị gông cùm, không đủ sức mạnh chống trả.

Sự lũng đoạn quyền lực này của các lãnh đạo dân túy đều được thực hiện dưới cùng một chiêu bài: thực thi nguyện vọng của người dân.

Nơi nào có xung đột, nơi đó là mảnh đất màu mỡ để những người dân túy vẫy vùng. Họ vươn mình bằng cách tạo ra một cuộc chiến văn hóa bất tận. Mọi vấn đề đều được họ cắt tỉa tới mức tối giản về việc chọn phe: bất kỳ ai trái ý họ đều được chụp chiếc mũ “kẻ thù của nhân dân”.

Chủ nghĩa dân túy vì vậy không phải là một học thuyết (doctrine). Nó giống một chiếc mũ hơn.

Những người dân túy nhét đầy chiếc mũ lớn đó bằng đủ thứ mũ nhỏ, xem ai mới được tính là “nhân dân thật sự” và nhân dân thật sự sẽ muốn những gì. Về các chiếc mũ nhỏ, chúng lại có muôn hình muôn dạng, có thể tô màu cánh tả lẫn cánh hữu.

Từ những năm cuối thập niên 1990 cho đến khi qua đời vào năm 2013, nhà lãnh đạo dân túy cánh tả Hugo Chávez đã tạo ra cơn ác mộng chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ thứ hai mươi mốt tại đất nước Venezuela, làm sụp đổ hoàn toàn nền kinh tế quốc gia, chụp chiếc mũ ác quỷ lên đầu tất cả những ai chống lại ý muốn của mình.

Ngày nay, những người dân túy cánh hữu chủ yếu xoáy sâu vào các chiêu bài như sự bất mãn của người dân đối với những định chế quốc tế (cho dù quốc gia của họ hoàn toàn tự nguyện gia nhập), chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, và tâm thế chống lại các dự án viện trợ phát triển cho những quốc gia khác.

Họ thường xuyên gộp chung chủ nghĩa bản địa (nativism, ưu tiên cho những người sinh ra tại địa phương) và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (racism), cổ xúy ý tưởng rằng chỉ có những công dân được sinh ra tại đất nước này mới xứng đáng được hưởng lợi ích, có công ăn việc làm, đồng thời ám chỉ một số cộng đồng người nhập cư sẽ không bao giờ có thể trở thành công dân trung thành với đất nước.

Cần nói rõ, không phải ai theo chủ nghĩa dân tộc cũng là một người dân túy. Một nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể trung thành với lợi ích dân tộc mà không cần phải tuyên bố “chỉ có tôi mới được đại diện cho dân tộc này”.

Ngày nay, tất cả những người dân túy cánh hữu đều đang mang chiếc mũ dân tộc. Họ hứa hẹn giành lại quyền lực về tay “những người dân thật sự”. Định nghĩa “người dân thật sự” của họ, tuy vậy, lại không bao giờ bao gồm tất cả mọi người dân.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu Brexit quyết định việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), lãnh đạo của đảng cực hữu UKIP (đảng Vương quốc Anh Độc lập) Nigel Farage tuyên bố đây là thắng lợi cho “những người dân thật sự”. Với kết quả 48% người bỏ phiếu muốn ở lại trong EU, tuyên bố này không khác gì ám chỉ rằng 48% người dân đó không phải là những thành viên xứng đáng của đất nước.

Đừng vội lướt theo cơn sóng ảo

Trong làn sóng dâng cao của chủ nghĩa dân túy mang màu sắc dân tộc, các chính trị gia dân túy đã rất nhanh chóng học hỏi được kinh nghiệm của nhau.

Khi Viktor Orban thành công trong việc nắm quyền ở Hungary (có thủ đô là Budapest), lãnh đạo đảng dân túy Luật pháp và Công lý (Law and Justice) của Ba Lan Jaroslaw Kaczynski hào hứng tuyên bố muốn tạo ra một “Budapest trong lòng Warsaw”, và bắt chước các chiến lược tranh cử và cách thức điều hành của người đồng nghiệp Hungary.

Phía bên kia địa cầu, Jair Bolsonaro trở thành lãnh đạo nhờ giơ cao chiêu bài chống lại chính sách nhập cư (dù trên thực tế số lượng người rời khỏi Brazil nhiều hơn số người đi vào) với khẩu hiệu “Brazil là số một, Chúa đứng trên tất cả”.

Tổng thống Brazil đương nhiệm Jair Bolsonaro. Ảnh: The Independent.

Toàn cầu hóa và xu hướng hội nhập đa dạng về văn hóa đã tạo nên những hậu quả tiêu cực. Những người dân lãnh nhận các hậu quả đó ngày càng trở nên bất mãn. Các chính trị gia dân túy thấy được tâm tư nguyện vọng đó, nhanh chóng đáp ứng và trở thành cứu tinh trong mắt họ.

Câu chuyện ở trên không chỉ là phiên bản mà những người dân túy thích thú kể lại. Nhiều học giả và những người theo chủ nghĩa tự do cũng tin theo và kể lại theo cách tương tự.

Dù thường xuyên chỉ trích những người dân túy về việc truyền bá các thông điệp cắt đầu cắt đuôi, bóp méo sự thật, những học giả và chính trị gia theo đường lối tự do lại vô tư đón nhận lối giải thích xiên vẹo cho sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy.

Bằng cách đó, họ không những vô tình mặc áo đối thủ mà còn tích cực PR miễn phí cho những câu chuyện huyền thoại về sự thành công của những người dân túy.

Thực tế là một câu chuyện khác.

Trường hợp thủ tướng Viktor Orban của Hungary là một ví dụ. Sau thắng lợi ở cuộc bầu cử quốc hội năm 2010, Orban tuyên bố đây là “cuộc cách mạng tại các phòng bỏ phiếu”, và sự kiện này minh chứng cho việc người dân ủng hộ chế độ “dân chủ phi tự do” trên nền tảng “của đạo Cơ đốc và chủ nghĩa dân tộc” mà ông quảng bá. Trong khi sự thực đơn giản là đa phần người dân Hungary chán ngán với chính phủ cánh tả nước này, và họ làm động tác kinh điển của người dân trong một thể chế dân chủ: bỏ phiếu cho đảng đối lập chính của đất nước.

Ở kỳ bầu cử tiếp theo vào năm 2014, câu chuyện được ngả theo một hướng khác. Trong thời gian nắm quyền, Orban đã thành công trong việc phân chia lại các khu vực bầu cử theo hướng có lợi cho đảng Fidesz của mình. Khi nắm quyền lực vào năm 2010, Orban tuyên bố thành lập một “Hệ thống Hợp tác toàn dân tộc ” (System of National Cooperation), một học thuyết bao trùm chi phối tất cả các mặt đời sống chính trị xã hội của Hungary, trong đó bao gồm những biện pháp thô bạo hạn chế sự đa dạng độc lập của giới truyền thông và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Ông cũng đồng thời thực thi các biện pháp làm suy yếu tính độc lập của ngành tư pháp cùng các định chế kiểm tra và cân bằng quyền lực khác của đất nước.

Cuộc bầu cử tổng thống ồn ào của Mỹ vào năm 2016 cũng là một câu chuyện khác với phiên bản được thêu dệt. “Nhân dân” ở đây không hẳn nhất nhất đồng tâm ủng hộ lá bài “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump dựng nên. Thay vào đó, những cử tri của đảng Cộng hòa đơn thuần đi bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình, người được sự ủng hộ nhiệt thành của những nhân vật tai to mặt lớn trong đảng (như Chris Christie, Newt Gingrich, Rudy Giuliani) cùng sự lăng xê vô điều kiện từ những kênh truyền hình trung thành như Fox News.

Donald Trump không phải là một ứng viên tổng thống kiêm chính trị gia điển hình như những người trước đó, nhưng cũng không hề là một lãnh đạo có xuất thân từ quần chúng, gầy dựng phong trào chống toàn cầu hóa. Trump đơn giản là ứng viên của một trong hai đảng lớn nhất của Mỹ. Như hai nhà khoa học chính trị Christopher Achen và Larry Bartels từng nhận định, cuộc bầu cử có vẻ gây sốc này về bản chất là một sự kiện khá bình thường: cuộc đua giữa một ứng viên phi điển hình của đảng Cộng hòa (Donald Trump) và một ứng viên cực kỳ không được lòng người của đảng Dân chủ (Hillary Clinton).

Tương tự, đa phần người Brazil cũng không bỏ phiếu cho Bolsonaro để có một chế độ độc tài quân sự theo đường lối dân tộc. Tuyệt đại đa số những người ủng hộ ứng viên này đã quá chán ngán với mức độ tham nhũng tràn lan của hệ thống chính trị ở đây. Họ mất niềm tin và không còn muốn trao tiếp cơ hội cho đảng Lao động cánh tả của nước này. Trong khi đó, Bolsonaro lại còn được sự tiếp sức từ giới nông nghiệp, tài chính và công nghiệp, cộng thêm sự ủng hộ của những nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo đầy sức ảnh hưởng.

Nhà khoa học chính trị Cas Mudde đã chỉ ra rằng, những người dân túy theo đường lối dân tộc thường không đại diện cho “số đông bị mất tiếng nói” như họ hay gào thét. Thay vào đó, họ đại diện cho “thiểu số rất lớn tiếng”.

Thứ đẩy họ lên chiếc ghế quyền lực không phải là thứ tư tưởng có sức mạnh lịch sử không thể chối bỏ nào. Họ được ủn lên chiếc ghế nóng chủ yếu nhờ vào sự ủng hộ và bắt tay của phe trung hữu, như trường hợp của Trump, Bolsonaro, hay những người vận động ủng hộ Brexit. Cũng lại có trường hợp như Viktor Orban của Hungary, lên ngôi nhờ việc biết che giấu đi một phần ý đồ thay đổi đất nước của mình.

Một khi lên nắm quyền, hầu hết những nhà lãnh đạo dân túy đội chiếc mũ dân tộc đều không tìm cách để “trả lại quyền lực” cho dân như lời họ hứa hẹn. Thay vào đó, họ tổ chức những sô diễn chính trị nặng tính hình thức như cho xây tường (vốn không có tác dụng ý nghĩa gì trong thực tế ngoại trừ việc kích thích thêm thù hằn với các cộng đồng thiểu số) hoặc lâu lâu ra lệnh nhà nước tịch thu quốc hữu hóa một công ty đa quốc gia nào đó. Đằng sau sân khấu, những nhà lãnh đạo này lại rất cởi mở hợp tác với các định chế quốc tế và những tập đoàn đa quốc gia. Diễn được tròn vai “người giành lại quyền tự quyết cho quốc gia” đối với họ quan trọng hơn là thực sự giúp đất nước có được quyền tự quyết đó trên thực tế.

Trump là một ví dụ. Ông đã đe dọa trừng phạt nhiều công ty có kế hoạch đóng cửa các cơ sở hoạt động ở Mỹ. Nhưng ông cũng đồng thời cho tháo bỏ hàng loạt điều luật hỗ trợ người lao động, khiến những người lao động khó tin được Trump thực sự quan tâm bảo vệ họ.

Tương tự, trong chiến dịch tranh cử Trump liên tục chỉ trích Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nhưng sau cùng ông lại đàm phán ký với Canada và Mexico các thỏa thuận thương mại mới mà phần nhiều các điều khoản giống hệt NAFTA.

Ở Hungary, Viktor Orban đã cho quốc hữu hóa vài ngành công nghiệp và chỉ trích các tập đoàn nước ngoài mà ông cho là bóc lột người dân nước này. Nhưng mới đây chính phủ của Orban lại thông qua đạo luật cho phép người sử dụng lao động yêu cầu nhân viên làm thêm đến 400 giờ mỗi năm (luật cũ giới hạn 250 giờ), và được phép chậm thanh toán khoản lương cho số việc làm ngoài giờ này tới tận ba năm. Những người hưởng lợi lớn nhất từ đạo luật mới này (được nhiều người đặt cho cái tên “luật nô lệ”) là các nhà sản xuất xe hơi Đức vốn đang tuyển dụng hàng ngàn lao động Hungary.

Hàng chục nghìn người lao động tại Hungary dùng đèn flash điện thoại để rọi vào Tòa nhà Quốc hội Hungary, phản đối các quy định lao động mà họ gọi là ‘đạo luật nô lệ’. Ảnh: Peter Kohalmi/AFP

Không phải xung đột nào cũng dính tới văn hóa

Nhiều chính trị gia, đặc biệt những người từ các đảng phái trung hữu, đã và đang bị lép vế khi đối mặt với làn sóng dân túy. Để phản kháng, họ chọn một chiến lược đặc biệt: bắt chước đối thủ.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và thủ tướng Hà Lan Mark Rutte là hai ví dụ. Cách họ đấu lại những đối thủ từ phe cực hữu là gồng mình qua mặt đối phương bằng các phát ngôn mạnh bạo cứng rắn về các chủ đề người tị nạn, Hồi giáo và nhập cư. Chiến lược này, bị chỉ trích với cái tên “bắt chước để tự sát” (destruction through imitation), không những không đem lại hiệu quả về lâu dài, nó còn gây tổn hại nghiêm trọng cho nền dân chủ của Châu Âu.

Đơn giản vì những người bắt chước sẽ không bao giờ làm cho dân say được bằng những người dân túy “xịn”.

Với bản chất chống lại các hệ thống và giá trị hiện có (anti-establishment), những chính trị gia dân túy không bao giờ thỏa mãn và thỏa hiệp trước bất kỳ đề nghị nào từ những người khác. Chỉ có họ và duy nhất họ mới có tư cách để đại diện cho “nhân dân thật sự”. Những người ủng hộ họ cũng sẽ hứng thú với bản gốc hơn là các phiên bản bắt chước gượng gạo.

Một vấn đề đáng lo ngại hơn nằm ở cách hiểu lệch lạc về thể chế dân chủ.

Những đảng phái chính trị cầm quyền ban đầu dẹp bỏ các luận điệu kích động thù hằn, tuyên truyền dối trá của những người dân túy. Sau đó khi thấy sự ủng hộ dành cho những dân túy gia tăng cao, các lãnh đạo cầm quyền này quay ngoắt, gật gù đồng tình rằng những người dân túy đã gãi đúng chỗ ngứa của người dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng cũng như các mối âu lo của họ mà trước giờ bị lãng quên. Các chính trị gia dân túy bỗng chốc trở thành những chuyên gia thẩm thấu có tầm nhìn xa, phát hiện được các xu hướng chuyển dịch của lịch sử, thay đổi được tương lai với tầm nhìn đó của mình.

Trong cách hiểu của tất cả những người này, chế độ dân chủ là hệ thống phản ánh một chiều, hoàn toàn máy móc các lợi ích, tư duy và cả đặc trưng tính cách của người dân.

Trên thực tế, hệ thống dân chủ không phải là mối tình đơn phương. Nó là quan hệ đa phương phức tạp giữa tất cả các thành viên – những chính trị gia, các phương tiện truyền thông, các tổ chức xã hội, những cử tri, cả bạn bè và gia đình họ, nơi mà tất cả đều tác động ảnh hưởng sâu rộng đến nhau.

Vì vậy những người được bầu làm đại diện không chỉ thay mặt dân, đơn thuần phản ánh tâm tư sở nguyện của dân. Họ còn tác động ngược lại đến suy nghĩ quan điểm của chính những người mà mình đại diện.

Những người dân túy, vô tình hay cố ý, hưởng lợi rất lớn từ quá trình tác động hai chiều này. Đó là khi các phương tiện truyền thông, những học giả gật gù với luận điệu của họ, chụp lên đầu chiếc mũ mà họ rao bán, giúp lan truyền các thông điệp dân túy.

Các câu chuyện dễ dãi về những “người dân bình thường” mang cảm giác “bị bỏ rơi” hoặc “thiếu tôn trọng”, lo sợ “văn hóa của mình bị hủy hoại” được kể nhan nhản trên khắp các phương tiện truyền thông. Nhưng nó có phải là câu chuyện phản ánh chính xác và toàn diện thực tế hay không, đây là điều cần phải được suy xét cẩn trọng.

Người ta có thể giải thích nguyên do cuộc biểu tình áo vàng ầm ĩ suốt nhiều tháng trời qua ở Pháp là do chính quyền không tôn trọng “văn hóa sống” của người dân ở các khu vực nông thôn và ngoại ô, khi quyết định tăng thuế nhiên liệu và siết chặt giới hạn tốc độ di chuyển ở các khu vực này. Nhưng ở một góc nhìn khác, chính quyền Pháp đơn giản đã không nhìn thấy trước tác động và ảnh hưởng của các chính sách cụ thể lên từng nhóm đối tượng dân chúng. Vấn đề của họ không nằm ở việc thiếu tôn trọng văn hóa riêng của từng cộng đồng. Vấn đề là chính quyền đã không phân phối công bằng trong các chính sách (distributive justice).

Khắp châu Âu và ở nước Mỹ, hàng triệu người – đặc biệt là những người da trắng lớn tuổi – nghe các phóng viên, những nhà phân tích, bình luận chính trị, ra rả liên tục ngày và đêm nói về mình. Qua miệng của các chuyên gia đó, họ là những nạn nhân của sự bất công, bị giới cầm quyền phớt lờ, thiếu tôn trọng.

Các xung đột giữa người dân khu vực thành thị và nông thôn cũng được kịch tính hóa, thêm vào những chiếc mũ bản sắc, văn hóa riêng biệt của từng cộng đồng. Trong khi trên thực tế, rất nhiều trường hợp nó thuần túy là xung khắc lợi ích đến từ các chính sách công hay các dự án phát triển hạ tầng: từ chênh lệch giá vé máy bay đến các khu vực xa xôi, vai trò của các ngân hàng địa phương, đến các quy định giá nhà ở tại các thành phố lớn.

Bằng cách ngoan ngoãn đội chiếc mũ dân túy lên đầu, liên tục thay lời muốn nói hộ người dân, các chính trị gia cầm quyền, những nhà báo, phóng viên, nhà bình luận … tạo ra một thứ “tiên tri tự biên tự diễn” (self-fulfilling prophecy). Những cử tri ban đầu bỏ phiếu cho các đảng cực hữu như AfD (đảng Lựa chọn khác cho nước Đức) hay cho Donald Trump vốn chỉ nhằm thể hiện sự bất mãn với chế độ hiện hành. Nhưng ngày này qua tháng khác, họ liên tục được chụp lên đầu chiếc mũ “kẻ cực hữu” hay “fan của Trump”. Đến một lúc nào đó, những người này sẽ chấp nhận đội luôn chiếc mũ đó, và ngả hẳn về phía những người mà ban đầu họ không hề có chút gắn bó hay trung thành nào.

Vậy là nhờ khả năng bắt chước như vẹt mà không thèm suy xét cẩn thận, các “chuyên gia” đầy hiểu biết rất có thể góp phần thay đổi toàn bộ xu hướng chính trị của một đất nước, thậm chí là cả khu vực, theo đúng cái hướng mà bản thân họ vẫn luôn lo sợ.

Đừng học những con vẹt

Người dân không quan tâm nhiều đến chiếc mũ dân tộc như những người dân túy vẫn rêu rao. Các xung đột, về bản chất, nằm ở việc phân chia lợi ích vật chất chứ không phải ở các giá trị văn hóa.

Luận điểm trên không gạt phăng đi các vấn đề về văn hóa, về bản sắc dân tộc, cho dù nó bị những người theo chủ nghĩa dân túy lợi dụng làm chiêu bài để tuyên truyền kích động. Thay vào đó, đây là lời nhắc nhở, rằng trong rất nhiều trường hợp, các tổ chức, cá nhân đã quá hăng hái nhanh nhảu dùng những yếu tố văn hóa, bản sắc để giải thích các vấn đề chính trị. Họ không chỉ nhập bọn, mà còn làm thay phần việc tuyên truyền của những người dân túy.

Một ví dụ điển hình là vấn đề “mở cửa biên giới” (open borders).

Đây được xem là một trong những xung khắc chính giữa những người dân túy và những ai theo chủ nghĩa toàn cầu (globalists). Vấn đề này bị tấn công chỉ trích và trở nên nhạy cảm đến mức, ngày nay, ngay cả những đảng trung tả (center-left) cũng không muốn công khai ủng hộ ý tưởng mở cửa này.

Trên thực tế, chưa từng có lãnh đạo có ảnh hưởng nào cổ xúy cho việc mở cửa hoàn toàn biên giới. Ngay cả trong giới triết gia nghiên cứu về chính trị, những người thường tự do phát ngôn mà không phải suy nghĩ đến phiếu bầu lẫn các hệ quả thực tế, cũng chỉ có một số rất ít ủng hộ việc phá bỏ hoàn toàn các đường biên giới quốc gia.

Những người ủng hộ thương mại tự do không phải không có sai lầm. Họ quá lạc quan và phi thực tế khi đảm bảo tất cả mọi người đều sẽ hưởng lợi từ một thế giới gắn kết hơn. Họ cũng cao ngạo cho rằng tầm nhìn của mình về một thế giới tự do là chuyện hiển nhiên, chỉ có kẻ ngớ ngẩn mới nghi ngờ việc đó. Thái độ này thể hiện rõ nhất qua phát biểu của cựu thủ tướng Anh Tony Blair vào năm 2005, khi ông tuyên bố những tranh luận về toàn cầu hóa giống như “tranh cãi xem hết mùa hè liệu có phải tới mùa thu hay không.”

Những người dân túy đội chiếc mũ dân tộc không mấy quan tâm đến việc sửa chữa những sai lầm đó. Thay vào đó, họ lợi dụng khai thác, nhập nhằng gom tất cả những người ủng hộ toàn cầu hóa, những kẻ trốn thuế xuyên quốc gia, các nhà đầu tư tài chính giàu sụ, và các nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, những người nhập cư, người tị nạn, cùng nhiều nhóm thiểu số khác – bỏ chung hết vào một nồi, nhóm lửa lên và hò hét để tiêu diệt “bọn chúng” nhằm cứu lấy “chúng ta”.

Luôn có những xung đột ẩn sâu và chính đáng trong các vấn đề phức tạp về thương mại, người di cư, và việc sắp xếp trật tự quốc tế. Những người theo chủ nghĩa tự do phải thuyết phục các cử tri bằng các hành động cụ thể, đem lại lợi ích đong đếm được cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người chịu bất lợi.

Họ không thể tự cho mình là đúng, buộc người khác phải ngoan ngoãn nghe theo. Họ cũng không nên bắt chước luận điệu của những người dân túy, của các chính trị gia cơ hội gió chiều nào theo chiều đó, hoặc của các chuyên gia sống trong lồng chỉ biết bám chết tư duy hiểu biết của mình.

Lựa chọn như trên sẽ chỉ khiến những người theo chủ nghĩa tự do không những chưa đánh đã thua mà còn phản bội lại những giá trị tốt đẹp nhất mà họ giữ gìn.

***

(Hết phần lược dịch)

Vẹt là một loài chim đặc biệt, được nhiều người thích thú vì có khả năng bắt chước tiếng nói của người. Nhưng cho dù vẹt có “nói” giỏi đến đâu, không có con người nào học nói bằng cách bắt chước vẹt.

Con người cũng không học nói bằng cách hoàn toàn bắt chước một người nào khác. Mỗi người tổng hợp từ tất cả và tự cho ra một giọng nói, cách nói riêng biệt của chính mình. Không ai đóng được và cũng không ai nên đóng vai của người khác.

Điều đó không chỉ đúng với một thứ (có vẻ) đơn giản như học nói.

Mọi thứ trên đời đều có thể được liên tưởng trong câu nói nổi tiếng (thường được gán cho Oscar Wilde): “Be yourself, everyone else is taken.”

Hãy đóng vai của chính mình. Những vai khác đều đã có người diễn.

Từ khoá:

tầng lớp lao động: working class (np);
xung đột văn hóa: cultural conflict (np);
chủ nghĩa toàn cầu: globalism (n), nhà toàn cầu hóa: globalist (n)  
chủ nghĩa dân túy: populism (n)
chụp mũ: label (v), falsely label / Provoked by wartime hysteria, some falsely labeled us Communists.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.