Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vấn đề dùng hình phạt thân thể trong nhà trường Việt Nam đang được dư luận trong nước chú ý trở lại, sau các lùm xùm liên quan đến vụ việc một cô giáo tại một trường trung học ở Thường Tín (Hà Nội) bị đình chỉ dạy học chờ xử lý kỷ luật vì đã phạt học sinh quỳ trước cửa lớp.
Lần gần đây nhất vấn đề này được dư luận chú ý đặc biệt là vào năm 2018, một cô giáo ở Quảng Bình bắt 23 học sinh cùng lớp thay phiên nhau tát 230 cái vào mặt một học sinh bị phát hiện nói tục.
Lần đó, dư luận trong nước đa phần khá đoàn kết trong việc thể hiện phẫn nộ với hình thức kỷ luật được xem là độc ác của cô giáo. Do tính nghiêm trọng của sự việc, cô giáo này cũng đã bị khởi tố bị can với cáo buộc một tội hình sự – tội hành hạ người khác. Hiện không rõ kết quả của quyết định khởi tố bị can này ra sao và quy trình tố tụng đã đi đến đâu.
Năm 2019: tranh luận đa chiều về hình phạt thân thể trong nhà trường
Đáng chú ý là năm 2019, trước sự việc cô giáo phạt quỳ học sinh ở Thường Tín, dư luận trong nước đã có phản ứng ít đồng nhất hơn.
Mặc dù vẫn có những tiếng nói phê phán phản đối và những lời than thở, nhưng lần này, có thể thấy dư luận đã tỏ thái độ đa dạng hơn: vừa phê phán vừa thông cảm, hoặc trăn trở tìm một điểm cân bằng trong việc xử phạt học sinh, hoặc là thẳng thừng vừa bênh cô giáo vừa công kích việc không cho phép dùng hình phạt quỳ với học sinh hư.
Trong đó, bài viết tựa đề “Quỳ không chết, con hư mới chết!” bảo vệ cô giáo và ủng hộ phạt quỳ để duy trì kỷ luật học đường đã trở thành một trong những bài viết được lan truyền, chia sẻ và ủng hộ nhiệt liệt trên mạng xã hội trong những ngày qua.
Đồng tình, một số người dùng mạng xã hội Việt Nam cũng đưa giai thoại quen thuộc “nhờ hồi xưa bị đánh bị quỳ nên bây giờ mới thành người” từ trải nghiệm cá nhân của họ ra làm bằng chứng ủng hộ việc thầy cô giáo phạt quỳ, phạt đánh học sinh.
Nhiều người bức xúc với việc các thầy cô giáo đang ngày càng bị luật pháp và cha mẹ học sinh “trói tay”, “tước hết uy quyền” khiến cho các thầy cô giáo bất lực trước những học sinh ngỗ nghịch vô kỷ luật trong lớp.
Câu tục ngữ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” lại liên tục được đưa làm luận điểm bảo vệ cô giáo, ủng hộ việc phạt quỳ nói riêng và các hình phạt thân thể dành cho học sinh hư nói chung.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, một cựu nhà báo có tiếng cũng góp ý ủng hộ phạt quỳ. Với một cách diễn đạt hơi trúc trắc và dư thừa cảm tính, cựu nhà báo này còn đẩy tranh luận đi xa hơn nữa bằng việc cho rằng bảo vệ quyền lợi của học sinh chống lại các hình phạt như phạt quỳ là một hình thức đòi “bình đẳng bình quyền” có thể khiến “văn minh thụt lùi”.
Cựu nhà báo này sau đó lại gián tiếp công nhận phạt quỳ là một hình thức trừng phạt thân thể học sinh, tuy nhiên trong một luận điểm liên quan một cách khiên cưỡng đến… cường quyền, ông vẫn khẳng định rằng “phạt quỳ là giáo dục cho con trẻ sự khiêm nhường và lòng tự trọng”.
Từ tranh cãi nảy lửa đến tranh luận đúng chủ đề
Tạm bỏ qua những lùng nhùng sâu chuỗi dính dáng đến những thứ trừu tượng và dễ làm trôi chủ đề chính như vị cựu nhà báo đã tạo ra, chúng ta có thể đúc kết cuộc tranh luận đang diễn ra này theo cách báo Dân Trí tổng hợp khá xúc tích, đó là một “tranh cãi nảy lửa “muốn để học sinh quỳ hay học sinh hư?””.
Tranh cãi này thật sự không chỉ liên quan đến hình thức phạt quỳ. Bên cạnh vụ phạt quỳ ở Thường Tín, dư luận những ngày qua cũng đang quan tâm đến các vụ việc gần đây khi giáo viên dùng các hình phạt khác ảnh hưởng đến thân thể học sinh, như đánh đòn hay phạt thụt dầu.
Tranh cãi này cũng cho thấy nó không đơn thuần chỉ là một bất đồng về biện pháp giáo dục diễn ra giữa các thầy cô giáo, hay giữa các bậc phụ huynh học sinh với nhà trường.
Nó thực sự thể hiện va chạm sâu sắc giữa hai luồng quan điểm vẫn đã luôn tồn tại ở Việt Nam: Một bên cho rằng hình phạt thân thể dùng vũ lực (bất kể hình thức nào) luôn là biện pháp uốn nắn có hiệu quả nhất trong môi trường sư phạm của Việt Nam, và một bên cho rằng hình phạt thân thể dùng vũ lực cùng triết lý “thương cho roi cho vọt” đứng sau nó không còn phù hợp cho giáo dục Việt Nam thời hiện đại.
Vấn đề mấu chốt trong bất đồng giữa hai luồng quan điểm này chính là tính hiệu quả thực tế của hình phạt thân thể, và theo đó là của chính triết lý “thương cho roi cho vọt”.
Tuy nhiên, trước khi bàn đến vấn đề mấu chốt đó, chúng ta cần làm rõ một số khái niệm cơ bản.
Có cần phân biệt hình phạt thân thể và hình phạt hạ nhục?
Không tìm thấy định nghĩa về hình phạt thân thể trong trường học từ các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam.
Từ cái nhìn thông thường, chúng ta có thể thấy rằng đánh đòn hay phạt bắt quỳ đều là những hình phạt ảnh hưởng đến thân thể của người học sinh.
Tuy vậy, nhìn một cách khắt khe hơn, việc đánh đòn và phạt quỳ khác nhau cơ bản vì khi đánh đòn, người giáo viên trực tiếp sử dụng vũ lực với thân thể người học sinh, trong khi việc phạt quỳ không đi kèm việc sử dụng vũ lực trực tiếp đó.
Các văn bản luật và công ước quốc tế bằng tiếng Anh hay dùng khái niệm “corporal punishment” để chỉ hình phạt thân thể. Bản thân từ “corporal” trong “corporal punishment” đã bao hàm ý “liên quan đến thân thể”.
Nội dung Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em quy định ba điều khoản có liên quan đến hình phạt dành cho trẻ em: Điều 19 bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực thân thể và bạo lực tâm lý; Điều 37 bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức trừng phạt tàn ác, bất nhân và có tính hạ nhục; Điều 28 yêu cầu các quốc gia thành viên “phải thi hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng kỷ luật nhà trường được thực hiện phù hợp với nhân phẩm của trẻ em”. |
Theo giải thích của luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, Ủy ban Công ước về Quyền trẻ đã đưa ra định nghĩa hình phạt thân thể là “bất kỳ hình phạt nào mà có sử dụng vũ lực nhằm tạo ra đau đớn hoặc khó chịu cho trẻ, bất kể mức độ”, và bao gồm cả “những hành vi phi vũ lực khác có tính man rợ hoặc hạ nhục”. Theo đó, hành vi phạt trẻ quỳ gối, tuy không bao gồm việc sử dụng vũ lực trực tiếp lên thân thể, vẫn có thể được xem là một ví dụ của hình phạt thân thể vì tính chất hạ nhục học sinh của hành vi đó.
Quan niệm cho rằng các hình phạt hạ nhục không dùng vũ lực trực tiếp vẫn cấu thành hình phạt thân thể – từ lâu cũng đã được một tổ chức quốc tế vận động bảo vệ quyền trẻ em là Quỹ Cứu trợ trẻ em (Save The Children Fund) xác định là định nghĩa chính thức chỉ đạo hoạt động của tổ chức.
Tuy nhiên, trong một báo cáo năm 2015 từ một nghiên cứu kéo dài 15 năm của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) về hình phạt thân thể tại bốn nước đang phát triển bao gồm Việt Nam, các tác giả đã cẩn thận phân biệt rạch ròi giữa “corporal punishment” (hình phạt thân thể) và “humiliating punishment” (hình phạt mang tính hạ nhục).
Theo các tác giả đó, việc bị ép quỳ gối hay bị ép đứng/ngồi trong các tư thế không thoải mái, hay bị ép lao động chân tay phải được xem là các hình phạt mang tính hạ nhục, và nên được xem xét riêng rẽ với hình phạt thân thể.
Riêng rẽ chứ không phải là xem nhẹ hơn. Các tác giả này tán đồng với một số nghiên cứu định tính và định lượng về trẻ em ở châu Phi (của Clacherty và Clacherty năm 2005) và châu Mỹ (của Rojas năm 2011) cho thấy rằng trẻ em thường xem việc phải chịu các hình phạt mang tính hạ nhục cũng tệ hại ngang bằng hoặc thậm chí còn tệ hại hơn việc phải chịu các hình phạt thân thể.
Đó là cách nhìn nhận gián tiếp từ đánh giá hậu quả. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu sử dụng cách nhìn nhận trực diện, xem các hình phạt hạ nhục không dùng vũ lực trực tiếp cũng là các dạng khác nhau của hình phạt thân thể (Hyman 1995; Beazley & cộng sự 2006; Feinstein & Mwahombela 2010; Ba-Saddik & Hattab 2013).
Theo một tổng hợp nhiều nghiên cứu toàn cầu năm 2017 của Elizabeth Gershoff (một trong những chuyên gia hàng đầu về tác động của hình phạt thân thể lên trẻ em), cách tiếp cận này phổ biến trong nhiều nghiên cứu hàn lâm về hình phạt thân thể trong trường học.
Các nghiên cứu nêu trên nhìn vào các hình phạt hạ nhục mà không dùng vũ lực trực tiếp như sau:
– bắt học sinh đứng trong tư thế gây đau đớn,
– bắt học sinh đứng lâu dưới nắng,
– bắt học sinh ngồi tư thế không thoải mái trong thời gian dài,
– bắt học sinh mang vác vật nặng,
– bắt học sinh đào hố,
– bắt học sinh quỳ trên các hòn đá hay quỳ trên các hạt gạo,
– bắt học sinh tập thể dục quá sức không cho nghỉ hay uống nước, và
– bắt học sinh nuốt chất độc hại (ví dụ thuốc lá).
Nhìn từ các hình phạt nói trên, chúng ta có thể thấy rằng dựa vào yếu tố “có bạo lực trực tiếp đến thân thể” hay không để định nghĩa hình phạt thân thể có vẻ là một cách tiếp cận chưa toàn diện. Bạo lực trong thực tế có thể diễn ra gián tiếp, chứ không chỉ gói gọn vào các va chạm trực tiếp lên cơ thể người.
Bằng uy quyền hay bằng lời đe dọa mà chưa dùng tới bạo lực trực tiếp, các giáo viên vẫn hoàn toàn có thể bắt học sinh phải thực hiện một số hành vi không chỉ khiến người học sinh cảm thấy bị hạ nhục mà còn theo nhiều cách cả trực tiếp lẫn gián tiếp gây thiệt hại cho thân thể và sức khỏe của người học sinh.
Việc thực hiện các hành vi đó (bao gồm quỳ gối) không lập tức dẫn đến cái chết, nhưng không phải vì thế mà bỏ qua những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến người học sinh, đặc biệt khi nó được áp dụng liên tục với một số cá thể học sinh nhất định.
Vấn đề chúng ta xét đến tiếp theo, đó là những cảm giác bị hạ nhục và những thiệt hại sức khỏe thân thể đó có đáng là cái giá phải trả để người học sinh “nên người” hay không?
Không đánh, không bắt quỳ là hư?
Trong tổng hợp nhiều nghiên cứu toàn cầu năm 2017 đã nhắc ở trên, nhà nghiên cứu Gershoff chỉ ra rằng mặc cho việc hình phạt thân thể với trẻ em đã chính thức bị Ủy ban Công ước về Quyền trẻ loại ra ngoài vòng pháp luật từ năm 2006, tính tới năm 2017 vẫn còn có đến 69 nước trên thế giới cho phép sử dụng hình phạt thân thể với trẻ em.
Gershoff bình luận là có nhiều công dân và nhiều nhà làm chính sách tại nhiều nước trên thế giới có vẻ không đếm xỉa nhiều đến luật pháp hay quyền trẻ em mà chỉ có thể được thuyết phục bằng dữ liệu khoa học cụ thể.
Nhiều người ủng hộ hình phạt thân thể với học sinh ở Việt Nam có vẻ cũng nhìn nhận vấn đề hình phạt thân thể với trẻ em như thế.
Không thể mặc nhiên xem đó là một cái nhìn vô cảm và xem thường pháp luật. Nhiều người ủng hộ hình phạt thân thể với học sinh không thù ghét trẻ em hay pháp luật, họ đơn thuần xem hình phạt thân thể như một “cái ác cần thiết phải có” (necessary evil) trong bối cảnh đặc thù của giáo dục Việt Nam.
Theo họ, có mối đe dọa từ hình phạt thân thể, các thầy cô có thể quản lý học sinh hiệu quả hơn, học sinh sẽ chịu khó lắng nghe và tuân thủ mệnh lệnh từ thầy cô hơn.
Trong vụ việc ở Thường Tín, nếu lời trần tình “phạt quỳ từ yêu cầu của phụ huynh” của cô giáo trong vụ việc là thật, thì chúng ta có thể thấy là một bên cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc áp dụng hình phạt thân thể với học sinh chính là các bậc cha mẹ.
Công ăn việc làm bộn bề, nếu như áp lực từ thầy cô nhà trường có thể khiến con mình giỏi hơn, ngoan hơn, tốt hơn thì cha mẹ nào mà dễ từ chối?
Nhưng, liệu những người ủng hộ hình phạt thân thể đang giữ niềm tin bằng các dữ liệu khoa học thực tế, hay họ đang đơn thuần đem “trải nghiệm tốt của một cá nhân” ra làm cơ sở để “áp dụng rộng rãi một hành vi chưa có kiểm chứng”, theo cách nói của luật sư Duy Hậu?
Nghiên cứu tổng hợp nói trên của Gershoff cho thấy: Tính từ năm 1994 tới năm 2017, trên toàn thế giới đã có khoảng hơn 50 nghiên cứu hoặc khảo sát khoa học tại nhiều nước về ảnh hưởng của hình phạt thân thể lên học sinh.
Các nghiên cứu đó chủ yếu đưa ra các nhận định sau:
– Không có bằng chứng khoa học cho thấy việc hình phạt thân thể nâng cao khả năng học của học sinh.
– Hình phạt thân thể có khả năng cao khiến cho học sinh mất khả năng tập trung, chán trường lớp, ghét thầy cô, muốn bỏ học luôn.
– Hình phạt thân thể tạo ra rủi ro thương tật hoặc tính mạng lớn cho học sinh.
– Hình phạt thân thể có liên quan đến rủi ro mắc bệnh tâm lý và các rối loạn hành vi của học sinh. Các rủi ro rối loạn hành vi được xác định ở học sinh chịu nhiều hình phạt thân thể bao gồm: khả năng bị trầm cảm tăng, khả năng cảm thông kém hơn, ứng xử hung hăng hơn, có thói quen bất tuân mệnh lệnh và nói dối nhiều hơn.
Riêng tại Việt Nam, nghiên cứu của UNICEF mà chúng ta có dịp nhắc đến ở trên cho thấy: Việc chịu hình phạt thân thể thường xuyên từ năm 8 tuổi để lại di chứng là 4 năm sau đó, các em học sinh Việt thường kém tự trọng hơn (low self-esteem). Không chỉ vậy, tác hại của hình phạt thân thể lên khả năng học của học sinh tại Việt Nam cũng rất đáng kể. Nhóm học sinh Việt Nam nào càng chịu hình phạt thân thể nhiều vào năm 8 tuổi thì khi lên 12 tuổi các học sinh đó càng có điểm môn toán thấp hơn.
Như vậy, có bằng chứng khoa học là các hình phạt thân thể, bao gồm cả đánh đòn và các hình thức phạt hạ nhục, không khiến các em học sinh học giỏi hơn, tự trọng hơn, khiêm nhường hơn.
Trái lại, có các bằng chứng khoa học cho thấy các hình phạt thân thể có thể góp phần khiến các em học sinh có rủi ro cao mắc bệnh tâm lý và ứng xử tệ hại hơn về lâu dài.
Những người ủng hộ việc cho phép thực hiện hình phạt thân thể trong môi trường sư phạm Việt Nam chỉ có thể có lý nếu như “thương cho roi cho vọt” đúng là có hiệu quả.
Còn nếu hình phạt thân thể không có hiệu quả sư phạm, tại sao lại phải tiếp tục nuôi dưỡng cái huyền thoại “thương cho roi cho vọt” bằng những câu chuyện cá nhân đơn lẻ?
—
Từ khóa
Hình phạt thân thể: corporal punishment (np)
Hình phạt hạ nhục: humiliating punishment (np)
Quyền trẻ em: children’s rights (np)
Khảo sát: survey (n)
Nghiên cứu định lượng: quantitative study (np)
Nghiên cứu định tính: qualitative study (np)
Đánh bằng roi: caning (n), cane (v)
Phạt quỳ: kneeling (n), kneel (v)
Tính tự trọng: self-esteem (n)
Bạo lực: Violence (n), violent (adj)
Thương tật/Thương tổn: injury (n)
Thương tật thể chất: physical injury (np)
Thương tổn tâm lý: mental injury (np)