Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ruth Bader Ginsburg (1933 – 2020) là thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Bà được Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm vào Tòa Phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ năm 1980, sau đó lại được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện năm 1993, tuyên thệ nhậm chức ngày 10/8/1993. Bà là người phụ nữ thứ hai trở thành thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (sau cựu thẩm phán Sandra Day O’Connor), và là một trong số ít ỏi bốn nữ thẩm phán trong lịch sử Tòa án Tối cao Mỹ, cùng với hai thẩm phán khác là Sonia Sotomayor và Elena Kagan.
Với ánh mắt sắc sảo, nhìn bề ngoài, Ruth Bader Ginsburg có vẻ là người khó tính và nghiêm khắc. Con đường tới Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã không trải đầy hoa hồng đối với người phụ nữ mạnh mẽ và xuất chúng này.
Được coi là nhân vật biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì nữ quyền, bà có một sự nghiệp khiến biết bao luật sư và sinh viên mơ ước. Thẩm phán Ginsburg từng là giáo sư tại trường Luật thuộc Đại học Rutgers (bang New Jersey) và trường Luật thuộc Đại học Columbia (thành phố New York), hai ngôi trường đào tạo luật sư danh giá hàng đầu nước Mỹ. Trước đó, bà tốt nghiệp Đại học Cornell ở Ithaca, New York, năm 1954. Năm 1956, bà theo học tại trường Luật Đại học Harvard, nơi bà là một trong số chín phụ nữ hiếm hoi trong lớp học khoảng 500 sinh viên.
Ở thời điểm ấy, ít ai nghĩ người phụ nữ nhỏ bé này lại có thể trở thành một thẩm phán của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và là người có tiếng nói quyết định thúc đẩy việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại 50 bang ở Mỹ hồi tháng 6/2015.
Luật Khoa tạp chí xin dành một bài viết giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg, nhằm vinh danh người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho quyền bình đẳng giới, quyền của người lao động và sự tách biệt giữa tôn giáo và nền chính trị quốc gia.
Ruth Bader Ginsburg sinh năm 1933 tại Brooklyn, New York, trong thời kỳ Đại suy thoái. Cha của bà, Nathan Bader, là một người bán hàng da lông thú, và mẹ, Celia Bader, làm việc trong một nhà máy dệt quần áo. Từ nhỏ, Ginsburg đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục. Với sự động viên và giúp đỡ không ngừng của mẹ, Ginsburg đã trở thành học sinh xuất sắc của trường trung học James Madison. Mẹ bà – người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống đầu đời của bà – đã qua đời vì ung thư chỉ một ngày trước lễ tốt nghiệp trung học của Ginsburg.
Ginsburg tiếp tục con đường học vấn tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York. Bà là thành viên của Phi Beta Kappa – một trong những tổ chức học thuật danh giá nhất nước Mỹ, nhận bằng cử nhân năm 1954. Cuối năm đó, bà kết hôn với sinh viên luật Martin Ginsburg. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chuyển đến Fort Sill, Oklahoma, tại đây bà làm việc cho Cơ quan An sinh Xã hội trước khi sinh đứa con đầu lòng, Jane, năm 1955.
Năm 1956, sau khi chồng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Ginsburg đăng ký vào trường Luật Harvard và là một trong chín nữ sinh trong một lớp học với hơn 500 nam sinh. Năm 1958, Ginsburg chuyển đến trường Luật thuộc Đại học Columbia, nơi bà tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng ưu năm 1959, ở tuổi 26. Trong suốt những năm đại học, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên có bài nghiên cứu được công bố trên cả tạp chí Luật Harvard và tạp chí Luật Columbia danh tiếng.
Thành tích học tập xuất sắc giúp Ginsburg gần như được “miễn dịch” khỏi thái độ phân biệt giới tính đậm đặc những năm 1960. Thẩm phán Tối cao Pháp viện Felix Frankfurter (1882-1965) từng từ chối thuê Ginsburg làm thư ký chỉ vì bà là phụ nữ. Tuy nhiên, được sự giới thiệu từ phía các giáo sư tại Đại học Columbia, Ginsburg đã được Thẩm phán quận Edmund L. Palmieri tuyển dụng cho đến năm 1961.
Sau đó, bà được rất nhiều công ty luật mời làm việc, song Ginsburg đều từ chối do sự phân biệt giới tính trong mức lương, khi các công ty đưa ra mức lương thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam cho cùng vị trí công việc. Sau đó, Ginsburg quyết định tham gia Dự án Columbia về Tố tụng Dân sự Quốc tế. Vị trí này đòi hỏi bà phải sống ở Thụy Điển trong suốt quá trình nghiên cứu cho cuốn sách của mình về tập quán tố tụng dân sự Thụy Điển.
Năm 1963, ở tuổi 30, bà trở về Hoa Kỳ và giảng dạy tại trường Luật Đại học Rutgers cho đến khi nhận học vị giáo sư từ trường Luật Đại học Columbia năm 1972. Trên con đường trở thành nữ giáo sư đầu tiên tại Đại học Columbia, Ginsburg cũng đứng đầu Dự án Nữ quyền của Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU). Bà là luật sư trong sáu vụ kiện liên quan đến quyền phụ nữ trước Tối cao Pháp viện từ năm 1973 đến 1976, mang lại chiến thắng cho năm trong số đó, đấu tranh cho việc xác lập nhiều tiền lệ pháp lý dẫn đến những thay đổi đáng kể trong luật pháp Mỹ liên quan đến quyền của phụ nữ.
Ngày 14/4/1980, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đề cử Ginsburg vào một ghế trong Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ. Ngày 18/6/1980, ở tuổi 47, bà tuyên thệ nhậm chức sau khi đề cử của tổng thống được Thượng viện Mỹ thông qua.
Ginsburg được Tổng thống Bill Clinton đề cử làm thẩm phán Tối cao Pháp viện ngày 14/6/1993, lấp ghế trống do thẩm phán Byron White muốn về hưu. Khi bà tham gia các phiên điều trần tại Thượng viện, Ginsburg đã được Ủy ban Thường vụ Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ về Tư pháp Liên bang đánh giá là đạt “tiêu chuẩn xuất sắc” – mức xếp hạng đánh giá cao nhất về tư chất của các thẩm phán tương lai.
Trong phiên điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Ginsburg đã từ chối trả lời các câu hỏi về tính hợp hiến của một số vấn đề mà bà có thể sẽ phải đưa ra phán quyết tại Tòa án Tối cao, như án tử hình. Tuy nhiên, về các vấn đề khác, bà xác tín rằng Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền riêng tư cũng như bình đẳng giới. Thượng viện Hoa Kỳ sau đó đã thông qua đề cử của Tổng thống Bill Clinton với 96 phiếu thuận, 3 phiếu chống, và Ginsburg tuyên thệ nhậm chức ngày 10/8/1993.
Thẩm phán Ginsburg là người có tư tưởng cấp tiến trong Tòa án Tối cao Mỹ. Năm 1999, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ đã trao cho bà giải thưởng Thurgood Marshall vì những cống hiến trong suốt nhiều năm cho công cuộc vận động bình đẳng giới, quyền công dân và công bằng xã hội.
Tháng 11/2018, Thẩm phán Ginsburg phải nhập viện do bị ngã tại văn phòng, khiến rất nhiều người dân Mỹ lo lắng. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bà bị gãy ba xương sườn. Lập tức cộng đồng mạng Mỹ đã cập nhật thông tin và gửi lời chúc sức khỏe tới vị thẩm phán 85 tuổi này.
Sức khỏe của các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ luôn được dư luận chú ý vì đó là cơ hội để các tổng thống đương quyền đề cử những người được coi là phù hợp với khuynh hướng chính trị của mình, có ảnh hưởng tới tòa án cao nhất đất nước trong cả mấy thập niên về sau.
Nhưng trên tất cả, điều khiến công chúng Mỹ quan tâm tới bà Ginsburg là bởi vị thẩm phán kỳ cựu này đã trở thành một biểu tượng của công lý về sự bình đẳng.
Báo chí Mỹ cho biết trong trường hợp thẩm phán Ginsburg qua đời hoặc quyết định nghỉ hưu hoặc sức khỏe của bà không cho phép để tiếp tục thì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sẽ có cơ hội bổ nhiệm vị thẩm phán thứ ba theo đường lối bảo thủ, sau hai vị Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh.
Tòa án tối cao Hoa Kỳ luôn duy trì tám thẩm phán và một chánh án, các vị này được bổ nhiệm trọn đời.
Bà qua đời ngày 18/9/2020 (giờ Mỹ) do bệnh ung thư.
Trong suốt nhiệm kỳ tại Pháp viện, một số quan điểm phản biện (dissenting opinion) và quan điểm ủng hộ (concurring opinion) của nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg dành cho kết luận cuối cùng của Pháp viện, hay trong các cuộc thảo luận pháp lý thường kỳ giữa các thành viên Pháp viện, đều phản ánh sự ủng hộ của bà đối với quyền bình đẳng giới.
Sau đây là những phán quyết để lại dấu ấn suốt đời của thẩm phán Ginsburg tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ v. Virginia (1996): Ginsburg đã viết phán quyết biểu hiện ý kiến đa số (majority opinions) của Tối cao Pháp viện rằng Học viện Quân sự Virginia – vốn trước đây có “truyền thống” chỉ dành cho nam giới – không được từ chối tiếp nhận nữ giới chỉ vì lý do giới tính.
Olmstead v. L.C. (1999): Đây là vụ kiện liên quan đến quyền của bệnh nhân nữ bị giam cầm trong các trung tâm công lập điều trị bệnh về tâm lý và thần kinh. Ginsburg đã viết ý kiến đa số của Pháp viện, cho rằng theo Mục II của Đạo luật Người khuyết tật Hoa Kỳ năm 1990 (ADA), người bị thiểu năng trí tuệ có quyền sống trong cộng đồng chứ không bắt buộc phải bị kiểm soát trong các nhà dưỡng lão hoặc bệnh viện tâm thần nếu được phê duyệt về mặt y tế và tài chính.
Ledbetter v. Goodyear Tyre & Rubber Co. (2007): Mặc dù bà thuộc bên thiểu số bỏ phiếu không tán thành về trường hợp phân biệt đối xử tiền công dựa trên giới tính này, ý kiến của Ginsburg đã khiến Thượng viện soạn tán thành và Tổng thống Barack Obama ký thông qua Đạo luật phục hồi lương bổng hợp lý (Lilly Ledbetter Fair Pay Act) năm 2009, đảo ngược phán quyết của Tòa án Tối cao hồi năm 2007 bằng cách chứng minh rằng không có giới hạn về thời gian cho việc đưa ra các cáo buộc và bằng chứng chứng minh sự tồn tại của tình trạng bất cân đối thu nhập do phân biệt giới tính, chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, tuổi tác, tôn giáo hoặc khuyết tật. Một bản sao đóng khung của Đạo luật Lilly Ledbetter được treo trong văn phòng thẩm phán Ginsburg.
Safford Unified School District v. Redding (2009): Mặc dù bà không viết ý kiến đa số, Ginsburg được cho là có ảnh hưởng quan trọng đến việc thuyết phục thông qua phán quyết 8-1 của Pháp viện rằng một trường công đã vi phạm quyền của một nữ sinh 13 tuổi được Tu chính án Thứ tư Hiến pháp Mỹ bảo vệ. Theo đó, giới chức nhà trường đã vi phạm Hiến pháp khi ra lệnh cho cô bé cởi áo ngực và quần lót vì nghi ngờ cô giấu ma túy trong người.
Obergefell v. Hodges (2015): Ginsburg được xem là thẩm phán gây ảnh hưởng đến phán quyết gây tranh cãi 5-4 của Tòa án Tối cao trong việc ra phán quyết cho phép các cặp đồng giới trên toàn bộ 50 bang kết hôn theo quy định trong Hiến pháp Mỹ. Trong nhiều năm, bà đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với hôn nhân đồng giới bằng những lập luận mạnh mẽ khi những vụ kiện vẫn còn ở các phiên tòa phúc thẩm. Quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ được coi là chiến thắng lịch sử với các nhà hoạt động vì quyền lợi của người đồng tính và bình đẳng giới, sau quá trình đấu tranh không mệt mỏi hàng thập kỷ, với rất nhiều rào cản pháp lý và thành kiến xã hội.
Bài được cập nhật ngày 19/9/2020 (giờ Việt Nam) để bổ sung thông tin về việc bà Ginsburg qua đời.
***
Từ khóa:
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ: U.S. Supreme Court
thẩm phán tòa cấp cao: justice (n)
Tòa Phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ: U.S. Court of Appeals
bình đẳng giới: gender equality (np)
công bằng xã hội: social justice (np)
phân biệt đối xử: discrimination (n)
ý kiến phản biện (trong các bản án Thông luật): dissenting opinion và lập luận ủng hộ: concurring opinion