Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Ngày Chủ nhật 9/6 đã được ghi vào lịch sử khi trên các đường phố trung tâm của Hong Kong, hơn một triệu người tuần hành suốt 10 giờ liền phản đối Dự luật Dẫn độ. Đó là số lượng người biểu tình đông nhất trong lịch sử đảo quốc này.
Chỉ một tuần sau, con số trên đã trở thành quá khứ.
Ngày Chủ nhật, 16/6, các nhà tổ chức thống kê có gần hai triệu người đã xuống đường tuần hành.
Để biết hai triệu người Hong Kong, tức 28.5% dân số, cùng lúc đổ ra đường đông đến mức nào, ta có thể hình dung tất cả người dân đang sinh sống tại Tây Nam Bộ và Sài Gòn, khoảng 27 triệu, cùng lúc dừng tất cả hoạt động và bước ra đường thể hiện chính kiến.
Không một thế lực cầm quyền nào có thể làm ngơ khi từng ấy người cùng lúc cất lên tiếng nói.
Người Việt Nam có thể tham khảo được những gì từ cuộc đối đầu giữa người dân Hong Kong với chính quyền?
1. Trước tiên, biểu tình không phải là đối đầu
Chụp chiếc mũ “đối đầu” lên tất cả các hành động biểu tình, phản kháng của người dân là một động tác đã trở thành bản năng của những chính quyền có khuynh hướng độc tài. Nó phổ biến đến mức các phương tiện truyền thông cũng vô tình (hay cố ý) ăn theo cách nói này.
Với chiếc mũ đó, nhà cầm quyền dễ dàng chụp thêm những chiếc mũ “gây rối”, “bạo loạn” và “phản động” lên đầu người dân.
Sự thật là, không có người nào rảnh đi “đối đầu” với chính quyền.
Rốt cuộc thì vì sao người dân vừa phải làm việc cật lực đóng tiền nuôi sống những công bộc của mình, lại vừa mất công đi “đối đầu” với họ?
Những việc làm của người dân chỉ có thể quy vào “phản kháng” – chống lại ai đó khi bị áp bức.
Người Hong Kong không thể không phản kháng, khi những tiếng nói phản đối của họ liên tục bị chính quyền làm ngơ, thậm chí chính quyền còn vẽ ra những con số giàu trí tưởng tượng như hơn 800.000 người ủng hộ việc thông qua Dự luật (đây có lẽ là những người bí mật nhất Hong Kong khi gần như không ai thấy được họ xuất hiện ở đâu, ngoại trừ từ miệng các quan chức đặc khu và Bắc Kinh).
Xuống đường biểu tình vì thế là hành động bất khả kháng, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Đúng như ý nghĩa của từ “biểu tình”, đó là hành động thể hiện tiếng nói của bản thân, buộc những người đang nhận lương từ mình phải làm đúng nghĩa vụ “đại diện cho dân”.
Nếu có “đối đầu”, đó chỉ có thể là hệ quả từ những kẻ ăn cơm của dân nhưng cố tình đạp đổ nồi cơm của người nuôi mình.
2. Biểu tình không phải là bạo động
Đây là chiếc mũ khác mà những nhà cầm quyền, đặc biệt là các chế độ độc tài, rất thường xuyên ưa chụp.
Đó cũng là một trong những lý do đẩy số người tham gia tuần hành tăng lên đến gần hai triệu vào hôm 16/6. Họ hoặc nổi giận khi bản thân bị chụp mũ, hoặc bất bình khi thấy những người khác bị chính quyền vu khống, và đồng lòng cất tiếng yêu cầu các quan chức phải xin lỗi.
Một trong những biểu ngữ xuất hiện nhiều nhất trên đường phố là “Không ai bạo động cả!”, “Chúng tôi không phải là những kẻ bạo loạn!”.
Khi phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ lên cao, Trưởng đặc khu Carrie Lam là người đầu tiên xuất hiện trên truyền hình gọi những người biểu tình là “gây rối” và “bạo loạn có tổ chức”. Sau đó các quan chức đứng đầu lực lượng cảnh sát cũng dùng lý do trên để biện minh cho hành động dùng vũ lực trấn áp của mình. Tuy nhiên, đến buổi họp báo hoãn thông qua Dự luật, bà Lam lại từ chối xin lỗi, đá quả bóng trách nhiệm về phía cảnh sát, “Cảnh sát gọi đó là bạo loạn, và tôi đồng ý với họ”.
Dù là ai nhận (hay phủi tay không nhận) việc chụp mũ “bạo động” lên người biểu tình, cuộc tuần hành của gần hai triệu người hôm Chủ nhật rồi đã chứng minh đâu mới là nguồn cơn của những xung đột.
Khi vài chục ngàn người biểu tình ở trước tòa nhà Lập pháp hôm thứ Tư 12/6, nhà cầm quyền tuyên bố có “nhiều kẻ bạo loạn”, và cho đó là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột (trên thực tế, người xem chỉ thấy được chủ yếu hình ảnh các cảnh sát lạm quyền, vũ trang tận răng lao vào tấn công những người không có tấc sắt trong tay).
Theo lý lẽ đó, khi số lượng người biểu tình lên đến hàng triệu như ngày 16/6, xung đột sẽ phải leo thang bùng phát ở mức độ gấp vài chục lần như thế?
Trái lại, đã không có bất kỳ biến cố, xung đột nào xảy ra khi gần hai triệu người liên tục diễu hành suốt 10 giờ đồng hồ trong hòa bình.
Cảnh sát chỉ duy trì quân số tối thiểu để hỗ trợ trật tự, tạo lối đi giữa đoàn người biểu tình và xe cộ lưu thông. Tuyệt nhiên không có bóng dáng cảnh sát chống bạo động, vũ trang tận răng, lăm lăm súng gậy sẵn sàng trấn áp, mọi thứ vẫn diễn ra một cách yên bình.
“Nhiều kẻ bạo loạn” trong đoàn người biểu tình mà chính quyền đã chụp mũ, rốt cuộc biến đi đâu, hay thực chất những hành vi chống trả cảnh sát trước đó chỉ là thiểu số, và có thể nó chính là hậu quả từ việc lực lượng cảnh sát trấn áp người dân bằng vũ lực?
“Bạo động” kiểu gì mà khi phát hiện thùng rác cháy, những thanh niên trẻ tuổi lại hô nhau đi dập lửa? “Bạo loạn” kiểu gì mà mỗi khi có xe cấp cứu hay xe buýt phải đi qua, biển người khổng lồ lại kéo nhau dạt sang hai bên, nhường đường và vỗ tay hoan hô?
Bằng chính bản thân mình, hàng triệu người Hong Kong đã chứng minh cho cả thế giới thấy, họ hoàn toàn không phải là những kẻ gây rối kiếm chuyện, như cách những kẻ đứng đầu chính quyền Hong Kong và Trung Quốc cố tình chụp mũ.
3. Dùng bản thân là nhân chứng lật tẩy dối trá
Xuất hiện trên đường phố để biểu đạt chính kiến, người dân Hong Kong đã dùng chính mình để chứng minh đâu là sự thật về “số lượng người tham gia biểu tình”.
Vào lúc có hơn một triệu người Hong Kong biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ ngày 9/6, tờ Thời báo Hoàn Cầu, một trong những chiếc loa kèn (mouth-piece) lớn tiếng nhất của chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc đã “trả giá” số người tham gia xuống còn “thực tế chỉ có 153.000”, và nhắc đến con số gấp nhiều lần “hơn 700.000 người ủng hộ Dự luật” – một con số mà cũng giống 800.000 người bí hiểm ở trên, không ai biết mặt mũi từ đâu ra.
Đến hôm 16/6 khi có gần hai triệu người xuất hiện, những chiếc loa kèn của chính quyền cộng sản đã lờ tịt, không trả giá thêm hay đưa thêm một tin tức nào.
Có lẽ vì ngay cả khi dùng con số của cảnh sát đưa ra, ước tính 338.000 tham gia, nó cũng đã quá sức chịu đựng mỏng manh của họ.
Thay vào đó, các loa phường thời hiện đại này của đảng Cộng sản tiếp tục ra rả thông điệp về sự ủng hộ rộng rãi đối với chính quyền đặc khu.
Nói về con số 338.000, cảnh sát Hong Kong cũng thừa nhận đó chỉ là ước tính tại tuyến đường chính, không tính những người tuần hành qua các ngả đường khác.
Để có thể hình dung ước tính của chính quyền đưa ra gần với thực tế đến đâu, người ta có thể nhớ lại vào đêm giao thừa chào đón năm mới 2019, cảnh sát cho biết có 340.000 người đã tập trung tại cảng Victoria nổi tiếng.
Vài tiếng đồng hồ tập trung tại một khu vực, so với hơn 10 giờ đồng hồ biển người nhích từng bước một diễu hành qua hàng loạt tuyến phố lớn, thật khó tin hai con số này lại ngang bằng nhau.
Nhưng bất kể là vài trăm ngàn hay vài triệu, chỉ cần bản thân xuất hiện lên tiếng, mỗi người đã là một nhân chứng để lật tẩy sự dối trá.
Vì nếu họ im lặng, chắc chắn những kẻ nắm quyền đã không ngần ngại liệt họ vào số “những người ủng hộ thầm lặng bí ẩn”.
4. Không chờ đợi anh hùng cái thế hay minh quân xuất hiện
Đã có nhiều phân tích về sự thay đổi trong phong trào phản kháng hiện tại của người Hong Kong. Không còn chờ đợi, phụ thuộc vào sự lãnh đạo của một tổ chức, nhóm người, hay cá nhân nào, các cuộc biểu tình ngày càng trở nên tự phát, tự giác và không cần phải có “đầu tàu” dẫn dắt.
Những người trẻ tuổi, đặc biệt những ai đã từng tham gia phong trào Dù vàng 5 năm trước, tự rút kinh nghiệm cho riêng mình, tự chuẩn bị vật dụng cần thiết để bảo vệ bản thân, và tự liên hệ với những nhóm bạn bè thân thiết, thay vì tuân theo kế hoạch chỉ đạo của một tổ chức nào.
Một phần lý do của việc không có lãnh đạo đến từ việc chính quyền đã bắt giữ, kết tội những lãnh đạo phong trào biểu tình 5 năm trước, khiến các hoạt động phản kháng giờ đây được tiến hành bí mật hơn và chuyển sang hướng phân tán thay vì tập trung vào một mối.
Phần khác đến từ chính nhận thức của những người Hong Kong: họ không cần người khác phải dạy mình nên làm gì.
Những người trẻ tuổi tự bao vây Lập pháp viện khi chính quyền xem thường ý kiến của hàng triệu người biểu tình. Những bà mẹ đau lòng khi thấy cảnh sát trấn áp học sinh, sinh viên, quyết tâm bước ra tuyến đầu “để coi họ đánh phụ nữ chúng ta ra sao!”. Những người dè dặt chưa lần nào tham gia biểu tình cũng hiểu đây là “cơ hội cuối cùng” để họ bảo vệ sự tự do của Hong Kong trước nanh vuốt của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người Hong Kong, già trẻ lớn bé, đều nhận thức được nghĩa vụ phải bảo vệ chính cuộc sống của mình, trước khi cầu nguyện cho một đấng minh quân nào đó xuất hiện giải cứu.
5. Không dùng bạo lực đáp trả bạo lực
Sau khi cảnh sát dùng vũ lực đàn áp người biểu tình vào thứ Tư 12/6, nhiều người lo sợ xung đột sẽ leo thang.
Điều đó đã không xảy ra.
Một phần vì cảnh sát đã trở lại đúng chức trách của họ: bảo vệ trật tự an toàn của mọi người thay vì biến thành công cụ của chính quyền để trấn áp người dân.
Phần khác là lựa chọn của những người Hong Kong: không dùng bạo lực đáp trả bạo lực.
Họ chọn cách đáp trả khác, thông qua việc hưởng ứng lời kêu gọi của Civil Human Rights Front, mặc áo đen xuống đường phản đối hành động đàn áp của cảnh sát, và hô vang khẩu hiệu “Cảnh sát bẩn – Vô liêm sỉ”.
Thay vì nghĩ tới việc “trả thù”, những người biểu tình dành tâm tư tưởng niệm cho một “người áo vàng” đã tự sát trước đó một ngày, khi anh phản đối Dự luật Dẫn độ và hành động bạo lực của chính quyền.
Rất nhiều hoa, hạc giấy cùng những lời nhắn gửi đã được đặt tại nơi anh qua đời.
Cách những người Hong Kong phản ứng lại càng chứng minh, người dân không phải là những “kẻ gây rối”, tìm cách “đối đầu” với chính quyền.
Họ là những con người hòa bình, yêu tự do, và yêu thương đồng loại của mình.
6. Nếu không thể xuống đường,
bạn vẫn có vô số cách ủng hộ chính nghĩa
Trên thực tế, có bức xúc đến đâu, không phải tất cả mọi người đều có thể xuống đường tham gia biểu tình.
Luôn có những người hoặc vì lý do cá nhân, hoặc vì những công việc đảm bảo hoạt động an toàn của xã hội, không thể rời bỏ vị trí của mình.
Nhưng ở bất kỳ vai trò nào, mỗi người đều có thể dùng cách riêng, cất lên tiếng nói ủng hộ những đồng bào đấu tranh vì chính nghĩa.
Nhiều hành khách đi trên các chuyến tàu điện ngầm hôm 16/6 kể lại, các bác lái tàu đã thông qua loa phát thanh nhắn gửi: “Tôi phải ở đây không thể tham gia với các bạn. Nhờ các bạn thay mặt tôi. Phải cố gắng đến cùng. Người Hong Kong cố lên!”
Đáp lại là những tiếng vỗ tay hoan hô vang dội.
7. Phải có tự do, tự do, và tự do
Đó không phải là kiểu khẩu hiệu cần phải lặp lại ba lần, mà là thứ những người Hong Kong đang có và sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó.
Tự do báo chí, tự do ngôn luận, và tự do biểu tình.
Nếu không có tự do báo chí, người dân sẽ bị cầm tù trong bốn bức tường xây bằng những chiếc loa phường nhức óc của chính quyền.
Nếu không có tự do ngôn luận, người dân sẽ không bao giờ cất lên được tiếng nói của mình để đập tan những dối trá phát ra từ đó.
Nếu không có quyền tự do tụ tập, lập hội, biểu tình, người dân sẽ mãi không bước ra khỏi được nhà tù khổng lồ của những chế độ áp bức đặt ra.
Muốn làm được như những người bạn Hong Kong, mỗi người Việt Nam phải tự đấu tranh để có được những thứ tự do này.
Không để cho “báo chí cách mạng” trơ trẽn đổi trắng thay đen, không để cho “Luật An ninh mạng” bịt miệng mình lẫn những người xung quanh, và không để cho Luật Biểu tình trở thành “lời hứa thiên cổ” của chính quyền.
Như câu nói quen thuộc, “freedom is not free”, tự do không phải là thứ từ trên trời rớt xuống.
—
Từ khóa:
biểu tình, tuần hành: protest, demonstration (n)
bạo loạn: riot (n, v), kẻ bạo loạn: rioter (n)
tự thân vận động: self-management (np)
tiếc thương, chia buồn: condolence (n)