Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Dự án thành lập ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là một chủ trương lớn của Bộ Chính trị, và việc thông qua hay trì hoãn thông qua dự luật đặc khu là một sự kiện chính trị lớn, nổi bật ở Việt Nam năm qua.
Dự luật đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt. Nó được trình Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-6/2018), và đã gây một làn sóng phản đối từ số đông dư luận. Từ ngày 07/6/2018, đã có biểu tình lác đác ở Bình Thuận và một vài địa phương khác, phản đối dự luật đặc khu.
Ngày 09/6/2018, Văn phòng Chính phủ thông báo lùi dự luật đặc khu đến kỳ họp thứ 6 kế tiếp. Tuy nhiên, thông tin về việc hoãn thảo luận và thông qua dự luật không được phổ biến rõ ràng và không lan nhanh, lan rộng bằng thông tin “chính quyền bán nước”; nói cách khác, nó không làm nguội được tình hình.
Ngày 10/6, biểu tình lớn nổ ra ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai, Vũng Tàu…, thu hút hàng chục nghìn người tham gia trên cả nước. Ở TP.HCM, biểu tình kéo dài gần suốt một ngày, từ sáng tới xế chiều, và rải rác ở nhiều nơi.
Sáng 11/6, tỷ lệ lớn (85,63%) đại biểu Quốc hội đã biểu quyết lùi thời gian thông qua dự luật đặc khu từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6.
Tuy thế, tới kỳ họp thứ 6 (tháng 10-11/2018), dự luật đặc khu một lần nữa lại được hoãn trình Quốc hội, “để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện” như thông báo ngày 11/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bước sang năm 2019, ngày 17/5 – vài ngày trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 14 – Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự luật đặc khu không được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của cả năm 2019 và 2020. Ông nói dự luật đang tiếp tục được hoàn thiện, khi nào Chính phủ thấy “chín” thì sẽ đem trình Quốc hội.
* * *
Tìm đọc các ấn phẩm dưới đây sẽ là một cách giúp các quan chức Chính phủ, đại biểu Quốc hội, và độc giả nói chung hiểu “chín” hơn về đặc khu kinh tế, kinh nghiệm thành công-thất bại trên thế giới, khả năng áp dụng cho Việt Nam và những vấn đề cần phải lưu ý.
1. “Học chính sách công qua chuyện đặc khu”
Cuốn sách của ba tác giả Trịnh Hữu Long, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Anh Tuấn, ra mắt độc giả trên Luật Khoa tạp chí vào tháng 12/2018. Như tên gọi của nó gợi ý bạn đọc, có thể xem đây là một cuốn sách giáo khoa mỏng (100 trang), dễ đọc, giúp bạn “nhập môn” về chính sách công, với dự án đặc khu kinh tế ở Việt Nam là ví dụ chính.
Sách có bốn chương, tập trung vào các kiến thức căn bản nhất về chính sách công: định nghĩa chính sách và luật, quy trình chính sách, phân tích chính sách, đánh giá quy trình chính sách ở một hệ thống chính trị dân chủ.
Mặt khác, cũng có thể xem đây là một bản phân tích dự án đặc khu kinh tế từ khía cạnh chính sách công. Bạn đọc hoàn toàn có thể dụng những kiến thức trong sách để luận bàn về các chính sách và đạo luật khác ở Việt Nam, ví dụ như dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, Luật An ninh Mạng, v.v.
Nhóm ba tác giả đều là các nhà hoạt động xã hội. Trong đó, Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long là nhà báo, đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí, còn Nguyễn Anh Tuấn là thạc sĩ ngành chính sách công.
Link hướng dẫn mua sách tại đây.
2. “Dự báo hiệu quả của các đặc khu tại Việt Nam: Nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam”
Cuốn sách 120 trang này được tác giả Nguyễn Trang Nhung phát triển từ luận văn tốt nghiệp cao học của cô ở Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright thuộc Đại học Fulbright Việt Nam. Tên gọi đầy đủ của luận văn là “Dự báo hiệu quả của các đặc khu tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam”.
Nếu “Học chính sách công qua chuyện đặc khu” là cuốn sách “nhập môn”, giúp bạn tìm hiểu về chính sách công một cách dễ dàng, bình dân nhất, thì “Dự báo hiệu quả của ba đặc khu kinh tế” là một nghiên cứu khá bài bản, mang tính chất hàn lâm, học thuật và không hướng đến quảng đại người đọc.
Sách có nhiều bảng biểu, số liệu thống kê, phân tích, chẳng hạn như về chính sách ưu đãi, kim ngạch xuất nhập khẩu, đầu tư, thu nhập bình quân đầu người… của các đặc khu kinh tế ở Hàn Quốc, Trung Quốc.
Nói cách khác, đây cũng là một cuốn sách nghiên cứu về chính sách công thông qua ví dụ là dự án đặc khu; tuy nhiên, nó chứa đựng hàm lượng tri thức hàn lâm cao và thích hợp với những độc giả mong muốn có một cách tiếp cận học thuật đối với vấn đề đặc khu.
Sách vừa được Nhà xuất bản Tự Do phát hành vào tháng 5/2019. Bạn đọc quan tâm, xin liên hệ với Nhà xuất bản Tự Do tại đây.
3. “Tuyển tập bài viết về dự án đặc khu”
Cuốn sách được Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội công bố vào tháng 8/2018, tập hợp 24 bài viết nổi bật trong hàng trăm bài viết trên mạng về dự án xây dựng đặc khu kinh tế-hành chính và dự thảo Luật Đặc khu.
Sách ra đời trong bối cảnh nhiều cơ quan đoàn thể của đảng Cộng sản Việt Nam đã tích cực tiến hành các hoạt động tuyên truyền ở các cấp cơ sở nhằm vận động, thuyết phục người dân ủng hộ dự luật đặc khu và Luật An ninh mạng. Vì lẽ đó, cần nhấn mạnh rằng, khác với tài liệu tuyên truyền các cấp, cuốn sách này tập hợp các bài viết tiêu biểu cho cả hai luồng quan điểm ủng hộ và phản đối dự luật đặc khu.
Lời nói đầu của Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội viết: “Tác giả của các bài viết là những blogger, facebooker, nhà báo, chuyên gia, quan chức hưu trí, và các bài đều đã được đăng tải công khai trên mạng xã hội facebook, báo chí thuộc quốc hữu (Tuổi Trẻ, VietNamNet), báo chí độc lập (Luật Khoa tạp chí, Trí thức Việt Nam)”.
Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội cũng bày tỏ hy vọng rằng “cuốn sách sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về dự án đặc khu và Luật Đặc khu một cách cơ bản và nhanh chóng nhất, từ đó định hình quan điểm, chính kiến của bạn về chính sách cực kỳ quan trọng và có ảnh hưởng đến đất nước này”.
Đọc/Tải sách miễn phí tại đây.