Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Cái giá phải trả cho những lời dối trá là bao nhiêu?” Giọng một người đàn ông khàn khàn chậm rãi phát ra từ chiếc máy thu băng.
“Không phải là chúng ta sẽ nhầm lẫn chúng thành sự thật. Cái nguy hiểm thật sự chính là nếu chúng ta đã nghe đủ những lời dối trá, chúng ta không còn nhận ra sự thật nữa. Lúc đó chúng ta phải làm gì?…”
Một lúc sau đó, người đàn ông cẩn thận giấu đi cuộn băng vừa thu, hút điếu thuốc, cho mèo ăn. Và rồi, vẫn chậm rãi, ông thắt cổ tự tử.
Đó là cách bộ phim truyền hình nhiều tập Chernobyl bắt đầu. Người đàn ông chính là một trong những vị anh hùng của bộ phim. Chúng ta được biết kết cục của vị anh hùng từ trước khi chúng ta biết về câu chuyện bi tráng của ông.
Những người xem phim biết sơ qua về sự kiện thảm họa Chernobyl có lẽ không mong đợi một cảnh mở đầu như thế.
Từ Chernobyl năm 1986…
Chernobyl là tên thường gọi của một nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Pripyat (Ukraine), thời điểm Ukraine còn thuộc Liên bang Xô Viết.
Được xem là một trong những niềm tự hào của ngành năng lượng hạt nhân Liên Xô thời đó, nhà máy Chernobyl cung cấp 10% nhu cầu điện năng cho cả Ukraine với dân số hơn 51 triệu người. Không phải khi không mà tên chính thức trên giấy tờ của nhà máy này là Nhà máy Vladimir Ilyich Lenin – tên của vị lãnh đạo cộng sản nổi tiếng trong cuộc Cách mạng tháng Mười.
Do một loạt sai lầm của các kỹ sư quản lý nhà máy, cộng thêm các hạn chế sẵn có trong thiết kế của lò hạt nhân, một phản ứng dây chuyền đã diễn ra kéo theo một vụ cháy nổ khủng khiếp vào rạng sáng ngày 26/04/1986.
Một người chết ngay trong vụ nổ.
237 người bị nhiễm độc phóng xạ cấp tính từ lò hạt nhân.
31 người trong số đó phải trải qua cái chết đau đớn vì độc phóng xạ trong vòng ba tháng sau thảm họa.
Phần lớn các trường hợp thương vong là những người lính cứu hỏa và sĩ quan quân đội bảo vệ nhà máy. Họ đã có mặt đơn giản là để hoàn thành nhiệm vụ của mình; nhưng họ đã không hề được thông báo về tình hình phóng xạ, không được cho biết họ sẽ bị phóng xạ ảnh hưởng thế nào, và tồi tệ hơn, họ cũng không hề được cung cấp các thiết bị chống nhiễm xạ.
Trong khi đó, hơn một trăm ngàn cư dân trong bán kính 30km xung quanh Chernobyl bị buộc phải sơ tán gấp rút 36 giờ sau khi xảy ra thảm họa. Họ chỉ kịp mang ít hành lý và gần như không bao giờ có cơ hội quay trở lại quê hương mình nữa.
Song lượng độc phóng xạ từ Chernobyl không chỉ gây ảnh hưởng trong phạm vi 30km này, chúng lẫn vào khí quyển và tỏa ra các khu vực xung quanh, như người ta có thể thấy qua một bản đồ tái hiện đám mây phóng xạ (radioactive cloud) phát ra từ Chernobyl.
Đám mây phóng xạ đó lan sang các nước châu Âu và các nơi khác trên thế giới. Lượng phóng xạ lan tỏa đó nhiều đến mức làm cho các nhân viên của một nhà máy điện nguyên tử ở Thụy Điển (cách Chernobyl 1.100 km) phải phát hoảng vì họ tưởng phóng xạ rò rỉ từ nhà máy họ.
Các chuyên gia ước tính lượng phóng xạ thoát ra từ thảm họa Chernobyl cao gấp 400 lần lượng phóng xạ trong hai quả bom nguyên tử đã phá hủy Nagasaki và Hiroshima tại Nhật Bản trong Thế Chiến thứ Hai.
Thảm họa Chernobyl lớn đến mức nó khiến nhà nước Xô Viết khánh kiệt ngân quỹ vì các phí tổn giải quyết thiệt hại. Việc này chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế lúc đó của cả khối Xô Viết. Liên Xô tan rã chỉ 5 năm sau đó.
Song hệ quả mà thảm họa Chernobyl để lại không thể chỉ đong đếm qua số lượng người dân bị ung thư, các di chứng bệnh phóng xạ hay những thiệt hại tài sản và thiệt hại tài nguyên môi trường khó cải thiện.
Nhà văn đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich dành hơn 10 năm phỏng vấn hơn 500 người là những nạn nhân, nhân chứng sống của thảm họa này.
Cuốn sách “Những tiếng vọng từ Chernobyl: Lịch sử truyền miệng về thảm họa hạt nhân” xuất bản năm 1997 của bà cho thấy rằng thảm họa còn để lại vô vàn bi kịch cá nhân và những vết thương tâm lý không thể xóa nhòa.
Từ những thảm cảnh gia đình, như của một người vợ trẻ phải nhìn chồng mới cưới của mình chết một cái chết từ từ đau đớn, thịt da dần dần biến dạng; cho đến những tan vỡ niềm tin cá nhân dành cho chính quyền và cho chủ nghĩa cộng sản – vốn vẫn đã là kim chỉ nam cho hàng thế hệ con người Liên Xô lúc đó.
Thể chế cộng sản Liên Xô có vài đặc tính riêng biệt: tôn chỉ, mục đích biện minh cho phương tiện; thói quen đặt lý tưởng chính trị lên trên chuyên môn khoa học; thói quen lén lút, kém minh bạch, thiếu sòng phẳng; thói quen xem nhẹ an toàn lao động; bệnh thành tích nghiêm trọng; v.v.
Nhiều nghiên cứu chuyên môn khả tín cho thấy: Trước, trong và sau thảm họa Chernobyl, tất cả những đặc tính nói trên đều góp phần làm những di chứng và hậu quả của thảm họa thêm nặng nề.
Giới khoa học hạt nhân đã xác định một số khiếm khuyết chính sách và văn hóa công vụ của chính quyền cộng sản Xô Viết từ thảm họa Chernobyl, trong đó lớn nhất chính là thói quen bưng bít, che giấu thông tin cùng tâm lý “tốt khoe xấu che”.
Nhà sử học người Ukraine Serhii Plokhy thì ghi nhận lại thói bưng bít thông tin của chính quyền Xô Viết thậm chí vẫn tiếp diễn sau khi thảm họa xảy ra.
Sự độc đoán đến cố chấp này khiến cho người dân Liên Xô và cộng đồng quốc tế không nhìn nhận được đúng mức độ nghiêm trọng của thảm họa, và chính quyền Xô Viết mặc kệ thực tế rằng chính nhiều người dân Liên Xô đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ phóng xạ rò rỉ.
Plokhy cũng nhấn mạnh cách xử lý hậu quả một cách lấp liếm của chính quyền Xô Viết: tập trung đổ lỗi vào một số cá nhân nhất định để lờ đi các khiếm khuyết hệ thống, ví dụ như sai sót trong thiết kế lò hạt nhân hay chính sách đặt tiêu chí rẻ lên trên tiêu chí an toàn.
Nhiều nạn nhân, nhân chứng của thảm họa Chernobyl không chỉ thất vọng vì chính quyền cộng sản đã không làm hết mình để ứng cứu họ. Họ thất vọng vì cảm thấy đã bị chính quyền cộng sản lừa dối và phản bội.
…đến Chernobyl trên màn ảnh năm 2019
Khi quyết định đưa thảm họa Chernobyl lên màn ảnh, tác giả kịch bản Craig Mazin quyết định tập trung vào bài học lớn về sự dối trá đó, trong khi vận dụng các tư liệu lịch sử khả tín cùng những chất liệu thực tế như những câu chuyện cá nhân từ tác phẩm của nhà văn Alexievich.
Như Mazin chia sẻ trong chương trình radio năm phần bàn riêng về bộ phim Chernobyl, ông đặt mục tiêu phải nêu bật được bài học về sự dối trá nhưng cũng phải cân bằng được tác phẩm của mình để nó không biến thành một sản phẩm thuần túy bài Xô Viết.
Theo Mazin, việc phương Tây (chủ yếu là Anh-Mỹ) có cái nhìn tiêu cực về Liên bang Xô Viết đã là thực tế từ lâu. Có nhiều lý do lịch sử: Liên Xô – phương Tây là cựu thù trong Chiến tranh Lạnh. Giới truyền thông, điện ảnh hai bên đã luôn muốn khắc họa bên kia xấu nhất có thể, để nâng mình lên, qua đó nâng tầm “chính nghĩa” cho ý thức hệ bên mình.
Mazin không muốn đi vào lối mòn đó. Cần phải tách người dân Xô Viết ra khỏi nhà nước Xô Viết. Nhà nước đó có thể xấu xa, nhưng người dân đó có muôn vàn khuôn mặt.
Nghiên cứu về Chernobyl của Mazin làm ông thấy ấn tượng nhất với những khuôn mặt Xô Viết đời thường trong thảm họa: những nhà khoa học, những người dân, người lính Xô Viết can đảm đi vào gian khó, đối mặt với tử thần để bảo vệ đất nước, xã hội mình. Những con người làm tất cả để hoàn thành trách nhiệm, cho dù biết họ không nhận được gì ngoài cái chết.
Do đó, những người hùng – nhân vật chính trong bộ phim Chernobyl – là những con người Xô Viết vắt óc tìm cách kiểm soát thảm họa, sau đó điều tra nghiên cứu nguyên nhân thảm họa, rồi lại can đảm đi ngược lại chính sách bưng bít che giấu của chính quyền Xô Viết để giúp toàn thế giới không còn phải chịu một thảm họa khác giống Chernobyl nữa.
Ngoài ra, còn có một ưu tiên kỹ thuật khác của Mazin: diễn tả thảm họa sát nhất có thể với thực tế. Đoàn làm phim Chernobyl chú tâm đến từng chi tiết nhỏ, như đồng phục lính cứu hỏa Liên Xô những năm 80 hay những nét tương đồng hình thể giữa các diễn viên và các nhân vật lịch sử.
Thậm chí cách thức mà chất độc phóng xạ tàn phá cơ thể người, hủy hoại diện mạo con người cũng được tái tạo một cách chân thật nhất nhưng không đi tới mức lợi dụng tính rùng rợn để gây ấn tượng với người xem. Cách khắc họa đó được nhiều nhà bình luận phim xem là thể hiện sự tôn trọng với những người đã khuất.
Các chọn lựa kỹ thuật khắc họa đó của Mazin có vẻ đã giúp câu chuyện Chernobyl đi sâu vào lòng những khán giả xem phim cả ở phương Tây và cả ở những nước Liên Xô cũ trong các tuần qua.
Đã có nhiều phản hồi tích cực từ các khán giả tự giới thiệu là người dân Liên Xô cũ tán thưởng độ chính xác và chi tiết của bộ phim.
Tính đến nay, Chernobyl là bộ phim nhiều tập được đánh giá cao điểm nhất trên trang mạng chuyên về bình phim IMDB. Bộ phim cũng được đánh giá rất tốt trên một trang bình phim uy tín khác là Rotten Tomatoes.
Tranh cãi chính trị từ bộ phim Chernobyl
Nhưng bộ phim đã thành công đến đâu trong việc nêu bật thông điệp về sự dối trá cùng cái giá của nó? Rất khó nói.
Vì có lẽ bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng như một bức tranh trừu tượng. Khán giả thưởng lãm nhìn vào và thấy những gì họ muốn thấy, hay thấy những gì là dễ nhìn ra nhất trong tầm hiểu biết của họ.
Với Chernobyl, có người nhìn ra một thông điệp rằng dối trá trong một không gian xã hội tù túng, kém tự do dưới một nhà nước cộng sản độc tài đã mang lại những hậu quả nặng nề như thế nào.
Tuy nhiên, cũng có người nhìn ra một thông điệp về nền chính trị không-cộng-sản nơi họ sống.
Mới đây tại Mỹ, người ta chứng kiến một cuộc tranh luận trên mạng xã hội Twitter giữa nhà văn nổi tiếng Stephen King và một phát thanh viên của kênh truyền hình Fox News Dan Bongino.
Stephen King viết đại ý rằng khó mà có thể xem bộ phim Chernobyl mà không nhớ đến… Donald Trump. Giống như những kỹ sư điều hành lò phản ứng khi thảm họa xảy ra, Donald Trump đang điều hành một tổ chức siêu quyền lực (nước Mỹ) mà ông ta không hề hiểu nó.
Dan Bongino lập tức phản pháo, đại ý: bao giờ cái đám tinh hoa Hollywood các ông mới thôi tự làm xấu mặt mình hả? Chernobyl là về thất bại của chủ nghĩa xã hội (khi nhà nước kiểm soát công cụ sản xuất). Trump, ngược lại, chỉ muốn bãi bỏ các quy định nhà nước lằng nhằng và giảm thuế cho dân làm ăn.
Bất ngờ, tác giả kịch bản Craig Mazin cũng… nói leo, đáp lại Dan Bongino: Chernobyl là về thất bại của những con người quá trung thành (và quá sợ hãi) với một đảng cầm quyền có vấn đề. Những con người “còn đảng còn mình” đó trung thành (hay sợ hãi) tới mức đánh mất cả lý trí và sự đứng đắn.
Mazin cũng đã chia sẻ với báo chí rằng ông viết kịch bản Chernobyl khi đang diễn ra cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 – khi Donald Trump giành chiến thắng bất kể các lo ngại của nhiều người dân Mỹ về thói quen nói dối không ngại ngần của ông ta. Tuy nhiên, cuộc đấu chữ trên Twitter đó cho chúng ta thấy rằng bộ phim Chernobyl có nhiều thông điệp hơn các thông điệp chống độc tài cộng sản.
Và rất có thể, Chernobyl cuối cùng cũng chỉ là phát súng đầu tiên trong một cuộc chiến tuyên truyền mới giữa phương Tây và các nước hay bị xem là độc tài (bất kể có cộng sản không).
Đưa tin về phản ứng của công luận tại Nga với bộ phim Chernobyl, đài BBC tường thuật rằng tuy nhiều người Nga rất tán thưởng bộ phim này, vẫn có một bộ phận công luận Nga đã đặt ra nghi vấn rằng bộ phim chỉ là “sản phẩm tuyên truyền của Mỹ” nhằm bôi xấu hình ảnh Xô Viết. Trong khi chính phủ Putin vẫn luôn tự xem họ là “truyền nhân” của thể chế Xô Viết từng một thời vĩ đại trong tâm trí nhiều người Nga.
Việc người Mỹ “phỗng tay trên”, làm một bộ phim gây chú ý về một thảm họa của chính người dân Liên Xô cũ, có vẻ đã làm các nhà làm phim người Nga thấy “quê”.
Các nhà làm phim thuộc đài NTV của Nga cho biết họ sẽ làm một bộ phim truyền hình khác về Chernobyl. Ý tưởng chính của bộ phim? Chernobyl là một thảm họa có bàn tay phá hoại của… Hoa Kỳ.
Chúng ta chỉ có thể hy vọng những nhà làm phim Nga ít ra cũng sẽ tương đối chú tâm về chi tiết và độ chính xác lịch sử như các nhà làm phim Mỹ.
—
Từ khóa:
chủ nghĩa cộng sản: communism (n)
Liên bang Xô Viết: Soviet Union (np)
thảm họa hạt nhân: nuclear disaster (np)
nhà máy điện hạt nhân: nuclear power plant (np)
tuyên truyền: to propagate (v)
sự/việc tuyên truyền: propaganda (n)