Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Báo cáo giải mật của CIA cho cái nhìn khách quan và công tâm hơn các cáo buộc xưa nay.
Mức độ phát triển và năng lực kinh tế của quốc gia Việt Nam Cộng hòa (VNCH), hay miền Nam Việt Nam, trong giai đoạn tồn tại của nó từ năm 1954 đến 1975, là một câu hỏi gây tranh cãi hơn 40 năm nay.
Giở quyển sách giáo khoa lịch sử của nhà nước hiện nay, bạn đọc có thể tìm thấy luận điểm quen thuộc cho rằng nền kinh tế VNCH là một sự phồn vinh giả tạo, năng lực công nghiệp yếu kém, chỉ có khả năng sản xuất hàng tiêu dùng; đến 50-60% nền kinh tế lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Nói thẳng ra, sử “chính thống” cho rằng nền kinh tế VNCH chỉ là một thứ ký sinh sống dựa vào “đế quốc Mỹ”, không thể so sánh với nền kinh tế “tự lực, tự cường” ở miền Bắc. Ngược lại, một nhóm khác lại tin rằng nền kinh tế miền Nam Việt Nam là hình mẫu của toàn bộ châu Á thời điểm đó, người dân được thụ hưởng mức sống cao so với khu vực, còn Sài Gòn quả thật là Hòn ngọc Viễn Đông. Trong khi đó, thực trạng đời sống khó khăn của người dân Bắc Việt là minh chứng rõ ràng nhất về một nền kinh tế kém hiệu quả.
Cả hai quan điểm đều gây khó khăn cho quá trình tìm hiểu sự thật về kinh nghiệm phát triển kinh tế và năng lực của hai miền Nam Bắc. Chúng làm cho người Việt Nam ngày nay có phần lạ lẫm với những cuộc đối thoại lịch sử có tính khách quan và tôn trọng. Vì vậy, người viết cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải tham khảo ý kiến từ một bên thứ ba công tâm nhất trong chiến tranh Việt Nam – CIA (Central Intelligence Agency – Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ).
Với tư cách là một cơ quan tình báo, họ đưa ra những thông tin tham vấn chính xác nhất có thể về nền kinh tế của hai quốc gia để hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách của chính phủ Hoa Kỳ. Ít có lý do để một báo cáo như thế thể hiện định kiến hay thiên vị cho bất kỳ bên nào trong cuộc chiến. Điều này sẽ càng chắc chắn hơn khi báo cáo được mật hóa, giấu khỏi sự giám sát của công chúng Hoa Kỳ trong nhiều thập niên.
Báo cáo so sánh nền kinh tế của cả hai miền Bắc và Nam có đầy đủ những tính chất nói trên, do CIA thực hiện, được chính thức giải mật và công bố với công chúng Hoa Kỳ vào ngày 22/8/2013. Đây chắc chắn là một điều cần thiết để bổ sung cho hiểu biết chung của người Việt Nam về tương quan kinh tế giữa hai nhà nước Việt Nam.
***
Giai đoạn 1954-1960 là thời điểm cả hai quốc gia hoàn thành các kế hoạch kinh tế 4 năm hoặc 5 năm của mình. Thêm vào đó, môi trường tương đối hòa bình, an ninh cho phép chúng ta phân tích công bằng hơn về tiềm năng phát triển kinh tế thật sự của cả hai quốc gia. Bài viết vì vậy giới hạn phạm vi phân tích của mình trong giai đoạn này. Các giai đoạn sau đó, thú vị hơn, có lẽ đành phải dành cho những bài viết trong tương lai.
Thành tích tăng trưởng kinh tế của cả hai nhà nước sau khi chia cắt được CIA đánh giá là khá tương đồng.
Tỷ lệ tăng trưởng GNP (Gross National Products – Tổng sản lượng quốc gia, một chỉ số thể hiện được năng lực tự thân của nền kinh tế tốt hơn Tổng sản phẩm nội địa – Gross Domestic Product) của hai quốc gia bằng nhau ở mức ấn tượng: 8%. Trong đó, các ngành công nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đạt đến 26% tăng trưởng, với Việt Nam Cộng hòa ngay phía sau ở tầm 21%. Về sản lượng và nguồn thu nông sản thì chính phủ miền Nam có thành tựu 7% tăng trưởng, còn Bắc Việt thì tốc độ tăng trưởng đạt 5%, dù cũng bị nhận định là tốc độ tăng trưởng lương thực không tương thích với mức tăng trưởng dân số.
CIA cho rằng các chênh lệch này chủ yếu hình thành do các yếu tố địa chính trị và lịch sử.
Theo báo cáo, hệ thống công nghiệp Việt Nam trước chiến tranh Đông Dương chủ yếu là các cửa hàng sản xuất nhỏ lẻ để sản xuất thực phẩm, quần áo và nguyên vật liệu xây dựng. Vậy nên, có thể nói toàn bộ ngành sản xuất công nghiệp số lượng lớn theo mô hình hiện đại, tính đến năm 1954 ở Việt Nam, đều do các doanh nghiệp tư nhân Pháp đầu tư tạo lập. Trong đó, có thể kể đến các mỏ khai thác, các nhà máy như: tinh luyện thép, nung kẽm, chưng cất và nấu bia rượu, thuốc lá, sản xuất xi-măng .v.v.
Do mục tiêu khai thác thuộc địa của người Pháp, hầu hết cơ sở máy móc, tài sản công nghiệp nặng đều đặt tại Bắc Việt, vốn dồi dào tài nguyên khoáng sản hơn phía Nam. Báo cáo chỉ ra hơn 70% sản lượng của các ngành sản xuất công nghiệp mới được tạo ra ở phía trên vĩ tuyến 17; đồng thời 90% nguồn nhân lực lao động cho ngành là do các doanh nghiệp khai khoáng, sản xuất của Pháp ở phía Bắc tuyển dụng. Nhờ vậy, miền Bắc gần như kế thừa toàn bộ hệ thống tài sản, cơ sở sản xuất công nghiệp nặng do người Pháp để lại.
Miền Nam, ngược lại, có lợi thế lớn về quỹ đất đai nông nghiệp, kinh nghiệm vận hành và xuất khẩu từ những đồn điền khổng lồ cùng hệ thống đô thị với sức tiêu dùng cao. Họ chủ yếu kế thừa hệ thống máy móc và nguồn nhân lực giới hạn trong các ngành công nghiệp nhẹ như thuốc lá, rượu bia, nước giải khát, tinh luyện đường hay chà xát lúa gạo…
Mặt khác, xu thế viện trợ khác nhau giữa hai khối xã hội chủ nghĩa và phương Tây cũng tạo nên những định hướng phát triển biệt lập. Sản phẩm viện trợ của khối XHCN thường bao gồm máy móc, trang thiết bị và nguyên liệu công nghiệp nặng (?!), do vậy thường được tính và góp phần vào tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp tương ứng. Trong khi đó, VNCH thường nhận các chương trình viện trợ về sức khỏe cộng đồng hay giáo dục.
Có thể thấy mỗi nền kinh tế có một thế mạnh riêng. Cách mà các quyển sách giáo khoa hiện nay sử dụng sản lượng sản phẩm công nghiệp nặng để đánh giá thấp các thành tựu kinh tế của chính quyền VNCH là khá thiếu khoa học và khập khiễng.
Ví dụ, trong biểu đồ 1 so sánh lượng sản phẩm sản xuất trên đầu người, có thể thấy miền Nam vượt trội trong khả năng sản xuất mía đường (sugarcane), đường tinh luyện, gạo, vải sợi tổng hợp (rayon cloth), các sản phẩm cao su hay kể cả điện. Tuy nhiên, vùng này bất lực trong việc sản xuất than đá, khoáng apatite và xi-măng, với sản lượng là con số 0.
Với những phân tích trên, khác biệt lớn nhất giữa hai nền kinh tế thật ra nằm ở sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế cũng như thị trường tài chính.
Nếu tại miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế và kiểm soát toàn diện các ngành sản xuất, tiêu dùng, từ đó kiểm soát và quyết định việc phân phối của cải xã hội; thì tại miền Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa vẫn duy trì một nền kinh tế thị trường tương đối tự do (dù ở cấp độ nhà nước cũng có các kế hoạch kinh tế 4 năm, 5 năm).
Điều này dẫn đến hệ quả là khi nguồn lực tài chính của cả hai quốc gia tăng nhờ vào viện trợ và phát triển kinh tế, VNDCCH có khả năng đã bóp nghẹt và duy trì nhu cầu tiêu dùng của công chúng ở mức độ cực thấp, miễn là không gây ra mâu thuẫn xã hội, dùng lượng tài chính thừa này đầu tư vào các hoạt động công nghiệp nặng và quân sự với mục tiêu “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Trong khi đó, thị trường tại VNCH lại cho phép tái phân phối của cải xã hội sang các nhu cầu tiêu dùng thông thường hay xa xỉ cùng với xu hướng toàn cầu hóa thời điểm đó.
Cũng vì lý do này, sự lệ thuộc của VNDCCH vào nguồn viện trợ nước ngoài có phần hạn chế hơn so với VNCH. Song, mức độ dựa dẫm của cả hai vào nguồn tài trợ nước ngoài đều không kinh khủng như hai bên thường cáo buộc nhau. Theo CIA, trong giai đoạn từ 1956 đến 1960, viện trợ kinh tế nước ngoài ở miền Bắc giảm từ 15% xuống còn 4% tổng GNP; ở miền Nam thì duy trì ở mức khoản 10% GNP trong cả giai đoạn. Đây nhìn chung đều là những con số chấp nhận được với tính tự lực kinh tế cao ở cả hai quốc gia. Vậy nên cho rằng kinh tế tại miền Nam Việt Nam chỉ là ăn bám Hoa Kỳ; hay kinh tế Bắc Việt thì chỉ sống nhờ vào viện trợ Liên Xô – Trung Quốc, ít nhất trong giai đoạn mà cả hai quốc gia đều yên bình phát triển kinh tế, đều là những lập luận chưa đủ tính khoa học.
Sự kiểm soát và cách thức vận hành kinh tế của nhà nước VNDCCH có triết lý hoàn toàn tương tự như các quốc gia xã hội chủ nghĩa đương thời, song có sự chỉnh sửa để phù hợp với tình hình đất nước. Trong đó, hầu hết những chỉnh sửa này đều học hỏi từ mô hình Trung Quốc.
Ví dụ, để chuyển đổi từ mô hình phát triển nông nghiệp cá thể – tư nhân tư hữu sang nền kinh tế nông nghiệp xã hội chủ nghĩa, chính quyền VNDCCH học theo phương án của Trung Quốc là chia nhỏ quá trình thành các giai đoạn chuyển đổi kinh tế nông nghiệp: Trước tiên là cải cách ruộng đất (land reform), tiến đến các nhóm hợp tác và trao đổi sản xuất nông nghiệp chung, sau đó là các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cấp thấp (low-level cooperatives) và cuối cùng là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cấp cao (high-level cooperatives – chính thức xã hội hóa và thống nhất quyền sở hữu đất đai, tư liệu sản xuất của toàn bộ xã viên).
Hay cả hai cũng đều áp dụng chương trình lao động bắt buộc, các biện pháp sản xuất nông nghiệp với hàm lượng lao động lớn để giải quyết vấn đề dư thừa lao động trong xã hội. Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa Bắc Việt và Trung Quốc, theo CIA, là VNDCCH cẩn trọng và lo ngại về khả năng nông dân Bắc Việt bất mãn và nổi dậy.
Trong trường hợp VNCH, chính quyền vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định đối với các hoạt động đầu tư công, chi tiêu công và chi phí quân sự. Tuy nhiên, như hầu hết các nền kinh tế tự do thị trường khác, phần còn lại của nền kinh tế miền Nam Việt Nam hoàn toàn do thành phần kinh tế tư nhân duy trì và kiểm soát. Nhà nước chỉ can thiệp trong các ngành kinh tế quan trọng nhưng không thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Điểm đáng lưu ý là chính quyền VNCH tập trung nhấn mạnh vào những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp tiêu dùng, với mục tiêu duy trì vị thế của các công ty Việt Nam trong thị trường nội địa. Điều này tạo nên một nền công nghiệp tiêu dùng mạnh mẽ, năng động và nhiều màu sắc. Đó là lý do mà một số người Việt Nam cho đến này vẫn còn nhắc đến các thương hiệu lừng danh một thời được xây dựng trong 20 năm ngắn ngủi của nhà nước VNCH như Kem Hynos, Xà bông Cô Ba, Dầu gió Nhị Thiên Đường, Pin Con Ó, Hãng Sơn Nam Á, Hãng Sơn Đồng Nai, Bia Con Cọp, Bông gòn Bạch Tuyết, Nhà máy giày Bata, Bia Larue 333, Phân bón Đầu trâu…
Nhờ vào sức mạnh của kinh tế tư nhân tự thân, con số GNP tuyệt đối của miền Nam Việt Nam khá cao – tăng trưởng dần đều và đạt mức 1.5 tỷ USD vào năm 1960, mặc dù năng lực xuất khẩu và sản xuất công nghiệp nặng của quốc gia này thấp hơn Bắc Việt – với tổng GNP chỉ ở mức 1.1 tỷ USD.
***
Những thống kê và phân tích trên có giá trị quan trọng trong việc duy trì một thái độ khách quan và khoa học đối với lịch sử nước nhà. Rõ ràng những miệt thị và cáo buộc dành cho kinh tế của hai nhà nước đều không phản ánh đúng năng lực kinh tế thực tế của cả hai. Công bằng với lịch sử là cách tốt nhất để chúng ta loại bỏ sự mê muội và cái tính khí “ngu si hưởng thái bình” cố hữu. Chính sách phát triển kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có lẽ cũng đã đến lúc cần được các chính khách đương đại công nhận và học tập.
Từ khóa:
Tổng sản lượng quốc gia: GNP – Gross National Products
Tổng sản phẩm nội địa: GDP – Gross Domestic Products
Công nghiệp nặng: Heavy industry (np) – Công nghiệp nhẹ: Light industry (np)
Ngành hàng tiêu dùng: Consumer goods sector (np)