Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nghề hoạt động đặc biệt, vì hiếm ai lựa chọn nó làm sự nghiệp từ khi còn nhỏ. Đa phần trẻ em, nếu được hỏi “mai sau này cháu thích làm nghề gì?”, đều mơ làm ca sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, hoặc nếu không cũng là bác sĩ, kỹ sư, phi công…
Ngay cả những người có tham vọng chính trị từ nhỏ, lựa chọn của họ cũng là làm “chính trị gia” (politician) chứ không mấy ai tuyên bố mình sẽ là “nhà hoạt động” (activist).
Nó khác biệt, bởi đó là một trong những “nghề nghiệp” thường gây nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều nhất: luôn có người yêu thích, ủng hộ, và luôn có người căm ghét, phản đối những nhà hoạt động.
Và thuộc dạng đặc biệt nhất trong các nghề nghiệp khi nó không hẳn là một “nghề”. Đó là một cái “nghiệp”. Cái nghiệp phải phản kháng, đòi hỏi sự thay đổi.
“Bất tuân dân sự” (civil disobedience – sự phản kháng của người dân đối với các áp chế quyền lực) là một khởi nguồn và cũng là một trong những hình thức phản ứng nguyên thủy, phổ biến của các nhà hoạt động.
Tất cả những quyền lợi hiến định mà con người hiện đại ngày nay cho là “hiển nhiên”, từ việc mọi cá nhân đều bình đẳng, không ai được xem người khác là nô lệ, nam nữ đều phải được đối xử công bằng, vai trò của chồng và vợ ngang nhau, mọi người đều có quyền kết hôn, quyền ly hôn, quyền bỏ phiếu… cho tới quy định làm việc 40 giờ/tuần, tăng ca phải được trả thêm lương, người lao động có quyền nghỉ việc nếu thấy không phù hợp, có quyền đình công nếu bị bóc lột, doanh nghiệp không được sử dụng lao động trẻ em, không được làm ô nhiễm môi trường … không có thứ gì là từ trên trời rớt xuống, cũng không có thứ gì có được nhờ vào “lòng tốt” hay “trí tuệ” của bất kỳ thực thể nắm giữ quyền lực nào.
Tất cả đều được giành lấy, nhờ những hoạt động phản kháng của người dân.
Nhà hoạt động chống chế độ nô lệ Frederick Douglass từng nói: “Những kẻ nắm quyền không bao giờ tự nhả ra bất kỳ thứ gì nếu không ai yêu cầu” (power concedes nothing without a demand).
Phản kháng là cách duy nhất để đấu tranh với quyền lực, với những người được trao quyền cai trị nhưng không thực hiện đúng cam kết, hoặc bất tài vô hạnh, không có khả năng giải quyết các vấn đề của người dân, hoặc cả hai, vừa không làm đúng cam kết, vừa bất tài vô hạnh.
Đến đây thì đã có thể phần nào hiểu được cái “nghiệp” của những nhà hoạt động.
Không ai sinh ra đã muốn đi phản kháng. Hầu như tất cả mọi người đều muốn được sinh ra trong an toàn, lớn lên trong yên ổn, sống trong một xã hội công bằng, và chết đi trong an nhiên tự tại. Nhưng khi cái an toàn của mình bị đe dọa, cái yên ổn của những người thân bị phá hoại, và bất công giáng xuống đầu những người xung quanh, người ta có thể làm gì?
Nếu là nạn nhân trực tiếp của bất công, người ta có thể lựa chọn giữa tiếp tục chịu đựng hoặc phản kháng.
Nếu chưa phải là nạn nhân trực tiếp, người ta có thể lựa chọn giữa nhắm mắt làm ngơ hoặc lên tiếng ủng hộ phản kháng.
Trong tất cả các trường hợp, những nhà hoạt động là những người lựa chọn không chịu đựng và cũng không nhắm mắt làm ngơ.
Bản thân Frederick Douglass đã là một nô lệ may mắn trốn thoát, rồi mới trở thành người đấu tranh cho tự do của nô lệ ở Mỹ.
Mục sư Martin Luther King Jr. trước khi lãnh đạo phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen ở Mỹ cũng là nạn nhân của chế độ phân biệt chủng tộc.
“Thánh” Mahatma Gandhi trước khi trở về Ấn Độ lãnh đạo phong trào phản kháng phi bạo lực giành độc lập trước thực dân Anh đã phải hứng chịu những hành vi phân biệt chủng tộc đối với người da màu trong suốt thời gian ở Nam Phi.
Và vô số trường hợp tương tự: người dân bị chính quyền chiếm đất trái luật trở thành nhà hoạt động chính trị, bảo vệ cho những trường hợp tương tự như mình; phụ nữ bị phân biệt đối xử trở thành người đấu tranh cho nữ quyền, bảo vệ những người phụ nữ khác; nạn nhân của bạo lực súng đạn trở thành những người hoạt động tích cực ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ vũ khí; nạn nhân của bạo lực học đường trở thành người hoạt động chống lại bạo lực học đường…
Một trong những dấu hiệu của xã hội văn minh là khi bên cạnh những nạn nhân trực tiếp của bất công, luôn xuất hiện những người không phải nạn nhân nhưng sẵn sàng đứng ra ủng hộ, tiếp sức, và thậm chí dẫn đầu các phong trào đấu tranh phản kháng.
Tất cả họ đều sẵn sàng đối mặt với bất công, với các vấn đề của xã hội, tìm kiếm cơ hội tạo ra sự thay đổi.
Trong tiếng Anh, danh từ “act” mang nghĩa là hành động hoặc việc làm. Tính từ của nó, “active”, có nghĩa là “chủ động” (trái nghĩa với “passive” – bị động).
“Activist” là một danh từ được tạo thành từ chữ “active”, nếu dịch chính xác sẽ là những người chủ động.
Activist vì vậy đơn giản là những người chủ động giải quyết vấn đề, tạo ra sự thay đổi, không khoanh tay ngồi trông chờ ai đó sẽ làm thay.
Cách hiểu này sẽ giúp xóa bỏ được hiểu lầm phổ biến nhất về activist, rằng đây chỉ là việc của những “người chuyên nghiệp”, hay “anh hùng”, “người nổi tiếng”, “người có ảnh hưởng”… không phải việc của những người bình thường như chúng ta.
Hoàn toàn ngược lại. Bất kỳ người nào, một lúc nào đó trong đời, cũng đều có thể, nên, cần và thậm chí là phải trở thành một activist – người chủ động giải quyết vấn đề của xã hội.
Mọi người đều hít thở chung một bầu không khí, đều uống chung một nguồn nước. Vì vậy, bảo vệ sự trong lành của không khí, loại trừ những yếu tố làm ô nhiễm nguồn nước không phải là việc riêng của một nhóm người nào.
Tương tự, tất cả những ai sống trong cùng một cộng đồng, một xã hội đều phải có nghĩa vụ giải quyết những vướng mắc, những vấn đề, những bất công… của nó, không thể “nhường lại” việc đó cho bất kỳ ai.
Không ai có thể hít thở giùm, uống thay, hay sống hộ cuộc đời của người khác.
Kỳ 2: Tại sao họ luôn gây tranh cãi?
—
Từ khoá:
nhà hoạt động: activist (n)
bất tuân dân sự: civil disobedience (n)
người đấu tranh bảo vệ môi trường: environmental activist (n)
nhà hoạt động, đấu tranh cho quyền chính trị: political activist (n)
nhà hoạt động nhân quyền: human right activist (n)
tranh biện, tranh luận: to debate (v)
phản biện xã hội: social debate (n)
tẩy chay: to boycott (v)
việc tham gia các hoạt động dân sự: civic engagement (n)
biểu tình: to protest/ demonstrate (v)