Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Có nhiều loại nhà hoạt động, được phân chia theo nhiều cách khác nhau.
Ví dụ, ta có thể phân biệt các nhà hoạt động theo vấn đề mà họ quan tâm theo đuổi.
Theo cách đó, ta có những người đấu tranh bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, những người đấu tranh cho quyền lợi chính trị, cho nhân quyền, cho quyền của người lao động, cho quyền lợi của động vật… cho đến những người đấu tranh cho quyền sử dụng súng và những người đấu tranh yêu cầu kiểm soát súng đạn, những người đòi được quyền lựa chọn phá thai và những người chống lại việc phá thai, những người ủng hộ quyền của người đồng tính và những người phản đối quyền của người đồng tính…
Có bao nhiêu vấn đề của xã hội, bao nhiêu mặt của đời sống, có bấy nhiêu loại nhà hoạt động.
Người ta cũng có thể chia ra theo mục tiêu hoạt động, trong đó có những nhà hoạt động muốn thay đổi chủ trương, chính sách trong ngắn hạn, và những người muốn tạo ra phong trào xã hội mới một cách lâu dài, hoặc thậm chí thay đổi triệt để một mô hình thể chế nào đó.
Lại cũng có thể phân loại theo phương thức hoạt động, từ đấu tranh theo phương thức hòa bình phi bạo lực tới phương thức bạo lực, từ xuống đường phản đối đến dùng phương tiện truyền thông, từ vận động hành lang đến hoạt động tẩy chay …
Dù phân chia theo cách nào, ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy, nhà hoạt động có muôn mặt muôn vẻ, và họ gây tranh cãi, bởi vì các vấn đề mà họ tham gia, theo đuổi cũng đều gây tranh cãi.
Nhưng đặt câu hỏi “đúng hay sai”, “tốt hay xấu” về nhà hoạt động là một cách hỏi sai. Câu hỏi đúng phải tập trung vào người nào, hành động nào và đúng với ai, sai với ai, hay tốt cho ai, xấu cho ai.
Những người đấu tranh bảo vệ môi trường, chống lại việc xả thải ô nhiễm của nhà máy có thể là người hùng trong mắt dân địa phương. Đồng thời, họ lại hoàn toàn có thể là kẻ thù trong mắt những nhà đầu tư, những người hưởng lợi từ dự án của nhà máy đó.
Những người đấu tranh chống chế độ nô lệ xưa kia là ân nhân của hàng triệu nô lệ châu Phi, châu Mỹ, Ấn Độ. Nhưng họ lại là cái gai trong mắt của những chủ nô, những nhà buôn nô lệ, những người hưởng lợi từ việc sử dụng nô lệ đó.
Những người Mỹ thế kỷ 18 đấu tranh phản đối chế độ thuế má hà khắc do nhà cầm quyền Anh áp đặt có thể là anh hùng lập quốc đối với dân chúng Mỹ. Nhưng vào thời điểm đó, họ cũng lại là những kẻ nổi loạn phá hoại trong cái nhìn của người Anh.
Ngay cả phong trào phản chiến ở Mỹ những năm 1960-1970 góp phần dẫn đến việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam cũng vậy. Đó có thể là một thắng lợi đối với những người yêu hòa bình, là hành động đoàn kết thân tình trong mắt những người Việt Nam thắng trận. Nhưng lại bị xem là hành động ngu xuẩn theo đánh giá của những người Mỹ khác, và những người Việt Nam thất trận thì coi đó là sự phản bội nhục nhã.
Ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ thời đại nào, cách đặt vấn đề tốt hay xấu đối với nhà hoạt động không chỉ phiến diện, nó còn là cách tiếp cận vô nghĩa. Ý nghĩa thật sự của nhà hoạt động nằm ở sự tồn tại của họ.
Việc con người có thể chủ động lên tiếng và tìm cách giải quyết vấn đề tạo ra một trong những hạt nhân quan trọng nhất cho một xã hội tiến bộ: sự tranh luận, phản biện.
Rất nhiều người sợ các nhà hoạt động gây chuyện, phá hoại sự yên ổn đang có.
Nỗi sợ này phần lớn đến từ niềm tin rằng những người bình thường đều không đủ thông minh (“dân trí thấp”), dễ bị các nhà hoạt động giật dây, xúi giục, kích động phá hoại.
Trong marketing, khi doanh nghiệp tung ra một sản phẩm mới, người ta thường phân loại những đối tượng tiếp cận sản phẩm này thành 5 nhóm, trong đó nhóm người tiên phong và chấp nhận sớm là những người “thử lửa” đầu tiên, sau đó những nhóm đa số sẽ đi theo sau.
Nhưng yếu tố quyết định việc sản phẩm có được đa số đón nhận hay không không nằm ở sự phản hồi, sức thuyết phục hay tầm ảnh hưởng của nhóm tiên phong dùng thử. Nó nằm ở bản thân chất lượng, giá trị của sản phẩm đó. Mỗi người tiêu dùng, dù trước hay sau, đều có quyền lựa chọn và đánh giá của riêng mình.
Một sản phẩm tốt sẽ thuyết phục được số đông tiếp nhận.
Các nhà hoạt động là những người dùng thử giống vậy.
Họ là những người đầu tiên chủ động lên tiếng, chỉ ra vấn đề, yêu cầu giải pháp.
Nhưng cho dù họ có sức ảnh hưởng đến bao nhiêu, nếu vấn đề họ chỉ ra không phải là thứ mà số đông quan tâm, giải pháp họ đưa ra không thuyết phục được những người khác, thì sẽ không ai quan tâm đến hoạt động đấu tranh của họ.
Chụp chiếc mũ tốt/ xấu lên đầu nhà hoạt động là một việc vô nghĩa.
Cái việc vô nghĩa này lại vẫn thường xuyên được thực hiện bởi những kẻ không muốn có sự tồn tại của những người chủ động lên tiếng đấu tranh đòi thay đổi. Đó là những chủ nô trước kia, những chủ doanh nghiệp phá hoại môi trường thời nay, những người hưởng lợi và muốn giữ nguyên tình trạng hiện tại (status quo), bất chấp mọi bất công nó gây ra cho người khác.
Chiếc mũ này được chính quyền, kể cả chính quyền dân cử lẫn chính quyền độc tài, chụp cho nhà hoạt động nhiều nhất.
Các chính thể độc tài không bao giờ muốn có tiếng nói phản biện thật sự, nên chuyện chụp mũ, đàn áp nhà hoạt động đã nằm sẵn trong máu của nhà cầm quyền. Nhưng ngay cả trong các chính quyền dân cử, thái độ của nhà nước đối với giới hoạt động không phải lúc nào cũng tích cực.
Những người đứng ra tố cáo, tố giác sai phạm (whistleblowers – người tiết lộ các hoạt động mờ ám, sai trái của chính quyền) đa phần đều bị truy tố, xử phạt, thậm chí xử tù. Người đấu tranh cho quyền lợi của thiểu số thường không được lắng nghe. Ý kiến của người trẻ bị phớt lờ.
Ở Colombia, người đấu tranh cho quyền lợi của dân địa phương trở thành mục tiêu truy sát của các băng nhóm vũ trang, tội phạm. Ở Honduras, số nhà hoạt động bị giết nhiều tới mức khi cuối cùng có một trường hợp bị đưa ra tòa trừng trị, cho dù bản án vẫn còn rất nhẹ nhàng và bỏ sót chủ mưu, người ta vẫn xem đó là thắng lợi. Ở Philippines, người hoạt động bị xem là những kẻ rỗi hơi không có công ăn việc làm, chỉ biết phá hoại. Ở Trung Quốc, họ là đối tượng bị sách nhiễu, đàn áp thường xuyên và dễ dàng bị tống vào tù bất kỳ lúc nào. Và ở Việt Nam, các nhà hoạt động đều được chụp chung một chiếc mũ: phản động.
Điểm chung ở tất cả những nơi mà giới hoạt động bị đàn áp là nhà cầm quyền không muốn thấy sự phản kháng, thậm chí không muốn có sự tham gia chủ động của người dân.
Họ không muốn có tranh luận, vì từ tranh luận có thể dẫn đến việc chất vấn những hành động, quyết định và năng lực của chính quyền.
Ở một nơi mà sự tranh luận đúng nghĩa không được phép tồn tại, khái niệm đúng hay sai, tốt hay xấu trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Mọi thứ đều chỉ xuôi theo một dòng.
G.K. Chesterton từng nói, “Xác chết sẽ trôi theo dòng. Chỉ có sinh vật còn sống mới có thể đi ngược dòng”. (A dead thing can go with the stream, but only a living thing can go against it.)
Nỗ lực áp đặt một chiều, dập tắt phản kháng của bất kỳ chế độ nào cũng chỉ thích hợp và có tác dụng với những gì đã chết. Người sống luôn có thể đi ngược dòng, và sẽ luôn luôn có những người đi ngược dòng như vậy.
Kỳ 1: Những người không bao giờ nhắm mắt làm ngơ
Kỳ 3: Ai có thể làm nhà hoạt động?
—
Từ khoá:
nhà hoạt động: activist (n)
bất tuân dân sự: civil disobedience (n)
người đấu tranh bảo vệ môi trường: environmental activist (n)
nhà hoạt động, đấu tranh cho quyền chính trị: political activist (n)
nhà hoạt động nhân quyền: human right activist (n)
tranh biện, tranh luận: to debate (v)
phản biện xã hội: social debate (n)
tẩy chay: to boycott (v)
việc tham gia các hoạt động dân sự: civic engagement (n)
biểu tình: to protest/ demonstrate (v)