Nhà hoạt động – Kỳ 4: Làm sao để trở thành nhà hoạt động?

Nhà hoạt động – Kỳ 4: Làm sao để trở thành nhà hoạt động?
Ảnh: sewaday.org.

Câu hỏi “vậy làm sao để trở thành nhà hoạt động?” có vẻ hơi sai, nếu ta chấp nhận cách hiểu nhà hoạt động là một “người chủ động (giải quyết vấn đề)”.

Nếu bạn đã chủ động, hẳn nhiên bạn sẽ biết cách phải làm thế nào.

Tuy vậy trên thực tế, câu hỏi này vẫn rất phổ biến, đó là bởi ở nhiều nơi, đặc biệt những nước như Việt Nam, vẫn còn sự nhập nhằng mơ hồ về:

(1) thế nào là “nghề hoạt động”;  và
(2) thế nào là “chủ động tham gia các hoạt động dân sự”.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, tham gia vào các hoạt động dân sự, hay trở thành một nhà hoạt động, hoàn toàn không đồng nghĩa với việc xuống đường biểu tình. Sự thực là có nhiều nhà hoạt động cả đời không bao giờ xuống đường biểu tình.

Đó chỉ là một hình thức trong muôn màu muôn vẻ những phương thức biểu thị, đấu tranh, phản kháng của nhân loại.

Xuống đường biểu tình có thể xem là một trong những hình thức lâu đời và nguyên thủy nhất. Bất mãn với điều gì, người ta có thể tập hợp lại để thể hiện lập trường, thái độ.

Trước khi có tiếng nói, có chữ viết, có công cụ, có in ấn, và trước khi có internet, rồi mạng xã hội, nhân loại đã biết sử dụng hình thức này để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Đến khi những phát minh trên ra đời, con người lần lượt có thêm vô số cách thức để thể hiện, để phản kháng.

Họ có thể kể chuyện, có thể viết sách, viết báo, lập ra trang web, tự viết blog, dùng âm nhạc, dùng thơ văn, dùng phim ảnh, các tác phẩm nghệ thuật khác, hay tự sáng tạo ra các hoạt động mới, các phong trào mới … để nêu ra vấn đề và tìm kiếm sự thay đổi.

Giới hạn duy nhất cho các hình thức thể hiện và đấu tranh nằm ở trí tưởng tượng của mỗi người.

Thậm chí bạn không cần phải chủ động sáng tạo ra nội dung, tổ chức hoạt động mới có thể tham gia vào hoạt động dân sự, đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội.

Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là thể hiện sự ủng hộ.

Trên thực tế, trong bất kỳ phong trào nào, số lượng những người chủ động sáng tạo luôn ít hơn những người chủ động ủng hộ họ. Các nội dung được sáng tạo ra chỉ là công cụ để truyền tải, và công cụ đó được tạo ra để tất cả mọi người cùng sử dụng cho mục đích chung.

Chỉ cần ủng hộ, bất kể công sức, thời gian, vật chất, hay chỉ đơn giản là lên tiếng đồng thuận, là bạn đã trở thành một phần của phong trào đòi sự thay đổi.

Với sự phát triển của internet, đặc biệt là mạng xã hội, sự phổ biến của các thiết bị truy cập di động, việc lên tiếng lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết.

Một trường hợp oan sai, chỉ cần hàng triệu người chia sẻ cùng lúc, chắc chắn sẽ buộc những người có trách nhiệm phải nghiêm túc, cẩn trọng điều tra lại và có phản hồi rõ ràng.

Một điều luật trái với quyền lợi của dân, nếu hàng triệu người cùng bấm nút chia sẻ, thì những người làm luật, ngay cả trong các chế độ độc tài, cũng sẽ không dám phớt lờ mà nhắm mắt thông qua, hay ít nhất cũng không thể tùy tiện, dối trá tự đội chiếc mũ “lòng dân” lên đầu mình.

Nếu trong các hoạt động tranh cử, khẩu hiệu thường được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là “hãy dùng lá phiếu của bạn” (use your vote), thì trong các phong trào đấu tranh đòi sự thay đổi, sức mạnh lớn nhất luôn nằm ở “hãy cất lên tiếng nói của bạn” (use your voice).

Xuống đường biểu tình chỉ là một hình thức lên tiếng. Thực tế thì đó không phải hình thức dành cho tất cả mọi người hay là công cụ vạn năng giải quyết tất cả vấn đề.

Những người hướng nội, không thích đám đông, không cần phải ép mình đi tập hợp với những người khác.

Những người chưa dành thời gian tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề, chưa trau dồi kiến thức cơ bản về luật pháp, chưa có kỹ năng xử lý khi bị kích động, có xu hướng dùng bạo lực… lại càng không thích hợp tham gia vào một đám đông đi xuống đường.

Một đám đông với tập hợp những người như vậy rất dễ biến thành một nhóm bạo loạn vô tổ chức, để rồi cuối cùng không những không đạt được mục đích đấu tranh ban đầu mà còn phản tác dụng, mất đi sự ủng hộ của những người khác.

Một hình thức phản kháng nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng hiệu quả mà bất kỳ ai cũng có thể làm là tẩy chay.

Phương thức này được rất nhiều phong trào áp dụng vì dễ thực hiện mà hiệu quả lại rất lớn, đặc biệt trong thời đại mà kinh tế vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu.

Người ta có thể tẩy chay những sản phẩm từ các doanh nghiệp lạm dụng, bóc lột lao động (free produce movement), buộc họ phải nâng cao điều kiện làm việc cho nhân viên, hay tẩy chay toàn bộ sản phẩm từ một quốc gia (phong trào tẩy chay hàng hóa và từ chối hợp tác với Israel để ủng hộ người Palestine bị chiếm đóng).

Có nhiều phong trào lên danh sách những nhãn hàng, sản phẩm vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức cần phải tẩy chay, với lý do đa dạng, từ vi phạm nhân quyền, làm hại môi trường đến hành vi trốn thuế.

Tẩy chay, bất hợp tác có thể xem là một hình thức phản kháng văn minh, một cách hiệu quả để cất lên tiếng nói của bản thân, thể hiện quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân. Nó đặc biệt thích hợp ở những nơi mà quyền biểu thị công khai bị cấm cản (cấm biểu tình, tụ tập, đưa ra các loại luật tìm cách bịt miệng những tiếng nói đi ngược với ý đồ giới cầm quyền …).

Cho dù là hình thức nào, chỉ cần chịu lên tiếng, và lên tiếng theo cách mà mình làm tốt nhất, đã là đủ để đặt bước chân đầu tiên trở thành một nhà hoạt động.

Để tiếng nói có chất lượng, tất nhiên bạn cần phải bỏ thời gian tìm hiểu kỹ càng, nghiêm túc về vấn đề mình quan tâm.

Vấn đề còn lại là “nghề hoạt động”: Có nên xem nó là một nghề?

Điều này, cũng giống như hình thức tham gia các phong trào, hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân.

Những người làm “nghề hoạt động” chuyên nghiệp thường ở trong các tổ chức phi chính phủ (NGO). Họ dành toàn bộ/ bán thời gian cho các công việc liên quan và nhận thu nhập (chủ yếu hoặc một phần) từ những hoạt động đó.

Trong đa số trường hợp, người ta cần các nhà hoạt động chuyên nghiệp khi xuất hiện nhu cầu gây quỹ (fundraising), tổ chức phong trào thành hệ thống, điều phối mạng lưới rộng, quy mô lớn, tầm nhìn mục tiêu lâu dài …

Nhưng bất kể là phong trào gì, sức mạnh của nó không bao giờ nằm ở những “người chuyên nghiệp” này. Họ chỉ làm nhiệm vụ điều phối, và có thể là dẫn dắt. Phong trào cũng không nằm trong tay những gương mặt nổi tiếng làm đại sứ hay mang chức danh lãnh đạo. Không một anh hùng, nhà bác học, danh nhân hay thiên tài nào nắm giữ sức mạnh của một phong trào dân sự.

Sức mạnh chính luôn luôn nằm ở những người “nghiệp dư” (amateur) – những người bình thường tham gia, lên tiếng ủng hộ, đóng góp cho phong trào.

Có xem đó là một nghề hay không, muốn dành bao nhiêu thời gian, nguồn lực cho hoạt động đó, thể hiện bằng phương thức đấu tranh nào… tất cả đều là thứ yếu. Điều quan trọng nhất là khi có bất công, bạn lựa chọn thế nào. Liệu bạn có chịu đựng và nhắm mắt làm ngơ, hy vọng “nó” sẽ chừa mình ra, hay “ai đó” sẽ giải quyết vấn đề giùm?

Hay nhìn thẳng vào gương và lựa chọn không chịu đựng, không nhắm mắt làm ngơ.

(Hết)

Kỳ 1: Những người không bao giờ nhắm mắt làm ngơ
Kỳ 2: Tại sao họ luôn gây tranh cãi?
Kỳ 3: Ai có thể làm nhà hoạt động?

Từ khoá:

nhà hoạt động: activist (n)
bất tuân dân sự: civil disobedience (n)
người đấu tranh bảo vệ môi trường: environmental activist (n)
nhà hoạt động, đấu tranh cho quyền chính trị: political activist (n)
nhà hoạt động nhân quyền: human right activist (n)
tranh biện, tranh luận: to debate (v)
phản biện xã hội: social debate (n)
tẩy chay: to boycott (v)
việc tham gia các hoạt động dân sự: civic engagement (n)
biểu tình: to protest/ demonstrate (v)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.