Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc về sự kiện Thiên An Môn tại Hội nghị thượng đỉnh Đối Thoại Shangri-La năm 2019 đã khẳng định tính chính đáng và ưu việt của “mô hình Trung Quốc”: cho tự do về kinh tế nhưng giữ chặt không thả tự do chính trị, và từ chối mô hình dân chủ phương Tây.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và “mô hình Trung Quốc” đã làm các nước dân chủ phương Tây phải lo lắng đặt câu hỏi: phương Tây có nên lo ngại là việc Trung Quốc trỗi dậy sẽ đe dọa các giá trị tự do, dân chủ không?
Tạp chí The Economist đã tổ chức một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia về câu hỏi này. Trong phần trước chúng ta đã được đọc phần trình bày luận điểm mở đầu của hai chuyên gia: ông Bùi Mẫn Hân đại diện bên tranh luận “Có”, và ông Kishore Mahbubani đại diện bên tranh luận “Không”.
Trong phần này, hai ông hồi đáp gì với luận điểm của nhau?
Hồi đáp của ông Bùi Mẫn Hân: Lo ngại về Trung Quốc là có cơ sở
Ông Bùi Mẫn Hân tiếp thu cả trình bày của ông Mahbubani và của các độc giả góp ý trên trang mạng của tờ The Economist. Ông Bùi xác định ba điểm đáng để được thảo luận thêm.
Thứ nhất, ông Mahbubani và nhiều độc giả có chung một cáo buộc: khi lo ngại về Trung Quốc, các nước dân chủ phương Tây đang “đổ lỗi để tự biện hộ”, đang trách người trước khi trách mình.
Ông Bùi không cho rằng việc nhìn nhận sâu sắc nguy cơ từ Trung Quốc là “đổ lỗi”, là bị ám ảnh quá đáng về Trung Quốc. Nhìn nhận nguy cơ đó không có nghĩa là bỏ qua các điểm yếu hiện nay của các thể chế dân chủ phương Tây.
Chính các điểm yếu bên trong những thể chế dân chủ phương Tây (vốn đã được ông Bùi đề cập trong trình bày mở đầu) đang giúp Trung Quốc trỗi dậy dễ dàng hơn rất nhiều, và theo đó, càng làm Trung Quốc tăng khả năng thao túng và thay thế các hệ thống toàn cầu, làm suy yếu các trụ cột góp phần bảo vệ giá trị tự do, dân chủ phương Tây.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc bắt đầu thực hiện các dự án toàn cầu đầy tham vọng của họ ngay sau năm 2008 – khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, kéo theo sau một loạt vấn đề nghiêm trọng, góp phần làm các nước dân chủ phương Tây yếu kém đi và rối loạn hơn.
Thứ hai, ông Bùi không đồng ý với quan điểm của ông Mahbubani và những độc giả nào cho rằng Trung Quốc không có nhu cầu truyền bá và xuất khẩu hệ tư tưởng giá trị của họ ra toàn thế giới.
Ông Bùi đưa ra một số dẫn chứng cho thấy Trung Quốc thực sự có mưu đồ quảng bá giá trị tư tưởng ra thế giới.
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ đô-la cho các viện Khổng Tử mọc lên trên khắp thế giới, cho Đài Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) như một đối thủ với các kênh tin quốc tế như BBC của Anh và CNN của Mỹ, và cho nhiều chương trình tuyên truyền quốc tế khác.
Trung Quốc đang tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế do chính Bắc Kinh tổ chức để quảng bá mô hình “soái ca độc tài” của họ, như Diễn đàn Hợp Tác Trung Quốc – Châu Phi (Forum on China-Africa Cooperation – FOCAC).
“Tuyên truyền miệng” từ giới lãnh đạo cũng cho thấy Trung Quốc đang đề cao các ý tưởng hay khái niệm mang tính thách thức trực tiếp các giá trị tự do dân chủ phương Tây, như khái niệm “lựa chọn Trung Quốc” (China option) hay khái niệm “cộng đồng cùng chung số phận” (community with shared destiny).
Thứ ba, thực ra thì ngoài những bất đồng nói trên, theo ông Bùi, cả hai bên của cuộc tranh luận đều đang khá thống nhất về một điểm: làm sao để phương Tây ứng phó lại nguy cơ đe dọa các giá trị dân chủ từ Trung Quốc?
Cả hai bên tranh luận đều cho rằng công việc quan trọng nhất của các nước dân chủ phương Tây là phải làm cho hệ thống dân chủ của họ vững mạnh trở lại.
Việc phải cạnh tranh với Trung Quốc về kinh tế, tư tưởng và địa chính trị có một tác dụng phụ hữu ích: người dân đoàn kết lại và giới tinh hoa lãnh đạo tại các nước dân chủ phương Tây, trong cách nhìn nhận rằng họ đang có một nhiệm vụ chung – cùng chung tay giúp nước mình cạnh tranh với Trung Quốc.
Vấn đề cần lưu ý là phương Tây không nên phản ứng thái quá khi xử lý nguy cơ từ Trung Quốc. Phương Tây phải ứng xử dựa trên một lòng tin sâu sắc vào các sức mạnh nội tại của hệ giá trị tự do, dân chủ của họ.
Ông Bùi rất tán đồng một ý kiến độc giả cho rằng các khiếm khuyết nền tảng bên trong hệ thống độc tài kém tự do cứng nhắc của Trung Quốc chắc chắn sẽ giới hạn khả năng dùng sức mạnh của nước này. Trong khi đó, dân chủ có những điểm mạnh mà thể chế độc tài có vẻ không có: khả năng tự điều chỉnh (self-correcting) và tự làm mới chính mình/tái khởi (rejuvenating).
Hồi đáp của ông Kishore Mahbubani: Trung Quốc không hiếu chiến và phá hoại các cơ chế quốc tế như nhiều người tưởng
Ông Mahbubani tiếp tục khẳng định rằng Trung Quốc không hiếu chiến và đáng sợ như nhiều người lo ngại.
Ông ủng hộ lập luận bằng các phân tích lịch sử Trung Quốc. Trung Quốc đã cho thấy là họ (không như Liên Xô cũ) rất uyển chuyển, có khả năng biết tự điều chỉnh và thật lòng muốn hòa nhập với toàn cầu chứ không phải là chăm chăm đi lo làm bá chủ thiên hạ.
Ông Mahbubani công kích góc nhìn của ông Bùi rằng Trung Quốc hiếu chiến, thực tế cho thấy tính từ năm 1979 đến nay, trong năm nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ có mỗi Trung Quốc là chưa hề tham gia cuộc chiến tranh nào.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không phải là vị thánh, nhưng có nước bá quyền nào là hoàn toàn tốt đẹp đâu.
Nếu Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết Biển Đông năm 2016 của tòa án quốc tế tại La Haye, thì Hoa Kỳ cũng đã từng phớt lờ Tòa Công lý Quốc tế năm 1986 khi tòa này xử vụ Nicaragua kiện Hoa Kỳ.
Ông Mahbubani cáo buộc là đại diện mạnh nhất của phương Tây – Hoa Kỳ – đang rất “đạo đức giả” khi phê phán Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong khi chính Hoa Kỳ chưa phê chuẩn văn bản này.
Liên quan đến các khuyết điểm của Trung Quốc trên trường quốc tế, ông Mahbubani cho rằng ông Bùi Mẫn Hân và giới quan sát phương Tây đang từ chối nhìn vào các động thái cho thấy Trung Quốc tôn trọng chứ không phải đang “thao túng và thay thế” các hệ thống toàn cầu.
Trung Quốc vẫn đang tôn trọng các hiệp định thương mại đa phương và song phương, vẫn đang tuân thủ Hiệp ước Paris về bảo vệ môi trường.
Ông Mahbubani cáo buộc: chính Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump mới tỏ ra là nước bá quyền xem thường luật pháp quốc tế và các hệ thống toàn cầu. Hoa Kỳ đang có những quyết định thương mại đơn phương chống lại chính các đồng minh của họ như Canada và Liên minh Châu Âu; Hoa Kỳ cũng đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước Paris.
Việc Hoa Kỳ của Trump ngày càng “hướng nội”, từ chối ủng hộ và tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu nhằm thúc đẩy liên minh quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng cho thấy rằng nước này không còn là nước ủng hộ mạnh mẽ các hệ thống toàn cầu nữa.
Thông qua những chương trình đầy tham vọng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Dự án Vành đai – Con đường, chính Trung Quốc đang dùng sức mạnh kinh tế để trám vào chỗ trống do Hoa Kỳ để lại, nhờ đó góp phần duy trì các hệ thống toàn cầu thông qua hợp tác kinh tế và thương mại.
Ông Mahbubani lập luận rằng phương Tây nên chấm dứt bị Trung Quốc ám ảnh; thay vào đó, tập trung vào giải quyết các rắc rối nội tại, những rắc rối mà ông Bùi Mẫn Hân đã chỉ ra khá chính xác.
Ông Mahbubani cũng cho rằng phương Tây có thể giải quyết rắc rối nội tại thông qua duy trì hợp tác sâu rộng với Trung Quốc, bởi vì kinh tế Trung Quốc sẽ còn phát triển mạnh và chính phát triển kinh tế là một trong những chìa khóa giải quyết những rắc rối nội tại đó.
Theo quan điểm của Mahbubani, cứ giàu có là sẽ khỏe khoắn và tự tin trở lại. Các nước dân chủ phương Tây khỏe khoắn, tự tin mới chính là những thành trì vững chắc nhất bảo vệ các giá trị tự do dân chủ.
Ông Mahbubani tiếp tục phủ nhận việc Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu mô hình phát triển của họ ra thế giới. Ông không cho rằng đó là một việc có liên quan đến chủ đề đang được bàn cãi ở đây: vận mệnh của các giá trị tự do dân chủ phương Tây.
Kết quả tranh luận
Bên cạnh trình bày các ý kiến chuyên gia, The Economist cũng cho độc giả vào bình luận và bỏ phiếu ủng hộ các bên tranh luận.
Kết quả cuối cùng sau 12 ngày bỏ phiếu cho thấy bên “Có đe dọa” của ông Bùi Mẫn Hân giành chiến thắng trước bên tranh luận “Không đe dọa” của ông Kishore Mahbubani.
Có 8891 độc giả tham gia bỏ phiếu và 62% trong số đó đồng ý rằng phương Tây nên lo ngại là việc Trung Quốc trỗi dậy sẽ đe dọa các giá trị tự do, dân chủ.
Có vẻ đa số độc giả theo dõi cuộc tranh luận này cảm thấy các luận điểm rõ ràng với dẫn chứng cụ thể của ông Bùi Mẫn Hân có sức thuyết phục hơn.
Độc giả Việt Nam có lẽ cũng rút ra được một số bài học từ cuộc tranh luận này để nhìn rõ hơn các nguy cơ từ Trung Quốc.
Hy vọng nhiều người Việt Nam cũng đang tự hỏi: Trung Quốc đe dọa thế nào đến các nỗ lực dân chủ hóa và phát triển đất nước của Việt Nam?
***
Xem kỳ trước: Tranh luận: Trung Quốc có đe dọa các giá trị tự do, dân chủ phương Tây? – Kỳ 1
—
Từ khóa:
tranh luận: debate (n), to debate (v)
các giá trị chủ nghĩa tự do: liberal values (np)
dân chủ: democracy (n)
bá quyền: hegemony (n)
chính sách đối ngoại: foreign policy (np)
các thiết chế quốc tế: international institutions (np)
chế độ dân chủ tự do: liberal democracy (np)
chế độ độc tài: autocratic/authoritarian regime (np)
trật tự an ninh toàn cầu hiện tại: global security order (np)
hệ thống thương mại tự do toàn cầu: global trading regime (np)