Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trương Vĩnh Ký là ông tổ của nghề báo viết bằng chữ Quốc ngữ tại Việt Nam.
Tờ Gia Định báo (ra đời năm 1865 tại Sài Gòn) do ông làm chủ biên từ năm 1869 đã mở đường cho một thời kỳ mới trong lịch sử nước ta, với việc dùng chữ Quốc ngữ cho hoạt động báo chí.
Tuy dưới quyền quản lý của chính quyền thuộc địa Pháp, nhưng Gia Định báo đã đánh bại các tờ Le Bulletin officiel de l’Expedition de la Cochinchine (Nam Kì viễn chinh công báo – tiếng Pháp, 1861), Le Bulletin des Communes (1862) (Xã thôn công báo – tiếng Pháp, tiếng Hoa, 1862), Le courier de Saigon (1864) (Sài Gòn thư tín – tiếng Pháp, 1864) [1] và phát triển một cách mạnh mẽ nhờ sử dụng ngôn ngữ bản xứ [2].
Gia Định báo đã thực hiện đúng phần nào đó nhiệm vụ giáo dục của báo chí, truyền tải nhiều kiến thức đến độc giả trước thực trạng dân ta còn quá lạc hậu với thế giới.
Đến năm 1888, vì muốn thoát khỏi sự lệ thuộc tài chính của Pháp, ông Trương Vĩnh Ký đã tự lập một tờ báo riêng, là tờ Thông loại khóa trình. Đến đây, ông tiếp tục đi vào lịch sử với tư cách là người sáng lập tờ báo tư nhân đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, mặc dù tờ báo chỉ tồn tại được chưa đầy hai năm.
Chữ tài đi với chữ tai một vần
Trương Vĩnh Ký (1837-1898), quê ở Cái Mơn (Bến Tre), là một trong 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX. Ông đã để lại một di sản đồ sộ với hàng trăm tác phẩm sách, báo, khảo cứu về ngôn ngữ, từ điển… Năm 2015, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (lúc bấy giờ chưa ngừng hoạt động), đã tôn vinh ông là “Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”.
Trước khi làm hiệu trưởng Trường Thông ngôn (tức trường đào tạo phiên dịch viên), ông là trợ bút công báo Pháp ngữ Bulletin du Comité Agricol et Industriel de la Cochinchine – Nam Kỳ viễn chinh công báo (1865-82); trợ bút (1865-1869) rồi chủ biên (1869-1872) của tờ Gia Định Báo – tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Nguyễn Văn Vĩnh – người sáng lập tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên tại miền Bắc (Đăng Cổ Tùng Báo), người dành cả cuộc đời để có thể phát triển chữ Quốc ngữ tại Việt Nam đã từng nêu cao khẩu hiệu: “Người An-nam nên viết chữ An-nam”. Ông cho rằng: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Lịch sử đã chứng minh được rằng, chữ viết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống và sự vững tồn của một quốc gia. Trương Vĩnh Ký là người đóng vai trò đi đầu trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ ấy.
Ngoài ra, Trương Vĩnh Ký thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, ông có một văn nghiệp đồ sộ và vô cùng phong phú với hơn 100 tác phẩm, biên soạn các loại từ điển, phiên âm truyện Nôm và một số tác phẩm cổ của Việt Nam… Quan trọng nhất, ông đã dành tới ba công trình trong số tám quyển lớn nhỏ bàn về ngữ học cho tiếng Việt: Cours pratique de langue anamite (Giáo trình thực hành tiếng Việt); Abrégé de grammaire anamite (Tóm tắt ngữ pháp tiếng Việt); Grammaire de la langue anamite (Ngữ pháp tiếng Việt).
Thế nhưng, ông cũng là một trong những nhân vật lịch sử gây tranh cãi nhiều nhất.
Phạm Đình Tân, trong “Trương Vĩnh Ký – Một tâm hồn ái quốc và cô đơn” [3] có viết một đoạn mở đầu rất hay và tài tình khi nói về Trương Vĩnh Ký: “Không phải ông không sống với đời, không cộng tác với người. Trái lại, ông đã sống hăng hái, sống giữa đời, sống thân yêu với mọi người. Chỉ có một điều khác: ông không sống theo đa số, ông sống theo thiểu số. Ông không chạy theo đám đông, ông tu luyện một đời sống đặc biệt, lý tưởng, thông minh, thích ứng với tâm hồn phong phú của mình”.
“Người ta thi nhau đậu thám hoa, bản nhỡn chữ nho, ông thông thạo 27 thứ tiếng, xuất bản trên 100 tác phẩm đủ loại, với nhiều ngôn ngữ, đứng hàng thứ 17 trong 18 nhà bác học thế giới bây giờ. Người ta vận động để vào dân Tây, ông từ chối nhập quốc tịch ngoại quốc. Người ta đút lót để ra làm quan, ông ưa thích làm nghề dạy học. Người ta nịnh bợ để thăng quan tiến chức, ông thẳng thắn góp ý kiến với nhà vua, mạnh dạn can đán kẻ bảo hộ. Người ta vất vả luồn cúi để mong giàu sang, ông vui lòng giữ phận nghèo túng”.
Chia sẻ với tác giả, ông Trương Minh Đạt, hậu duệ của Trương Vĩnh Ký, người quản lý khu lăng mộ của ông ở Sài Gòn, lắc đầu tiếc nuối: “Người ta luôn nghĩ ông Trương Vĩnh Ký là Việt gian, vì cái tên Petrus Trương Vĩnh Ký nên người nghĩ Petrus là Pháp rồi nhưng thật sự theo đạo thì tên thánh đi trước, chứ ông đi xứ với Phan Thanh Giản vẫn mặc áo dài khăn đóng bình thường, ông không mặc đồ Tây, Pháp kêu theo quốc tịch Pháp vẫn không theo”.
Để không còn nỗi oan thế kỷ
Người ta hiểu nhầm về ông Trương Vĩnh Ký nhiều quá. Nhiều nhất là do bất cẩn trong cách viết sai tên thành Pétrus Ký thay vì Petrus Ký. Cái nhiều thứ hai là những hiểu nhầm ông qua các văn tự, thư từ, tài liệu cũ, gốc. Kiến thức của học giả nghiên cứu còn hạn hẹp khi tiếp xúc với các tư liệu của ông nhưng họ vẫn đưa ra hậu thế lời buộc tội, một sự buộc tội vô cùng võ đoán. Bởi lẽ, người ta buộc tội theo một phương trình: Quan điểm chính trị -> Nhân cách, tài năng -> Vai trò đối với xã hội, đất nước.
Ở đó, quan điểm chính trị là cái quan trọng nhất, chi phối toàn bộ một con người, kể cả phẩm hạnh, tài năng và nhiều hơn thế nữa. Ít những hội thảo nghiên cứu, ít một đề án hay quỹ nghiên cứu, ít công khai sách khảo cứu về Trương Vĩnh Ký, người ta chỉ biết đến tên ông qua Gia Định báo. Thậm chí quyển sách “Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ” của tác giả Nguyễn Đình Đầu vừa mới xuất bản vào tháng 1/2017 đã bị thu hồi.
Có một bài thơ mà một tác giả nào đó ký với bút danh Cử Tạ về việc chế giễu Trương Vĩnh Ký được lan truyền:
Người Việt được Tây đúc tượng đồng
Chúa ơi, vinh dự nhất là ông
Áo dài khăn đống, Annam đặc
Kim khánh mề đay Bảo hộ phong
Mưa nắng chẳng sờn gan sắt đá
Búa rìu sá kể miệng non sông
Tay cầm quyển Đít-son-ne Pháp
Pháp rút đi rồi hỏi tiếc không?
(1958)
Nhưng có chế giễu thế nào thì bài thơ cũng đã toát lên một sự thật về Trương Vĩnh Ký: là người Việt hiếm hoi đã được Pháp đúc tượng đồng. Ông Petrus Ký suốt đời mặc áo dài khăn đóng; cuốn Dictionnaire (từ điển) mà tác giả chế giễu thành Đít-son-ne (tức “bợ đít” người Pháp) là một trong số những công trình vĩ đại của ông.
Khu lăng mộ của ông thường vắng hoe không người viếng, họa chăng năm thì mười thuở có cô hiệu trưởng của Trường THPT Lê Hồng Phong (Trường Petrus Ký cũ) đến thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ. Ông Trương Minh Đạt lắc đầu luyến tiếc nhưng vẫn không khỏi tự hào khi kể lại về ông Trương Vĩnh Ký và những huy hoàng của một thời quá vãng.
Ông bảo: “Bây giờ trí thức trở lại, công nhận ông Trương Vĩnh Ký vì đã đem văn hóa về cho dân tộc mình. Ai công nhận thì cảm ơn, ai không công nhận thì thôi. Xấu cũng được, tốt cũng được, người sau hậu thế sẽ nhận xét. Như ông Trương Vĩnh Ký đã viết, về sau hãy để hậu thế nhận xét ông có tội hoặc không có tội”.
Chính bây giờ, hơn lúc nào hết, chúng ta đang có nhiều cơ hội và nhiều điều kiện thuận lợi để nhìn nhận về sự nghiệp văn hóa của ông Trương Vĩnh Ký một cách công bằng và đúng đắn nhất. Chúng ta không thể hô hào về hòa giải nhưng lại để cho một danh nhân, và người có công đặt nền móng cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ Việt Nam lại ôm trong mình một nỗi oan thế kỷ chỉ vì ông ta từng làm việc dưới quyền Pháp. Càng không thể xây biết bao tượng đài, công trình nghìn tỷ mà lại để tượng ông tổ của nghề báo của Việt Nam đứng im lìm ở xó xỉnh nào đó chẳng ai qua lại. Bởi lẽ, đó là trách nhiệm của hậu thế, thể hiện trình độ nhận thức văn hóa của người đời sau với người đời trước.
Đã đến lúc để Trương Vĩnh Ký cất lời.
—
Tài liệu tham khảo:
[1] Ba tờ báo đầu tiên tại Nam Kỳ, Việt Nam. Đọc thêm: Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khỏi thủy đến 1945, tr. 52 – tr. 54).
[2] Triệu Thanh Lê, Gia Định báo trong tiến trình báo chí Đông Nam Á, in trong Gia Định Báo – Tờ báo Việt ngữ đầu tiên, nhiều tác giả, NXB Văn hóa – Văn nghệ), 2017, tr. 61 và tr. 65.
[3] Phạm Đình Tân, Trương Vĩnh Ký – Một tâm hồn ái quốc cô đơn.