Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Ma túy đã và đang là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên mọi châu lục, đặc biệt ở những thành phố lớn và Việt Nam không hề là một ngoại lệ. Mỗi năm hàng ngàn gia đình tan cửa nát nhà vì ma túy khi trong gia đình có người nghiện ngập, dính dáng tới buôn bán ma túy hoặc các hành vi phạm tội khác để có tiền sử dụng ma túy. Sự bức xúc của người dân khi đọc một bài báo về tội phạm liên quan tới ma túy ngày càng tăng và cảm giác bất lực thường bật qua câu nói “Bắn hết đi là xong!”.
Cho dù bắn không nhất thiết là bắn, cách giải quyết có vẻ rất đơn giản và rõ ràng đối với một số đông người dân: tăng nặng hình phạt với các tội phạm ma túy, đặc biệt nên áp dụng rộng rãi án tử hình nhằm răn đe. Đó chính là lý do một bộ phận không nhỏ dân chúng tán thành các biện pháp “rất cứng” của tổng thống đương nhiệm Philippines, ông Rodrigo Duterte, người đã phát động cuộc “chiến tranh với ma túy” (Drug War) đẫm máu ở đảo quốc này từ khi đắc cử năm 2016.
Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines
Ngay từ khi còn là thị trưởng Davao, Duterte đã đề xuất phát động “chiến tranh” với các băng đảng và người nghiện ma túy với một biện pháp “vô tiền khoáng hậu” là xử tử không cần xét xử (extrajudicial killings), một đề xuất có thể gọi là quái gở vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, và bởi một người xuất thân là luật sư.
Mặc dù những vụ thảm sát người vô gia cư và nghiện ma túy từng diễn ra ở Brazil và Mexico vào những niên 80-90 thế kỷ trước, chúng đều được tiến hành bởi các băng nhóm tội phạm. Đây là lần đầu tiên các vụ thảm sát có thể diễn ra công khai với sự chấp thuận của chính phủ và bởi các nhân viên công lực. Tới thời điểm tháng 1 năm 2019, chỉ 2 năm rưỡi sau khi phát động “chiến tranh”, số người bị sát hại (chứ không thể gọi là xử tử được) đã lên tới trên 5 ngàn người bao gồm 54 trẻ em bị giết ngay trong năm đầu tiên.
Đây là con số do chính phủ Philippines công bố. Theo The Guardian, nguồn tin của báo giới và các tổ chức nhân quyền cho biết tới tháng 1 năm 2019, trên 12 ngàn người đã bị sát hại. Các nghị sĩ đối lập Philippines thì cho rằng con số này thậm chí đã vượt qua 20 ngàn.
Trong các báo cáo của cảnh sát Philippines thì những người này đều là những “tội phạm ma túy” nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế số người bị bắt và chết oan trong cuộc chiến này chiếm một tỷ lệ rất lớn.
Thù oán cá nhân, tranh chấp làm ăn đều có thể dẫn tới những cái chết. Cảnh sát có thể bắn bất kỳ ai rồi quẳng vài tép heroin (một thứ rất sẵn) hoặc súng (cũng rất sẵn) lên xác họ và sẽ không bao giờ có bất kỳ một cuộc điều tra nào về những cái chết này.
Hàng vạn gia đình đã tan nát vì người chết, của mất.
Còn thực trạng tội phạm ma túy ở Philippines thì sao sau hai năm rưỡi đẫm máu này? Chính phủ Duterte thì khẳng định đã đạt được những thành tựu rõ rệt trong việc bài trừ ma túy. Tuy nhiên, theo Reuters, những báo cáo này đều phóng đại và thực tế tội phạm ma túy ở Philippines không hề giảm đi. Một ví dụ khách quan chứng minh cho cáo buộc của Reuters là giá ma túy đá (methamphetamine) ở Manila một năm sau chiến tranh còn rẻ hơn trước cuộc chiến. Điều đó cho thấy nguồn “cung” vẫn rất dồi dào và thực tế thì “cầu” cũng không sút giảm.
Nếu vậy thì lý do gì Duterte vẫn được một số đông dân Philippines ủng hộ trong cuộc “chiến tranh” này?
Một người bạn gốc Philippines của tôi, hiện là nhân viên Bộ Di trú Úc, đã trả lời câu hỏi của tôi về cuộc chiến chống ma túy của Duterte “Tôi ủng hộ ông ấy!”. Đáp lại sự ngạc nhiên lộ rõ trên mặt tôi, ông nói tiếp “Tôi hiểu ông đang nghĩ gì. Nó có vẻ rất ngu xuẩn nếu tôi nói rằng tôi tin bạo lực thuần túy có thể giải quyết một vấn nạn xã hội như ma túy. Nhưng chúng tôi đã tuyệt vọng.
Tôi đã sống và chứng kiến các đời tổng thống Philippines từ Ferdinand Marcos những năm 60, Corazon Aquino cho tới gần đây như Joseph Estrada hay Gloria Arroyo. Không một ai trong họ làm được một điều gì để giảm bớt tình hình tội phạm ở Philippines. Do đó chúng tôi ủng hộ Duterte. Dù sao ông ta cũng có làm một cái gì đó. Tin vào khẩu súng thật ngu xuẩn. Nhưng còn tốt hơn không có gì để mà tin.
“Chúng tôi tuyệt vọng.” Câu trả lời của một người Philippines có thể không đại diện cho những gì số đông người dân Philippines đang nghĩ, nhưng nó cũng ít nhiều phản ánh lý do vì sao những chính sách cực đoan, vi hiến của chính phủ Duterte trong cuộc chiến này vẫn được ủng hộ.
Liệu chăng “những người đang tuyệt vọng” này đủ tỉnh táo để cân nhắc hơn thiệt về cách để thắng trong “cuộc chiến” này? Và ai sẽ là người thắng?
“Dùng hình phạt bao giờ cũng là biểu hiện của yếu đuối
và lười biếng trong cai trị.“
Nhận định này của Jean Jacques Rousseau gần ba thế kỷ trước khó có thể đúng hơn trong cuộc chiến này ở Philippines. Nhưng có lẽ một bộ phận lớn người dân Philippines không còn quan tâm đến điều này nữa. Họ đặt niềm tin vào bạo lực.
Bộ phim Traffic (2000)
Traffic (tựa tiếng Việt là Vận chuyển ma túy) là một bộ phim do đạo diễn Steven Soderbergh thực hiện năm 2000 về cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở Mỹ và Mexico.
Traffic được giới phê bình và người hâm mộ đánh giá rất cao về tính chân thực và thông điệp đầy nhân bản của bộ phim. Từ nhiều tuyến của bộ phim, khán giả sẽ có một cái nhìn khái quát về vấn đề tội phạm ma túy từ nhiều góc độ: nhân viên chấp pháp, chính trị gia, trùm ma túy hay người thân và gia đình của các nhân vật này.
Nhân vật thẩm phán bảo thủ bang Ohio, Robert Wakefield (Michael Douglas), lãnh đạo Văn phòng Kiểm soát Ma túy Quốc gia thuộc Văn phòng Tổng thống, là một nhân vật nổi bật trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy với những đề xuất tấn công mạnh mẽ vào giới tội phạm cũng như người nghiện.
Trong khi đó, Caroline, con gái ông, từ một học sinh xuất sắc, đã dính vào ma túy, trở thành một con nghiện nặng. Phản ứng với cha mình vì bị cấm cản, Caroline bỏ nhà đi bụi. Robert lang thang cho tới khi tìm thấy con gái mình đang làm gái mại dâm trong những khu ổ chuột để kiếm tiền mua ma túy.
Trong bài báo cáo về phương cách tấn công tội phạm ma túy tại Washington DC, Robert suy sụp và bỏ cuộc nửa chừng với ý ông không thể tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chống lại chính những người thân của mình, một cuộc chiến “không thể thắng”.
Ở tuyến nhân vật thứ hai, cảnh sát viên Mexico Javier Rodriguez (Bennicio Del Toro) được “tuyển mộ” và làm việc cho Salazar, một quan chức cảnh sát cấp cao của Mexico để tấn công băng nhóm ma túy của anh em Obregon. Sau khi phát hiện Salazar trên thực tế chính là tay chân của băng Juarez và chỉ mượn cảnh sát như một bình phong để triệt phá băng nhóm đối địch của anh em Obregon, Javier quyết định hợp tác với Cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) và phần thưởng do chính anh đề nghị cũng rất lạ lùng “Mắc điện cho khu vực anh sống để thanh thiếu niên có chỗ chơi bóng chày buổi tối và nhờ vậy tránh xa sự dụ dỗ của các băng nhóm tội phạm”.
Cảnh kết phim với Javier ngồi trầm ngâm xem một nhóm trẻ con chơi bóng chày mang lại sự nhẹ nhõm cho khán giả sau những phút nặng nề của bộ phim. Đó không đơn thuần là sự nhẹ nhõm do cái kết “có hậu” của đạo diễn Soderbergh, đó còn là sự nhẹ nhõm của hy vọng.
Có vẻ anh chàng cảnh sát Javier Rodriguez đã thông minh hơn rất nhiều, hoặc có lẽ chân thật hơn rất nhiều so với những người đã và đang đổ biết bao nhiêu tiền bạc, công sức và cả sinh mạng nhiều người cho một cuộc chiến “không thể thắng”, vì những lý do khác nhau: sự ngây thơ của người dân, sự lười nhác và nhu nhược của các quan chức, lá phiếu cử tri cho các chính trị gia hay đồng tiền của các băng nhóm cho các quan chức sa ngã.
Chính phủ Philippines, vì lý do này hay lý do khác, đã không học được gì từ những cuộc chiến tranh chống tội phạm khắp nơi trên thế giới mà có lẽ bài học đắt giá nhất là Luật Cấm rượu (The Prohibition) những năm 1920-1933 tại Mỹ.
Đạo luật “thần kỳ” đã gây ra cái chết của hàng ngàn người uống rượu giả, bị bắn chết trong cuộc chiến, nhà nước thất thu hàng triệu đô la tiền thuế và đạo luật này cũng chính là nền tảng cho sự xuất hiện và lớn mạnh của hàng loạt tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Ai đã thắng trong cuộc chiến này?
Hình ảnh ánh sáng trên sân bóng chày của Javier Rodriguez như một ẩn dụ. Chỉ có một cách duy nhất để xóa tan bóng tối, đó là mang lại ánh sáng. Giáo dục, nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân- phải chăng đó chính là ánh sáng mà chúng ta cần để thoát khỏi bóng tối?
—
Tài liệu tham khảo:
—
Từ khoá:
xử tử bất tư pháp / sát hại bất tư pháp: extrajudicial killings / execution (np)
ma túy / chất hướng thần: drug (n); người bán chất hướng thần: drug dealer (np)
băng đảng ma túy / tập đoàn tội phạm ma túy: drug cartel (np)