Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vụ giết người giấu xác trong bê tông tại Bình Dương, bị phát hiện hôm 15/5/2019, đã khiến dư luận, báo chí đặc biệt chú ý trong suốt tháng qua. Trong đó, một khía cạnh được tập trung khai thác là vai trò của tôn giáo trong vụ việc.
Theo lời khai của các nghi phạm với cơ quan điều tra mà báo chí tường thuật lại, thì cả hai nạn nhân và bốn nghi phạm đều nằm trong một nhóm luyện Pháp Luân Công.
Họ khai rằng “mâu thuẫn” trong việc tu luyện khiến một nạn nhân tự sát, trong khi nạn nhân còn lại có những biểu hiện hành vi “sai lệch”, “không đúng với quy định của người luyện Pháp luân công” khiến các nghi phạm phải ra tay sát hại nạn nhân này.
Có thể thấy tôn chỉ tôn giáo như một động cơ phạm tội đã được báo chí trong nước rất chú trọng. Báo Tiền Phong cho rằng “khi biết về động cơ giết người của nhóm bị can, người dân tá hỏa, không biết Pháp Luân Công là môn phái gì mà đáng sợ đến thế?”. Báo Thanh Niên còn cho đăng một loạt bài nói về biến tướng của Pháp Luân Công và gọi nhóm này là “tà giáo”.
Các tranh luận về Pháp Luân Công cũng diễn ra khá rộng rãi trên mạng xã hội với ưu thế rõ rệt nghiêng về bên công kích Pháp Luân Công, xem giáo phái này là một “tà giáo” hay “tà đạo”, một vấn nạn xã hội cần được các nhà chức trách xử lý.
Tuy nhiên, một vài câu hỏi có vẻ chưa được nhiều người để ý: Làm sao để phân biệt giữa “tôn giáo” và “tà giáo”? Trong bối cảnh Việt Nam, những ai là bên có thẩm quyền xác định đâu là “tà giáo” và đâu là “tôn giáo”?
Bài viết này đi vào các câu hỏi đó với trường hợp Pháp Luân Công như một ví dụ thực tiễn.
Tại sao việc phân biệt “tôn giáo” và “tà giáo” lại quan trọng trong bối cảnh Việt Nam?
Trong một xã hội tôn trọng quyền con người, mỗi công dân đều có quyền có tín ngưỡng riêng của mình và quyền tự do thực hành tôn giáo mà mình đã chọn. Bởi vì tín ngưỡng, tôn giáo quyết định cách sống, cách suy nghĩ và nhìn nhận thế giới của riêng mỗi người.
Tôn giáo và tín ngưỡng thường song hành với nhau nhưng không nhất thiết là một thứ. Trước hết cần nhìn nhận là đến giờ người ta vẫn chưa có một định nghĩa hoàn hảo, đầy đủ về tôn giáo.
Một cách cơ bản nhất thì tôn giáo (hiểu theo nghĩa tiếng Anh là religion) là một hệ thống tư tưởng, hệ thống giá trị sống cụ thể dựa trên niềm tin vào một hay nhiều đấng siêu nhiên.
Tín ngưỡng (belief) là một niềm tin vào một hệ thống tư tưởng, hệ thống giá trị sống cụ thể nào đó. Hệ thống tư tưởng, giá trị sống đó có thể có nguồn gốc từ một tôn giáo, mà cũng có thể không.
Quản lý, kiềm tỏa tín ngưỡng tôn giáo, theo đó, chính là quản lý, kiềm tỏa niềm tin cá nhân và cách sống riêng của mỗi con người.
“Tà giáo” thường được hiểu là một hệ thống tư tưởng, giá trị sống giống như tôn giáo nhưng lại… “tà”. Đây là một từ Hán Việt, có nghĩa là “lệch, vẹo, nghiêng, xiên, chéo”, nhằm ám chỉ hệ thống tư tưởng, giá trị sống này xấu xa, không lương thiện, có ác ý, gây hại cho con người.
Việc kiểm soát định nghĩa “tôn giáo”; đồng thời áp đặt một số hệ thống tư tưởng, giá trị sống là “tà giáo”, thật ra chính là hành vi quản lý, kiểm soát tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Khi đối mặt với những hành vi bó buộc niềm tin cá nhân và cách sống riêng của mỗi người như thế, chúng ta cần hiểu rõ lý do đằng sau chúng và cách chúng vận hành.
Thái độ như thế đặc biệt cần thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam, một đất nước vốn không có quốc giáo nhưng cũng không hề có truyền thống tự do tôn giáo tín ngưỡng, ít nhất trong khoảng nửa thế kỷ qua.
Tuy tự do tôn giáo được công nhận là quyền công dân trong Hiến pháp 2013, nhưng thực tế thì tự do đó bị ràng buộc bằng cả luật pháp và một hệ thống công quyền luôn dè chừng các tổ chức và những người thực hành tôn giáo.
Theo một báo cáo độc lập về tự do tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam, nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay đã có rất nhiều văn bản luật và dưới luật về tôn giáo. Nhưng những văn bản này chủ yếu là để quản lý tôn giáo chứ chưa bao giờ là để bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Luật Tín ngưỡng Tôn giáo – được thông qua năm 2016 và có hiệu lực từ đầu năm 2018 – cũng không ngoại lệ.
Theo báo cáo nói trên, thông qua Luật này, “chính quyền tiếp tục đóng vai trò là bên ban phát tự do tôn giáo theo cơ chế xin-cho, là bên phán xét và định hướng tôn giáo, là bên nắm quyền quyết định các cộng đồng tôn giáo, các tín đồ được phép làm gì và không được làm gì”.
“Tôn giáo” và “tà giáo” tại Việt Nam
Ngay cả khi chấp nhận vai trò quản lý và ban phát tự do tín ngưỡng tôn giáo đó của chính quyền Việt Nam, vẫn cần thấy rằng việc phân biệt tôn giáo/tà giáo trên truyền thông trong nước có vẻ là một cách kiểm soát tôn giáo tín ngưỡng thông qua tuyên truyền, lợi dụng dư luận, chứ không phải là bằng áp dụng luật pháp.
Bởi vì Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 có định nghĩa về tôn giáo nhưng không hề đề cập gì đến “tà giáo”. Cũng không có văn bản luật hay dưới luật nào khác định nghĩa “tà giáo”.
Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 của Việt Nam định nghĩa “tôn giáo” là: “niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”.
Định nghĩa này hạn hẹp một cách có chủ ý khi liệt kê một loạt tiêu chuẩn để một tôn giáo được công nhận. Mọi tôn giáo không có đối tượng tôn thờ, không có giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức rõ ràng đều bị loại khỏi vòng kiểm soát và bảo vệ của luật pháp.
Tiêu chuẩn “đo ni đóng giày” tôn giáo đó tạo một cơ sở có vẻ vững chắc cho những phát biểu công kích các giáo phái hay nhóm thực hành tôn giáo bị xem là “tà giáo”.
Ví dụ, trong một bình luận công kích Pháp Luân Công được chia sẻ rộng rãi trên mạng, một người dùng Facebook nổi tiếng đã viết: “Căn cứ theo các quy định pháp luật thì Pháp Luân Công không phải là một tôn giáo, vì Pháp Luân Công không không có nơi thờ tự, không có đấng tối cao,không có giáo hội, giáo lý…”.
Có thể thấy hàm ý rõ ràng nhất đi theo sau luận điểm đó: Một nhóm người không thực hành một tôn giáo theo đúng định nghĩa tôn giáo trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 thì đương nhiên không thể được luật pháp bảo vệ và không xứng đáng đòi quyền tự do thực hành tôn giáo của họ.
Thế nên, tuy không có nội dung nào trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 hay trong các văn bản khác cấm việc tin tưởng hay thực hành một tôn giáo không phù hợp với định nghĩa tôn giáo thể theo Luật này, thân phận pháp lý của các tôn giáo như thế không hề rõ ràng.
Điều đó góp phần giải thích ngôn ngữ mà giới báo chí trong nước dùng khi nói về Pháp Luân Công trong các tin bài liên quan đến vụ giết người ở Bình Dương: Pháp Luân Công là một “giáo phái”, “không được công nhận” hoặc “chưa được công nhận” ở Việt Nam.
Cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý công khai nào cấm hoặc cho phép việc thực hành Pháp Luân Công ở Việt Nam.
“Tôn giáo” và “tà giáo” tại Trung Quốc
Nếu không thể dùng nội dung luật pháp Việt Nam để phân biệt “tôn giáo” và “tà giáo” thì chúng ta có thể dùng gì?
Pháp Luân Công có nguồn gốc từ Trung Hoa và đã có một lịch sử dài bị chính quyền đàn áp – nhà nước Trung Quốc cũng dè chừng và kiểm soát tự do tôn giáo không kém nhà nước Việt Nam.
Trong các bài viết công kích Pháp Luân Công, báo Thanh Niên chủ yếu dựa vào nguồn báo chí tiếng Hoa và quan điểm của một cơ quan có tên gọi “Hiệp hội chống tà giáo Trung Quốc”.
Cách nhìn nhận “tà giáo” và đánh giá Pháp Luân Công, do đó, có thể được xem xét chính xác hơn thông qua các nguồn tiếng Hoa và trong bối cảnh luật pháp, xã hội Trung Quốc.
Các nhóm “tà giáo” hay xie jiao (邪教) tại Trung Quốc là chủ đề chính trong một nghiên cứu năm 2018 trên một tạp chí chuyên ngành của Viện Nghiên cứu Các tôn giáo mới (CESNUR – trụ sở Turin, Ý).
Tác giả nghiên cứu – một chuyên gia về tôn giáo Trung Quốc từ Hong Kong – truy về nguồn gốc định nghĩa “tà giáo” thời hiện đại ở Trung Quốc: Một thông tư được chính quyền Trung Quốc ban hành năm 2000.
Theo thông tư này, chính quyền Trung Quốc xem các tổ chức có các biểu hiện, hành vi sau đây là các “tà giáo”:
– Thành lập tổ chức trái phép nhân danh thực hành tôn giáo, khí công, v.v.
– Thần thánh hóa các lãnh đạo của nhóm;
– Sáng tạo và phát tán các quan điểm mê tín dị đoan (superstition) hoặc phi chính thống (heterodox);
– Lợi dụng các phương tiện để làm giả hay phát tán các quan điểm mê tín dị đoan và không chính thống để làm quần chúng hoài nghi hay để đánh lừa quần chúng;
– Lợi dụng các phương tiện, hình thức để chiêu mộ và kiểm soát các thành viên trong tổ chức;
– Tham gia phá hoại trật tự xã hội theo một cách có tổ chức, gây thiệt hại cho cuộc sống và thiệt hại tài sản cho công dân.
Nghiên cứu nói trên cho thấy hệ thống luật pháp kiểm soát tôn giáo của Trung Quốc khá giống Việt Nam: tỏ ra tôn trọng tự do tôn giáo trong hiến pháp, nhưng áp dụng luật pháp bó buộc tự do tôn giáo trong thực tế. Nhưng nhà nước Trung Quốc còn đi xa hơn nữa thông qua việc thành lập các cơ quan, tổ chức chuyên chống “tà giáo”.
Xuất phát chủ yếu từ lo ngại về ảnh hưởng của Pháp Luân Công tại Trung Quốc, năm 1999 Bộ Công an Trung Quốc thành lập Tổ Phản Tà giáo (公安部反邪教组), hay thường được gọi là Phòng 610.
Năm 2000, xuất hiện thêm một tổ chức là Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc (中国反邪教协会).Tuy về hình thức, tổ chức này là một tổ chức tự nguyện phi lợi nhuận, song theo tác giả nghiên cứu, giới truyền thông Trung Quốc thường xem các tuyên bố của hiệp hội này như là các thông báo chính thức từ chính quyền Trung Quốc. Đây có vẻ chính là nguồn thông tin chống Pháp Luân Công mà báo Thanh Niên sử dụng.
Nghiên cứu kết luận rằng, tuy các cơ quan chính phủ trung ương và địa phương Trung Quốc không xác nhận chính thức, nhưng trong thực tế có tồn tại một danh sách các nhóm tôn giáo bị liệt vào hàng “tà giáo” tại Trung Quốc.
Bằng việc điều chỉnh định nghĩa “tà giáo” theo văn bản luật pháp trong các năm 2000, 2014 và 2017, chính quyền Trung Quốc thể hiện thay đổi trong tư duy của họ về quản lý, kiểm soát tôn giáo trong nước.
Câu hỏi “tà giáo” và “tôn giáo” là gì, khác nhau ra sao, có lẽ vẫn nên được nghiên cứu, thảo luận thêm từ các quan điểm triết học, thần học, hay xã hội học.
Tuy nhiên, trong tranh luận và trong các phát biểu về tôn giáo, việc áp dụng một cách không phản tư những định nghĩa “tà giáo” hay “tôn giáo” do các chính quyền có truyền thống đàn áp tự do tôn giáo đặt ra, hẳn không mấy công tâm.
Từ khóa:
tự do tôn giáo: religious freedom (np)
tôn giáo: religion (n)
tín ngưỡng: belief (n)
giáo phái: sect (n)
niềm mê tín: superstition (n), superstitious (adj)
không chính thống: heterodoxy (n), heterodox (adj)
Pháp Luân Công: Falun Gong