Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Theo cách hiểu tích cực nhất, Vingroup có lẽ đang được nhà nước bảo vệ và ưu đãi vì nó là hạt giống sáng giá cho sức cạnh tranh quốc tế mới, cho khả năng kiểm soát thị trường nội địa và tương lai phát triển kinh tế thần tốc.
Nhưng ngay cả với cách hiểu đó, chúng ta cũng không thể bỏ qua những hệ quả lâu dài đã được thực chứng mà hệ thống chaebol của Hàn Quốc và zaibatsu của Nhật Bản đã gây ra.
Phát triển thực lực kinh tế nội địa là đáng hoan nghênh, nhưng nó không nên được bảo đảm bằng sự tham gia không cần thiết của toàn bộ hệ thống chính trị. Càng không nên hơn là sự phát triển đó còn được duy trì bằng các biện pháp sách nhiễu, đe doạ dành cho những người dân bình thường chỉ vì họ mong muốn có một chính phủ kiến tạo, minh bạch hơn.
Để có một bức tranh toàn cảnh về tầm ảnh hưởng của những tập đoàn kinh tế lớn lên nền kinh tế của nhiều quốc gia, ta biết rằng doanh thu của chỉ năm chaebol đứng đầu Hàn Quốc (Samsung, Huyndai, SK, LG và Lotte) đã tương đương với 58% tổng sản lượng nội địa (GDP) của nước này trong năm 2015, tăng từ mức 37% của năm 2008 và 45% của năm 2009.
Tổng cộng vốn hóa thị trường của chỉ năm chaebol đã chiếm đến hơn 50% giá trị Kospi – chỉ số chứng khoán chính của Hàn Quốc.
Hay nếu nhắc đến kinh tế Ấn Độ, khó ai có chút hiểu biết về quốc gia này không nhắc đến Tata Group. Với một quốc gia vật lộn với một nền kinh tế chậm chuyển đổi, kém hiệu quả, năng suất lao động chưa cao và 53% lao động vẫn phải dựa vào nông nghiệp, vốn chỉ đóng góp 17% GDP của quốc gia; Ấn Độ rõ ràng cần các đầu tàu kinh tế cho quá trình công nghiệp hóa và xây dựng nền kinh tế.
Tata Group, cùng rất nhiều những tập đoàn kinh tế gia đình khác của Ấn Độ có thể làm việc đó. Chỉ doanh thu của Tata trong một năm đáng giá 3% GDP Ấn Độ. Theo cách nói vui của ông Soutik Biswas, phóng viên thường trú của BBC Nam Á, sớm thức dậy tại Ấn Độ, bạn sẽ uống trà Tata, trò chuyện với người thân bằng điện thoại Tata và dùng một chiếc xe hơi Tata để đi làm. Cũng có khả năng rất cao là bạn sẽ đeo một chiếc đồng hồ Tata và mang cả giày Tata theo cùng.
Nhiều chuyên gia đã cố gắng lý giải vì sao tập đoàn kinh tế đa ngành nghề lại được ưa chuộng tại các quốc gia đang phát triển, mà đặc biệt là ở châu Á đến như vậy.
Tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, tiếng Anh gọi là conglomerate, là một tổ chức kinh tế do nhiều các công ty nhỏ hơn và kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau tập hợp mà thành. Những tập đoàn kinh tế thường sở hữu nguồn vốn lớn, với tên thương hiệu có giá trị và khả năng đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh rất cao.
Những nhóm kinh tế khổng lồ này có thể được gọi là “qiye jituan” (企业集团) ở Trung Quốc, “business houses” tại Ấn Độ, “grupos económicos” tại những nước châu Mỹ Latinh và khá quen thuộc với người Việt Nam là các “chaebol” khét tiếng ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bất kể tên gọi khác nhau ở từng quốc gia, mô hình kinh tế này đã và đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh ở châu Á nói chung và các quốc gia đang phát triển nói riêng. Trong khi đó thì những nhóm tương tự đã trở thành “khủng long hóa thạch” ở những quốc gia phát triển.
Trong giai đoạn kinh tế tụt dốc, doanh số của các tập đoàn kinh tế bằng cách nào đó vẫn tiếp tục tăng mạnh suốt một thập kỷ qua, đạt mức 23% tại Trung Quốc và Ấn Độ, 11% tại Hàn Quốc.
Sự thành công của các tập đoàn kinh tế tại những thị trường mới nổi giúp chúng chiếm 45/50 tổng số các công ty lớn nhất Ấn Độ, ở Hàn Quốc con số này là 40/50 và ở Trung Quốc là 20/50.
Về mặt văn hóa, Giáo sư Siu-lun Wong của Đại học Hong Kong thừa nhận mô hình quản trị theo gia đình khá phù hợp với nền tảng văn hóa gốc nông nghiệp ở châu Á. Trong khi đó, giới trí thức tại châu Á thường chưa có niềm tin vào việc tự lập khởi nghiệp như giới trẻ phương Tây. Họ ưa thích danh tiếng, vị thế xã hội và sự ổn định mà những tập đoàn kinh tế khổng lồ có thể mang lại. Vì vậy, tuy mô hình quản trị gia đình thường không được giới chuyên môn đánh giá cao, khả năng thu hút nhân tài của họ tại những thị trường mới nổi lại rất lớn.
Hay trong nghiên cứu của tác giả Việt Nam Trung Quang Dinh thực hiện cùng với Andrea Calabro, họ cũng ghi nhận tại châu Á có những thị trường đặc trưng, nơi mà bí quyết kinh doanh “biết cách” (know-how) không thật sự quan trọng bằng “biết người” (know-who). Làm việc và đầu tư với một tập đoàn lớn nhiều ngành nghề, có mối quan hệ truyền thống với nhiều nhóm, các cấp cơ quan công quyền thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chắc chắn thu hút giới đầu tư và đối tác hơn hẳn một công ty độc lập đơn ngành.
Với tầm ảnh hưởng sâu rộng của mô hình kinh tế Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản tại Việt Nam (các tập đoàn kinh tế gia đình truyền thống tại Nhật Bản được biết đến với tên gọi keiretsu), người viết tin là sự thành công của các mô hình này có tác động lớn đến cách chính phủ Việt Nam tìm kiếm mô hình tăng trưởng.
Điều này càng thể hiện rõ nét hơn trong tình hình hiện nay, khi hầu hết các “quả đấm thép” quốc doanh đã không thể tiếp tục vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng như nhiều lãnh đạo đảng mong muốn.
Tại Hàn Quốc, việc hình thành nên các chaebol là vì Tổng thống Park Chung-hee từng tin rằng đây là con đường chính yếu để có thể phát triển thần tốc nền kinh tế quốc dân.
Ngay sau cuộc đảo chính vào năm 1963, vị tổng thống này nhanh chóng giới thiệu chính sách có tên “Tư bản có định hướng“. Trong đó, các công ty do chính phủ lựa chọn được cho phép thực hiện các dự án trọng yếu với nguồn vốn vay do nhà nước bảo trợ. Quá trình này giúp tạo việc làm, tích lũy kinh nghiệm sản xuất, tích lũy tư bản ở cường độ cao; từ đó xây dựng nên các “quả đấm thép” tư nhân với sự hậu thuẫn của nhà nước, tạo nên những trụ cột kinh tế.
Hay tương tự với keiretsu là những cây cổ thụ zaibatsus do giới quân phiệt Nhật nuôi dưỡng và duy trì trước và trong Thế Chiến thứ Hai (mà thật sự là nền móng lý thuyết cho các chaebol của Park). Khả năng kinh tế từ giới tập đoàn này đủ để khiến Nhật có một chân trong cuộc chơi đế quốc, với khả năng công nghệ không thua kém bất kỳ quốc gia nào đương thời.
Chính quyền lâm thời của Nhật do quân đội Hoa Kỳ chống lưng sau Thế Chiến thứ Hai đã nhanh chóng đưa ra yêu cầu giải thể zaibatsus vì tính chất độc quyền, phi dân chủ – nhân quyền trong hoạt động kinh tế của mình. Thế nhưng, truyền nhân của nó là keiretsu, yếu và ít thân chính phủ hơn, vẫn còn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
Không khó để nhận thấy, Vingroup đã định hình thành công trên con đường trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành.
Ngoài tư cách chính yếu là một công ty phát triển hạ tầng, địa ốc, nhà ở, Vingroup đang mở rộng các nhóm ngành nghề kinh doanh với kỳ vọng thâu tóm, hoặc ít nhất là có thể chiếm giữ một phần đáng kể thị trường. Các nhóm này bao gồm giáo dục, sản xuất ô tô, bán lẻ, y tế – dược phẩm cùng với nhiều ngành nghề khác.
Mô-tuýp phát triển và bành trướng của Vingroup gần như tương đồng với mô hình chaebol và keiretsu.
Không chỉ vậy, do những thành công nhất định của mình so với các tập đoàn kinh tế khác đang có chiều hướng suy yếu như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup đang trở thành nhà thầu cho nhiều công trình trọng điểm. Đồng thời, Vingroup cũng rất thuận lợi trong quá trình tích lũy đất đai và tư bản hóa. Điều này có vẻ tương đồng với cách Tổng thống Park Chung-hee nuôi dưỡng các chaebol hoặc quân phiệt Nhật ưu đãi zaibatsu.
Đi kèm theo đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng khuynh loát của Vingroup đối với truyền thông lề phải. Họ từng vướng phải hai vụ cháy lớn ở Vinhomes Central Park (tọa lạc tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn), nhưng báo chí chỉ đưa tin rất sơ sài và hầu như không có bài viết chỉ trích nào được đăng tải.
Hay theo VOA quan sát, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên án việc quy hoạch cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ, các bài báo viết chi tiết về vụ việc nhanh chóng bị sửa đổi.
Chẳng hạn, Zing đổi: “Thủ tướng: Ai cấp phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ” thành “Hà Nội, TP. HCM cần rà soát lại quy hoạch đô thị”.
Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thì đổi: “Thủ tướng nói về việc xây chung cư cao tầng ở khu đất Giảng Võ” thành “Cám ơn Thủ tướng”.v.v.
Nhiều khách hàng gửi các ý kiến phàn nàn về Vingroup liền bị liệt vào hàng những kẻ bôi nhọ và tung tin thất thiệt và sau đó bị công an triệu tập. So sánh với Mường Thanh, Đại Quang Minh, vốn thường xuyên bị chỉ trích vì thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy hay được nhượng đất và dự án một cách mờ ám, Vingroup gần như miễn nhiễm với mọi thể loại công kích tương tự.
Điều gì có thể khiến cho Vingroup gần như bất khả xâm phạm trước những cơn bão dư luận trong nước?
Nhớ cách đây vừa tròn một năm, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn bị tấn công quyết liệt cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời vì đã đăng lại và phân tích thông tin trên báo chính thống lề phải (một số bài báo này đã bị các tòa soạn chỉnh sửa sau đó) về vấn đề Vingroup thâu tóm đất đai tại nhiều địa phương trên cả nước. Hai bài viết Cái lò có mắt và Đất công phải được đấu giá, Nguyễn Anh Tuấn phân tích rõ cuộc chiến chống tham nhũng có chọn lọc hiện nay khi nó không đụng tới Vingroup cũng như vấn đề thâu tóm đất đai của tập đoàn này.
Nguyễn Anh Tuấn kể rằng, ngày 26/5/2017, anh đã bị công an tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất và bị yêu cầu gỡ bỏ các bài viết của anh về Vingroup. Tuấn từ chối và giữ nguyên các bài viết này trên Facebook.
Ở đây, người viết không hẳn phản đối mô hình phát triển kinh tế bằng các chaebol hay zaibatsu. Khả năng tập trung tư bản và xây dựng thương hiệu quốc gia thần tốc của mô hình này có lẽ thật sự cần thiết cho một nền kinh tế nhỏ lẻ thiếu định hướng. Nhưng cũng có rất nhiều lập luận để chống lại nó, nếu xem xét tình trạng và định hướng phát triển của Việt Nam.
Thứ nhất, sức mạnh của Vingroup vẫn tập trung phần lớn vào bất động sản – ngành nghề mà có thể nói nôm na là được nhà nước bảo hộ đến 95% do yếu tố chính trị pháp luật thượng tầng tại Việt Nam, cụ thể là chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và cơ chế thu hồi đất bất công, kém minh bạch. Kỷ thịnh vượng của Vingroup lệ thuộc vào bất động sản hơn là khả năng tạo ra sản phẩm xã hội mới.
Chúng ta có thể so sánh với các chaebol Hàn Quốc.
Trong 17 chaebol được xướng tên trong danh sách Fortune 500 vào năm 2015 (danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới tính theo doanh thu), có đến chín chaebol tạo nguồn thu chủ yếu từ thiết bị điện tử, máy móc công nghiệp, ô tô và năng lượng điện. Ba công ty còn lại hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, và chỉ một công ty hoạt động trong lĩnh vực có quan hệ mật thiết với nhà nước là dầu khí.
Hầu hết đều là những lĩnh vực công nghệ cao, có thị trường nước ngoài rộng lớn và yêu cầu minh bạch, cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, tổng tài sản và doanh thu của Vingroup vẫn dựa chủ yếu vào việc tăng giá bất động sản do tập đoàn này nắm giữ.
Vậy nên, một điều khá chắc chắn là Vingroup vẫn chưa có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ thường xuyên, hay ổn định kinh tế quốc gia thông qua cán cân xuất nhập khẩu như cách nhiều chaebol Hàn Quốc có thể làm.
Thứ hai, ngay cả khi Vingroup, với sự bảo trợ của chính phủ, có thể đa dạng hóa ngành nghề thành công và thoát khỏi cái bóng bất động sản, thì mô hình này đã được chứng minh là không thật sự tạo ra hiệu suất kinh tế và bình ổn xã hội như kỳ vọng.
Chaebol và zaibatsu có thể giúp Hàn và Nhật xây dựng nên câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ, nhưng nhiều chính trị gia và nhà đầu tư cho rằng tập đoàn kinh tế gia đình là một thứ di tích văn hóa không phù hợp với nền kinh tế thế kỷ 21.
Giá trị cổ phần và cổ tức của các công ty dính líu đến chaebol thấp hơn nhiều lần so với các công ty cùng ngành nghề của Hoa Kỳ và châu Âu. Đây là hiện tượng thường được gọi là “Korean discount,” do các mối quan ngại liên quan đến chủ nghĩa thân hữu trong nội bộ công ty, vấn đề sở hữu chéo và khả năng liên quan đến tiêu cực chính trị.
Bản thân sự tồn tại của chaebol và zaibatsu vốn phụ thuộc vào những ưu đãi do chính phủ đặt ra. Vậy nên chúng không độc lập và ổn định như nhiều người tưởng tượng.
Một là do mối quan hệ chằng chịt thiếu minh bạch giữa giới lãnh đạo tập đoàn và các chính trị gia. Hai là nền kinh tế quốc dân lệ thuộc vào chaebol và sự độc quyền đậm tính nhà nước trở nên thiếu sức sống và khả năng tái tạo, khởi nghiệp mới.
Tờ Business Korea đã từng phàn nàn rằng, sự tồn tại của chaebol khiến cho các nhóm doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ và các công ty khởi nghiệp đều không có đất sống và phát triển, danh sách Fortune 500 năm sau cũng như năm trước.
Cuối cùng, hệ lụy chính trị là thứ phiền toái nhất mà giấc mộng chaebol – zaibatsu phải giải mã.
Zaibatsu may mắn là bị Hoa Kỳ cưỡng ép giải thể, tạo ra cơ hội cho kỷ nguyên kinh tế mới của Nhật Bản với sự sản sinh của hàng chục gã khổng lồ trẻ.
Với chaebol, câu chuyện không dễ dàng như vậy. Theo Giáo sư Kim Sang-jo của Đại học Hansung (Hàn Quốc), người dân Hàn Quốc đã quá mệt mỏi với sự tập trung tư sản quốc gia trong tay một số cá nhân nhờ vào các mối quan hệ giữa họ và chính phủ. Họ cũng không còn sẵn sàng bỏ qua những điều sai trái mà giới lãnh đạo chaebol gây ra, bất chấp các tập đoàn này vẫn tạo ra số lượng lớn việc làm và giúp tăng trưởng kinh tế như cách đây vài chục năm.
Giới chức Hàn Quốc đang cố gắng trả lời cho những cơn giận dữ của công chúng. Năm 2017 là một năm “đẫm máu” với hàng loạt hoạt động thanh tẩy mối liên hệ tập đoàn kinh tế – nhà nước tại Hàn Quốc. Lee Jae-young, người thừa kế và lãnh đạo nắm thực quyền của Samsung bị tuyên án 5 năm tù cho nhiều tội danh, cùng trong chiến dịch truy tố cựu tổng thống Park Geun-hye. Việc ông này được ân xá một thời gian ngắn sau đó đã khiến dư luận phẫn nộ. Tháng 12 cùng năm, nhà sáng lập 95 tuổi của tập đoàn Lotte hùng mạnh cũng bị tuyên án bốn năm tù với tội danh tham ô và hối lộ.
Dẫu vậy, các nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Moon Jae-in trong cuộc chiến cải cách hệ thống chaebol vẫn được xem là quá rủi ro và nguy hiểm. Vai trò khổng lồ của các chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc khiến cho hầu hết các cuộc cải cách trước đó đều kết thúc trong tình trạng nửa vời, thiếu quyết đoán.
Không chỉ vậy, dây mơ rễ má chính trị bên trong nội bộ chính phủ và các chaebol thậm chí có thể đe dọa đến vị thế của Tổng thống Moon trong tương lai, nếu ông tiếp tục những biện pháp cứng rắn bố ráp nhóm kinh tế này.