‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Khi vợ và các con đi học và đi làm xa nhà, Vi Văn Phượng trở thành nghi phạm giết người mà nạn nhân lại chính là mẹ ruột của anh.
Không một quan tòa nào khoan dung cho một tội ác như vậy. Phượng bị tuyên án tử hình trong phiên sơ thẩm, rồi y án trong phiên phúc thẩm cùng năm 2013, trước sự ngỡ ngàng của gia đình và họ hàng.
Nhưng hơn sáu năm qua, Phượng vẫn chưa bị đưa đến bàn tiêm thuốc độc. Năm 2016, Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu.
Từ đó đến nay, các phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai của Phượng đều bị hoãn với nhiều lý do khác nhau. Những uẩn khúc trong kỳ án giết mẹ của Vi Văn Phượng có thể sẽ là oan án giết người thứ ba ở Bắc Giang trong thời gian vài năm qua.
Trưa ngày 5/10/2012, người dân ở thôn Hòn Ngọc, xã Tam Di, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang chứng kiến một vụ giết người xảy ra ngay giữa ban ngày khiến cả thôn hoang mang.
Bà Nguyễn Thị Vui, 86 tuổi, mù đã hơn 20 năm bị giết hại ngay trên chiếc giường quen thuộc của mình. Theo hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, tử thi nạn nhân nằm nghiêng trên giường quay mặt vào trong tường với nhiều vết máu. Ba vết thương sâu trên cổ đã cứa đứt động mạch cảnh bên trái, đứt đốt sống cổ. Máu bắn thành từng tia lên cửa sổ. Nạn nhân tử vong tại chỗ vì mất máu. Con dao quắm dài 1,2 mét mà Phượng hay dùng chặt cành vải hôm đó lại dính máu đang dựng ở góc nhà.
Cũng theo hai bản án, người báo án đầu tiên cho công an xã lại không ai khác chính là con trai của bà, Vi Văn Phượng, 44 tuổi, làm nông.
Bà Vui về ở với vợ chồng Phượng từ năm 2004. Vợ chồng Phượng có năm đứa con, ba trai, hai gái. Bốn người con lớn đã đi làm và đi học xa nhà.
Theo vợ, chú và luật sư bào chữa cho Vi Văn Phượng, tuy gia đình thiếu trước hụt sau nhưng chưa có ai trong họ hàng, hàng xóm và chính quyền địa phương phàn nàn Phượng về chăm sóc bà Vui.
Nhà đông con mà chỉ có khoảng 200 gốc vải nên gia đình phải xoay sở nhiều cách. Năm 2009, con trai cả đi xuất khẩu lao động ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Cuối năm 2011 thì chị Mai vợ anh phải sang Đài Loan. Hai vợ chồng luôn cố gắng để các con được ăn học đầy đủ.
Theo Vi Thị Thảo, con gái của Phượng, bố em chưa bao giờ ngơi nghỉ làm việc từ lúc thức dậy 5 giờ sáng đến khi đi ngủ 10 giờ tối. Lúc vợ đi làm ở Đài Loan, Phượng vừa chăm hơn 200 gốc vải lại tìm việc làm thuê trong làng, rồi một tay anh săn sóc mẹ già, lo toan nhà cửa.
Bà Vui hay ở nhà một mình vì Hồ thường đi học cả ngày, còn Phượng nếu không đi làm thuê thì cũng đi ruộng hoặc chăm sóc vườn vải nhưng luôn chu đáo chuyện cơm nước cho mẹ. Hồ là người nấu ăn sáng cho bà. Bữa sáng cuối cùng của bà vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày trước đó.
Sáng hôm đó, Phượng thức dậy lúc 5 giờ sáng. Anh cho Hồ 40.000 đồng là tiền đi học cả ngày hôm đó và mua mì tôm nấu ăn sáng cho hai bà cháu. Phượng ăn cơm nguội của bữa tối hôm trước rồi đi làm thuê cùng Mạnh, người trong thôn. Hồ ăn sáng với bà xong cũng đạp xe đi học.
Phượng và Mạnh làm xong ở công trình thứ nhất thì đến nhà anh Trường vào lúc gần 10 giờ để nhận việc làm thuê cho buổi chiều. Gần đến giờ trưa, Trường mời hai người ở lại ăn cơm. Trong bữa cơm còn có Linh, anh vợ của Trường.
Phượng ăn cơm xong thì nhớ bà Vui đang ở nhà một mình nên xin về nhà để nấu cơm cho mẹ.
Nút thắt đầu tiên của vụ án bắt đầu từ đây: Phượng rời nhà Trường vào lúc mấy giờ?
Thời gian Phượng rời nhà Trường có thể là bằng chứng ngoại phạm nhưng cũng có thể khiến anh trở thành kẻ giết mẹ.
Điều bất thường là ba nhân chứng ngồi chung một mâm cơm nhưng lại cho ba lời khai khác nhau.
Trường nhớ là khi anh nói với con “giờ mới 11 giờ mà đã đi học à” thì Phượng đã về rồi. Linh thì khai Phượng về nhà sau khi anh nghe điện thoại, cuộc gọi hiển thị vào lúc 11:14 phút. Mạnh lại cho rằng Phượng ra về trước khi anh Linh nghe điện thoại.
Chưa biết được lời khai của ai mới là chính xác thì Phượng bị bắt khẩn cấp 13 ngày sau đó trước sự sững sờ của gia đình và hàng xóm.
Theo lời kể của Hồ, em bị sốc sau khi bố bị bắt. Chính em cũng không hiểu rằng vì sao bố chăm sóc bà rất chu đáo nhưng lại trở thành nghi phạm. Căn nhà lạnh lẽo hơn khi chỉ còn lại một mình em.
Phượng bị cấm gặp gia đình từ lúc bị bắt cho đến lúc xét xử sơ thẩm. Toà án bố trí cho anh một luật sư chỉ định miễn phí.
Ở Việt Nam, lời nhận tội của nghi phạm luôn là bằng chứng tốt nhất trong mọi bằng chứng, dù Bộ Luật Hình sự hiện hành nghiêm cấm việc này.
Từ chối hay trì hoãn quyền gặp luật sư và người thân của nghi phạm là một trong những cách để nghi phạm sớm nhận tội. Quy chế tạm giữ tạm giam năm 1998 và tiếp nối bằng Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đều trao quyền cho cơ quan điều tra quyết định nghi phạm có được gặp người thân hay không. Do vậy mà quyền được gặp người thân đã trở thành một phần thưởng hay một sự trao đổi giữa cơ quan điều tra và nghi phạm.
Những màn tra tấn là có khả năng xảy ra nếu bạn là nghi phạm. Nếu không được gặp người thân thì bạn chỉ còn cách chịu đựng hoặc sớm nhận tội. Nếu vượt qua được những màn tra tấn ác độc thì những lời đe dọa về sự an toàn của gia đình sẽ sớm đánh gục bạn.
Phượng có thể đã rơi vào hoàn cảnh như vậy nếu những lời anh kể với vợ đúng là những gì anh đã trải qua:
“Chị về nước ngày 30/11/2014 thì ngày hôm sau vào thăm Phượng. Anh nói: ‘Anh phải nhận tội vì nó đánh anh ác quá. Nó treo ngược hai ngón chân anh. Nó dí điện. Đốt râu. Anh nghĩ là mẹ bị giết rồi, anh lại bị chết nữa thì ai là người kêu oan cho mẹ anh. Nó doạ bắt cả con nữa. Anh chịu được nhưng sợ nó bắt cả con mà cũng tra tấn thì con không chịu nổi. Bao nhiêu người vào hỏi cung anh không khai, đến người này ép cung anh ác quá nên phải nhận’, anh nói với chị như vậy”.
Phượng chỉ học đến lớp 3, cả đời làm nông và không tham gia đấu tranh chính trị gì kinh khủng. Nếu không thật sự trải nghiệm những đòn tra tấn đó, làm sao anh có thể kể với vợ chi tiết đến như vậy.
Đe dọa sự an toàn người thân cũng là thủ đoạn phổ biến của các điều tra viên.
Thông thường, nếu bị cáo cho rằng mình bị bức cung và nhục hình thì hội đồng xét xử sẽ hoãn phiên tòa để làm rõ các cáo buộc đối với cơ quan điều tra. Phượng cũng đã tường thuật những gì cơ quan điều tra đã làm để ép anh phải nhận tội nhưng phiên tòa đã bác bỏ vì không có chứng cứ, nhân chứng.
Phượng không nhận tội trong những lần đi cung đầu tiên cho đến khi đổi điều tra viên trong chỉ hơn một giờ đồng hồ.
Khi điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng hỏi cung vào lúc 8 giờ, ngày 19/10/2012 thì Phượng vẫn không nhận tội. Không rõ điều gì đã xảy ra trong phòng hỏi cung nhưng hơn một tiếng sau đó Phượng nhận tội khi thay điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng.[1]
Không những vậy lời nhận tội của Phượng cũng đầy nghi vấn.
Đầu tiên, Phượng khai sau khi xong việc ở công trình thứ nhất thì về nhà giết mẹ vào lúc 10 giờ rồi quay lại cùng Mạnh đến nhà Trường. Sau đó, anh lại đổi lời khai rằng về nhà giết mẹ lúc 11 giờ 15 phút.
Nếu Phượng đúng là người giết mẹ và nhận tội thì vì sao anh lại khai giết mẹ vào lúc 10 giờ. Nếu khai như vậy thì sớm muộn cơ quan điều tra cũng biết Phượng nói dối vì có nhân chứng Mạnh đã ở cùng anh vào khoảng thời gian đó.
Luật sư Trần Văn An, bào chữa cho Phượng, đặt nghi vấn về lời khai này trong đơn kêu oan cho Phượng. Ông phỏng đoán có thể Phượng bị yêu cầu khai về nhà giết mẹ lúc 10 giờ là để trùng khớp với kết luận của pháp y là bà Vui chết sau khi ăn từ 3-4 tiếng.
Tuy nhiên, kết luận này sau đó đã bị Hội đồng Thẩm phán bác bỏ vì chỉ dựa trên ảnh chụp thức ăn đang tiêu hoá trong dạ dày của bà Vui mà không mang đi xét nghiệm.[2]
Bản án sơ thẩm dài 12 trang khẳng định Phượng rời nhà Trường lúc 11 giờ. Trên đường về, Phượng ghé tiệm tạp hoá mua mì tôm về nấu cho mẹ. Về đến nhà lúc 11 giờ 15 phút, Phượng thấy mẹ đang nằm trên giường. Nhớ lại mâu thuẫn tối trước đó với mẹ, Phượng liền cầm con dao quắm chém mẹ nhiều nhát.
Nếu Phượng thật sự giết mẹ vào lúc 11 giờ 15 phút thì thời gian chết của bà Vui cũng phải tương ứng.
Tuy nhiên, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều không đề cập đến thời gian chết của bà Vui.
Hội đồng Thẩm phán thắc mắc vì sao bà Vui bị chém vào cổ, máu phun rất nhiều nhưng trên bộ quần áo của Phượng lại không có vết máu phù hợp.[3]
Ông Thắng (chú họ của Phượng) là người thứ hai đến hiện trường vào lúc 11:20 – 11:30. Ông xác nhận với chúng tôi là trên người Phượng không có vết máu nào khi ông đến hiện trường.
Điều bất thường tiếp theo liên quan đến hung khí giết bà Vui.
Nếu Phượng là người giết mẹ thì chắc chắn dấu vân tay của anh vẫn phải còn trên cán dao. Lạ thay, cơ quan điều tra cho giám định ADN vết máu trên lưỡi dao nhưng lại không cho giám định dấu vân tay trên cán dao.
Án mạng không thể xảy ra một cách ngẫu nhiên. Một người không thể giết người khác mà không có động cơ gây án. Đây thường là bước đầu tiên để khoanh vùng nghi phạm.
Cơ quan điều tra có thể đã dễ dàng bỏ qua một vụ giết người cướp của do tiền, vàng vẫn nằm trong người của bà Vui và toàn bộ tài sản trong nhà không bị mất.
Theo đơn kêu oan của luật sư Trần Văn An, lúc đầu cơ quan điều tra tập trung điều tra Vi Văn Hồ, lúc đó đang học lớp 10, chứ không phải Phượng.
Ngay sau khi bà bị giết thì Hồ cũng bị bắt lên huyện để thẩm vấn.
“Buổi trưa hôm đó công an đến trường đưa em lên huyện. Họ hỏi em những câu hỏi rất lạ mà em không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ cũng không nói là bà bị giết. Họ dọa bắt em đi nếu em không khai nhưng em không biết khai điều gì. Em được thả về nhà vào chiều ngày hôm sau”, Hồ nhớ lại khi em một mình bị thẩm vấn ở trụ sở công an huyện.
Không chứng minh được Hồ là hung thủ, mũi tên điều tra quay sang con ruột của nạn nhân, Vi Văn Phượng.
Để giết một người thân như bố mẹ của mình thì động cơ của hung thủ phải thật sự thuyết phục. Phượng không nghiện ma tuý, không cờ bạc cũng không nghiện rượu để anh xuống tay giết mẹ dã man như vậy. Anh cũng không thể hiện là người thích bạo lực.
Tuy nhiên, cả hai thẩm phán trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tin rằng Phượng bực tức vì trong lúc gia đình đang thiếu nợ mà mẹ lại đòi vàng anh đã mượn của bà trước đó.
Theo hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, vào năm 2009, vợ chồng Phượng mượn bà Vui một đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng cho con trai cả đi lao động ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Nhưng vì công việc không suôn sẻ nên anh chưa trả được vàng cho mẹ.
Đến cuối năm 2011, gia đình Phượng vay tiền ngân hàng và mượn từ người quen để đưa chị Mai đi lao động ở Đài Loan.
Trong lúc đang thiếu nợ thì bà Vui lại liên tục đòi Phượng trả vàng.
Ngày 2/10/2012, Phượng ra thị trấn mua đôi hoa tai rồi nhờ Hồ trả cho bà Vui. Đến tối ngày 4/10/2012, bà Vui cãi nhau với Phượng vì cho rằng bà nhận được vàng giả. Vì quá áp lực, ngày hôm sau Phượng xuống tay giết mẹ.
Chị Mai tin rằng chồng mình không thể giết mẹ vì bao nhiêu năm qua Phượng không kể khó nhọc chăm sóc mẹ rất chu đáo. Phượng cũng nói với chị là anh không có lý do gì để giết mẹ, vì anh còn phải lo con ăn học, còn phải đợi chị Mai về.
Hơn nữa, lúc xảy ra vụ án Phượng không còn áp lực nợ nần như trước kia. Số nợ đã được trả gần hết sau khoảng một năm chị Mai làm việc ở Đài Loan.
“Cuối tháng Bảy Âm lịch năm 2012 (khoảng giữa tháng 9/2012), chị gửi về 50 triệu đồng lần thứ ba để trả nợ. Khi ấy anh đã trả nợ bên ngoài hết rồi. Anh ấy trả nợ cho ngân hàng 15 triệu, còn lại mua vàng trả họ hàng và trả mẹ”, chị Mai còn nhớ rõ về kỳ gửi tiền lần đó.
Những chuyện đòi vàng hay cãi nhau giữa Phượng và mẹ đều không có nhân chứng. Chị Mai cho biết chưa bao giờ nghe mẹ chồng đòi vàng. Hồ là người thân với bà nhất cũng xác nhận là chưa bao giờ thấy bố và bà cãi nhau.
“Lúc em đưa vàng cho bà, bà còn không nhận. Bà bảo trả làm gì bây giờ. Em mới bảo đùa là thôi thì bà cứ cầm khi nào con lấy vợ thì con mượn lại bà thì bà mới cầm”, Hồ nhớ lại lúc mang đôi hoa tai mà bố đưa trả cho bà nội.
Luật sư Trần Văn An cũng cho rằng thân chủ của ông không có động cơ giết mẹ ruột của mình. Ông dẫn chứng là chính anh trai của Phượng, hàng xóm hay chính quyền địa phương chưa bao giờ nghe bà Vui phàn nàn gì về người con hiếu thảo của mình. Hàng xóm cũng xác nhận Phượng là người tử tế, không nghiện rượu hay cờ bạc và chăm sóc bà Vui rất chu đáo.
Vậy mà hơn sáu năm, báo chí đã ác quỷ hoá một người con giết mẹ trong một vụ án đầy uẩn khúc và có rất nhiều tình tiết đáng nghi vấn.
Hơn sáu năm, Vi Văn Phượng đã bị giam giữ với thân phận tử tù cho một tội ác làm bàng hoàng tất cả mọi người.
Hơn sáu năm, chị Mai vẫn mong lời nói của chồng sẽ sớm thành hiện thực, “Em phải tin anh. Rồi một ngày anh sẽ trở về”.
Chú thích:
[1]Đơn đề nghị xem xét lại vụ án của Vi Văn Phượng, Luật sư Trần Văn An, Văn phòng Luật sư Dân An, ngày 18/12/2013.
[2]Quyết định Giám đốc thẩm số của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đối với vụ của Vi Văn Phượng, 07/11/2016.
[3]Quyết định Giám đốc thẩm số của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đối với vụ của Vi Văn Phượng, 07/11/2016.