Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đêm hôm qua, 21/7/2019, có lẽ là cơn ác mộng dài nhất của người Hong Kong trong nhiều năm trở lại đây.
Những cảnh tượng bạo lực man dại tưởng như chỉ có trong các bộ phim xã hội đen, vốn là “đặc sản” của điện ảnh Hong Kong thập niên 1980-90, bỗng chốc trở nên chân thật và sống động đến rợn người.
Nguồn cơn cho làn sóng bạo lực này, bất kể những gì truyền thông loa kèn của chính quyền đặc khu và Bắc Kinh sẽ ra rả, không phải đến từ tuyệt đại đa số những người biểu tình.
Nó là sản phẩm của những kẻ “hết lòng tin yêu chính quyền” và cũng được chính quyền “vô cùng cưng yêu bảo bọc”.
Kể từ khi chính quyền đặc khu Hong Kong của bà Carrie Lam quyết tâm bỏ ngoài tai hàng triệu tiếng nói của người dân, tự tin cưỡi ngược sóng để lấy lòng quan thầy Bắc Kinh, quyết thông qua dự luật đục thủng quyền tự trị của đảo quốc, các hoạt động phản đối của người dân nơi đây không ngừng được nâng cấp.
Từ vài chục ngàn, vài trăm ngàn người xuống đường, đến một triệu người, rồi hai triệu người (hơn 1/4 dân số) đổ ra đường.
Từ các cuộc tuần hành chủ yếu chỉ có học sinh sinh viên tham gia, đến các bà mẹ ra mặt khi thấy những đứa trẻ bị cảnh sát đánh đập, rồi những người đầu bạc trắng lẫn ngồi xe lăn cũng xuống đường vì “chúng tôi ủng hộ và hiểu nguồn cơn sự giận dữ của đám trẻ”.
Và từ những cuộc biểu tình chủ yếu phản đối “ác luật”, người dân Hong Kong cũng bung hết những giận dữ ức chế bao lâu nay với chính quyền. Họ xuống đường phản đối việc các con buôn từ Trung Quốc thoải mái qua Hong Kong vét hàng (parallel trader) đem về đại lục bán kiếm lời, lẫn tuần hành phản ứng trước những “bà sồn sồn” từ đại lục thường xuyên tụ tập làm ồn ở công viên, bật loa ầm ĩ nhảy múa gợi dục.
Sự nâng cấp còn diễn ra ở khía cạnh bạo lực.
Khi cảnh sát sử dụng đạn hơi cay giải tán, nhắm thẳng người biểu tình bắn đạn bọc vải vào ngày 12/6, họ bị cả thế giới lên án. Những lời bào chữa của chính quyền về việc áp chế “các đối tượng bạo động” không che mắt được những hình ảnh sống động về các chiến sĩ cảnh sát được vũ trang tận răng, thỏa sức vây đánh những người biểu tình đứng một mình không tấc sắt.
Vào lúc hàng triệu người nổi giận đổ ra đường phản đối hành động bạo lực của “cảnh sát bẩn”, mọi thứ lại yên bình đến kỳ lạ khi cảnh sát không còn xuất hiện “trấn áp bạo động”.
Nó khiến người ta không khỏi nghi ngờ, liệu có phải chính cảnh sát là những người mang đến bạo lực?
Nghi vấn này lại càng được củng cố khi xung đột lên đến đỉnh điểm vào ngày 14/7 vừa qua. Hàng trăm cảnh sát bất ngờ dồn ép cả ngàn người biểu tình (khi vẫn còn vài tiếng mới hết thời hạn “được phép tụ tập”), nhốt họ bên trong trung tâm thương mại New Town Plaza ở khu vực Sha Tin (Sa Điền), rồi đồng loạt đổ quân vào bắt người, dẫn đến ẩu đả giữa hai bên. Hàng chục người nhập viện, hàng chục người khác bị bắt giữ. Cảnh sát cũng dính chấn thương, có cả người bị cắn đứt lìa ngón tay.
Rất nhiều tờ báo thân chính quyền ngay sau đó phát tán thông tin là người biểu tình dùng kìm tấn công cắt đứt ngón tay cảnh sát, trong khi thực tế là viên cảnh sát, trong khi cùng đồng đội của mình trấn áp, đã lấy tay móc miệng anh này lôi đi và bị cắn đứt tay.
Những ngày sau đó, mỗi ngày đều có hàng trăm hàng ngàn người Hong Kong tụ tập tại New Town Plaza, dán biểu ngữ khắp các bức tường yêu cầu ban giám đốc trung tâm thương mại ra giải thích, liệu có phải họ bắt tay với cảnh sát để đối phó người biểu tình , bởi theo luật Hong Kong, cảnh sát không có quyền tiến vào khu vực thương mại tư nhân nếu không được mời.
Như những lần “xung đột” trước đó, miễn là không có bóng dáng nào của lực lượng cảnh sát, mọi thứ lại cực kỳ yên bình ở khu thương mại, không hề có chút phá hoại hay bạo loạn nào từ những kẻ “gây rối”.
Rất nhiều nghi vấn đặt ra về việc thay vì cố gắng bảo vệ trật tự, cảnh sát lại dùng những chiến thuật khác nhau để cố tình đặt người biểu tình vào thế bị kích động phải đối đầu.
Ngay cả trong vụ việc người biểu tình xông vào chiếm tòa nhà Lập pháp, có nhiều ý kiến cho rằng đó là cái bẫy “vườn không nhà trống” mà cảnh sát giăng ra, khi trước đó họ đã chốt chặn bên trong nhiều tiếng đồng hồ, rồi bỗng nhiên rút đi toàn bộ, “dụ” những người biểu tình phá cửa vào chiếm tòa nhà bỏ hoang.
Nếu trước đây mọi thứ chỉ dừng lại ở “thuyết âm mưu”, thì sau sự kiện tối ngày 21/7, không còn bao nhiêu người Hong Kong nghi ngờ về tính công chính của lực lượng chấp pháp.
Họ tin chắc rằng mình đang sống trong cơn ác mộng mang tên “công an trị”.
Những người Hong Kong không thể nghĩ khác khi chứng kiến cảnh tại ga tàu điện ngầm Yuen Long, hàng chục đối tượng “khẩu trang xanh” tay lăm lăm gậy gỗ gậy sắt nhào vào những người biểu tình để ăn tươi nuốt sống. Cả bọn hăng máu đánh thẳng tay những người không hề có ý định đối đầu với chúng, đuổi cùng giết tận ngay cả khi những người biểu tình đã chạy vào trong các toa tàu.
Các “anh hùng lực lượng khẩu trang” còn hùng hổ vây đánh nữ phóng viên Gwyneth Ho của kênh Stand News đang tường thuật trực tiếp, khiến cô nhiều lần nằm gục xuống sàn. Bất chấp bị thương nhiều nơi trên cơ thể, Gwyneth vẫn tiếp tục đứng dậy cầm máy quay lại những diễn biến hãi hùng tiếp theo.
Vào cao điểm, livestream trực tiếp của cô trên trang Facebook của Stand News có hơn 160.000 người cùng lúc theo dõi, và tính đến 8 giờ sáng ngày 22/7 đã có hơn 2.6 triệu lượt xem, cùng hàng trăm ngàn bình luận phẫn nộ. Chỉ sau khi sự việc tương đối yên ổn trở lại cô mới nhập viện theo dõi tình trạng chấn thương.
Một cựu phóng viên nam của TVB thì bị đánh hội đồng khiến đầu lênh láng máu. Nghị viên của Đảng Dân chủ Lam Cheuk-ting bị truy kích phải nhập viện băng bó. Ít nhất một người dân bị vây đánh đã gục ngay tại chỗ phải nằm trên cáng xe cấp cứu ngay sau đó.
Trong suốt gần một tiếng đồng hồ nhà ga bị biến thành bãi săn bắn tự do cho những con thú khát máu này, hàng chục người đã gọi 999 (số khẩn cấp báo cảnh sát), nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng nào của cảnh sát xuất hiện.
Trái lại, trên mạng lưu truyền hình ảnh hai người mặc sắc phục cảnh sát lững thững quay lưng bước ra ngoài nhà ga khi các “lực lượng khẩu trang” đang hùng hổ đòi hỏi tội những người bên trong.
Chỉ sau khi các “anh hùng khẩu trang” đã đánh đập thỏa thích các nạn nhân, hả hê cười khoái trá, vỗ vai khen nhau rút đi hết, vài phút sau cảnh sát mới lục tục kéo đến.
Khi bị phóng viên chất vấn sự xuất hiện của cảnh sát có phải là quá trễ hay không, một người tự xưng là chỉ huy lực lượng hiện trường đã tỉnh bơ trả lời “đâu rảnh coi đồng hồ, làm sao biết sớm hay trễ!”.
Đối đầu với những người biểu tình tay không tấc sắt, cảnh sát hùng hổ mạnh bạo ra sao, gặp những tay “bạo động thứ thiệt”, họ lại bỗng dưng từ tốn khoan thai đến lạ.
Các tờ báo độc lập của Hong Kong cũng gần như ngay lập tức đăng đoạn clip ghi lại cảnh Junius Ho, một nghị viên của phái thân Bắc Kinh, hồ hởi tay bắt mặt mừng những người áo trắng khẩu trang, vừa cười vừa tấm tắc “các cậu là anh hùng của chúng tôi”.
Có lẽ không thừa nếu nhắc lại, vào ngày 19/7 vừa qua, các chính trị gia thân Bắc Kinh đã công khai quyên tặng 10 triệu đô la Hong Kong cho lực lượng cảnh sát.
Cảnh sát liệu có bắt tay với các chính trị gia thân Trung Quốc (hay nói thẳng ra là chính quyền Hong Kong, vì toàn bộ chính quyền đặc khu đều do họ nắm), dùng xã hội đen để “dạy dỗ” người biểu tình? Những ngày sắp tới tất cả người Hong Kong sẽ dùng mọi cách để làm cho ra lẽ.
Nhưng có một điều không cần phải điều tra mà ai cũng có thể kết luận: rất nhiều người trong lực lượng cảnh sát từ lâu đã không còn xem người dân Hong Kong là những người họ cần phải bảo vệ.
Khi chứng kiến hình ảnh các nhóm cảnh sát vây đuổi đánh hội đồng những người biểu tình trong nhiều tuần qua, tất cả đều có chung một nhận định, “cảnh sát phát điên rồi!”.
“Cơn điên” này của cảnh sát, theo phân tích của nhiều người, không phải là chuyện bất ngờ.
Nó đã được đè nén từ ít nhất 5 năm trước, khi các cuộc biểu tình của Phong trào Dù vàng diễn ra suốt hơn 2 tháng ở khu trung tâm.
Trong một đoạn video bị quay lén, 7 viên cảnh sát đã lôi một người biểu tình khi đó vào trong một góc tường vắng, lần lượt đấm đá nạn nhân, khi đó tay bị cột chặt, nằm bất lực chịu trận.
Hơn một tháng rưỡi sau, 7 người này mới bị bắt. Hơn 2 năm rưỡi sau đó, cả 7 người bị kết án hai năm tù.
Vụ việc gây chấn động lớn trong lực lượng cảnh sát, khi họ cảm giác mình bị “đối xử bất công”. Hơn 30 ngàn người thuộc lực lượng này và những người ủng hộ họ đã biểu tình sau khi bản án được tuyên. Họ cho rằng mức án quá nặng, và rằng trong khi những người biểu tình cứ “vô tư phạm luật” thì cảnh sát lại phải hứng chịu sự phán xét nặng nề cho bất kỳ sai lầm nào của mình.
Mâu thuẫn giữa lực lượng cảnh sát và những người dân Hong Hong được nuôi dưỡng từ đó.
Nhiều cảnh sát xem những người biểu tình là kẻ thù không đội trời chung. Ngược lại, nhiều người biểu tình xem cảnh sát là những kẻ khát máu vô nhân tính.
Mâu thuẫn này không được giải quyết, chỉ chực chờ những mồi lửa để bùng nổ. Và mồi lửa đã xuất hiện vào mùa hè không yên ả này của đảo quốc Hong Kong.
Nhưng đó chỉ là ảo giác.
Sự thật là, không có “mối thù” nào giữa dân và lính.
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi nhắc tới cảnh sát, quân nhân, người ta đều nghĩ đến yếu tố “kỷ luật”.
Yêu cầu kỷ luật, cùng với hệ quả “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh”, được cho là thứ tạo nên sức mạnh của những người thuộc lực lượng vũ trang.
Nguồn cơn sức mạnh cho lực lượng cảnh sát, quân đội có phải từ đó mà ra hay không, điều đó còn cần phải suy nghĩ.
Nhưng kỷ luật và sự phục tùng (một cách mù quáng) mệnh lệnh cấp trên chắc chắn là món quà vô giá mà những chính quyền/ lãnh đạo độc tài đều thèm khát lợi dụng.
Thay vì bảo vệ dân, họ biến lực lượng vũ trang thành công cụ để kiểm soát, đàn áp, thậm chí khi cần, tiêu diệt người dân.
Họ tạo ra một xã hội “công an trị”.
Người Hong Kong sở dĩ phải xuống đường liên tục như vậy là vì những đòi hỏi chính đáng của họ, về quyền được tự quyết, tự bầu ra những người đại diện thật sự cho mình, về việc đảm bảo các quyền tự do cơ bản của họ không bị chính quyền cộng sản độc tài Trung Quốc xâm hại, tất cả đều bị phớt lờ.
Chính quyền đặc khu thay vì ngồi lại đối thoại cùng người dân, và thay mặt người dân đấu tranh cho quyền lợi của họ với các quan thầy ở Bắc Kinh, lại đẩy những cảnh sát ra đầu chiến tuyến, biến họ thành công cụ hòng dập tắt những tiếng nói phản đối.
Cảnh sát, kẹt giữa một bên là các chính trị gia ngang ngược, một bên là những người dân giận dữ, bị đặt trong một tình thế gần như “nhiệm vụ bất khả thi”. Họ không thể cùng lúc làm hài lòng hai bên.
Nhà cầm quyền tất nhiên không quan tâm đến việc giải quyết mâu thuẫn (do chính họ tạo ra) giữa người dân và cảnh sát. Họ thậm chí còn tăng cấp độ, sẵn sàng bảo vệ mọi việc làm sai trái của cảnh sát, từ chối tất cả yêu cầu thành lập những cơ quan điều tra độc lập.
Với những cảnh sát đã có sẵn máu côn đồ lưu manh trong người, vòng tay bảo bọc ấm áp của chính quyền là “thượng phương bảo kiếm” để họ tùy nghi thả rông bản năng bạo lực của mình.
Nhưng cảnh sát hay quân nhân cũng chỉ là người. Giống như bất kỳ tổ chức nào, luôn tồn tại những con người lương thiện trong lực lượng cảnh sát.
Đẩy những con người lương thiện vào thế phải đối đầu với nhau là thứ tội ác hèn hạ, đê tiện nhất của những kẻ cầm quyền.
Đó là cách những chính quyền độc tài giữ lấy cái ngai của mình, bất kể sống chết của những người khác.
Người Hong Kong đang thấy mình sống trong những ngày tháng ác mộng của chế độ “công an trị” này.
Còn với nhiều người Việt Nam, họ đã trải qua hết một đời người dưới bi kịch cùng tên.
Những người biểu tình phản đối dự luật đặc khu vào năm 2018 bị vây đánh dã man bởi lực lượng vừa mặc sắc phục công an, vừa đeo “khẩu trang ngành”. Chiến dịch “khủng bố trắng” của lực lượng an ninh, bắt giữ tra hỏi và đánh đập tùy tiện bất kỳ ai có dấu hiệu “biểu tình” tại khu trung tâm Sài Gòn suốt vài tuần sau đó. Hay mới đây chính quyền Nghệ An thả các cai tù và giang hồ trong trại ra, mặc thường phục đón lõng, vây đánh hàng chục người thân của các tù nhân lương tâm đến yêu cầu đảm bảo chế độ sinh hoạt cơ bản của họ (ngoại trừ một thanh niên còn lại tất cả những người bị đánh đều là ông bà già và trẻ con).
Đó chỉ là vài giọt nước gần nhất trong dòng thác lũ những tội ác hèn hạ mà chế độ “công an trị” của nhà cầm quyền đã tạo ra suốt mấy chục năm qua.
Người dân Hong Kong, chỉ bắt đầu nếm trải ác mộng, chắc chắn sẽ không chịu nhắm mắt giả vờ ngủ yên.
Còn người Việt Nam, có lẽ cũng không thể tiếp tục thản nhiên ngủ nướng, để mặc cho cơn ác mộng “công an trị” nhai vò cắn nát tất cả những tâm hồn có lương tri.