Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Jeremy Lee, đến từ tiểu bang Queensland, Australia, đã thắng kiện công ty cũ trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt sau khi ông bị công ty Superior Wood Pty Ltd sa thải vì từ chối sử dụng máy quét dấu vân tay để chấm điểm giờ làm việc, theo Business Insider Australia.
Ông Lee đã kiện hãng của mình vì sa thải không công bằng, với lý do ông có quyền từ chối việc thu thập dữ liệu sinh trắc học của mình. Ông Lee lập luận rằng Superior Wood đã vi phạm Đạo luật Quyền riêng tư của nước này.
Lee đã đệ đơn kiện lên Ủy ban Lao động Công bằng Úc vào tháng 3 năm 2018. Ủy ban xem xét và vào tháng 6 đã ra phán quyết ủng hộ công ty Superior Wood, kết luận rằng chính sách lấy dấu vân tay là hợp lý và do đó nhân viên có nghĩa vụ phải tuân thủ.
Không hài lòng với kết quả của vụ kiện, ông Lee quyết định tự bào chữa cho mình và kháng cáo quyết định trên vào tháng 11 năm 2018, thách thức Đạo luật Quyền riêng tư của Úc và đặt câu hỏi về quyền sở hữu dữ liệu của mỗi cá nhân.
Ngày 1 tháng 5 năm 2019, Ủy ban đã ra phán quyết phúc thẩm có lợi cho ông, nói rằng ông có quyền từ chối cung cấp dữ liệu sinh trắc học của mình cho công ty và việc ông bị sa thải khỏi công ty là không công bằng.
Vụ việc cũng giải quyết những lo ngại của ông Lee, rằng dữ liệu của ông có thể được chia sẻ với bên thứ ba.
“Chúng tôi chấp nhận đơn kiện của ông Lee, rằng một khi thông tin sinh trắc học được số hóa, có thể rất khó ngăn nó bị chuyển cho các bên thứ ba, bao gồm cả cho mục đích thương mại”, tài liệu vụ kiện viết.
Vụ việc của ông Lee là trường hợp đầu tiên ở Úc đặt câu hỏi về việc thu thập và sở hữu dữ liệu sinh trắc học, và nhấn mạnh mối lo ngại gia tăng về quyền riêng tư cá nhân.
“Tôi kiên quyết khẳng định rằng dữ liệu sinh trắc học của tôi là của tôi. Việc tôi phản đối [công ty cũ] là vì tôi sở hữu dữ liệu đó. Anh không thể lấy nó đi được. Ai muốn lấy thì phải được tôi đồng ý”, ông Lee nói.
“Nếu ai đó kiểm soát được dữ liệu sinh trắc học của tôi họ có thể dùng nó cho mục đích của họ, có lợi cho họ, không phải cho tôi. Đó là một sự lạm dụng”.
Các vụ kiện liên quan đến việc thu thập dữ liệu sinh trắc học đã trở nên thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Vào tháng 1/2019, Tòa án Tối cao Illinois (Mỹ) đã ra phán quyết có lợi cho gia đình của một thiếu niên bị thu thập dấu vân tay tại công viên giải trí Six Flags khi ông đến thăm vào năm 2014. Gia đình nói rằng cả họ và con trai họ đều không được thông báo về lý do tại sao lại bị thu thập dấu vân tay hoặc nơi sẽ lưu trữ. Điều đó vi phạm Đạo luật Bảo mật Thông tin Sinh trắc học của tiểu bang.
Các trường hợp liên quan đến thu thập dữ liệu sinh trắc học chống lại các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google và Snapchat cũng đã được đưa ra xét xử.