Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Việc tìm hiểu thế nào là bầu cử công bằng sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn tình trạng khủng hoảng chính trị các năm 2018-2019 ở Venezuela, đồng thời có thể tự xác định quan điểm cho rằng các cáo buộc bầu cử gian lận có phải là một “chiêu bài chính trị thân phương Tây” xác đáng hay không.
Vậy một nhà quan sát chính trị không chuyên quan tâm đến tình hình bầu cử quốc tế có thể tiếp nhận và tham khảo đánh giá chất lượng bầu cử từ các nguồn thông tin chính phủ hay các nguồn truyền thông quốc tế không? Nếu không thì sao?
Không thể tin vào các chính phủ quốc gia?
Nhóm các quốc gia có lẽ là nhóm ít được tin cậy nhất trong việc đánh giá chất lượng bầu cử.
Bởi vì tiêu chuẩn về dân chủ của mỗi quốc gia là khác nhau. Theo đó, tiêu chuẩn về bầu cử cũng khác nhau từ Châu lục này sang Châu lục khác. Các khác biệt về ý thức hệ, ví dụ như giữa các nước tư bản và các nước xã hội chủ nghĩa, vẫn là hàng rào ngăn cản việc xây dựng và công nhận một nhóm tiêu chuẩn quốc tế chung về dân chủ và bầu cử. //
Chúng ta dễ dàng nhận ra điều này khi đọc các phát biểu chính thức ghi nhận quan điểm của các quốc gia về kết quả bầu cử của Venezuela: không bao giờ có một sự trích dẫn hay nhìn nhận nào cho một hệ thống chuẩn nhất định về chất lượng bầu cử. Bên ủng hộ hay cáo buộc cũng thường không đưa ra các chứng cứ cụ thể.
Các phát biểu hay thông cáo ủng hộ kết quả thường đơn thuần lờ đi vấn đề chất lượng cuộc bầu cử và đơn giản… chúc mừng người chiến thắng là Tổng thống Maduro, ví dụ như phát biểu của Nga. Một số nước khác, ví dụ như Trung Quốc, thì dường như có sẵn một giả định là “phiếu đã bỏ tức là dân đã quyết” bất kể chất lượng cuộc bầu cử. Trung Quốc tuyên bố ủng hộ việc “không can thiệp vào nội bộ Venezuela” và kêu gọi việc “ủng hộ quyết định của người dân Venezuela”.
Các phát biểu hay thông cáo tuyên bố không chấp nhận kết quả, ví dụ như của Mỹ hay EU, thì nêu những phê phán khá cụ thể dành cho cuộc bầu cử nhưng không có dẫn chứng.
EU thì cho rằng Venezuela tạo ra các “rào cản lớn” khiến cho các đảng chính trị đối lập khó tranh cử, tạo ra “điều kiện tranh cử thiên vị” và có một loạt các “hoạt động bất thường” trong ngày tranh cử bao gồm việc “mua phiếu bầu”. Mỹ thì nêu việc Venezuela “đàn áp bất đồng chính kiến”, “bóp nghẹt tự do báo chí” và “dùng thức ăn để vận động phiếu bầu từ người dân Venezuela đói ăn”.
Cả Mỹ và EU đều công kích việc chính phủ Maduro bổ nhiệm vào Hội đồng bầu cử Quốc gia (National Electoral Council – Cơ quan tổ chức và giám sát bầu cử của Venezuela) những thành viên mang tư tưởng thiên vị ủng hộ chính quyền, khiến cho cơ quan này không còn giữ được tính trung lập cần có.
Để thẩm tra các cáo buộc, công kích nói trên, một nhà quan sát không chuyên lại không được tiếp cận các tài liệu và nghiên cứu làm nền tảng cho nhận định của các chính phủ nói trên, mà lại phải mày mò tự đi tìm các nguồn thông tin tản mác khác.
Bên cạnh đó, mỗi quốc gia đều có những tính toán địa chính trị và quan hệ quốc tế riêng của họ khi đưa ra quyết định công nhận kết quả và chất lượng bầu cử về một quốc gia khác.
Ví dụ, việc Việt Nam đưa ra một câu “trả lời mà như không trả lời” khi được hỏi về lập trường của Việt Nam trước cảnh một nước hai tổng thống như ở Venezuela đã phần nào thể hiện các tính toán ngoại giao “đi dây” của nhà nước Việt Nam (không muốn làm mất lòng bên nào, dù là Nga-Trung hay Mỹ-EU).
Cũng đã có nhiều phân tích chỉ ra là cả hai siêu cường Mỹ và Nga đều có các quyền lợi địa chính trị nhất định tại Venezuela, những quyền lợi mà các nước này phải bảo vệ.
Việc ủng hộ hay không thừa nhận kết quả bầu cử theo đó có thể đều là những động thái bảo vệ quyền lợi địa chính trị, chứ không nhất thiết thể hiện việc tuân theo một tiêu chuẩn toàn cầu nào đó về chất lượng bầu cử.
Theo đó, việc nhìn vào con số 46 nước công nhận và 39 nước không công nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2018 ở Venezuela để quyết định là cuộc bầu cử đó có công bằng hay không, có vẻ không phải là một giải pháp khôn ngoan, cân bằng, và có căn cứ cụ thể.
Không thể tin vào truyền thông quốc tế?
Tuy là nhóm có vẻ được tự do hoạt động nhất và có tầm lan tỏa nhất trong bốn nhóm có khả năng đánh giá chất lượng bầu cử, truyền thông quốc tế (cụ thể là cơ quan báo đài các nước từ Đông sang Tây) lại có lẽ là bên… khó tin cậy thứ nhì trong các nhóm được cân nhắc.
Có hai vấn đề, thứ nhất là chuyên môn – không phải cơ quan báo đài nào cũng có các chuyên gia được đào tạo bài bản về luật và hoạt động bầu cử để có thể quan sát, nhận định một cách chính xác nhất về chất lượng bầu cử, đặc biệt khi cuộc bầu cử đó diễn ra ở một quốc gia khác có truyền thống hoạt động dân chủ khác. Quan sát đầy đủ một cuộc bầu cử quốc gia có lẽ cũng là một hoạt động cần cả một đội ngũ quan sát viên hùng hậu, chứ không phải chỉ một, hai phóng viên thường trú tại địa phương.
Thứ hai chính là không có một đảm bảo nào về sự công tâm, trung lập của giới truyền thông quốc tế trong việc đưa ra nhận định về những cuộc bầu cử gây tranh cãi, đặc biệt là những cuộc bầu cử có khả năng gây chia rẽ sâu rộng trên toàn thế giới như cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 tại Venezuela.
Báo đài quốc doanh và ngoài quốc doanh tại các nước có chính quyền chuyên chế độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam, thường khó mà có thể đưa ra những nhận định độc lập đi ra ngoài khuôn khổ kiểm soát ngôn luận của chính quyền họ.
Báo đài tư nhân tại các nước tư bản phát triển sẵn có truyền thống tự do ngôn luận như Anh hay Mỹ, thoạt nhìn trông có vẻ là một nhóm có khả năng đánh giá chất lượng bầu cử công bằng nhất.
Tuy nhiên, thực tế là báo đài tư nhân tại các nước tư bản tự do có thể công tâm và trung lập trong nhiều chủ đề, nhưng không phải là tất cả các chủ đề.
Riêng với chủ đề Venezuela, có một số bằng chứng từ theo một nghiên cứu chuyên sâu về truyền thông, gần đây cho thấy là báo đài tư nhân của các nước tư bản phát triển thường thiên vị và thiếu công tâm trong chủ đề Venezuela.
Trong cuốn sách “Tin xấu từ Venezuela: 20 năm của tin giả và viết báo sai sót” xuất bản năm 2018, nhà nghiên cứu truyền thông người Scotland Alan MacLeod “đào xới” và phân tích tất cả nội dung báo chí về Venezuela trong suốt 20 năm, từ 1998 đến 2018, từ bảy tờ báo lớn của truyền thông Anh-Mỹ (trong đó có các tên tuổi như The New York Times, The Washington Post, The Guardian, và The Times).
MacLeod cũng phỏng vấn 27 nhà báo và nhà nghiên cứu chuyên sâu về Venezuela, trong đó có cả những người mang tư tưởng chống chính quyền Maduro lẫn những người ủng hộ chính quyền này.
MacLeod kết luận rằng, truyền thông Anh-Mỹ (cụ thể là bảy tờ báo được nghiên cứu) không công tâm, chính xác mà thường rất thiên vị và sai lệch khi đưa tin về Venezuela.
Cụ thể là họ thiên vị bên đối lập chống chính quyền Venezuela (trước là chính quyền Chavez, nay là chính quyền Maduro), và thường đưa tin bất lợi cho chính quyền đó trong khi lờ đi những tiến bộ đã đạt được của phe Chavez-Maduro (phe ủng hộ Cách mạng Bolivar).
Có nhiều lý do thực tế: cắt giảm ngân sách tại các báo đài tư nhân Anh-Mỹ trong những năm qua đã tạo nhiều hệ lụy. Các tờ báo Anh-Mỹ có rất ít phóng viên thường trực đóng tại Venezuela. Số ít phóng viên được cử đến Venezuela lại thường không sõi tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ chính tại đây, trong khi số người biết nói tiếng Anh cũng không nhiều). Những phóng viên này cũng thường được xem là không có hiểu biết sâu về chính trị xã hội địa phương
MacLeod cho rằng cắt giảm ngân sách cũng khiến cho báo đài Anh-Mỹ trở nên trông cậy quá nhiều vào các phóng viên được tuyển dụng từ các đơn vị báo đài địa phương Venezuela, trong đó có nhiều báo đài đã sẵn có xu hướng chống chính quyền Venezuela. Các phóng viên địa phương này thường đưa tin thiên vị và một chiều cho các báo đài Anh-Mỹ.
Nghiên cứu của MacLeod (vốn không phải là một chuyên gia về bầu cử) tuy có nhiều thông tin đáng chú ý, nó cũng không đi sâu và giải thích vì sao giới báo chí truyền thông quốc tế khi đưa tin về bầu cử và tranh cử ở Venezuela, thì họ thường đưa tin thiếu chính xác hay sai lệch về dữ kiện và chuyên môn như thế nào.
Khi phân tích các biểu hiện thiên lệch, MacLeod chủ yếu phê phán ở tầm vĩ mô việc báo đài Anh-Mỹ thường chỉ trích chính phủ Venezuela của Chavez và Maduro “đang chuyển từ dân chủ sang độc tài”, đang tự làm xói mòn các thiết chế dân chủ của Venezuela, và hoàn toàn phủ nhận các cải cách mở rộng việc cho người dân tham gia hoạt động dân chủ của chính phủ các ông này.
Song ông này hơi có xu hướng tuyển chọn các bằng chứng có lợi nhất cho luận điểm chống chủ nghĩa đế quốc của ông, (MacLeod là một người thiên tả và ủng hộ luận điểm cho rằng báo đài tư nhân Anh-Mỹ chỉ là những cánh tay nối dài của chủ nghĩa tư bản quốc tế, luôn tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội).
Dẫu vậy, các phát hiện của MacLeod cho thấy truyền thông quốc tế không hẳn là một nguồn tham khảo đáng tin cậy để đánh giá chất lượng cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela năm 2018.
Nếu không thể tin tưởng các chính phủ quốc gia và truyền thông quốc tế thì một nhà quan sát chính trị không chuyên quan tâm đến tình hình bầu cử quốc tế có thể tìm các nguồn thông tin tham khảo nào để đánh giá chất lượng một cuộc bầu cử?
Các tổ chức quan sát theo dõi bầu cử quốc tế
Tuy chưa có một cơ quan quốc tế chuyên trách đánh giá chất lượng các cuộc bầu cử trên toàn thế giới, hiện nay, ở tầm khu vực vẫn đang tồn tại rất nhiều các tổ chức liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có năng lực chuyên môn để đánh giá chất lượng các cuộc bầu cử. Họ thường được gọi là các cơ quan theo dõi bầu cử quốc tế (international election monitors) hay các quan sát viên bầu cử quốc tế (international election observers).
Quy trình thường là các nước tổ chức bầu cử phải có lời mời chính thức, và các tổ chức giám sát bầu cử đó nhận lời mời rồi cử chuyên gia đến nước sở tại để quan sát, theo dõi tiến trình bầu cử rồi viết báo cáo về tiến trình của cuộc bầu cử đó.
Các báo cáo đó thường sẽ đưa ra các nhận định chi tiết về những khiếm khuyết hay bất cập trong quy trình, luật lệ bầu cử của nước tổ chức bầu cử.
Một cơ quan liên chính phủ thường được đưa ra làm hình mẫu cho các cơ quan theo dõi, giám sát bầu cử quốc tế là Phòng phụ trách Thể chế dân chủ và Nhân quyền (ODIHR), trực thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các hình mẫu này trong phần tiếp theo.
Mời bạn đọc xem lại kỳ trước: Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 1
***
Từ khóa:
cuộc bầu cử: election (n)
việc đi bầu: voting (n), to vote (v)
gian lận bầu cử: electoral fraud (np)
cuộc bầu cử gian lận: rigged election (np)
cách mạng màu: colour revolution (np)
tiêu chuẩn phổ quát, toàn cầu: global norms (np)
tính chính trực của hệ thống bầu cử: electoral/election integrity (np)
tổ chức/cơ quan giám sát tranh cử: election monitor/observer (np)
khảo sát chuyên gia: expert survey (np)