Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 3

Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 3
Các ủng hộ viên của ông Maduro hồi năm 2018. Ảnh: AP Photo/Ariana Cubillos)

Tiếp theo phần trước, bài viết tiếp tục tìm hiểu thế nào là bầu cử minh bạch, nhằm nhìn nhận rõ nét hơn về tình trạng khủng hoảng ở Venezuela, đồng thời để đánh giá xem các cáo buộc bầu cử gian lận có phải là một “chiêu bài chính trị thân phương Tây” hay không.

Nếu không thể tin tưởng các chính phủ quốc gia và truyền thông quốc tế thì một nhà quan sát chính trị không chuyên quan tâm đến tình hình bầu cử quốc tế có thể tìm đến các tổ chức quan sát theo dõi bầu cử quốc tế (international election monitors hay international election observers).

Tuy nhiên, vẫn phải cẩn thận khi tiếp nhận thông tin từ các tổ chức như thế.

Một hình mẫu tổ chức theo dõi bầu cử: ODIHR

Trước khi nhìn cụ thể vào trường hợp Venezuela, chúng ta cùng tìm hiểu về một tổ chức theo dõi bầu cử được nhiều chuyên gia xem là mẫu mực: ODIHR. Tuy Venezuela không phải là thành viên chịu giám sát của tổ chức này, hiểu về hoạt động của ODIHR, chúng ta sẽ hiểu vai trò của một tổ chức theo dõi bầu cử là gì.

Được thành lập từ thời Chiến tranh Lạnh với hình thức ban đầu như một diễn đàn hợp tác bảo vệ an ninh giữa các tác giả chính yếu của Đệ nhị Thế chiến, Tổ chức vì An ninh và Hợp tác Châu Âu (Organization for Security and Co-operation in Europe – OSCE) hiện nay đã có hơn 3400 nhân viên thường trực, với nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác – bảo vệ an ninh chung, ngăn chặn xung đột giữa 57 quốc gia thành viên.

Chúng bao gồm hỗ trợ xây dựng và giám sát – cố vấn việc thực thi các chính sách và hệ thống bảo trợ dân chủ, bảo vệ các quyền con người, bảo vệ tự do báo chí và đảm bảo quyền tự do bầu cử.

Trong phạm vi nhiệm vụ như thế, Phòng phụ trách Thể chế dân chủ và Nhân quyền (ODIHR) của OSCE là cơ quan phụ trách việc theo dõi quy trình tổ chức và đánh giá kết quả bầu cử. Từ năm 1996 đến nay, ODIHR đã thực hiện hơn 300 nhiệm vụ hỗ trợ hay đánh giá, từ những nền dân chủ kém phát triển như Kazakhstan cho đến những ông lớn như Hoa Kỳ.

Với sự dày dặn kinh nghiệm “trận mạc” như vậy, ODIHR có riêng cho mình hệ thống phương pháp, tiêu chí quan sát theo dõi bầu cử bài bản, vốn được giải thích trong một cẩm nang thực hành dễ hiểu và cũng được cập nhật định kỳ. Cơ quan này cũng có một hệ thống dữ liệu trực tuyến công khai các báo báo quan sát bầu cử của họ từ trước tới nay.

Đoàn chuyên gia theo dõi bầu cử của ODIHR thường bao gồm 10 đến 15 chuyên gia đến từ nhiều nước với các chuyên môn khác nhau: phân tích bầu cử, phân tích chính trị, phân tích pháp lý, phân tích truyền thông, phân tích thống kê v.v.  Nhóm chuyên gia ‘nòng cốt’ này sẽ chỉ đạo và giám sát một nhóm các quan sát viên bầu cử bao quát cả cuộc bầu cử. Hỗ trợ cho cả đoàn là đội ngũ phiên dịch, đội ngũ hành chính và bảo vệ an ninh.

Một báo cáo ‘trọn gói’ của ODIHR, ví dụ báo cáo về cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10-11 năm 2018 ở Georgia, sẽ cần nhiều tháng để hoàn thành với tính chi tiết cao. Trong đó, các chuyên gia cân nhắc toàn bộ quá trình bầu cử gồm nhiều khâu, vòng, thủ tục khác biệt. Báo cáo cũng sẽ phân tích hoàn cảnh chính trị chung, hệ thống chính trị quốc gia và các vấn đề pháp lý liên quan đến cuộc bầu cử đang được cân nhắc. Rõ ràng, báo cáo dạng này vượt xa một tường thuật đơn thuần về những gì đã xảy ra trong ngày “toàn dân đi bầu”.

Không chỉ vậy, Đoàn quan sát viên của ODIHR luôn đi kèm khuyến nghị (recommendation) vốn là những góp ý chuyên môn, góp ý chính sách cụ thể để giúp các quốc gia kiện toàn thêm hệ thống tranh cử và bầu cử quốc gia của họ.

Theo dõi bầu cử ở Châu Mỹ: OAS

Nếu châu Âu có EU, Đông Nam Á có ASEAN thì khu vực châu Mỹ có một tổ chức liên chính phủ là Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS), thành lập năm 1948 bao gồm 35 quốc gia châu Mỹ.

OAS cũng có thẩm quyền, chuyên môn và thâm niên theo dõi giám sát bầu cử tại các nước thành viên. Tuy OAS không công bố tài liệu về phương pháp, tiêu chí quan sát theo dõi bầu cử rõ ràng và rộng rãi như ODIHR, họ vẫn có một cơ sở dữ liệu trực tuyến công khai các báo cáo theo dõi bầu cử đã có từ trước tới nay.

Tham khảo qua một số báo cáo theo dõi bầu cử gần đây của OAS, ví dụ như các báo cáo sơ bộ và báo cáo cuối cùng về cuộc tổng tuyển cử ở Brazil năm ngoái, thì có thể thấy là hoạt động giám sát bầu cử củaOAS cũng bài bản và chi tiết không kém ODIHR.

Báo cáo cuối cùng đánh giá cuộc tổng tuyển cử ở Brazil năm 2018 dài hơn 110 trang, được xuất bản bằng ba thứ tiếng (Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) và đi sâu vào từng bộ phận trong hệ thống tranh cử, từng khâu, từng vòng bầu cử với các khuyến nghị chi tiết và có phần phụ lục công khai danh sách các thành viên của đoàn theo dõi bầu cử.

Venezuela là quốc gia thành viên của OAS từ lúc thành lập năm 1948. Cơ sở dữ liệu của OAS cho thấy họ đã liên tục quan sát theo dõi giám sát bầu cử các cấp ở Venezuela từ năm 1992 đến năm 2006. Tuy nhiên kể từ sau năm 2006 thì không còn báo cáo nào được ghi nhận trong hệ thống. Hugo Chavez tăng cường chiến dịch quốc hữu hóa các công ty tư nhân, đánh phá hệ thống báo chí tự do tại Venezuela và có dấu hiệu tiếm quyền nhà nước cũng từ khoản thời gian này. Vậy nên không bất ngờ gì khi phái đoàn OAS không được mời (hoặc thậm chí bị cấm tham gia) quan sát các cuộc bầu cử của Venezuela gần 15 năm trở lại đây.

Xét mối quan hệ ngoại giao, Venezuela và OAS cũng đã không còn hữu hảo từ lâu. OAS nhiều năm qua thường xuyên phê phán chính phủ Venezuela vì nước này được cho là không còn tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, nhân quyền thể theo nội dung Hiến chương OAS.

Hội đồng bầu cử Quốc gia (National Electoral Council – Cơ quan tổ chức và giám sát bầu cử của Venezuela) thì trở thành một trong những đối tượng chịu chỉ trích nặng nề nhất từ phía OAS,   với cáo buộc rằng cơ quan này không bảo đảm được môi trường tranh cử bình đẳng công bằng cho các đảng phái đối lập với đảng Xã hội của Maduro.

Chính phủ Maduro không tiếp nhận các phê phán theo một cách tích cực. Ông công kích OAS (có trụ sở chính ở thủ đô Washington – Mỹ), cho rằng OAS là một tổ chức bù nhìn của chính phủ Hoa Kỳ vốn đang tìm cách can thiệp vào chính trị nội bộ Venezuela, dù thực tế cho thấy nhiều lần Hoa Kỳ cũng phải đơn thân độc mã trong các nghị quyết quan trọng của OAS.

OAS tham gia cả giám sát bầu cử Hoa Kỳ. Ảnh: OAS

Mâu thuẫn Venezuela – OAS lên đến đỉnh điểm vào tháng 4/2017 khi chính phủ Maduro gửi thông báo chính thức rời khỏi OAS tuy nhiên tuyên bố đơn phương này chỉ có hiệu lực sau hai năm theo quy định của OAS.

Vì vậy, cuộc bầu cử tổng thống Venezuela diễn ra vào tháng 5/2018 trong lúc Venezuela vẫn là thành viên OAS. Tuy nhiên, đã không có phái đoàn theo dõi bầu cử nào của OAS có thểi đến Venezuela lúc đó.

Một ngày sau khi cuộc bầu cử đó diễn ra, OAS cũng đã có thông báo chính thức không công nhận ông Maduro là Tổng thống mới của Venezuela.

Các lý do được viện dẫn bao gồm: cuộc bầu cử đã diễn ra trong điều kiện “không có các bảo đảm quyền cơ bản cho người dân”;“thiếu tự do công cộng”; “nhiều ứng cử viên và đảng phái bị đặt ngoài vòng pháp luật”; còn các cơ quan chuyên trách hệ thống bầu cử thì “không đáng tin cậy” và “bị các quyền lực chính phủ kiểm soát”.

Những tổ chức nào đã theo dõi bầu cử tổng thống Venezuela 2018?

Những người ủng hộ chính phủ ông Maduro có thể chỉ ra là Venezuela đã không hề tìm cách ngăn cản việc theo dõi giám sát cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Tuy cấm cửa OAS, chính phủ Maduro có gửi đơn yêu cầu Liên Hợp Quốc cử phái đoàn quan sát bầu cử đến Venezuela từ ba tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử.

Và chính các phe phái đối lập Venezuela kêu gọi Liên Hợp Quốc không chấp nhận yêu cầu này. Họ cho là việc Liên Hợp Quốc cử phái đoàn đến sẽ ngầm “chính thức hóa” một cuộc bầu cử đang bị tổ chứcgian lận (rigged election). Liên Hợp Quốc cuối cùng không tham gia vào quá trình giám sát bầu cử do cả Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đều không có động thái trao quyền cho các tổ chức có năng lực giám sát bầu cử.

Như vậy, không có phái đoàn chính thức nào đến từ các tổ chức liên chính phủ trực tiếp tham gia vào hoạt động quan sát – giám sát bầu cử của Venezuela. Song các kênh thông tin chuyên đưa tin ủng hộ chính quyền Maduro, như Venezuela Analysis và đài truyền hình Telesur được chính phủ Venezuela tài trợ thì luôn ra rả về sự có mặt của cộng đồng quốc tế trong cuộc bầu cử.

Theo các kênh này, đã có các đơn vị sau đây đã đến Venezuela theo dõi bầu cử: một (?!) vị đại sứ đến từ Liên minh châu Phi (African Union); một nhóm các chuyên gia về bầu cử đến từ Nga (không nêu rõ tên); một phái đoàn của Hội đồng Chuyên gia về Bầu cử của châu Mỹ – Latinh (Council of Electoral Experts of Latin – CEELA).

Trang Telesur tổng hợp rằng kết luận chung của tất cả các đơn vị nói trên khẳng định “cuộc bầu cử diễn ra rất minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và luật pháp quốc gia. Kết quả đến từ Hội đồng bầu cử Quốc gia Venezuela là một phản chiếu hoàn hảo ý nguyện của những người dân Venezuela đã đi bỏ phiếu.”

Chỉ một tuần sau khi diễn ra bầu cử, trang Venezuela Analysis còn hăng hái đăng cùng lúc nguyên văn bốn bản báo cáo theo dõi bầu cử mà theo trang này là đến từ bốn phái đoàn theo dõi bầu cử khác nhau. Song, trong đó chỉ một đoàn có danh tính cụ thể là đoàn từ Hội đồng Chuyên gia về Bầu cử của châu Mỹ – Latinh (CEELA).

Các báo cáo này đều vừa ủng hộ hoàn toàn kết quả cuộc bầu cử vừa khen ngợi hệ thống bầu cử “hoàn hảo” của Venezuela. Chỉ có báo cáo đến từ CEELA là đề cập thêm đến một số hạn chế nhất định của cuộc bầu cử.

Mức độ chi tiết của các báo cáo rất sơ sài, đặc biệt trong so sánh với các ví dụ báo cáo kể trên của ODIHR hay OAS. Ba báo cáo từ ba đoàn đại biểu quốc tế không rõ lai lịch chỉ dài 3-4 trang mỗi báo cáo. Bản báo cáo dài nhất là 16 trang của CEELA.

Cả bốn báo cáo đều không nêu rõ các phương pháp, quy trình thu thập dữ liệu và hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng bầu cử cụ thể của những người làm báo cáo.

Trong khi lai lịch của ba đoàn đại biểu quốc tế kia không rõ ràng, nhóm duy nhất có tên tuổi cụ thể là CEELA lại không có trang web chính thức (dù là bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Bồ Đào Nha) để chứng minh cơ cấu, lịch sử hoạt động và chuyên môn cụ thể của tổ chức này.

Trang Global Americans của một viện nghiên cứu chính sách và chính trị châu Mỹ Latinh tường thuật lại nội dung một tờ báo địa phương Nicaragua cho biết rằng CEELA là một tổ chức được thành lập từ năm 2004 hoặc 2007, với mục đích là tạo ra một “đối trọng tả khuynh” chống lại các cơ quan theo dõi bầu cử được OAS tài trợ . CEELA có thể đã nhận tài trợ tài chính từ chính phủ Venezuela thời Chavez.

Giới chuyên môn đánh giá thế nào về các tổ chức có lai lịch và mục đích hoạt động đáng ngờ như CEELA?

Những “xác sống” giám sát bầu cử thế giới

Trong bài viết “Chống lại các tiêu chuẩn dân chủ”, Alexander Cooley, một giáo sư chính trị học của Đại học Barnard College (Mỹ), cáo buộc rằng một trong những chiến thuật kiểm soát và đàn áp dân chủ của các thể chế chuyên chế độc tài trên thế giới gần đây chính là tận dụng các tổ chức “xác sống” (zombie) giám sát bầu cử quốc tế.

Các tổ chức “xác sống” này không phải là những tổ chức độc lập của các cơ quan quốc tế hay cơ quan liên chính phủ giống như ODIHR hay OAS. Trái lại, các tổ chức “xác sống” này được thành lập hay được ‘chống lưng’ bởi chính các chính quyền chuyên chế độc tài, giả làm những tổ chức dân sự độc lập do các chính quyền chuyên chế độc tài đó ‘mời’ đến theo dõi giám sát bầu cử tại quốc gia họ.

Các tổ chức “xác sống” đơn thuần giả làm chuyên gia để lên tiếng nói xác nhận, ‘đóng dấu’ cho một cuộc bầu cử là cuộc bầu cử đó đã diễn ra minh bạch không gian lận (qua đó, ủng hộ tính chính danh của chính quyền chuyên chế độc tài), thay vì thật sự có những nghiên cứu thực địa và đánh giá chuyên môn xác đáng.

Giáo sư Cooley đưa ra một ví dụ ứng dụng tổ chức “xác sống” theo dõi bầu cử: trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013 ở nước Cộng hòa Azerbaijan (một nước Liên Xô cũ), chính phủ cầm quyền cho mời đến 42 tổ chức quốc tế theo dõi giám sát bầu cử, đa số các tổ chức này đều chưa hề được biết đến trước cuộc bầu cử.

Kết quả bầu cử là 85% phiếu bầu ủng hộ chính phủ cầm quyền. Trước đó, cơ quan tổ chức bầu cử Azerbaijan đã dính phốt lỡ tay tiết lộ kết quả bầu cử từ… trước cả giờ bỏ phiếu. Kết quả ‘bị lộ trước bình minh’ đó cho thấy chính phủ cầm quyền nắm… 75% số phiếu bầu.

Đợt bầu cử tại Ukraine đầu năm nay do OSCE giám sát và công nhận kết quả. Ảnh: Oleg Petrasiuk

Mặc cho các biểu hiện thiếu minh bạch rành rành, 41 trong 42 tổ chức quốc tế được mời đến Azerbaijan lần đó đã dành những lời khen ‘có cánh’ cho cuộc bầu cử. Tổ chức theo dõi bầu cử duy nhất phê bình nặng nề cuộc bầu cử chính là ODIHR.

Có thể tin vào các tổ chức theo dõi giám sát bầu cử quốc tế?

Việc không có nhiều thông tin thật sự đáng tin cậy khiến cho việc đánh giá một tổ chức theo dõi giám sát bầu cử có lai lịch đáng ngờ như CEELA là rất khó khăn.

CEELA có thể là một tổ chức theo dõi giám sát bầu cử đàng hoàng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể khẳng định điều đó khi được biết rõ hơn về cơ cấu tổ chức này cùng phương pháp thu thập dữ liệu và hệ thống chuẩn đánh giá chất lượng bầu cử của tổ chức đó.

Còn nữa, đối với một số người, chất lượng chuyên môn với tiêu chuẩn công khai vẫn không hẳn là các yếu tố quyết định.

Ngay cả các tổ chức có chuyên môn, có chuẩn đánh giá và phương pháp đánh giá công khai rõ ràng như ODIHR và OAS cũng đã chịu nhiều công kích (chủ yếu bởi các chính phủ chuyên chế độc tài) rằng các tổ chức này là những cơ quan ‘bù nhìn’ chịu sự chi phối của một số cường quốc ‘sen đầm’ trên thế giới như Mỹ.

Các cáo buộc như thế thường được đưa ra bất kể thực tế là ODIHR là một cơ quan trực thuộc OSCE vốn là một tổ chức liên chính phủ có sự tham gia của 57 quốc gia khác nhau, trong khi OAS có sự tham gia của 35 quốc gia khác nhau.

Trong chừng mực là các tổ chức liên hay đa chính phủ khó mà bị một chính phủ bất kỳ nào đó kiểm soát để biến thành tổ chức “xác sống” theo dõi bầu cử cho họ hơn, thì chúng ta có thể xem các tổ chức liên hay đa chính phủ như thế là những tổ chức tương đối đáng tin cậy trong việc theo dõi giám sát và đánh giá chất lượng một cuộc bầu cử.

(còn tiếp)

Mời bạn đọc xem lại kỳ trước:

Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 1

Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 2

***

Từ khóa:

cuộc bầu cử: election (n)
việc đi bầu: voting (n), to vote (v)
gian lận bầu cử: electoral fraud (np)
cuộc bầu cử gian lận: rigged election (np)
cách mạng màu: colour revolution (np)
tiêu chuẩn phổ quát, toàn cầu: global norms (np)
tính chính trực của hệ thống bầu cử: electoral/election integrity (np)
tổ chức/cơ quan giám sát tranh cử: election monitor/observer (np)
khảo sát chuyên gia: expert survey (np)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.