Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 4

Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 4
Người ủng hộ Maduro phô trương lực lượng trong cuộc bầu cử 2018. Ảnh: Australian Institute of International Affairs

Qua các phần trước, chúng ta đã thấy là một nhà quan sát chính trị không chuyên quan tâm đến tình hình bầu cử quốc tế chỉ nên tiếp nhận và tham khảo đánh giá chất lượng bầu cử từ một số nguồn tham khảo nhất định.

Trong phần này, chúng ta cùng tìm hiểu là giới chuyên gia, giới nghiên cứu học thuật về bầu cử đáng tin cậy đến mức nào.

Giới chuyên gia và giới nghiên cứu học thuật đánh giá chất lượng bầu cử như thế nào?

Với giới nghiên cứu học thuật, đánh giá chất lượng bầu cử chính là đánh giá mức độ chính trực của hệ thống bầu cử trong một nước (electoral integrity), chứ không đơn thuần là đánh giá một cuộc bầu cử đã diễn ra như thế nào.

Thẩm tra 11 nghiên cứu học thuật về chất lượng bầu cử trên thế giới từ năm 1998 đến năm 2013, nhà nghiên cứu Caroline Van Ham xác định rằng giới học thuật trước nay đánh giá chất lượng bầu cử theo nhiều ‘thước đo’ khác nhau:

  • Đánh giá mức độ chính trực của hệ thống bầu cử thông qua việc “vạch lá tìm sâu” (tập trung vào các biểu hiện thiếu dân chủ, các hành vi thao túng kiểm soát bất minh trong hệ thống), hoặc thông qua việc “vén mây tìm nắng” (tập trung vào các biểu hiện đảm bảo tính dân chủ trong hệ thống);
  • Đánh giá mức độ chính trực của hệ thống bầu cử bằng cách sử dụng một nhóm các tiêu chuẩn bầu cử phổ quát toàn cầu (universal norms) hoặc bằng cách sử dụng một tiêu chuẩn bầu cử cố định (particular norm);
  • Đánh giá mức độ chính trực của hệ thống bầu cử thuần thông qua các tiêu chuẩn mang tính lý tưởng về bầu cử (ideal democratic norms), hoặc thông qua đánh giá quy trình bầu cử (electoral process) trước, trong và sau một cuộc bầu cử.

Khi đánh giá chất lượng bầu cử, giới học thuật có thể sử dụng các nguồn thông tin tham khảo khác nhau:

  • Các báo cáo theo dõi giám sát bầu cử từ các tổ chức theo dõi giám sát bầu cử uy tín (election observation reports);
  • Các báo cáo, nhận định chuyên môn từ giới chuyên gia từ mọi lập trường chính trị (country experts);
  • Các báo cáo chính phủ (ví dụ, báo cáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ);
  • Các nguồn tin tức, truyền thông trong nước và quốc tế.

Van Ham kết luận rằng thông tin về chất lượng bầu cử toàn diện và đáng tin cậy nhất đến từ một nghiên cứu sử dụng cùng lúc nhiều tiêu chuẩn đánh giá (multiple indicators), bao gồm các tiêu chuẩn bầu cử mang tính phổ quát toàn cầu, và cùng lúc dùng nhiều nguồn thông tin tham khảo khác nhau (multiple sources).

Một nhà quan sát chính trị không chuyên quan tâm đến tình hình bầu cử của một quốc gia nào đó có thể tin tưởng nhất vào một báo cáo đánh giá chất lượng bầu cử có các đặc tính như thế.

Tuy nhiên, có tồn tại một nhóm tiêu chuẩn chung, mang tính phổ quát trên toàn cầu để giúp đánh giá chất lượng bầu cử quốc gia không?

Cử tri Hoa Kỳ điền phiếu bầu của mình tại Hạt Loudon, Bang Virginia trong cuộc bầu cử nhị viện hồi năm 2018. Chất lượng bầu cử tại Hoa Kỳ được đánh giá “tương đối”. Ảnh: Bill Clark/CQ Roll Call

Các tiêu chuẩn phổ quát về chất lượng bầu cử

Các chính phủ độc tài thường sẽ cố gắng thuyết phục người dân nước họ rằng chẳng hề có một nhóm tiêu chuẩn nào như thế.

Và rằng các tiêu chuẩn chất lượng bầu cử hay được dùng để phê phán các chính phủ độc tài đó thường là những tiêu chuẩn “vẽ hươu vẽ vượn” do các chính phủ hay truyền thông “phương Tây” chế ra để áp đặt, hay để bôi xấu các chính phủ độc tài.

Bất kể đồng ý với quan điểm đó hay không, một nhà quan sát chính trị không chuyên vẫn có thể tham khảo một số nhóm tiêu chuẩn chung về bầu cử nhất định đang được giới học thuật quốc tế đưa ra.

Một trong những chuyên gia có thâm niên kinh nghiệm đánh giá chất lượng bầu cử trên thế giới là giáo sư Pippa Norris của Đại học Harvard (Mỹ). Trong một nghiên cứu năm 2013, Norris đưa ra các bằng chứng nhất định cho thấy giới chuyên gia, học thuật quốc tế đang dần dần đạt được một “đồng thuận chung” về các tiêu chuẩn có thể được dùng để đánh giá chất lượng bầu cử.

Nghiên cứu của Norris tổng hợp và so sánh bốn dự án biệt lập chuyên đánh giá chất lượng bầu cử “dài hơi” tại nhiều nước:

  • Dự án NELDA (National Elections across Democracy and Autocracy) sử dụng nhiều nguồn thông tin để đánh giá chất lượng 2948 cuộc bầu cử diễn ra ở 162 nước từ năm 1945 đến năm 2010. NELDA tập trung đo lường mức độ cạnh tranh trong các cuộc bầu cử dựa vào ba yếu tố: (i) phe chính trị đối lập có được phép tồn tại và tranh cử không? (ii) trong nước có cho phép đa đảng không? (iii) cử tri có được phép chọn lựa ứng cử viên tranh cử không?
  • Dự án QED (Quality Elections Data) sử dụng nguồn thông tin chính là các báo cáo theo dõi giám sát bầu cử và giám sát tình trạng nhân quyền quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ để đánh giá 1206 cuộc bầu cử ở 172 nước từ năm 1977 đến năm 2004.
  • Dự án Index of Electoral Malpractice sử dụng nguồn thông tin chính là các báo cáo theo dõi giám sát bầu cử của các tổ chức quốc tế uy tín như ODIHR và OAS để đánh giá 161 cuộc bầu cử ở 61 nước từ năm 1997 đến năm 2007. Dự án này tập trung đánh giá chất lượng của (i) khung pháp lý, (ii) thực trạng vận động tranh cử, (iii) công tác quản lý tranh cử thông qua 14 yếu tố khác nhau (ví dụ, có các cơ quan quản lý bầu cử độc lập không? Truyền thông trong nước đưa tin có công tâm cho tất cả các đảng phái không? v.v.);
  • Dự án PEI (Perceptions of Electoral Integrity) của chính giáo sư Norris và một nhóm các chuyên gia khác. Dự án này đánh giá chất lượng bầu cử tại 20 nước, sử dụng nguồn thông tin chính là các đánh giá của giới chuyên gia trong nước diễn ra bầu cử, dựa trên một bảng khảo sát 49 câu hỏi liên quan đến chất lượng của 11 yếu tố khác nhau trong một chu kỳ bầu cử quốc gia, từ giai đoạn vận động tranh cử cho đến các giai đoạn hậu bầu cử.

Khi so sánh cách các dự án nói trên “chấm điểm” chất lượng bầu cử, cho dù thang điểm và tiêu chuẩn đánh giá của họ khác nhau, Norris xác định là các kết quả đánh giá của họ có tương quan khá chặt chẽ với nhau.

Tức là nếu một nước được một dự án đánh giá là có chất lượng bầu cử tốt thì thường là nước đó cũng sẽ được các dự án còn lại cho điểm cao về chất lượng bầu cử. Việc này cho thấy một mức độ đồng thuận nhất định về tiêu chuẩn trong đánh giá chất lượng bầu cử, chứ không phải là bốn nhóm làm dự án mạnh đường ai nấy… chấm.

Đặc biệt, Norris còn tiến hành so sánh kết quả đánh giá của các dự án nói trên với kết quả khảo sát ý kiến công luận trong các quốc gia về chất lượng bầu cử mỗi nước.

Nếu thật sự các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bầu cử là những thứ do “phương Tây” hay “các thế lực thù địch” vẽ ra nhằm chống phá các chính phủ độc tài, thì chúng ta có thể mường tượng thấy cảnh khác biệt “nước trong nước ngoài”: chỉ mấy ông bà “chuyên gia Tây” mới nói nước ta độc tài, còn dân ta ai cũng ngợi ca nước ta bầu cử “dân chủ hơn gấp vạn lần” thế giới.

Sử dụng các kết quả khảo sát ý kiến công luận các nước từ công ty chuyên thăm dò dư luận Gallup và từ Dự án Khảo sát Giá trị thế giới (World Value Survey – WVS), Norris tìm ra bằng chứng cho thấy: ý kiến của công luận trong nước về chất lượng bầu cử tại nước họ thường là gần giống với các kết quả đánh giá chuyên gia quốc tế của hai dự án NELDA và QED.

Ví dụ, các chuyên gia của NELDA và QED đánh giá cao chất lượng bầu cử của Australia, Hà Lan, Ba Lan, Uruguay, Estonia và Chile thì đa số thường dân tại các nước này khi trả lời các khảo sát của Gallup và WVS cũng hay cho biết là họ tin tưởng vào mức độ chính trực của hệ thống bầu cử nước họ. Trái lại, cả các chuyên gia quốc tế lẫn đa số người dân trong nước tại Zimbabwe, Nigeria và Azerbaijan đều nhìn nhận là các hệ thống bầu cử tại các nước này có rất nhiều bất cập.

Từ các phát hiện nói trên, giáo sư Norris đi đến kết luận:

Có bằng chứng cho thấy có tồn tại một nhóm các tiêu chuẩn toàn cầu (global norms) về mức độ chính trực của hệ thống bầu cử trong mỗi quốc gia. Các tiêu chuẩn toàn cầu này có vẻ là được công nhận bởi cả giới chuyên gia học thuật và những thường dân tại nhiều nước trên thế giới, chứ không hẳn chỉ là những tiêu chuẩn “tháp ngà”.

Dựa trên kết quả nghiên cứu này, giáo sư Norris cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành mở rộng Dự án PEI của họ thành một dự án dùng các tiêu chuẩn bầu cử phổ quát, toàn cầu để đánh giá chất lượng bầu cử trên toàn thế giới.

Đánh giá chất lượng bầu cử ở Venezuela dùng dữ liệu và tiêu chuẩn của Dự án PEI

Trong các dự án đánh giá chất lượng bầu cử “dài hơi” kể trên, hiện chỉ còn Dự án PEI là vẫn tiếp tục hoạt động tích cực và có các báo cáo cập nhật thường xuyên. Dự án này vẫn đang được giáo sư Pippa Norris và một nhóm nghiên cứu ở trường Đại học Sydney (Úc) và Harvard phụ trách.

Cơ sở dữ liệu cập nhật gần đây nhất của PEI cho thấy họ đã khảo sát được đến 336 cuộc bầu cử tại 166 nước tính từ năm 2012 đến cuối năm 2018.

Hiện quy trình đánh giá chất lượng bầu cử một quốc gia của PEI có thể tóm tắt như sau:

  1. PEI thiết kế một bảng khảo sát với 49 câu hỏi liên quan đến 49 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bầu cử bao quát 11 yếu tố và giai đoạn khác nhau trong một chu kỳ bầu cử quốc gia;
  1. PEI lên danh sách tuyển chọn một nhóm 40 chuyên gia cả nội địa và quốc tế. PEI định nghĩa “chuyên gia” (expert) là các nhà khoa học chính trị hay nhà khoa học xã hội đã chứng tỏ là họ có kiến thức cụ thể về quy trình bầu cử tại nước diễn ra bầu cử (thông qua nghiên cứu được xuất bản, hoặc thông qua tư cách thành viên trong các nhóm nghiên cứu, hay các mạng lưới chuyên gia, hay các trường đại học). Khâu này được làm kỹ để bảo đảm nhóm 40 chuyên gia có đa dạng lập trường chính trị, chứ không phải đều có chung một quan điểm chính trị nào đó;
  1. Một tháng sau cuộc bầu cử, PEI gửi bảng khảo sát cho 40 chuyên gia được xác định và mời họ đưa ra đánh giá dựa vào bảng khảo sát đó;
  1. PEI tiếp nhận và trao đổi xác minh các kết quả khảo sát từ các chuyên gia có hồi đáp lại PEI (tỷ lệ hồi đáp trung bình đợt khảo sát 2018-2019 là 28% – tức là hỏi 40 chuyên gia thì khoảng 11 chuyên gia hồi đáp);
  1. PEI tổng quy các kết quả đánh giá lại thành kết quả tính theo thang điểm 100.

Theo Báo cáo về đợt khảo sát 2018-2019, PEI nhận được đến 60 hồi đáp khác nhau từ 16 chuyên gia về hệ thống bầu cử Venezuela.

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 tại Venezuela cũng được dùng làm một trong các đối tượng nghiên cứu cụ thể trong báo cáo đó của PEI.

Trong đợt khảo sát 2018-2019 về tính chính trực của hệ thống bầu cử của PEI, Venezuela chỉ được 41/100 điểm. Tính trong khu vực Nam Mỹ, hệ thống bầu cử Venezuela thuộc nhóm có độ chính trực thấp nhất.

So sánh với các nước khác: Campuchia được 30/100, Việt Nam được 34/100, Lào được 48/100, Singapore được 51/100, Hoa Kỳ được 61/100, Anh quốc được 66/100, Nhật Bản được 68/100, Đài Loan và Hàn Quốc đều được 75/100.

Tranh cổ động bầu cử tại Việt Nam. Dù được quảng bá rất rầm rộ, có bài hát riêng, chương trình truyền hình riêng về bầu cử; nhiều cử tri Việt Nam cho rằng họ không biết mình đang bầu cho ai cả.

Xét riêng về cuộc bầu cử tổng thống năm 2018, cuộc bầu cử này chỉ đạt 27/100 điểm chính trực (so với trung bình thế giới là 56/100).

Lý do điểm kém của cuộc bầu cử này là do yếu kém trong cả 11 mặt của cuộc bầu cử. Điểm trong mỗi mặt của Venezuela đều thấp dưới chuẩn trung bình thế giới, cho thấy Venezuela không đảm bảo được cạnh tranh công bằng trong cuộc bầu cử:

  • Chất lượng luật bầu cử: điểm 12/100;
  • Thủ tục bầu cử: 16/100;
  • Chính sách phân chia khu vực bầu cử: 34/100;
  • Quy trình đăng ký đi bầu: 22/100;
  • Quy trình đăng ký tranh cử: 29/100;
  • Truyền thông phục vụ tranh cử: 28/100;
  • Tài chính phục vụ tranh cử: 16/100;
  • Quy trình bỏ phiếu: 33/100;
  • Quy trình đếm phiếu: 28/100;
  • Các quy trình hậu bầu cử: 45/100;
  • Chất lượng các cơ quan quản lý bầu cử: 19/100.

Trong hai nghiên cứu riêng biệt khác, hai nhà nghiên cứu Miguel OtaolaJosé Ignacio Hernández đã áp dụng các chuẩn đánh giá khác nhau và dữ liệu từ Dự án PEI để đi đến cùng một kết luận: có các bằng chứng cụ thể là cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 tại Venezuela đã bị tổ chức theo một cách gian lận (rigged election).

Miguel Otaola cho rằng điểm chất lượng luật bầu cử Venezuela kém là vì luật thiên vị chính phủ cầm quyền và đối xử bất công với các đảng phái nhỏ. Còn chất lượng cơ quan quản lý bầu cử kém vì Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela không hề là một cơ quan chí công vô tư bất thiên vị.

José Ignacio Hernández thì chỉ ra rằng Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela lẽ ra phải được Quốc hội Venezuela bổ nhiệm theo đúng nội dung hiến pháp. Tuy nhiên cơ quan này trước cuộc bầu cử năm 2018 đã được Tòa án Tối cao Venezuela bổ nhiệm, một cơ quan tỏ ra thiên vị rõ rệt Tổng thống Maduro.

***

Qua bốn phần trong loạt bài này, chúng ta đã tìm hiểu các cách đánh giá chất lượng bầu cử trên thế giới mà một nhà quan sát chính trị không chuyên có thể tham khảo để đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi sau:

  • Cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 ở Venezuela có phải là một cuộc bầu cử “gian lận bất chính” không?
  • Các cáo buộc “bầu cử gian lận” có phải là một “chiêu bài chính trị thân phương Tây” hay được dùng để làm “cách mạng màu” lật đổ các chính quyền dân chủ “không thân phương Tây” hay không?

Chúng ta đã thấy các chính phủ quốc gia không phải là những nguồn tham khảo đáng tin cậy vì mỗi chính phủ lại có toan tính địa chính trị riêng của họ. Truyền thông quốc tế cũng không hẳn là đáng tin cậy vì nhiều lý do, bao gồm chuyên môn không bảo đảm và khả năng dễ bị thiên lệch hay thao túng bằng nhiều cách.

Các tổ chức theo dõi giám sát bầu cử quốc tế thì chỉ có thể đáng tin cậy nếu họ có chuyên môn, có chuẩn đánh giá và phương pháp đánh giá chất lượng bầu cử quốc gia bài bản, được công khai rõ ràng. Các tổ chức theo dõi giám sát bầu cử quốc tế nào đến từ các tổ chức liên hay đa chính phủ, có sự tham gia hoạt động của nhiều quốc gia trên thế giới, thì khả năng các tổ chức đó chịu kiểm soát hay thao túng bởi bất kỳ một quốc gia nào đó sẽ lại càng ít đi.

Khi phải xem xét một cuộc bầu cử không được giám sát theo dõi bởi các tổ chức như thế, chúng ta có thể tham khảo đánh giá từ các dự án nghiên cứu chất lượng bầu cử quốc tế, như dự án PEI kể trên.

Các dự án nghiên cứu chất lượng bầu cử như thế không hẳn là hoàn hảo, nhưng đó vẫn là những điểm tham chiếu đáng tin cậy nhất cho chúng ta đi đến những câu trả lời của riêng mình.

Hết

Mời bạn đọc xem lại các kỳ trước:

Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 1

Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 2

Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 3

Từ khóa:

cuộc bầu cử: election (n)
việc đi bầu: voting (n), to vote (v)
gian lận bầu cử: electoral fraud (np)
cuộc bầu cử gian lận: rigged election (np)
cách mạng màu: colour revolution (np)
tiêu chuẩn phổ quát, toàn cầu: global norms (np)
tính chính trực của hệ thống bầu cử: electoral/election integrity (np)
tổ chức/cơ quan giám sát tranh cử: election monitor/observer (np)
khảo sát chuyên gia: expert survey (np)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.