Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
” Bạn có nghĩ việc làm này của mình có kết quả gì không?
– Không. Chắc chắn là không.
– Vậy sao bạn vẫn làm?
– Vì ít nhất tôi phải chiến đấu, ít nhất tôi không bỏ cuộc, tôi phải chiến đấu, chiến đấu đến giây phút cuối cùng.”
Đó là đoạn phỏng vấn một thanh niên tham gia trong đoàn biểu tình hơn một triệu người ở Hong Kong hôm Chủ nhật ngày 9/6 vừa rồi. Đó cũng là suy nghĩ chung của tuyệt đại đa số những người trẻ tuổi xuống đường tuần hành ở Hong Kong những ngày qua.
Trái với chiếc mũ quy chụp “bị tẩy não” của rất nhiều người Trung Quốc đại lục dành cho người Hong Kong, đặc biệt là thế hệ trẻ ở đây, đa số những người Hong Kong trẻ tuổi lại trưởng thành và rất thực tế. Họ hiểu rõ quyền lực, tiền bạc, vũ khí, đều nằm trong tay những kẻ muốn áp bức mình. Họ biết bản thân không có gì để chống lại ngoài sinh mạng.
Nhưng không ai trong số họ sợ hãi.
Kể cả khi thân thể bầm dập, thậm chí đổ máu khi lực lượng cảnh sát được lệnh thẳng tay đàn áp giải tán biểu tình, họ vẫn không sợ hãi.
Sau cuộc tuần hành biểu thị của hàng triệu người vào Chủ nhật, mà đáp lại ý dân vẫn là những tuyên bố bất chấp của giới cầm quyền, quyết tâm thông qua “Đạo luật dẫn độ”, thứ Tư vừa qua, ngày 12/6, hàng chục ngàn người biểu tình đã phong tỏa khu vực tòa nhà lập pháp. Đụng độ xảy ra. Hàng trăm người bị thương. Cuộc họp để thảo luận tiến hành thông qua đạo luật bị hoãn lại.
Buổi sáng hôm sau, bất chấp việc bản thân là nạn nhân bị trấn áp, hoặc trực tiếp chứng kiến những người tham gia bị đánh đập, những người Hong Kong lại tiếp tục hướng đến tòa nhà lập pháp để thể hiện ý kiến của mình. Lần này họ không đến được địa điểm biểu tình, vì cảnh sát đã chủ động chốt chặn lập hàng rào tại các ngả đường. Nhưng cuộc họp lại bị hoãn thêm một ngày.
Và họ sẽ tiếp tục quay lại.
Trong khi những người Hong Kong ở ngoài đường ngạt thở, mắt như cháy lửa vì đạn cay của cảnh sát, người đứng đầu chính quyền Hong Kong, bà Carrie Lam cũng rơi nước mắt trong tòa nhà nguy nga chính phủ khi trả lời phỏng vấn.
Bà Lam nghẹn ngào khi nói về mình, rằng bà bị oan khi dân chửi mình là “kẻ bán nước”, và rằng bà đã “hi sinh rất nhiều” khi nhận lấy chức danh lãnh đạo Hong Kong.
Nói về những người biểu tình, bà Carrie Lam dùng một hình ảnh ẩn dụ.
“Tôi cũng là một người mẹ. Tôi có hai đứa con trai. Nếu mỗi khi con tôi đòi làm gì đó và tôi phải nhường theo ý nó, tôi chắc là vào lúc đó, quan hệ mẹ con sẽ rất hòa hợp vui vẻ. Nhưng khi bạn nhỏ này trưởng thành, hối hận về những việc làm nông nổi của mình, sẽ quay lại oán trách mẹ, sao lúc đó không nhắc nhở con?”
Ẩn dụ dễ hiểu này của người đứng đầu chính quyền thể hiện tất cả vấn đề của Hong Kong, hay chính xác hơn, vấn đề của những người cầm quyền ở đây.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Quốc Hội, cũng được cho là từng chia sẻ ý tưởng lớn này khi đề cập đến vấn đề nhân quyền, chủ quyền đất nước tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia ở Washington, Mỹ:
“Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”
Ý niệm “quan phụ mẫu” – quan là cha là mẹ của dân – không phải là sản phẩm riêng của văn hóa Á Đông. Nó là tác dụng phụ của quyền lực. Bất kỳ ai nắm giữ quyền lực đều dễ rơi vào ảo tưởng, cho rằng mình ở bậc cao hơn, có toàn quyền sinh sát đối với người khác.
Khi người Hy Lạp phát minh ra khái niệm và áp dụng hình thức “dân chủ” (democracy) từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, mô hình này sau đó lan rộng ra châu Âu và toàn thế giới. Nó được đa số mọi người tiếp nhận vì đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng giữa tất cả (so với những thể chế khác).
Mọi người dần nhận ra “quyền lực” thực chất chỉ là một thứ được phân công, và “quan chức” chỉ là một công việc, được người khác trả công để làm thay việc của họ.
Tuy vậy, ở những nước tiếp nhận dân chủ rất muộn như Trung Quốc và Việt Nam, một bộ phận rất lớn những người nắm quyền vẫn còn sót lại thứ não trạng “phụ mẫu” của vài ngàn năm trước. Trong gia đình, họ xem vợ chồng con cái là vật sở hữu. Ngoài xã hội, họ xem những người nộp thuế nuôi sống họ như con cái của mình.
Bản thân họ cũng chấp nhận thân phận “con cái”, phải ngoan ngoãn phục tùng “nghe lời” cấp trên mà không dám chống lệnh.
Những người cầm quyền này không có tư duy “pháp quyền” (hay “pháp trị”, như cách gọi của người Hong Kong) thật sự.
Cái họ có, giống như những ông chủ của họ ở Trung Quốc đại lục, và cũng rất giống với những người tự gọi mình là lãnh đạo ở Việt Nam, cũng như nhiều nơi bị độc tài áp trị khác, là một thứ có vẻ giống với “pháp quyền”, nhưng hoàn toàn trái ngược.
Họ có “pháp tưởng” của riêng họ.
Pháp tưởng (ý tưởng, ý niệm pháp lý – idea of law) đang thịnh hành tại Trung Quốc, theo Thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong, Chris Patten là “nơi không có bất kỳ tòa án độc lập nào, nơi mà lằn ranh ngăn cách giữa tòa án, cảnh sát, an ninh và đảng cầm quyền đôi khi rất lập lờ, trộn thành một mớ hỗ lốn không thể tách rời.”
Trong cái ý niệm pháp luật của họ, những kẻ nắm quyền có thể coi luật pháp là của riêng mình, mình có thể tùy ý thao túng, tùy ý sử dụng.
Ở đó, những người dân thấp cổ bé họng tưởng rằng mình hiểu luật, mình biết luật thì sẽ được luật pháp bảo vệ, trong khi thực chất số mệnh của họ phụ thuộc hoàn toàn vào “nhã hứng” của những nhà cầm quyền.
Bỏ qua tất cả những khái niệm phức tạp, về bản chất, “luật pháp” (law) là thứ được đặt ra để tất cả mọi người đều có “công bằng” (fair).
Tự cổ chí kim, bất kỳ thứ luật lớn nhỏ nào trên đời, cũng đều phải đạt được yêu cầu cơ bản đó. Và vì bản chất của cuộc sống là luôn vận động, thay đổi liên tục, những thứ luật lệ đưa ra cũng phải thay đổi theo để đáp ứng được yêu cầu công bằng.
Để có được công bằng thật sự, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của luật đều phải có quyền tham gia vào quá trình lập pháp. Mọi người phải có quyền quyết định sự hình thành, có quyền quyết định những thay đổi. Mỗi người phải có quyền lựa chọn cho riêng mình.
Những người như bà Carrie Lam không chia sẻ suy nghĩ đó. Họ tin rằng bản thân mình có thể “quyết định thay” người khác. Họ tin rằng chỉ có bản thân mới hiểu rõ hiện tại, nhìn thấu tương lai, và biết điều gì là thật sự tốt cho những người khác (những người khác này, vì một lý do bí hiểm nào đó, không thể tự biết và tự quyết được số phận của mình, mà cần phải dựa dẫm vào họ).
Tất nhiên đây là giả định những người “pháp tưởng” này không có ý đồ xấu, không muốn gây hại cho người khác. Lịch sử đã, đang và sẽ luôn có vô số bài học đau thương chứng minh giả định này không phải lúc nào cũng đúng. Ngay cả khi giả định đó là đúng, rằng những con người “pháp tưởng” này không xấu, hệ quả đau thương họ gây ra cho người khác vẫn luôn còn đó.
Những người Hong Kong, với một vị thế đặc biệt, hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, người ta chứng kiến một chế độ độc tài thống trị một vùng đất rộng lớn như Trung Quốc, với một tiềm lực kinh tế hùng mạnh, cùng khả năng sử dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại nhất để kiểm soát, áp chế, cai trị, và trừng phạt người dân trái ý mình.
Hong Kong là một phần không thể tách rời của thể chế đó, nhưng lại là mảnh đất duy nhất mà ở đó, người dân được hưởng đầy đủ những quyền tự do cơ bản nhất: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, biểu tình. Rất nhiều người Trung Quốc đại lục chuyển sang sống tại Hong Kong chỉ vì muốn được hít thở bầu không khí tự do thật sự của một con người.
Ở đó, người Hong Kong có một nền pháp quyền được thừa hưởng từ nước Anh, và dù đã bị hạn chế rất nhiều kể từ khi chuyển về Trung Quốc từ năm 1997, lãnh thổ này vẫn được xem là nơi có luật pháp văn minh nhất ở Trung Quốc.
Một trong những bức “tường lửa” bảo vệ chế độ pháp quyền của Hong Kong là điều khoản cấm dẫn độ qua Trung Quốc đại lục, được Anh và Trung Quốc thống nhất trước thời điểm trao trả năm 1997.
Cho đến nay Hong Kong đã thiết lập hiệp ước dẫn độ với 20 quốc gia (trong đó có cả những nước mà bản thân Trung Quốc cũng không có hiệp định dẫn độ song phương) và có hoạt động hợp tác hỗ trợ pháp lý với 32 quốc gia khác.
Bức tường lửa được thiết lập hơn 20 năm trước để bảo vệ nền tư pháp của Hong Kong, chống lại sự ảnh hưởng từ một nền tư pháp nhập nhằng, không minh bạch, nhiều oan sai, thường xuyên bị đảng cầm quyền lợi dụng để bức hại những người bất đồng chính kiến của Trung Quốc. Ngày nay những người cầm quyền ở Hong Kong, hay đúng hơn là những ông chủ của họ ở Bắc Kinh, muốn dẹp bức tường lửa cuối cùng này. Họ gọi đó là “lỗ hổng pháp luật” (loophole), cần phải bịt lại.
Cái cớ để bịt lỗ hổng này đến từ một vụ án giết người ở Đài Loan mà nghi phạm lẫn nạn nhân đều là người Hong Kong – một vụ việc mà tất cả chuyên gia luật ở Hong Kong lẫn Đài Loan đều khẳng định hoàn toàn có thể giải quyết được bằng cơ chế hiện tại, không cần đẻ thêm hay điều chỉnh bất kỳ luật gì.
Cái cớ vụng về này không che được mắt của người dân Hong Kong.
Con số hơn một triệu người tuần hành hôm Chủ nhật vừa rồi là vô tiền khoáng hậu kể từ ngày Hong Kong được trao trả về Trung Quốc. Với dân số bảy triệu người, ước tính cứ bảy người Hong Kong là có một người xuống đường biểu thị.
So với số lượng người tham gia phong trào Dù Vàng chấn động thế giới vào 5 năm trước, con số lần này đông hơn gấp bội.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh và người thừa hành của họ ở Hong Kong hẳn đã không lường được mức độ phẫn nộ của những con người tự do nơi đây. Họ có lẽ tưởng rằng việc bắt giam những người lãnh đạo phong trào dân chủ của Hong Kong sẽ làm chùn bước những tiếng nói phản đối.
Đó là sai lầm kinh điển của những người luôn tự cho mình tư cách quyết định cuộc đời của người khác. Họ tin rằng những người biểu tình đều “bị xúi giục”, “bị tẩy não”, là “công cụ” trong tay người khác. Chỉ cần bắt những người đứng đầu, tự khắc đám đông sẽ giải tán.
Họ không bao giờ hiểu được, hành động xuất hiện trên đường phố để bày tỏ thái độ đó là tự phát.
Có lẽ vì bản thân cả đời luôn sống dưới mệnh lệnh của một ông chủ, một lãnh đạo tối cao nào đó, nên họ không lý giải được suy nghĩ của những người tự quyết định cuộc đời chính mình.
Carrie Lam, Tập Cận Bình, hay những “lãnh đạo” độc tài khác tuổi đời có thể gấp đôi, gấp ba những người trẻ tuổi, nhưng có lẽ cả đời này họ cũng không bao giờ có được thứ dũng khí dám đứng một mình bày tỏ chính kiến, tay không tấc sắt (trừ phi người ta xem chiếc dù là vũ khí) đối đầu với những lực lượng vũ trang tận răng sẵn sàng đàn áp mình.
Sự dũng cảm của những người Hong Kong còn thể hiện ở việc bất chấp nhiều lần bị đàn áp bạo lực, họ vẫn luôn kiên trì đấu tranh văn minh, bất bạo động.
Sau ngày thứ Tư bị trấn áp thẳng tay bằng bạo lực, buổi sáng hôm sau quay trở lại khu vực tòa nhà lập pháp để tiếp tục biểu tình, họ vẫn đối thoại văn minh mềm mỏng với lực lượng cảnh sát chốt chặn tại đây. Họ tự dặn nhau kiềm chế, không được chửi bới lực lượng cảnh sát, rằng cảnh sát cũng chỉ làm công ăn lương, những người làm chuyện xấu ở đây là chính phủ. Họ cũng rất thực tế, chủ động kêu gọi mọi người tham gia biểu tình phải bình tĩnh, tránh kích động, không tạo cớ để lực lượng chấp pháp sử dụng bạo lực.
Không cần bất kỳ một “lãnh đạo” biểu tình nào, mỗi người đều chủ động biết mình cần làm gì.
Họ sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cho dù biết trước hi vọng thay đổi gần như không có.
Nhưng ít nhất họ sẽ kể lại được cho con cháu sau này, vào thời khắc đó, họ đã không buông xuôi, không bỏ cuộc.
Như Frank A. Clark từng nói, “điều quan trọng nhất cha mẹ có thể dạy cho con cái là làm thế nào để chúng có thể tồn tại mà không cần đến mình.”
Những người con của Carrie Lam có hạnh phúc với mẹ mình hay không, đó là chuyện riêng của gia đình bà. Những người Hong Kong thì chắc chắn không khoanh tay ngồi im, chấp nhận gia môn bất hạnh khi có những lãnh đạo như vậy.
Đó cũng là bất hạnh chung ở bất kỳ đâu, khi mà những người “pháp tưởng” vẫn còn đè đầu cưỡi cổ người khác.
Người Hong Kong nói riêng, và những người yêu tự do ở mọi nơi, với cuộc chiến không cân sức, gần như bất khả thi của mình, vẫn sẽ tiếp tục tiến bước, cho đến hơi thở cuối cùng.
Họ phải tự quyết định số phận của chính mình