Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Hai năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 1/12/2022.
Ai cũng tham nhũng, trốn thuế như nhau. Nhưng nếu bạn chống lại Putin, thì bạn rồi đời.
Đó là cách nói của giáo sư Mark Galeotti, Đại học New York, Hoa Kỳ, khi mô tả hiện tượng tham nhũng, trốn thuế và các gian lận tài chính như là công cụ để Tổng thống Nga Vladimir Putin trừng phạt kẻ thù (và hỗ trợ “bè lũ”). [1]
Chuyện này thực ra không chỉ xảy ra ở Nga.
“Đạo luật này là nhằm kiểm soát chính trị, không phải kiểm soát pháp lý. Chúng tôi sẽ áp dụng nó một cách có chọn lọc, và chủ quan”
Dmitry Gorovtsov, Phó Chủ tịch Quốc hội Duma Nga đã quả quyết nói như thế sau khi Duma chính thức thông qua một đạo luật cấm các quan chức Nga đầu tư, sở hữu vào các nguồn tài sản ngoại quốc; cùng với đó thắt chặt kiểm soát thuế khóa và rửa tiền. [2] Một vấn đề đáng lẽ phải rất được hoan nghênh, lại trở thành một chiêu bài quyền lực của Putin. Và có lẽ đang được bắt chước áp dụng tại rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tham nhũng, gian lận tài chính đã trở thành một phần không thể thiếu của “Đế chế Putin” tại Nga, khi mà tổng giao dịch của “thị trường” này đã lên đến hơn 300 tỷ USD trong một nền kinh tế có tổng sản lượng chỉ tròm trèm 1.500 tỷ USD. [3] Nga có thể đứng rất thấp trên thế giới trong các nghiên cứu, [4] thống kê về chỉ số tham nhũng và hối lộ (thấp hơn cả Việt Nam theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Thế giới), nhưng các vụ đại án phá đường dây trốn thuế, đường dây tham nhũng thì nhiều như nấm mọc sau mưa. Vì đâu lại thế?
Việc gán tội danh trốn thuế để hạ bệ đối thủ chính trị thật ra đã trở thành một đặc sản của thời đại cường quyền Putin ngay từ lúc ông này vừa mới nhậm chức. Bắt đầu từ năm 2000, dàn lãnh đạo cấp cao của các công ty lớn tại Nga cũng như các nhà tài phiệt Nga lọt ngay vào tầm ngắm của Putin.
Những cái tên có thể kể đến bao gồm dàn lãnh đạo của Avtovaz, nhà sản xuất xe ô-tô nổi tiếng tại quốc gia này (với chiếc Lada huyền thoại). [5] Trong những người bị truy tố có bao gồm ông Boris Berezovsky – nhà tài phiệt có tầm ảnh hưởng nhất nước Nga thời điểm bấy giờ. Không chỉ dừng lại ở đó, Lukoil – công ty dầu khí lớn nhất nước Nga sau khi Xô Viết giải thể cũng không tránh được cuộc thanh trừng. [6] Hay Norilsk Nickel, một công ty chuyên sản xuất niken và các chế phẩm gang thép lừng danh cũng trở thành đối tượng bị tấn công.
Năm 2003, Putin chính thức “thống nhất giang hồ” của giới đầu sỏ cầm quyền (oligarchs) tại Nga bằng việc tống Mikhail Khodorkovsky – giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí – công nghệ hóa dầu danh tiếng Yukos – vào tù với tội danh trốn thuế, [7] sau khi ông này nhăm nhe đòi tham gia hoạt động chính trị và thách thức Putin trong cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Năm 2010, khi ông sắp sửa ra tù, chính quyền Putin tống thêm cho ông các tội danh như lừa đảo và rửa tiền. Khodorkovsky hiện đang phải tị nạn tại Vương quốc Anh.
Lời khẳng định chính trị rõ ràng và đanh thép: theo Putin, hay là vào tù vì tội trốn thuế.
Song không chỉ các tay nhà giàu người Nga mới phải lo sợ thanh gươm “trốn thuế” của Putin.
Cũng năm 2010, không để người chết yên, sau khi luật sư thuế Sergei Magnitsky – đồng thời cũng là một trong những nhà bất đồng chính kiến có tiếng nói tại Nga – chết trong nhà tù Butyrka, Moscow, chính quyền Kremlin chính thức kết tội Magnitsky hỗ trợ tư vấn cho một nhà đầu tư Mỹ né tránh 230 triệu USD tiền thuế. [8] Nhiều cáo buộc cho rằng Putin đã cho người đánh đập Magnitsky, cố tình cách ly ông với gia đình bên ngoài và hạn chế chăm sóc sức khỏe, từ đó dẫn đến cái chết của Magnitsky. Magnitsky sau này được đặt làm tên cho Đạo luật chịu trách nhiệm về Nhân quyền Magnitsky toàn cầu – thường gọi tắt là Magnitsky Act mà Luật khoa từng có cơ hội giới thiệu với độc giả Việt Nam. [9]
…đến Trung Quốc
Tại Trung Quốc, ngôi sao hạng A Phạm Băng Băng trở thành một trong những ví dụ khá điển hình cho việc Bắc Kinh gán tội danh trốn thuế để dạy dỗ bất kỳ ai phải biết thân biết phận của mình, dù họ có tầm ảnh hưởng đến chừng nào.
Theo phân tích của The Verge, mặc dù rất nhiều diễn viên sử dụng loại hợp đồng trắng – đen để né tránh thuế (yin – yang contract), [10] hiện tượng Phạm Băng Băng với một lượng fan khổng lồ và tư tưởng có phần không “lề thói” khiến cho chính quyền không ưa mắt, và cô trở thành đối tượng thích hợp nhất để răn đe làng giải trí Trung Hoa.
Sau một thời gian dài mất tích, Phạm Băng Băng xuất hiện trở lại với những phát biểu không thể “tuyên giáo” hơn. Cô khẳng định:
“…Nếu không có công lao của đảng Cộng sản Trung Quốc, chắc chắn sẽ không thể có Phạm Băng Băng thành đạt ngày hôm nay”.
Trật tự, có vẻ đã được lập lại.
Trong trường hợp của nghệ sĩ tài ba Ngải Vị Vị, ông cũng từng bị cáo buộc trốn thuế lên đến 2,4 triệu USD và công ty đại diện của ông buộc phải chi trả mới được yên thân. [11] Ngải Vị Vị không chỉ được biết đến vì tài năng nghệ thuật của mình, mà còn được xem là một nhà hoạt động dân quyền với quan điểm vị nhân sinh. Ông từng nói, nếu bạn là một nghệ sĩ, bạn phải là một nhà hoạt động; không thể tách biệt hai khái niệm đó. [12] Có lẽ đấy là lý do Ngải Vị Vị bị chính quyền Bắc Kinh ghét bỏ đến vậy.
Từ đó đến nay, có vẻ không ít chính trị gia, doanh nhân, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền trên khắp thế giới đã và đang phải đối mặt với tội danh trốn thuế, từ Pakistan, Iran đến Kazakhstan hay cả Việt Nam. [13]
Theo một số nhà quan sát, những vụ việc liên quan đến luật sư Lê Quốc Quân hay như vụ vừa xảy ra đối với luật sư Trần Vũ Hải cho thấy dường như nhà cầm quyền Việt Nam không ngần ngại trong việc sử dụng các cáo buộc hình sự phi chính trị, miễn là đạt được mục tiêu kiểm soát chính trị. [14]
Vì sao lại được ưa chuộng?
Câu hỏi cần được quan tâm là vì sao trốn thuế lại được trọng dụng như là một công cụ đàn áp trong khoảng thời gian trở lại đây?
Đáng tiếc là hiện nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào nghiêm túc xem xét vấn đề này một cách trọn vẹn, cân nhắc cả số liệu thực tế lẫn các lý thuyết khoa học chính trị đi kèm. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể có những quan sát của riêng mình về nguồn gốc cũng như bản chất của hiện tượng này.
Thứ nhất, theo người viết, chúng ta cần bàn về cách mà tội danh trốn thuế được nâng tầm trở thành một công cụ hiệu quả tại Nga.
Trong những năm đầu thiên niên kỷ, lúc mà Putin vừa nhậm chức và nền chính trị Nga vẫn còn là một mớ bòng bong do các nhà tài phiệt thao túng, gán tội danh trốn thuế cho đối thủ là một nước cờ hoàn hảo. Đầu tiên là những tay “tư sản” này thật sự ăn trên ngồi trốc nhờ vào việc Liên Xô tan rã trong một thời gian khá dài; và tất cả bọn họ đều có can dự vào các hoạt động tài chính bất chính. Thêm vào đó, dùng danh nghĩa thanh tẩy hệ thống chính trị và trừng phạt những kẻ hưởng lợi trong nền kinh tế nhưng không đóng góp gì cho quốc dân sẽ ghi điểm lớn trong lòng dân chúng. Dần dà, việc sử dụng tội danh này trở thành thói quen của Putin, và hiệu quả của nó thì vô cùng đáng “ngưỡng mộ”.
Thứ hai, chúng ta cần nhớ sự phức tạp của luật thuế tại hầu hết các quốc gia. Đừng bao giờ nghĩ rằng muốn đóng thuế là đơn giản.
Được cho một chiếc xe máy nhưng không khai báo?
Trúng thưởng chưa giải trình?
Mua hàng nhưng từ chối hóa đơn vì giá đó rẻ hơn?
Khai báo thiếu nguồn thu nhập không thường xuyên từ việc bán lại một chiếc laptop hay làm thêm tại nhà?
Không định giá đất bán đúng “giá thị trường”?
Tất cả đều tiềm ẩn những rủi ro hình sự – hành chính về thuế cá nhân. [15] Nhắm vào một thứ lỗi mà bất kỳ công dân nào đều có thể mắc phải và sử dụng nó làm bàn đạp xử lý nguội những công dân gây rối sẽ khiến công việc đàn áp chính trị đơn giản hơn rất nhiều.
Cuối cùng, chúng ta cũng có thể nhắc đến tính đạo đức của nghĩa vụ thuế.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng cao, nghĩa vụ đóng thuế trở thành một thước đo quan trọng cho đạo đức của một người thành công. Chậm trễ trong việc đóng thuế, trốn thuế là lời cáo buộc khá nặng nề dành cho sự nghiệp của một người, ám chỉ rằng người đó là một kẻ ăn bám (free-rider), lợi dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và thị trường xã hội của một cộng đồng để làm giàu song lại không đóng góp gì trở lại cho cộng đồng đó.
Nếu chiến thuật được áp dụng một cách thuần thục và đúng cách, vị thế đạo đức chính trị của họ gần như sẽ mất trắng, vì anh làm sao xứng đáng để bàn về bất kỳ vấn đề chính trị nào khi anh luôn tìm cách né tránh đóng góp và hỗ trợ xây dựng cộng đồng mà anh đang sống?
Sẽ còn quá sớm để nói rằng ai đúng ai sai trong những cáo buộc trốn thuế. Đôi khi, hành vi trốn thuế thật sự có tồn tại. Tuy nhiên, với tư duy áp dụng một cách có chọn lọc và chủ quan để đàn áp chính trị như lời của vị phó Chủ tịch Duma ở đầu bài thì rõ ràng không thể chấp nhận được.
***
Từ khóa:
trốn thuế: tax evasion / tax avoidance (np)
nền chính trị đầu sỏ: oligarchy (n)
kẻ ăn bám, kẻ hưởng lợi: free-rider (np)
1. Bowen, A. S. (2013, July 17). How Putin Uses Money Laundering Charges to Control His Opponents. The Atlantic. https://www.theatlantic.com/international/archive/2013/07/how-putin-uses-money-laundering-charges-to-control-his-opponents/277903/
2. Иван Родин. (2013). Вердикт президента. Www.ng.ru. https://www.ng.ru/politics/2013-03-05/1_verdikt.html?print=Y
3. Weiss, M. (2013, June 17). Whose Idea Was It to Build a Winter Resort in the Warmest Part of Russia? The Interpreter. http://www.interpretermag.com/whose-idea-was-it-to-build-a-winter-resort-in-the-warmest-part-of-russia/
4. Russia. (n.d.). Transparency International. https://www.transparency.org/en/countries/russia
5. Alan S. Cullison, & Jeanne Whalen. (2000, July 13). Russian Prosecutors Announce Tax-Evasion Case Against Avtovaz. Wall Street Journal. https://www.wsj.com/articles/SB963436533986601936
6. Amelia Gentleman. (2000, July 13). Putin steps up battle against the oligarchs. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2000/jul/13/russia.ameliagentleman
7. Jeremy Putley. (2010, March 22). The rise and fall of Mikhail Khodorkovsky. OpenDemocracy. https://www.opendemocracy.net/en/odr/rise-and-fall-of-mikhail-khodorkovsky/
8. Oliver Carroll. (2010, October 7). Sergei Magnitsky: a death that failed to die. OpenDemocracy. https://www.opendemocracy.net/en/odr/sergei-magnitsky-death-that-failed-to-die/
9. Đoàn Nhã An. (2017, February 20). Cách sử dụng luật Magnitsky để trừng phạt người vi phạm nhân quyền ở VN - Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa. https://luatkhoa.com/2017/02/cach-su-dung-luat-magnitsky-de-trung-phat-nguoi-vi-pham-nhan-quyen-o-viet-nam/
10. Shannon Liao. (2018, October 23). The Fan Bingbing saga shows China’s willingness to control overly wealthy celebrities. The Verge. https://www.theverge.com/2018/10/23/17991988/fan-bingbing-disappearance-reappearance-china-tax-evasion-social-media
11. Alexandra Ma. (2018, August 19). Barging into your home, threatening your family, or making you disappear: Here’s what China does to people who speak out against them. Business Insider. https://www.businessinsider.com/how-china-deals-with-dissent-threats-family-arrests-2018-8#9-forbid-you-from-leaving-the-country-9
12. Holly Williams. (2017, May 21). How Chinese artist Ai Weiwei became an enemy of the state. CBS News. https://www.cbsnews.com/news/ai-weiwei-how-chinese-artist-became-an-enemy-of-the-state/
13. Amnesty International. (2017, May 10). Refworld | Kazakhstan: Persecution of NGO for “failure to pay taxes” as authorities again clamp down on dissent. United Nations High Commissioner for Refugees. https://www.refworld.org/docid/591305854.html
14. Luật sư Lê Quốc Quân ra tù. (2015, June 27). BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150627_lequocquan_released
15. Casey Bond. (2019, March 7). 5 Ways You Might Be Committing Tax Fraud. HuffPost. https://www.huffpost.com/entry/what-is-tax-fraud_l_5c8007c3e4b020b54d8179c7