Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đang bị chế giễu, chỉ trích hay khinh ghét một cách rất rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc gia (và quốc tế). Một người bình thường quan sát cũng có thể dễ dàng kết luận triển vọng của ông về cuộc tái tranh cử thành công là rất mờ mịt. Tuy nhiên, các nhà ấn định tỷ lệ cược (odds maker) trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 không cho rằng như vậy. Họ nghĩ, Trump sẽ có một lợi thế áp đảo so với bất kỳ ứng cử viên Dân chủ nào vào năm 2020.
Nhưng vì lý do gì những người dùng xác suất thống kê để kiếm sống lại có thể đưa ra một dự đoán ngược đời như vậy? Bài viết này sẽ tổng hợp lời giải thích cho câu hỏi đó: Tại sao các nhà ấn định tỷ lệ cược cho rằng Trump sẽ là người thắng cử? Và tám năm lãnh đạo của ông Trump sẽ có ý nghĩa gì đối với an ninh toàn cầu?
Trước hết, các đương kiêm Tổng thống thường có xu hướng tái đắc cử miễn là họ tham gia tranh cử. Trong nửa thế kỷ qua, chỉ có hai ứng viên, cựu Tổng thống Jimmy Carter và George HW Bush (Bush “cha”), là thất bại trong nỗ lực tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Nixon, Reagan, Clinton, Bush “con” và Obama đều giành chiến thắng và nghịch lý là những tổng thống càng gây tranh cãi nhiều nhất thường có xu hướng giành được cơ may tái đắc cử.
Thứ hai, Trump đã tạo ra (hay thừa hưởng lại thành quả của ông Obama – tùy quan điểm của từng cá nhân) nền kinh tế mạnh mẽ nhất trong ký ức của những người dân đang sống ở Mỹ. Thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục, lạm phát hoàn toàn được kiểm soát và cơ sở công ăn việc làm mới đang được tạo ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Bất cứ ai nghiên cứu về chính sách của tổng thống Mỹ đều biết rằng nền kinh tế mạnh là nhân tố quan trọng nhất tạo ra sự thành công cho tổng thống đương nhiệm. Trong khi một số các chuyên gia và các nhà kinh tế căm ghét ông Trump, dự đoán rằng kinh tế Hoa Kỳ sẽ lại rơi vào đại khủng hoảng như năm 2008 trong chỉ vài năm tới, thì cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là mơ ước của một nhóm người không muốn Trump làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.
Thứ ba, nước Mỹ đang trong thời kỳ “hòa bình” nhất trong gần 300 năm lập quốc. Không thể không công nhận là Trump thành công trong hạn chế khơi gợi ra thêm các cuộc “viễn chinh ngoại quốc” mới trong 3 năm cầm quyền (Obama bị chỉ trích với hai cuộc chiến tại Libya và Syria). Ông cũng được cho là đang thúc đẩy tiến trình khắc phục những “di sản” mà ông kế thừa từ các tổng thống tiền nhiệm. Nhiều nhà phê bình phàn nàn rằng ông quá vội vã khi rút khỏi những địa bàn như Afghanistan và Syria, tuy nhiên nhiều nghiên cứu, tài liệu phân tích cho thấy các cử tri thường không hài lòng với việc Mỹ can thiệp quân sự ở hải ngoại. Các cuộc chiến tranh có thể làm lu mờ thành quả của một nền kinh tế tốt trong tâm trí của cử tri, nhưng tại thời điểm này, Trump dường như đang mang lại cả hòa bình và thịnh vượng.
Thứ tư, đảng Dân chủ còn đang bận “níu kéo” cử tri của mình sau sự kiện một bộ phận cử tri truyền thống của Đảng này bỏ phiếu cho Trump vào năm 2016. Kể từ khi đảng Dân chủ bị đánh bật khỏi căn cứ “cổ cồn xanh ”, tức giới lao động (blue-collar) của họ vào những năm 1970, thì điều kiện để giành được vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng này là phải lấy lòng được các nhóm cánh tả. Nhiều cử tri có thể cảm thấy bất mãn với tầng lớp nhà giàu và muốn hưởng nhiều quyền lợi hơn từ một chính phủ mới, nhưng “cuộc đấu tranh giai cấp” này rất khó có hiệu quả một khi nền kinh tế quốc nội còn duy trì được sức mạnh, vốn mang lại nguồn lợi cho tất cả các thành viên trong xã hội. Càng có nhiều cử tri hài lòng với nền kinh tế hiện nay, Trump càng có thể tin tưởng vào sự thận trọng mà cử tri dành cho những ứng viên của Đảng Dân chủ.
Thứ năm, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng mạnh đối với những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ của Trump, và cũng càng nhiều ủng hộ viên của đảng Dân chủ nghĩ rằng thất bại của ông là không thể tránh khỏi vào năm 2020. Nhưng một điều cần lưu ý là, cả Richard Nixon và Ronald Reagan đều không đạt được tỷ lệ tín nhiệm cao trong các cuộc khảo sát nghiên cứu nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng sau đó đã giành chiến thắng long trời lở đất trước những đối thủ tưởng đã thắng chắc. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng đa số cử tri sẽ không bỏ phiếu cho Trump chưa hoàn toàn chắc chắn , bởi chúng ta thậm chí còn chưa biết đối thủ Đảng Dân chủ của ông này sẽ là ai trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2020.
Ngoài cựu Phó tổng thống dưới thời Obama, ông Joe Biden , tỷ lệ cá cược ưa thích đối với người giành được đề cử của Dân chủ là ông Bernie Sanders, một nhân vật cũng gây tranh cãi không kém khi tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa “dân chủ xã hội” (democratic socialism). Nhưng với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp lịch sử, tiền lương tăng nhanh và nền kinh tế ở hầu hết các vùng của đất nước bùng nổ, việc các cử tri Hoa Kỳ lựa chọn bất cứ thứ gì có liên quan đến chủ nghĩa xã hội vào năm 2020 là điều gần như không thể.
Thứ sáu, Trump đang giành được tỷ lệ ủng hộ rất cao trong Đảng Cộng hòa. Lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy một chính đảng bị chia rẽ nội bộ khó có thể tái nắm giữ Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai, nhưng một đảng thống nhất thì tỷ lệ chiến thắng rất cao. Các cựu Tổng thống như Richard Nixon, Ronald Reagan, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama với khả năng thống nhất tương đối trong nội bộ đảng, giúp họ ngăn chặn được những thách thức và đấu đá quá nghiêm trọng, từ đó thu hút được những lá phiếu có ảnh hưởng quyết định đến kết quả cuộc bầu cử.
Hiện nay, một ứng viên có tiếng nói nhất trong nội bộ Đảng Cộng hòa là ông Bill Weld, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts, nhưng đây không phải là một thách thức nghiêm trọng đối với Tổng thống Trump. Nó chắc chắn không nghiêm trọng như thách thức của ông Pat Buchanan đối với cựu Tổng thống George W. Bush, hay của ông Ted Kennedy đối với cựu Tổng thống Jimmy Carter. Hơn 90% cử tri bầu thường xuyên cho đảng Cộng hòa vẫn ưa thích và ủng hộ Trump; một con số ấn tượng đối với một người bị chỉ trích như ăn cơm thường nhật bởi các phương tiện truyền thông trên khắp Hoa Kỳ.
Thứ bảy, Trump có tiềm lực huy động tài chính hùng hậu. Ông này thậm chí có thể tự bỏ tiền túi trong trường hợp không vận động đủ tiền tài trợ cho chiến dịch. Tuy nhiên về sơ lược, những tổng thống đương nhiệm thường có vị thế thuận lợi để kêu gọi tài trợ hơn các ứng cử viên mới. Cựu Tổng thống Barack Obama đã từng “đè bẹp” ứng cử viên tổng thống Mitt Romney của đảng Cộng hòa trong cuộc đua huy động tiền tài trợ trong cuộc cuộc bầu cử năm 2012.
Nhìn chung, khả năng “thêm 4 năm nữa” có vẻ không nằm ngoài tầm với của Trump, và điều này sẽ cho phép ông tiếp tục cũng như củng cố chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình. Điều đó mang lại hệ quả quan trọng đối với an ninh toàn cầu. Và trật tự thế giới mà nước Mỹ đã khởi xướng và kỳ công vun đắp sau Thế chiến II sẽ càng thay đổi dưới tám năm nhiệm kỳ của Donald Trump.
Trật tự toàn cầu hậu Thế chiến thứ hai mà Hoa Kỳ xây dựng được đặt nền tảng trong ba nguyên tắc cơ bản: ủng hộ lý tưởng dân chủ, xây dựng thể chế an ninh tập thể chống lại Liên Xô và sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản (mà nay có thể xem Nga – Trung và phong trào xét lại các giá trị dân chủ cấp tiến là những người kế thừa); và cuối cùng là tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế. Giờ đây, mỗi một trong những trụ cột này đều có nguy cơ bị lung lay do cách tiếp cận mang bản chất dân túy dân tộc chủ nghĩa của Trump. Trump khẳng định các mối quan hệ – liên minh quốc tế không mang lại được bất kỳ lợi ích gì cho Hoa Kỳ, trong khi họ vẫn phải chi một khoản tiền khổng lồ để nuôi sống những liên minh này. Vì vậy, ông muốn ngừng trợ cấp an ninh, hoặc chí ít là bắt họ chi nhiều hơn, và từ đó tập trung nhiều hơn vào việc củng cố nền kinh tế Mỹ.
Đây có lẽ không hẳn là ý tưởng quá điên rồ như cách nhiều nhà phê bình chỉ trích Trump. Hoa Kỳ bắt đầu thiên niên kỷ mới với việc tạo ra gần một phần ba GDP toàn cầu. Chỉ một thập kỷ sau đó, tỷ lệ này giảm xuống chưa đến một phần tư. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự suy giảm là việc Trung Quốc lợi dụng các định chế tự do thương mại toàn cầu để làm lợi cho bản thân, trong khi từ chối mở cửa thị trường trong nước cho các công ty Hoa Kỳ. Điều này trở nên đặc biệt nghiêm trọng sau khi quốc gia đông dân nhất thế giới này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó, các đời Tổng thống Mỹ trước liên tiếp thất bại trong việc tạo áp lực khiến Bắc Kinh phải tuân thủ các cam kết thương mại quốc tế của mình.
Trong hai năm đầu cầm quyền tại Washington D.C., chính quyền Trump đã “ký lại hợp đồng” với các đối tác nước ngoài. Trump cố gắng thay đổi hiện trạng toàn cầu lộn xộn mà ông tin rằng đã gây những ảnh hưởng nặng nề cho Hoa Kỳ. Trump đang tin tưởng sâu sắc vào những gì mình đang làm, và ông sẽ tiếp tục làm điều mình tâm đắc.
Điều đó có nghĩa là vào cuối nhiệm kỳ tám năm của Trump, trật tự thế giới sẽ thay đổi chóng mặt. Tương lai NATO sẽ ngày càng trở nên vô định. Hầu hết các thành viên của khối này đang có những điều chỉnh tài chính nghiêm túc để phù hợp các cam kết nguồn lực quân sự mà Trump đang đòi hỏi, nhưng điều này không có nghĩa là họ hài lòng với cách tiếp cận của Trump.
Còn chế độ thương mại tự do theo kiểu WTO rất có thể sẽ phải nhường chỗ cho hệ thống thương mại hỗ trợ tốt hơn cho tham vọng kinh tế của Hoa Kỳ.
Một chính phủ dân chủ cũng sẽ không còn là cái “giá” phải trả để có được sự thừa nhận quan hệ chặt chẽ với Washington.
Donald Trump là một tác nhân sẽ thay đổi an ninh toàn cầu theo cách mà thậm chí nhiều người ủng hộ ông cũng không rõ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai , và chắc chắn rằng một nhiệm kỳ thứ hai sẽ hằn sâu di sản đầy tranh cãi của Trump.
Ngoài NATO và thương mại toàn cầu, quan điểm của Trump có lẽ sẽ cứng rắn và đi xa hơn nữa trong các lời hứa tranh cử đề ra trước đó, ví dụ như việc xây bức tường ở phía Nam biên giới Mexico. Cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng với Trung Quốc luôn để ngỏ khả năng biến thành một xung đột quân sự. Và quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên cũng lại càng khó đoán.
Nhiệm kỳ thứ hai của Trump cũng được dự đoán sẽ khuấy động một cuộc chạy đua vũ trang. Việc ông Trump công kích vào các liên minh quân sự có vai trò lớn trong việc duy trì an ninh quốc tế, rút ra khỏi hiệp định hạt nhân với Iran, các hiệp định kiểm soát mua bán và phát triển vũ khí nguy hiểm, đã khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn nhiều, mở ra một thời kỳ bất ổn mới trong tương lai.
Đây cũng là quan điểm của Tạp chí The Atlantic: Nếu Trump được bầu lại, nhiều quốc gia có thể chọn trang bị cho mình vũ khí hạt nhân, đặc biệt những nước trong các vùng đã nhờ đến bảo đảm an ninh của Mỹ như Trung Đông và Đông Bắc Á – một kịch bản sẽ khai tử cam kết toàn cầu về không phổ biến hạt nhân mà Hoa Kỳ và châu Âu đã xúc tiến thành công từ thế kỷ trước.
Hiện nay, Brazil đang trang bị vũ khí hạt nhân với sự giúp đỡ của chính quyền Trump. Và ai cũng biết rằng, khi một quốc gia trang bị vũ khí nguyên tử thì đã là quá trễ để quay đầu lại.
Từ khóa:
presidential term: nhiệm kỳ tổng thống (np)
Đảng Cộng hòa: Republican Party (np)
thời kỳ đương nhiệm: incumbency (n)
an ninh toàn cầu: global security (np)
người tiền nhiệm: predecessor (n)
can thiệp quan đội ra nước ngoài: foreign military intervention (np)