Vì sao án lệ tại Việt Nam vẫn không phải là “án lệ”?

Vì sao án lệ tại Việt Nam vẫn không phải là “án lệ”?

Tại Việt Nam, sau một khoản thời gian dài nghiên cứu về án lệ, vào năm 2014, Luật Tổ chức Tòa án lần đầu tiên công nhận khái niệm án lệ trong hệ thống tư pháp Việt Nam. Năm 2015, Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao chính thức hướng dẫn mục tiêu của án lệ, quy trình công bố và lựa chọn, cũng như phương thức hoạt động của án lệ tại Việt Nam. Cho đến nay tổng cộng 26 án lệ đã được công bố, với ý nghĩa áp dụng bắt buộc.

Để phân biệt án lệ theo thông luật và án lệ Việt Nam, điều đầu tiên chúng ta cần phải nhớ là gì? Theo người viết, đó là:

Án lệ tại Việt Nam không phải “án lệ” (!)

Câu chuyện hiển nhiên phức tạp hơn thế và sẽ được giải thích qua bài viết dưới đây.

*** 

Với sự phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa của khoa học pháp lý ngày nay, hình thức pháp luật (hay nguồn luật) bao gồm hai thành phần chính yếu (hai loại) là:

(1) Văn bản quy phạm pháp luật, tức văn bản pháp quy, hay cũng có thể gọi là luật thành văn (statutory law): gồm những tập hợp các quy phạm pháp luật được soạn thảo và ban hành bởi cơ quan lập pháp.

(2)  án lệ (case law), hay cũng có thể gọi là tiền lệ pháp (legal precedent): gồm những nguyên tắc pháp lý được hình thành và phổ biến thông qua các quyết định tư pháp của tòa án.

Hai loại nguồn luật trên được các quốc gia vận dụng một cách linh hoạt nhằm phát huy tối đa ưu điểm của cả hai.

Luật thành văn – Tiền lệ pháp
có đặc điểm gì?

Nguồn văn bản pháp quy cho chúng ta có những đặc điểm cố hữu sau:

  1. Thứ nhất, chúng có tính chính danh nhà nước và sự đại diện của chủ quyền nhân dân. Văn bản pháp quy vốn là sản phẩm của các cơ quan dân cử đại diện (như Nghị viện, Quốc hội), hoặc các cơ quan khác được cơ quan dân cử ủy quyền (như Chính phủ Việt Nam được ủy quyền để ra Nghị định);
  2. Thứ hai, tính bao quát. Với mục tiêu là điều chỉnh nhiều mối quan hệ xã hội trong phạm vi rộng lớn (cấp độ quốc gia hoặc khu vực), luật thành văn buộc phải có tính trừu tượng và khái quát cao;
  3. Thứ ba, tính hệ thống. Cơ quan soạn thảo và ban hành văn bản sẽ phân chia các văn bản vào từng ngành luật khác nhau, với mối liên hệ nội tại chặt chẽ (theo lý thuyết).

Mặt khác, công nhận tiền lệ pháp sẽ giúp hệ thống pháp luật quốc gia:

  1. Linh động hơn trong việc phản ứng trước những tình huống chưa được dự báo hoặc dự báo không thành công trong văn bản quy phạm pháp luật. Sở dĩ như vậy là bởi vì tòa án vốn là cơ quan trực tiếp tiếp cận với các mối quan hệ xã hội trên thực tế, và do đó thấu hiểu thực tiễn và các vấn đề phát sinh trong đời sống hơn;
  2. Duy trì tính nhất quán trong các quyết định tư pháp,
  3. Quy trình hình thành nguyên tắc pháp lý nhanh chóng, kịp thời hơn,
  4. Mang tính cụ thể hơn, rõ ràng hơn cho từng vụ việc, thay vì phổ quát, chung chung như văn bản quy phạm pháp luật,

Cơ quan lập pháp sẽ xác lập nguyên tắc pháp lý ở đầu vào, dựa vào ý nguyện của người dân được biểu đạt bởi đại biểu đại diện cho họ.

Khi pháp luật thành văn được đưa vào thực tiễn và xảy ra tranh chấp, cơ quan tư pháp (tòa án) sẽ có thể để lại dấu ấn của mình trên từng mối quan hệ xã hội nhất định thông qua các nguyên tắc pháp lý mà họ sáng tạo ra trong các quyết định tư pháp.

Văn bản quy phạm do cơ quan đại diện dân cử như Nghị viên, Quốc hội; hoặc các cơ quan được ủy quyền bởi các cơ quan đại diện dân cử như Chính phủ, Bộ ngành… ban hành, là luật thành văn. Trong ảnh là Quốc hội Việt Nam kỳ họp thứ 5 khóa 14. Ảnh: Tin tức Việt Nam.

Ví dụ, Tu chính án thứ nhất (the First Amendment) của Hiến pháp Hoa Kỳ ghi nhận rằng:

“Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình”.

Lưu ý rằng đây là một tư tưởng đẹp như tranh, nhưng hoàn toàn vô dụng khi cần được áp dụng: Khái niệm Quốc hội ở đây có phải chỉ ám chỉ cơ quan lập pháp liên bang? Liệu có bao gồm các chính quyền tiểu bang ở Hoa Kỳ? Thế nào là một đạo luật ngăn cấm tự do ngôn luận?

Những câu hỏi này, may mắn thay, sẽ được trả lời bởi các tòa án thông luật.

Đối với câu hỏi Tu chính án áp dụng ở cấp trung ương hay địa phương, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thông qua hàng loạt bản án từ thập niên 20 đến thập niên 40 trong thế kỷ thứ 20 để khẳng định rằng Tu chính án thứ nhất có thẩm quyền tác động lên hoạt động lập pháp của chính quyền cấp tiểu bang.

Riêng về việc xác định xem thế nào là một đạo luật ngăn cấm tự do ngôn luận, Tối cao Pháp viện cũng có hằng hà sa số bản án ghi nhận các nguyên tắc pháp lý mới do tòa này sáng tạo ra nhằm giải thích Tu chính án thứ nhất. Có thể nhắc đến án lệ Near v. Minnesota, mà theo đó Tối cao Pháp viện đưa ra nguyên tắc pháp lý “hạn chế trước” (prior restrain), cho rằng một văn bản quy phạm pháp luật có mục đích hạn chế trước bất kỳ loại thông tin nào cũng bị xem là xâm phạm quyền được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất.

Tuy nhiên, để mô hình án lệ kiểu mẫu này có thể diễn ra một cách đúng nghĩa, trơn tru như trên, hệ thống pháp luật của một quốc gia cần ba yếu tố cực kỳ quan trọng:

  1. Tiền lệ phải được tuân thủ (stare decisis)
  2. Thẩm quyền giải thích pháp luật của tòa án
  3. Sự độc lập chính trị của tòa án.

*** 

“Tiền lệ phải được tuân thủ

Stare decisis là một từ gốc Latin, được tạm dịch qua ngôn ngữ Anh là to stand by things decided. Ở Việt Nam, các học giả pháp lý gọi là nguyên tắc “tiền lệ phải được tuân thủ”.

Trong phạm vi bài viết, chúng ta khó có thể đào sâu khai thác toàn bộ lịch sử hình thành thú vị của nguyên tắc. Song, nói một cách dễ hiểu, nguyên tắc này là thứ keo dính kết nối các quyết định tư pháp lại với nhau. Các thẩm phán có trách nhiệm áp dụng các nguyên tắc pháp lý đã được áp dụng hoặc được sáng tạo trước đó bởi các thẩm phán khác.

Điều này khiến cho các quyết định tư pháp, về bản chất thường chỉ có phạm vi tác động trong phạm vi phòng xử án và các bên liên quan của vụ việc, trở thành những nguyên tắc cần phải được cơ quan nhà nước lẫn các đương sự phải tôn trọng nếu không muốn phải chịu các rủi ro pháp lý trước tòa.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nguyên tắc “tiền lệ phải được tuân thủ” không được công nhận, và tự bản thân tòa không có năng lực hình thành án lệ. Chỉ có một số bản án mang tính điển hình được tập hợp và đề xuất từ các tòa cấp dưới. Thông qua quy trình tổng kết thực tiễn xét xử, tuyển chọn của các tòa án cấp trên, hội đồng thẩm phán từ đó được thừa nhận và công bố một số bản án với tư cách là án lệ.

Hình ảnh “ngổn ngang” của bộ Federal Supplements. Bộ này là một trong các địa chỉ quan trọng để giới luật sư Hoa Kỳ tìm kiếm án lệ của các tòa Liên bang. Ảnh: Flickr.

Theo người viết, án lệ Việt Nam thực ra không khác biệt mấy với quy trình soạn thảo nghị quyết thông thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, cùng tư liệu là các bản án, các câu hỏi đề xuất của tòa cấp dưới cũng như tổng kết kinh nghiệm xét xử thường niên trước đây. Chỉ duy có khác biệt duy nhất là sản phẩm cuối cùng không phải là một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán như xưa.

Do đó, có thể nói nguyên tắc căn bản xương sống của khái niệm “án lệ” không tồn tại ở Việt Nam.

***

Thẩm quyền và vai trò của tòa án 

Điểm thứ hai, rất quan trọng, là thẩm quyền và vai trò của tòa án tại Việt Nam.

Các bản án của tòa Việt Nam không nhằm tạo ra án lệ, và cũng không thể sáng tạo như ở những quốc gia thuộc hệ thống thông luật. Mục tiêu chính của việc lựa chọn, hình thành và công bố án lệ tại Việt Nam là làm rõ những quy phạm pháp luật còn nhiều cách hiểu khác nhau, hay chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý và quy phạm pháp luật cần áp dụng trong trường hợp cụ thể.

Ví dụ, Án lệ số 01/2016/AL về vụ án “Giết người” có nội dung án lệ như sau:

“Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

Hay trong Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình:

“Tuy nhiên, khi tính tiền lãi do chậm thanh toán số tiền nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi suất quá hạn (là 10, 5%/năm) là không đúng. Trong trường hợp này, Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam…) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật”.

Cần phải khẳng định chắc chắn rằng tòa Việt Nam, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không có thẩm quyền giải thích pháp luật. Đây là thẩm quyền độc nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, được ghi nhận tại Điều 74 của Hiến pháp Việt Nam 2013, với triết lý chủ đạo cho rằng chỉ có cơ quan dân cử đại diện ban hành pháp luật mới có thẩm quyền giải thích ý định và ý nghĩa của văn bản quy phạm pháp luật.

Tính sáng tạo của các án lệ tại Việt Nam không tồn tại cũng bởi vì lý do này. Vai trò của các thẩm phán là vận dụng pháp luật, cố gắng để không áp dụng pháp luật sai, trong khi hệ thống án lệ được hình thành thì chỉ cố gắng để áp dụng chúng một cách hợp lý và đồng nhất.

Điều này hoàn toàn tương phản với cách mà các thẩm phán thông luật tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật và tranh chấp phát sinh từ các mối quan hệ xã hội.

Ví dụ điển hình nhất cho năng lực sáng tạo nguyên tắc pháp lý và ảnh hưởng, thay đổi chính sách công là cách mà hệ thống án lệ Hoa Kỳ tháo bỏ dần chính sách “tách biệt nhưng bình đẳng” (segregation but equal) khét tiếng vào thập niên 1960.

Khởi đầu là án lệ Brown v. Board of Education, 347 U.S. 483 (1954). Đó là một vụ kiện tập thể (class action) giữa các nhóm da đen thiểu số tại bốn bang Kansas, South Carolina, Virginia và Delaware, khởi kiện lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ yêu cầu các tiểu bang phải từ bỏ các văn bản pháp quy tiểu bang mang bản chất phân biệt đối xử, và đòi các trường học phải thành lập mô hình tuyển sinh không sử dụng sắc tộc và màu da như là một yếu tố lựa chọn học sinh.

Báo chí Mỹ đưa tin về phán quyết cuối cùng trong vụ Brown kiện Ủy ban giáo dục. Thurgood Marshall cùng đội luật sư của NAACP bên ngoài Tối cao Pháp viện sau một phiên xử. Tầm ảnh hưởng của Tòa án Hoa Kỳ có thể gây ra những khuynh đảo chính trị vô tiền khoán hậu, nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của Nghị viện hay Tổng thống. Ảnh: Cecilia Page/Sutori.com ; hope-albion-historyproject.com

Tối cao Pháp viện tuyên rằng việc tách biệt học sinh trên căn cứ sắc tộc, dù cơ sở vật chất của hai trường là ngang nhau đi chăng nữa, cũng là tước quyền được đối xử bình đẳng của trẻ em da màu, và vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng trong Tu chính án 14 (Equal Protection Clause of the Fourteenth Amendment).

Đến năm 1955, Brown v. Board of Education, 349 U.S. 294 (1955) (Brown II) – tức án nối tiếp Brown đầu tiên, Tối cao Pháp viện bắt đầu đi sâu vào việc gây ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật và chính sách quốc gia thông qua việc hướng dẫn các tòa án cấp dưới bảo đảm rằng phán quyết năm 1954 của mình sẽ được thực hiện.

Trong án này, Tối cao Pháp viện gợi mở cho các tòa cấp dưới kiểm soát và có thể tiếp nhận những tranh chấp liên quan đến quy trình tuyển sinh / điều kiện vật chất của các trường học / hệ thống vận chuyển và đưa đón học sinh / nhân viên và chuyên viên trong nhà trường / sự thay đổi và quy hoạch lại các vùng nhập học..v.v, và biến các tiêu chí này trở thành một bộ quy tắc quản lý giáo dục hoàn chỉnh nhằm xác định liệu quy trình tuyển sinh của tất cả trường công lập trên toàn quốc sẽ tuyển sinh và cho phép học sinh nhập học có dựa trên căn cứ sắc tộc hay màu da hay không. Và trong quá trình giải quyết, các tòa địa phương cũng sẽ cân nhắc những đề xuất chính sách từ cơ quan giáo dục có thẩm quyền để xây dựng hệ thống trường học không phân biệt đối xử hoàn thiện.

Cả hai bản án không phải là những bản án áp dụng luật pháp để giải quyết tranh chấp xã hội, không phải dựa trên thẩm quyền tư pháp sẵn có, mà là giải thích sáng tạo nguyên tắc pháp lý sẵn có, thay đổi chính sách, và sau đó, là hoạch định chính sách theo phong cách của những cơ quan tư pháp.

*** 

Sự độc lập chính trị của tòa án

Điểm cuối cùng cần nhắc đến, mà theo người viết cũng là mấu chốt khiến cho án lệ tại Việt Nam sẽ không bao giờ trở thành án lệ như đúng ý nghĩa của nó tại các quốc gia thông luật, là: tính độc lập giữa cơ quan tư pháp và các cơ quan quyền lực nhà nước khác.

Đến đây sẽ có bạn đọc thắc mắc, tòa án Việt Nam về nguyên tắc cũng có trách nhiệm xét xử độc lập đấy thôi. Hiến pháp hay Luật tổ chức Tòa án Nhân dân 2014 đều ghi nhận cả. Tuy nhiên, độc lập này là độc lập tư pháp (judicial independence), tập trung bảo đảm rằng tòa có thể xét xử một cách công bằng, không thiên vị cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Tính độc lập mà người viết nói tới đây là độc lập chính trị (political independence), tức nói đến thiết chế mô hình nhà nước đảm bảo rằng các tòa án có thẩm quyền chính trị không thua kém các định chế khác.

Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao ở Hà Nội. Ảnh: Báo Công Lý

Đến đây chúng ta trở lại với với một thuật ngữ hết sức quen thuộc: tam quyền phân lập. Chỉ trong mô hình chính trị mà tòa án có năng lực kiểm tra, giám sát các hoạt động của những nhánh quyền lực còn lại như hành pháp và lập pháp, chúng ta mới có thể đặt kỳ vọng vào nền tảng lý luận cho việc giải thích pháp luật, vận dụng sáng tạo nguyên tắc pháp luật cũng như sự tự tin trong sáng tạo nguyên tắc pháp lý của các thẩm phán.

Với mô hình nhà nước tập trung dân chủ cực kỳ thuần túy tại Việt Nam và sự lệ thuộc gần như hoàn toàn của nhánh tư pháp vào Quốc hội, sự lấn át quyền lực gần như tuyệt đối của cơ quan hành pháp (Chính phủ), ngay cả khi chúng ta mong muốn, án lệ chắc chắn cũng không thể tồn tại trong môi trường chính trị này.

***

Những phân tích nói trên không nhằm phê phán cách thức án lệ mà Việt Nam đang phát triển. Như quy định tại Nghị quyết 03 về những yêu cầu của một bản án có thể được xem là án lệ, án lệ là nhằm:

1. … làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể;

2. Có tính chuẩn mực;

3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Chúng ta có thể thấy cơ quan nhà nước Việt Nam chưa bao giờ muốn xây dựng án lệ như thứ án lệ mà thế giới biết đến chúng. Vậy nên nói thẳng Án lệ tại Việt Nam không phải án lệ lại là cách tốt nhất để phân biệt giữa án lệ tại Việt Nam và án lệ vẫn đang được hệ thống pháp luật thông luật áp dụng rộng rãi ngày nay.

***

Từ khóa:

án lệ: case law (np)
tiền lệ: precedent (n) / tiền lệ pháp: legal precedent, jurisprudence (np)
quyền lập pháp: legislative power (np); quyền làm luật: law-making power (np)
luật thành văn: statutory law (np)
độc lập tư pháp: judicial independence (np)
độc lập chính trị: political independence (np)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.