Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Có một mẩu đối thoại được nhiều người Hong Kong lan truyền gần đây trên các trang mạng xã hội.
Câu chuyện được kể theo lời của một thầy giáo dạy “đại cương” (tạm dịch từ “General education” – thường được chỉ hoạt động truyền tải các nội dung về nền tảng kỹ năng, kiến thức, tư duy, văn hóa và xã hội, nhằm hướng đến việc phát triển nhân cách của người học).
Khi đang đi ngoài đường, thầy bị hai cảnh sát vác súng chặn lại đòi tra xét.
– Cảnh sát: Chúng tôi muốn xem thử trong ba lô của anh có chứa thứ gì phạm pháp không.
– Thầy: Cứ tự nhiên.
– Cảnh sát: Chúng tôi muốn kiểm tra cả bóp của anh.
– Thầy: Được.
– Cảnh sát: Ồ, có bằng dạy học, anh là thầy giáo à? Anh dạy môn gì vậy?
– Thầy: Tôi dạy đại cương.
– Cảnh sát: Chính là mấy ông thầy như các anh dạy hư đám học sinh, làm tụi nó bây giờ suốt ngày ra đường đi quậy phá! (khẩu khí bắt đầu lên cao)
– Thầy: Tôi cầm phấn dạy dỗ thế hệ sau vẫn còn tốt hơn nhiều việc các anh cầm gậy múa may “dạy bảo” họ.
– Cảnh sát: (im lặng)
– Thầy: Các anh còn muốn tra hỏi gì không? Không thì tôi đi tiếp đây.
– Cảnh sát: Anh đi đi.
Cuộc đối thoại này có thật sự xảy ra hay không thì không có cách nào xác nhận. Nhưng việc nó được lan truyền nhanh chóng cho thấy một tâm trạng đồng nhất, hay ít nhất là phổ biến trong nhiều người Hong Kong vào thời điểm này.
Họ xem cảnh sát là phe ác, không chỉ đi áp bức người khác mà còn chuyên đi gieo rắc những cái xấu cho thế hệ tương lai.
Cảnh sát thì ngược lại, ngày càng xem những người dân Hong Kong, hoặc ít nhất là những người tham gia hoặc/và ủng hộ biểu tình, là kẻ thù.
Người ta có thể nghe thấy cảnh sát trong lúc dàn quân đi giải tán người biểu tình không ngần ngại hét vang “tất cả bọn gián biến đi ngay!”.
Ngay cả trong thông cáo của mình, Hiệp hội Cảnh sát (tổ chức nghiệp đoàn của cảnh sát Hong Kong) cũng công khai gắn người biểu tình với loài côn trùng không mấy được ưa thích này.
Còn người biểu tình thì tất nhiên không kiêng nể gì khi sẵn sàng gọi cảnh sát là “chó”, bên cạnh vô số những từ chửi rủa khác.
Khi mà phong trào phản kháng của người Hong Kong đã kéo dài sang đến tuần thứ 11, các bên tham gia dường như không còn đủ kiên nhẫn với nhau.
Với sự giận dữ liên tục bị dồn nén, họ càng lúc càng thấy phía đối diện của mình mất đi hình dáng người.
Từ con số vài chục sau lần đụng độ đầu tiên vào ngày 12/6, đến nay đã có gần 750 người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ.
Từ hơn 100 quả đạn cay được bắn ra vào ngày 12/6, con số đến nay đã lên tới 2.000 (trong đó chỉ tính riêng trong ngày bãi công 5/8 đã có 800 quả đạn khói được phóng tung tóe khắp thành phố).
Từ một vài sự kiện đánh dấu bước ngoặt của phong trào phản kháng, đến nay người ta đã không còn nhớ nổi có bao nhiêu cái có thể xem là “cột mốc”.
Vài chục ngàn người xuống đường. Một triệu người xuống đường. Đụng độ trước Lập pháp viện. Hai triệu người xuống đường. Ác luật dẫn độ bị xếp xó. Người đứng đầu chính quyền đặc khu rốt cục cũng “chịu” xin lỗi qua loa. Người dân không chấp nhận, tiếp tục yêu cầu công lý và dân chủ. Người biểu tình phá cổng xông vào tòa nhà quốc hội bị bỏ hoang. Băng đảng giang hồ tập kích khủng bố người dân tại ga điện ngầm. Bằng chứng tung ra về việc cảnh sát dung túng giang hồ. Cờ Trung Quốc bị người biểu tình gỡ xuống vứt ra sông. Quốc huy chính quyền Bắc Kinh bị bôi bẩn. Toàn thành phố bãi công. Người biểu tình và dân Phúc Kiến (bị cho là thuộc băng đảng xã hội đen) công khai giáp chiến ngoài đường phố. Bao vây các trụ sở cảnh sát. Bắn hơi cay trong khu dân cư. Quăng đạn khói ngay cả trong ga điện ngầm. Giương súng chỉ cách vài mét nhắm thẳng vào người dân. Cô gái bị bắn mù một mắt. Sân bay bị tê liệt. Cảnh sát trà trộn giả làm người biểu tình. Người biểu tình tấn công bắt giữ hai “gián điệp” từ đại lục. Bạo loạn trong sân bay. Lại tiếp tục bao vây ném gạch đá trụ sở cảnh sát. Tiếp tục bắn hơi cay, vung dùi cui, truy bắt người biểu tình …
Những sự kiện liên hoàn xảy ra đã cấp dư củi lửa cho các phe tha hồ đốt cháy ngọn núi lửa của mình.
Hình ảnh và bằng chứng về các hành vi bạo lực lạm quyền của cảnh sát được lan truyền khắp nơi trên thế giới (ngoại trừ ở Trung Quốc đại lục).
Ngược lại, các đoạn phim bức ảnh về những hành vi đốt phá tấn công cảnh sát của nhóm người biểu tình được phe ủng hộ chính quyền và nhất là bộ máy loa kèn khổng lồ của đại lục bơm căng thổi phồng hết công suất (có lẽ là xả thay cho giai đoạn ban đầu bị buộc phải câm lặng giả mù giả điếc theo chỉ đạo).
Đến cả những người trong cuộc cũng bắt đầu hoang mang về những diễn biến leo thang, thì không thể trách việc những người (vô tình hay cố ý) đứng ngoài cuộc không phân ra được đâu là nhân đâu là quả.
Từ những người Trung Quốc đại lục vốn chẳng quan tâm mấy đến động cơ lẫn nguyên nhân của phong trào phản kháng tại Hong Kong, bỗng nhiên được bơm hàng loạt thông tin dồn dập từ bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh, đùng đùng nổi giận đòi “xử lý” những kẻ bạo loạn.
Đến những hành khách nước ngoài bị mắc kẹt giữa biển người tại sân bay, người kẹt việc công, người khóc việc nhà, bỗng nhiên trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ của cuộc chiến mà họ không hề (muốn) có phần, trở nên mất kiên nhẫn và giận dữ với hành động của những người biểu tình.
Giống như một bức tranh lớn bị vỡ vụn, mỗi người nhặt giữ lấy một mẩu để rồi khăng khăng thứ mình có trên tay là quan trọng nhất, và là điểm khởi đầu để ráp lại toàn bộ hình ảnh.
Không ai có thể nói họ sai.
“Trong mọi cuộc chiến, Sự Thật là nạn nhân đầu tiên.”
Khi vòng xoáy của đối đầu và hỗn loạn ngày càng kéo dài, cái đúng ban đầu dễ bị bay màu, còn cái sai ban đầu nhiều lúc lại trở nên nhạt nhòa so với những cái sai sau.
Xung đột dường như vĩnh hằng giữa những người Palestine, người Ả Rập và những người Do Thái là một ví dụ điển hình.
Không có mấy ai còn nhớ, hay thậm chí đủ tự tin để khẳng định chắc nịch đâu là khởi điểm cho mọi thứ. Những gì người ta chứng kiến mỗi ngày mỗi tuần mỗi tháng chỉ là những hành động khủng bố bạo lực giết chóc từ phe này để đáp trả sự đáp trả của đáp trả nhằm đáp trả (…) từ phe kia.
Phe nào cũng tích trữ cho mình cả một bầu trời chính nghĩa, đủ dùng cho nhiều thế hệ mai sau.
Và đây chính xác là thứ mà những kẻ chuyên quyền, độc quyền và bạo quyền mong muốn.
Bất chấp việc có bao nhiêu triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình, chính quyền đặc khu của bà Carrie Lam vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, không chịu đáp ứng yêu cầu của người dân, đẩy cảnh sát ra đầu chiến tuyến hứng thay cơn thịnh nộ.
Bất chấp thực tế rằng tuyệt đại đa số người Hong Kong không hề chấp nhận tính chính danh của chính quyền độc tài cộng sản, Bắc Kinh vẫn không ngừng rêu rao giảng đạo về “lòng yêu nước” và đổ vấy trách nhiệm cho “thế lực thù địch nước ngoài”.
Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng về siêu nhân The Incredibles, nhân vật Syndrome (tên tiếng Anh có nghĩa là “triệu chứng bệnh”) là một người luôn nuôi mộng làm anh hùng. Nhưng thay vì giúp người gặp nạn như những người hùng khác, Syndrome chủ động tạo ra thảm họa để rồi giữa chừng nhảy ra làm cứu tinh, để nạn nhân (của mình) cảm động biết ơn, tôn làm anh hùng.
Các chính quyền độc tài là một chứng bệnh giống vậy.
Hoặc tệ hơn. Vì nhiều khi họ thậm chí còn không có nhu cầu làm anh hùng.
Có chuyện xảy ra, cứ để mặc cho vòng xoáy thảm họa dày xéo tất cả các bên, miễn là mình không bị thiệt hại.
Họ rung đùi ngồi trốn một chỗ, chờ bão tan, lại từ từ chui ra cất tiếng giống người.
Những cảnh sát hăng máu của Hong Kong đã sai khi gọi người biểu tình là gián.
Những con gián thật sự đang lổm nhổm trên những chiếc ghế quyền lực.
Người dân lương thiện, bao gồm cả những cảnh sát có lương tri, chỉ là nạn nhân bị gián bò lúc nhúc khắp cơ thể.
Không phủi bỏ được những con gián đó, không ai có thể làm Người.