Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Phong trào biểu tình ở Hong Kong đã bước qua ngày thứ 80. Tròn một mùa hè, thành phố này trở thành tâm điểm của cả thế giới.
Nguồn cơn của cuộc biểu tình là dự luật dẫn độ (extradition law) Hong Kong 2019. Dự luật cho phép toà án các nước khác, bao gồm Trung Quốc, yêu cầu Hong Kong giao nộp nghi phạm. Người biểu tình lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dựa vào đó để can thiệp và làm suy yếu sự độc lập của toà án Hong Kong.
Cuộc biểu tình sau đó mở rộng thành một phong trào chống chính phủ, với yêu sách: bầu cử độc lập, điều tra về việc công an dùng bạo lực với người biểu tình, ân xá cho những người đã bị bắt, v.v.
Tính đến thứ Ba, 27/8, cuộc phản kháng mùa hè này đã kéo dài hơn Phong trào Dù vàng 2014, trở thành biến cố chính trị lớn nhất kể từ khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc cách đây 22 năm.
Cuộc xuống đường đầu tiên là vào ngày 9/6. Những người tổ chức ước tính đã có hơn một triệu người tham gia, tức là cứ bảy người Hong Kong thì có một người đã góp mặt trong cuộc biểu tình đó.
Chính quyền vẫn đòi thông qua dự luật, cho rằng dự luật là khẩn cấp và “lỗ hổng” pháp lý cần được lấp lại.
Ngày 12/6, người biểu tình xuống đường một lần nữa và chiếm toà nhà lập pháp (LegCo). Cảnh sát bắt đầu dùng hơi cay với người biểu tình.
Ba ngày sau, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ. Tuy nhiên, bà cũng nói rõ rằng dự luật chỉ bị trì hoãn, chứ không bị rút lại.
Người biểu tình không hài lòng với phản ứng này. Họ xuống đường một lần nữa vào ngay ngày hôm sau, 16/6. Đó được xem là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử của thành phố này.
Ngày 18/6, tại cuộc họp báo, Trưởng đặc khu Lam nói rằng bà “chân thành xin lỗi”. Chứng kiến những cuộc biểu tình vừa qua, bà nhận ra rằng mình “cần lắng nghe nhiều ý kiến khác biệt và mối bận tâm của nhiều người hơn”.
Thế nhưng, bà vẫn không rút lại dự luật. Biểu tình lại tiếp diễn bốn ngày sau đó.
Ngày 21/6, hàng trăm người biểu tình đã đổ xô về khu phức hợp của chính quyền Hong Kong vào để phản đối.
Một số người biểu tình xuất hiện trước tòa nhà chính quyền Hong Kong, mang theo các áp phích yêu cầu cảnh sát không bắn vào họ như những vụ bạo lực tuần trước đó
Các văn phòng của chính quyền thành phố trong sáng ngày 21 đã đóng cửa vì các quan ngại về an ninh. Căng thẳng tiếp diễn.
Ngày 1/7/2019 đánh dấu kỷ niệm 22 năm kể từ ngày Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc. Đây là ngày biểu tình truyền thống trong hơn chục năm qua, nhưng năm nay nó đánh dấu một bước ngoặt của cuộc phản kháng.
Hàng trăm người biểu tình trẻ tuổi đã xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong và bôi xoá các biểu tượng liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc và các phần tử thân Bắc Kinh bên trong tòa nhà.
Trước đó, chưa rõ bằng cách nào, từ đêm 30/6, những người biểu tình Hong Kong đã thay quốc kỳ Trung Quốc trước trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong bằng một lá cờ màu đen treo rủ. Điều này được cho là để bày tỏ nỗi tức giận và thương tiếc của họ trước cái gọi là “một quốc gia, hai chế độ” (one country, two system).
Ngày 7/7, người biểu tình tiếp tục xuống đường. Các cuộc tuần hành cứ thế diễn ra khoảng hai ngày một lần, với sự tham gia của ngày càng nhiều thành phần hơn.
Bà Carrie Lam có xuất hiện một lần trước truyền thông vào ngày 9/7, thông báo rằng dự luật dẫn độ “đã chết”. Nhưng bà không từ chức.
Ngày 21/7 là một bước ngoặt khác.
Trong ngày này, người biểu tình chiếm đóng những tuyến đường chính ở trung tâm thành phố và tiến về Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh, cơ quan đại diện cho chính quyền trung ương Trung Quốc tại Hong Kong ở quận Tây.
Đêm đó, một nhóm người đeo khẩu trang, mặc áo trắng, mang theo gậy gộc tấn công người biểu tình trên đường về nhà tại ga tàu điện Yuen Long và bên trong các toa tàu. Ít nhất 45 người đã bị thương.
Sự vắng bóng của cảnh sát châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ rộng khắp. Từ đây, cuộc biểu tình không còn là về luật dẫn độ nữa. Nó trở thành đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền.
Một số nghị sĩ Hong Kong cáo buộc các lãnh đạo “nhắm mắt làm ngơ” trước tình trạng mà họ gọi là “băng đảng Trung Quốc đại lục đánh đập người Hong Kong”.
Họ cho rằng cảnh sát đã thất bại khi mất hơn một giờ mới đến can thiệp và không bắt được kẻ tấn công nào. Cảnh sát trưởng thành phố Stephen Lo bác bỏ cáo buộc, cho rằng nhân viên của mình đang bận rộn đối phó với những cuộc biểu tình chống chính quyền đầy bạo lực ở nơi khác.
Ngày 27/7, cảnh sát đã ban bố lệnh cấm biểu tình ở Nguyên Long với lý do an toàn. Điều này không ngăn cản những người biểu tình tiếp tục tràn xuống đường trong suốt những ngày cuối tháng Bảy.
Ngày 5/8, một cuộc tấn công tổng lực của người biểu tình vào hệ thống giao thông làm mọi thứ bị xáo trộn nghiêm trọng.
Vào giờ cao điểm, phần lớn các tuyến xe điện ngầm bị tê liệt do người biểu tình phong tỏa. Trong khi đó, tại sân bay quốc tế Hong Kong, hơn 200 chuyến bay không cất cánh được, vì một phần ba nhân viên kiểm soát không lưu tham gia phong trào đình công.
An eye for an eye
Cảnh sát tiếp tục bắn hơi cay trong các cuộc đụng độ khắp thành phố. Giữa hỗn loạn tại Tsim Sha Tsui, Kowloon vào 12/8, cuộc biểu tình 2 tháng qua bắt đầu có một gương mặt đại diện.
Một người được cho là tình nguyện viên y tế bị thương. Hình ảnh ghi lại cho thấy một người phụ nữ nằm trên đất với máu chảy ra từ mắt phải. Trước mặt cô là một cặp kính bảo hộ bị đạn cao su (bean bag round) bắn vào.
Ngày 12/8, người biểu tình quay lại sân bay trong màu áo đen và mắt phải băng bó. Họ chặn các cửa khởi hành. Hàng trăm chuyến bay bị hoãn, huỷ tại một trong những nhà ga nhộn nhịp nhất thế giới khiến nhiều người bất bình. Ngày 14/8, chính phủ ra lệnh cấm biểu tình tại sân bay vì lý do an ninh.
Sau đó là hai tuần lễ biểu tình ôn hoà, nhưng căng thẳng ở sân bay đã khiến Trung Quốc tức giận. Họ cảnh cáo người biểu tình Hong Kong “đừng đùa với lửa”.
Ngày 16/8, Trung Quốc tập trận tại Thâm Quyến (Shenzen), tỉnh nằm sát Hong Kong. Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các bên bình tĩnh.
Phần còn lại của tháng Tám là những “tác phẩm chính trị” đầy ấn tượng của người biểu tình. Trong đó, có cuộc diễu hành tại công viên Victoria và khung cảnh hàng trăm nghìn người nắm tay nhau thắp sáng cả ngọn núi Lion Rock.
Đến Chủ Nhật, 25/8, đụng độ vẫn xảy ra. Không có dấu hiệu nào cho thấy các dòng chảy biểu tình “như nước” (like water) này sẽ dừng lại, trừ chuyện mùa hè sắp qua. Phần lớn người tham gia vốn là học sinh, sinh viên sẽ sớm phải quay lại trường cho năm học mới.
Nguồn tham khảo: