Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh có lẽ là một trong những đề tài tốn giấy mực, cơm gạo nhất của nhân dân Việt Nam. Tính đến hiện nay, năm 2019, ngoài bộ Hồ Chí Minh toàn tập lên đến 12 bộ, có đến hàng ngàn tác phẩm “ngách” cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp ngành – nghề khác dùng đến tên tuổi vị cố Chủ tịch.
Điểm chung đầu tiên của hầu hết những tác phẩm dạng này là chúng đều do chính quyền Việt Nam chi tiền tài trợ để sản xuất và xuất bản. Nhưng điểm chung thứ hai, là chưa có tác phẩm nào trong hàng ngàn tác phẩm đang lưu hành thật sự làm rõ được ảnh hưởng tư tưởng và tầm nhìn của Hồ Chí Minh lên việc hình thành mô hình chính quyền Việt Nam đương đại – điều mà người Việt Nam luôn được “giáo dục” là phải khắc ghi trong các chương trình đào tạo đại học bắt buộc. Hầu hết các tác phẩm này chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền.
Nếu nhìn lại mô hình chính quyền Việt Nam, ta thấy bóng dáng Hồ Chí Minh ở đâu?
Chính thể cộng hòa dân chủ nhân dân hay dân chủ cộng hòa của miền Bắc kể từ năm 1945 vốn là một đặc sản quen thuộc của cả các nhà nước tư bản lẫn cộng sản từ đầu thế kỷ 20.
Nguyên tắc tập trung dân chủ (democratic centralism) thì nhập khẩu từ Liên Xô.
Mô hình phân quyền lai giữa cộng hòa tổng thống và cộng hòa đại nghị với sự tồn tại song song giữa hai chế định chủ tịch nước và thủ tướng là một điểm độc đáo trên thế giới tại thời điểm Hiến pháp VNDCCH 1946 ra đời, nhưng lại phản ánh trí tuệ và sự đấu tranh của các trí thức, đảng phái độc lập ngay sau Cách mạng tháng Tám hơn là chỉ thể hiện tầm nhìn riêng của Hồ Chí Minh.
Vì những lý do này, khi tìm thấy tài liệu có tên gọi “The Confucian foundations of Hồ Chí Minh’s vision of government” (tạm dịch: Nền tảng Khổng giáo trong tầm nhìn của Hồ Chí Minh về chính quyền) của giáo sư Bùi Ngọc Sơn, được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín Journal of Oriental Studies, người viết đã vô cùng hứng khởi. Bài báo khoa học này được xuất bản năm 2013, khi giáo sư Bùi Ngọc Sơn đang là nghiên cứu sinh của Khoa Luật – Đại học Hong Kong. Ông trước đây là giảng viên Đại học Quốc gia – Hà Nội, và hiện là giáo sư của Khoa Luật, Đại học Trung văn Hương Cảng (Chinese University of Hong Kong).
Liệu cuối cùng đây có phải một nghiên cứu khách quan và mang tính khoa học thực tiễn về cách mà tư tưởng ông Hồ Chí Minh gây ảnh hưởng lên phương thức vận hành của chính quyền – pháp luật Việt Nam?
Tác giả Bùi Ngọc Sơn bắt đầu bài viết bằng thủ thuật tương phản khá hiệu quả. Chúng ta đều biết rằng Nguyễn Tất Thành là một nhà xã hội chủ nghĩa và Hồ Chí Minh là một học trò cộng sản chân chính của Marx – Lenin; vậy nên cũng là điều dễ hiểu nếu tư tưởng Hồ Chí Minh có xu hướng phủ nhận, phản kháng trước Khổng giáo và hệ giá trị của nó. Tuy nhiên, theo tác giả, cách nhìn này là chưa phù hợp với thực tế. GS. Bùi Ngọc Sơn cho rằng Hồ Chí Minh thực tế là một người ủng hộ Khổng giáo, và văn hóa Khổng giáo đã trở thành một phần không thể tách rời trong nhân cách và tư tưởng của ông.
Để làm rõ hơn khái niệm Khổng giáo (Confucianism), hay còn được gọi là Nho giáo (Ruism)[*], tác giả làm rõ phạm vi mình nghiên cứu chỉ nằm trong nền tảng Khổng giáo cổ điển được phát triển bởi chính Khổng Tử (Confucius), Mạnh Tử (Mencius) và các Khổng gia trong thời kỳ Xuân Thu (770 – 476 trước Công nguyên) – Chiến quốc (475 – 221 trước Công nguyên). Sự phát triển của Khổng giáo không chỉ dừng tại đây, song việc kết hợp Khổng giáo với các tư tưởng chính trị Trung đại Trung Quốc khiến cho hệ tư tưởng này có những thay đổi cơ bản, không phù hợp với căn nguyên ban đầu của nó, và có lẽ cũng là lý do tác giả muốn loại trừ những giai đoạn này khỏi đối tượng nghiên cứu.
Với những thông tin dẫn nhập cơ bản này, tác giả chia bài nghiên cứu ra làm ba phần chính: (1) nền tảng Khổng giáo đã ảnh hưởng thế nào đến tư duy của Hồ Chí Minh, (2) Hồ Chí Minh lựa chọn tiếp nhận và khái quát hóa các giá trị Khổng giáo như thế nào, và (3) phân tích, lý giải cách thức Hồ Chí Minh chuyển hóa những nguyên tắc chính trị Khổng giáo vào tư tưởng của ông vào việc xây dựng nhà nước.
Đối với nội dung đầu tiên, lập luận của tác giả khá quen thuộc. Ông Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên tại làng Kim Liên, Nghệ An, vốn được xem là “đất văn vật, chốn thi thư”. Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Hồ Chí Minh, đỗ phó bảng của kỳ thi Hội Khoa Tân Sửu (1901). Không chỉ hấp thụ tư tưởng và các giá trị Khổng giáo qua cha mình, Hồ Chí Minh còn được nhiều ông đồ có tiếng như Vương Thúc Quý và Trần Thân hướng dẫn, chỉ dạy.
Nghiên cứu khẳng định, sau 10 năm được tiếp thu Khổng giáo, Hồ Chí Minh luôn xác nhận dòng dõi Nho gia của mình. Trong bản lý lịch của mình nộp cho Quốc tế Thứ ba (The Third International) tại Moscow, thuật ngữ “Confucianist” được Hồ Chí Minh dùng để mô tả xuất thân gia đình. Và cho đến giai đoạn 1942 – 1943, thời điểm mà ông bị giam ở Trung Quốc, cũng là lúc mà người ta có thể thấy rõ nhất tư tưởng và phong thái Nho học của ông qua tập “Nhật ký trong tù”, vốn được viết bằng tiếng Hán, sử dụng điển tích, giọng văn Hán học – thứ ngôn ngữ cao quý mà chỉ có những nhà Nho tại Việt Nam mới có thể sử dụng thành thạo.
Sau khi chứng minh được Khổng giáo đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của con người Hồ Chí Minh, GS. Bùi Ngọc Sơn bắt đầu tìm hiểu cách mà Hồ Chí Minh tiếp nhận và chuyển hóa các giá trị Khổng giáo thành công cụ chính trị.
Điểm mà tác giả đặc biệt nhấn mạnh trong bài nghiên cứu, là Hồ Chí Minh chỉ tiếp nhận nguồn giá trị Khổng giáo kinh điển, mà không phải các phiên bản Khổng giáo được chính trị hóa như chủ nghĩa Tống Nho giai đoạn 960 – 1279 sau Công Nguyên (tức Khổng giáo phiên bản triều nhà Tống, có thể tìm theo thuật ngữ tiếng Anh là Neo-Confucianism of the Chinese Song).
Trong đó, những tác phẩm quan trọng có ý nghĩa đối với Hồ Chí Minh có thể kể đến “Luận ngữ” (Analects of Confucius – tuyển tập đối đáp, lời dạy và căn dặn của Khổng Tử), “Mạnh Tử” (The Work of Mencius) và “Đại học” (Great Learning), đều là các tác phẩm cơ bản trong bộ “Tứ thư”. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Nho giáo không phải là một tôn giáo thật sự hay một học thuyết chính trị, mà là một hệ thống tư tưởng hàm chứa những nguyên tắc cơ bản về giáo hóa và đạo đức con người, từ đó hướng tới xã hội đại đồng.
Nghiên cứu cũng ghi nhận, trong ấn bản Communist Review của Quốc tế thứ Ba vào tháng 5 năm 1921, Nguyễn Ái Quốc từng khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ được áp dụng tại châu Á dễ dàng và thành công hơn cả tại châu Âu, bởi tư tưởng đại đồng (da tong – 大同) đã ăn sâu vào gốc rễ của người châu Á, và luôn sẵn sàng chín muồi để tiến đến tiếp nhận chủ nghĩa quốc tế vô sản (communist internationalism). Hồ Chí Minh cũng được ghi nhận là phản đối các phong trào phủ nhận sạch trơn giá trị Khổng Mạnh trong xã hội Đông Á. Đáp trả nghị quyết bài Khổng của Trung Hoa Dân Quốc hồi năm 1927, Nguyễn Ái Quốc khẳng định tư duy và nhân cách đạo đức của Khổng Tử hoàn toàn có thể thích ứng với thời đại. Ông đề xuất: Người An Nam cần đọc sách Nho để tự uốn nắn bản thân và cần đọc Lenin để làm cách mạng.
Với tất cả những ghi nhận trên, tác giả tiến tới phân tích cách mà Hồ Chí Minh vận dụng Nho giáo vào tầm nhìn xây dựng chính quyền, mà chủ yếu là dựa trên hai nguyên tắc được trình bày sau đây.
Một là, dân bổn (minben – 民本 – tạm hiểu là lấy dân làm gốc).
Theo Bùi Ngọc Sơn, dân bổn là nguyên tắc chính trong tư duy xây dựng chính quyền của Hồ Chí Minh. Tác giả dẫn chứng tác phẩm Lời than vãn của Bà Trưng Trắc của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản năm 1922:
“Vua muốn xứng với lòng trời và làm tròn nhiệm vụ chí tôn của mình thì phải chịu khổ trước dân và chia sướng sau dân. Vua phải tuân lệnh trời, mà tiếng dân chính là truyền lại ý trời. Bằng không thì ấy là trời đoạn tuyệt, tổ tiên từ bỏ, nhân dân ruồng rẫy.”
Ở điểm này, Nguyễn Ái Quốc được cho là thể hiện trọn vẹn tinh thần dân bổn trong Nho giáo: một chính quyền chính danh phải chịu trách nhiệm trước sự ấm no, hạnh phúc của dân tộc.
Tác giả còn dẫn thêm nhiều bài viết và bình luận khác của Hồ Chí Minh sau này để khẳng định lập luận của mình.
Ví dụ, lấy ý tứ từ “Kinh thư” (Shujing), trong bài “Mười hai điều răn” sáng tác năm 1948, Hồ Chí Minh khẳng định:
“Gốc có vững, cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.”
Hay trong buổi nói chuyện trước Đại học Nhân Dân Việt Nam 1956, ông tuyên bố: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Đây gần như là toàn bộ nội dung mà tác giả Bùi Ngọc Sơn mong muốn truyền tải về vai trò của tư tưởng dân bổn trong tầm nhìn của Hồ Chí Minh về nhà nước. Hiển nhiên, nghiên cứu cũng có đề cập đến một chi tiết thú vị, nhận định rằng Hồ Chí Minh ủng hộ dân chủ, nhưng ông nhấn mạnh vế “vì dân” hơn là “của dân”, báo hiệu sự khác biệt khá căn bản giữa “dân bổn” và “dân chủ”. Song đến đây thì vị giáo sư dừng lại, không phân tích gì thêm.
Điểm thứ hai mà nghiên cứu cho rằng đóng vai trò quan trọng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền là tu thân (moral self-cultivation).
“Tu thân” mang tính chất đạo đức trong cuốn “Đại học” của bộ “Tứ thư” là một khái niệm quen thuộc với người Việt Nam trong câu nói cửa miệng: Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.
Trong Nho giáo, “tu thân” đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, bởi “đã tu tập lấy được mình, thì mới sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề. Nhà cửa đã sắp đặt cho chỉnh tề, thì nước mới sửa trị được. Nước đã sửa trị, thiên hạ mới bình an” (trích “Đại học”).
Mạnh Tử cũng từng nói: “Người ta luôn nói ‘Thiên hạ, nước, nhà’. Gốc của thiên hạ là nước, gốc của nước là nhà, gốc của nhà là cá nhân”. Như vậy, mục đích của tiến trình tu thân không chỉ bó gọn trong phạm vi phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, mà còn liên quan chặt chẽ đến sự tạo dựng bền vững các mối liên hệ giữa con người với nhau, với xã hội và thế giới.
Theo ghi nhận của Bùi Ngọc Sơn, phương Tây cho rằng bản chất con người là xấu, như câu nói lừng danh của Lord Acton:“Quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối” (Absolute power corrupts absolutely). Trong khi Mạnh Tử thì lạc quan hơn, cho rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Riêng Hồ Chí Minh từ chối đứng ở hai thái cực của tư tưởng phương Tây và Mạnh Tử về bản tính con người. Ông một mặt ủng hộ xây dựng chính quyền theo mô hình cộng hòa hiện đại, mặt khác cũng thúc đẩy tu thân trong hoạt động của chính quyền hay đời sống bình thường của người dân.
Để dẫn chứng, tác giả ghi nhận từ ngày 30/5 đến ngày 2/6/1949, Hồ Chí Minh ra một loạt bài viết có tên gọi lần lượt là “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính” trên báo Cứu Quốc, khuyên nhủ cán bộ, người dân về giá trị của tu thân và sống đời sống minh bạch, từ đó cứu quốc, xây dựng đất nước. Đến năm 1957, khi đọc diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh khuyên bảo: “Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được”.
Như vậy, theo tác giả Bùi Ngọc Sơn, dân bổn và tu thân là hai nguyên tố căn bản của đạo Khổng Mạnh được Hồ Chí Minh vận dụng trong tầm nhìn xây dựng chính quyền của mình.
Trước tiên, với tâm trạng háo hức ban đầu, người viết không thể phủ nhận rằng mình có cảm giác không mấy ấn tượng như kỳ vọng.
Điều này có thể vì đây là một nghiên cứu ngắn, nhưng quan trọng nhất là vì câu hỏi nghiên cứu chưa được trả lời. Mong muốn tìm hiểu về tầm nhìn của Hồ Chí Minh về việc xây dựng chính quyền Việt Nam hiện đại, tác giả lại không hề có ý định làm rõ những lý tưởng, tầm nhìn ấy được cụ thể hóa bằng chính sách nào, đưa vào mô hình chính quyền ra sao. Việc đến khoảng hơn 50% ghi chú lấy nguồn từ “Hồ Chí Minh toàn tập” và chỉ ghi nhận lại các câu nói, thơ văn của vị Hồ Chí Minh khiến cho người đọc không khỏi có cảm giác đây lại chỉ là bản dịch tiếng Anh của các ấn phẩm tuyên truyền trong nước.
Điểm thứ hai, quan trọng hơn về mặt nghiên cứu khoa học, nhưng có vẻ bị tác giả né tránh, đó là khái niệm dân bổn (lấy dân làm gốc) thật ra không hề có chút bà con gì với khái niệm dân chủ, hay là thậm chí không có ý nghĩa cấp tiến như chúng ta tưởng tượng khi nghe tên của nó.
Đã từng có học giả muốn liên kết dân bổn với dân chủ, ví dụ như Viren Murthy, giáo sư sử học của Đại học Wisconsin – Madison, và tác phẩm “The Democratic Potential of Confucian Minben Thought” (tạm dịch: Tiềm năng dân chủ của tư tưởng dân bổn của Khổng giáo). Ông cho rằng sự ổn định và đầy đủ vật chất là điều kiện tiền đề cực kỳ quan trọng cho dân chủ và vì vậy, chúng là hai hàm đồng biến hỗ trợ cho nhau. Khẳng định đời sống vật chất rất quan trọng với sự phát triển của dân chủ không sai, nhưng chỉ vì thế mà cho rằng thuyết dân bổn thuận chiều với dân chủ là hoàn toàn lệch hướng.
Hãy thử lấy ví dụ đoạn 13.9 trong “Luận ngữ” để phân tích vì đây là luận tiêu biểu nhất để xây dựng nên dân bổn trong “Tứ thư”:
“Đức Khổng Tử đến nước Vệ, Nhiễm Hữu đánh xe hầu ngài.
Khổng Tử khen: Dân Vệ đông đảo quá!
Nhiễm Hữu nói: Dân đông thì nhà nước phải làm gì cho dân?
Phải làm cho họ giàu – Đức Khổng trả lời.
Họ giàu rồi thì phải làm gì nữa? – Nhiễm Hữu hỏi thêm
Phải giáo hóa dân chúng.”
Một tư duy chính trị vô cùng thuần tính phân biệt giai cấp và mang bản chất chuyên chế.
Dân bổn hình dung quần chúng nhân dân như là đám đông thụ động, không biết tu thân, không biết đàm phán, không biết tự quản lý xã hội; chỉ có bậc quân vương, quý tộc mới đủ sức làm chuyện đó. Và vì vậy, thứ bậc – giai tầng được xây dựng trong thuyết chính danh của Khổng Tử chính nhằm duy trì một trật tự xã hội ổn định nơi quân vương quản lý đất nước còn con dân thì được hưởng thái bình.
Điều này cũng dẫn đến thực tế lịch sử là Khổng giáo kinh điển lẫn các biến thể của nó tin rằng chính quyền là vì dân (for the people), chứ không phải của dân (of the people). Theo đó, chính quyền không lo cho dân ấm no, thì có thể bị “lật thuyền”, bởi dân là gốc của quyền lực; nhưng cái trật tự quân vương với nhân dân thì nhất thiết phải được thiết lập, phải được tu tập để trở thành đạo đức chung, lề thói sống của toàn dân. Có như thế thì xã hội mới có thể phát triển, đạo đức con người mới được hoàn thiện.
Cho rằng một người vừa có thể ủng hộ dân chủ vừa quảng bá cho dân bổn, theo người viết, không thuyết phục cho lắm.
Điểm cuối cùng mà người viết muốn phản biện, là cách mà tác giả trả lời câu hỏi của chính bài viết: ảnh hưởng của Khổng giáo trong tầm nhìn và tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình chính quyền. Nếu nói thẳng thắn, chúng chưa hề được trả lời.
Giả dụ, cứ cho rằng mô hình dân bổn đồng nghĩa với việc chính quyền phải chăm lo tốt trước hết cho vấn đề cơm – áo của người dân, được áp dụng vào mô hình chính quyền Việt Nam trong giai đoạn từ khi chính phủ VNDCCH tiếp quản Hà Nội vào năm 1954, không có dấu hiệu nào cho thấy chúng tạo ra cấu trúc chính quyền hay mô hình chính sách nào đặc biệt cả.
Chính quyền nào không phải trước tiên lo cơm ăn áo mặc cho người dân của mình để bình ổn xã hội? Đến cả các mô hình nhà nước chủ nô như thời kỳ chuyển giao giữa Cộng hòa La Mã và Đế chế La Mã trong giai đoạn năm 90 trước Công Nguyên đến 202 sau Công Nguyên, chính quyền đã phải nhiều lần thương lượng với các cuộc đấu tranh của nô lệ và cân nhắc trao quyền công dân La Mã để họ có thể tự do tham gia vào các quan hệ mua bán dân sự thông thường.
Vậy chỉ tư duy đấy thôi có thật sự khiến cho tư tưởng dân bổn khác biệt và trở thành một phần sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng mô hình chính quyền Việt Nam? Trong khi đó, gần như toàn bộ cách thức vận hành nền kinh tế, phân phối của cải xã hội và mô hình quản lý hành chính mà chính quyền VNDCCH thời kỳ này xây dựng đều sao chép từ mô hình Liên Xô.
Hay việc Hồ Chí Minh kêu gọi tu thân, kêu gọi cán bộ công chức, đảng viên rèn luyện đạo đức, phẩm chất… cũng không hề được thể chế hóa. So sánh với các tôn giáo hay học thuyết chính trị khác, từ đạo Thiên chúa, đạo Islam, cho đến học thuyết của Max Weber; chưa tư tưởng nào có tiếng nói trong nền chính trị đương đại lại không ủng hộ một hệ giá trị đạo đức vững chắc, như cách Hồ Chí Minh kêu gọi tu thân, để từ đó làm nền tảng cho một nhà nước công bình. Vậy nên trừ khi tầm nhìn này được cụ thể hóa bằng một cách nào đó vào cách vận hành pháp luật và nhà nước, khó có thể cho rằng chúng mới lạ hay có bất kỳ hiệu quả thực tế nào.
Điều này có thể quan sát dễ dàng. Với bao nhiêu cuộc vận động học tập đạo đức tại Việt Nam, nạn bè phái và tham nhũng chưa bao giờ thuyên giảm chỉ vì những khẩu hiệu vô bổ đó.
Vậy nên, giữa nói vài câu nói, làm vài bài thơ và việc xây dựng một mô hình chính quyền tinh vi phản ánh đầy đủ các giá trị đề xuất như Dân bổn hay Tu thân nói trên là hai điều hoàn toàn khác biệt với nhau. Theo người viết, nghiên cứu này chỉ chứng minh được vế đầu tiên mà thôi.
Chú thích:
* Nho giáo (Ruism) và Khổng giáo (Confucianism) thường được sử dụng như nhau trong các tài liệu nước ngoài. Ở Việt Nam, hai khái niệm này cũng có thể được sử dụng thay thế cho nhau mà không làm thay đổi nội hàm của chúng. Tuy nhiên, nếu muốn so sánh chúng với nhau, có thể lưu ý là Nho giáo ra đời trước và không phải là sản phẩm tư duy của duy nhất Khổng tử. Đây là lý do một số nhà nghiên cứu đề xuất giới học thuật phương Tây nên sử dụng thuật ngữ Ruism thay vì Confucianism.
Theo Hán tự, Nho do chữ Nhân và chữ Nhu ghép lại. Nhân là người, Nhu là cần dùng. Nho gia – nhà Nho, là hạng người luôn luôn được cần dùng đến để giúp ích cho quần chúng xã hội biết cách ăn ở sao cho hợp với lòng người và lẽ Trời. Đạo Nho theo lịch sử được xây dựng bởi vua Phục Hy từ thời thái cổ, chủ yếu xoay quanh lễ nghĩa, đạo đức, tế tự và trật tự xã hội.
Đến thời Khổng Tử, ông là người chính thức san định kinh sách, hệ thống hóa đạo Nho thành một giáo lý hoàn thiện, xây dựng và phát triển các nguyên tắc của Nho giáo sánh ngang được với Đạo giáo và Phật giáo. Chính vì lý do này Khổng Tử được xem là giáo chủ của Nho giáo, và ngày nay nhiều người xem đạo Nho và đạo Khổng tương tự như nhau.