Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hôm thứ Sáu 26/7, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, với phán quyết 5-4, đã cho phép chính quyền của Tổng thống Donald Trump sử dụng số tiền gần 2,5 tỷ USD dành cho phòng chống ma túy của Lầu Năm Góc để xây tường biên giới ở Arizona và New Mexico, đảo ngược quyết định của tòa án cấp dưới, tờ New York Times đưa tin.
Tất cả năm thẩm phán theo xu hướng bảo thủ do Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đề cử từ trước đến nay đã bỏ phiếu ủng hộ chính quyền Trump. Trong khi đó, ba thẩm phán có tư tưởng cấp tiến gồm Elena Kagan, Ruth Bader Ginsburg và Sonia Sotomayor đã phản đối. Thẩm phán cấp tiến còn lại, Stephen Breyer, đưa ra quan điểm trung dung, đồng ý từng phần với cả hai bên nguyên đơn và bị đơn.
Phán quyết của Pháp viện Tối cao được xem là một chiến thắng quan trọng đối với Tổng thống Trump. Các nhà quan sát cho rằng nhiều khả năng ông sẽ sử dụng chiến thắng này trong các hoạt động vận động tái tranh cử sắp tới. Chỉ vài phút sau khi Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ đưa ra phán quyết, ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức bày tỏ vui mừng trong một bài đăng trên Twitter tối 26/7.
Trump viết:
“Thật tuyệt vời! Dự án tường biên giới đã thắng lớn. Tối cao Pháp viện Mỹ đã lật lại lệnh cấm của tòa cấp dưới, cho phép dự án xây tường biên giới phía Nam được tiến hành. Đây là chiến thắng lớn cho lực lượng biên phòng và chấp pháp!”
Phán quyết được đưa ra cùng ngày mà Hoa Kỳ và Guatemala ký một thỏa thuận, theo đó những người di cư từ Honduras và El Salvador đi qua Guatemala sẽ bị yêu cầu dừng lại và xin tị nạn ở đó trước, thay vì tới Mỹ để xin tị nạn.
Hồi tháng Hai, sau khi chỉ được Quốc hội Mỹ đồng ý cấp 1,4 tỷ USD cho dự án xây hàng rào biên giới, Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới nhằm huy động thêm 6,7 tỷ USD từ các dự án và chương trình của Bộ Quốc phòng để xây tường.
Đề xuất xây tường biên giới của Trump vấp phải nhiều phản đối. Hành động này bị đảng Dân chủ cho là vượt quá quyền hạn tổng thống theo Hiến pháp Mỹ và lấn quyền Quốc hội. Một số bang, trong đó có California và các tổ chức như Sierra Club, Liên minh Cộng đồng Biên giới phía Nam, đã nộp đơn kiện Chính phủ Mỹ vì quyết định trên, cho rằng xây tường sẽ ảnh hưởng tới môi trường, làm trầm trọng thêm vấn đề lũ lụt và tác động tiêu cực tới động vật hoang dã.
Hồi tháng Năm, thẩm phán liên bang Haywood Gilliam cấm chính quyền Trump sử dụng ngân sách của Lầu Năm Góc để xây tường ở California, New Mexico và Arizona với lý do sử dụng ngân sách phòng chống ma túy để xây tường là vi hiến.
Ngày 28/6, một thẩm phán tại California ra phán quyết rằng đề nghị sử dụng ngân sách phòng chống ma tuý vào việc xây tường biên giới của chính quyền là bất hợp pháp. Thẩm phán đã ban hành lệnh cấm sử dụng nguồn ngân sách này cho hoạt động xây dựng tường biên giới. Chính quyền của Tổng thống Trump một ngày sau đó đã kháng cáo.
Tuy nhiên, Toà Phúc thẩm Liên bang khu vực số 9 của Mỹ ngày 3/7 đã đồng ý với phán quyết của tòa cấp dưới, bác yêu cầu của chính quyền Trump. Sau đó, chính quyền Trump đã yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét vụ kiện này để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Ý kiến của phe đa số tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm 26/7 giải thích rằng chính quyền Trump đã chứng minh đầy đủ việc bên nguyên đơn không có đủ căn cứ khởi kiện. Tòa cũng ra lệnh dỡ bỏ một lệnh cấm của thẩm phán liên bang tại California và phán quyết của Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực số 9 tại San Francisco.
Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, nói: “Tối nay, phán quyết của Tòa án Tối cao cho phép Donald Trump ăn cắp tiền của quân đội để chi tiêu cho một bức tường biên giới một cách lãng phí, không hiệu quả, vốn đã bị Quốc hội bác bỏ, là vô cùng thiếu sót. “
Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) tuyên bố sẽ tìm kiếm một quyết định cấp tốc từ Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 để ngăn chặn thiệt hại không thể đảo ngược và sắp xảy ra từ việc xây tường biên giới của Trump. ACLU duy trì quan điểm rằng chính quyền Trump không đủ thẩm quyền để sử dụng ngân quỹ của người nộp thuế vào việc xây tường biên giới mà Quốc hội đã từ chối.
Dror Ladin, luật sư tại Dự án An ninh Quốc gia của ACLU nói: “Mọi thứ chưa kết thúc ở đây. Chúng tôi sẽ yêu cầu các tòa án phúc thẩm liên bang đẩy nhanh các kháng cáo đang diễn ra để ngăn chặn thiệt hại không thể đảo ngược và sắp xảy ra từ bức tường biên giới của ông Trump. Các cộng đồng sinh sống dọc biên giới, môi trường và cơ chế phân chia quyền lực trong Hiến pháp của chúng ta sẽ bị tổn hại vĩnh viễn nếu ông Trump không bị trừng phạt trong việc cướp ngân sách quân đội cho bức tường biên giới đầy tính bài ngoại mà Quốc hội đã bác bỏ”.
Chiến thắng này được xem là sẽ mở đường cho chính quyền Trump xây thêm khoảng 100 dặm tường biên giới tại các bang New Mexico, Arizona và California.
Trump đã biến xây tường biên giới thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Bức tường là một phần của chính sách nhập cư cứng rắn và là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử 2020 của ông. Tổng thống Trump cho rằng bức tường là một công cụ cần thiết để hạn chế nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn bán ma túy qua biên giới, trong khi đó, phe Dân chủ gọi bức tường là vô đạo đức, không hiệu quả và tốn kém.
Theo The New York Times, đa số người dân Mỹ đều xem mình là hậu duệ của những người nhập cư đi tìm cơ hội ở Mỹ. Vì vậy, theo họ, cần có một cách để tiếp nhận người nhập cư nhân văn hơn, tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của những con người tuyệt vọng này.
Ngoài ra, cũng theo New York Times, chính sách siết chặt quản lý dân nhập cư của Nhà Trắng đã không tính đến sự đóng góp mà những người nhập cư có khả năng mang đến cho nước Mỹ. Những người như vậy luôn luôn cần thiết để tạo ra và duy trì nước Mỹ thịnh vượng. Tác giả cho rằng cần có một luật nhập cư toàn diện và phải dựa trên sự khoan dung và nhân văn của người Mỹ với một tầm nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn.