Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tiêu đề nghe có vẻ rất buồn cười. Hong Kong là vùng lãnh thổ của Trung Quốc, dù có được gọi là đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế hay bất kỳ thứ gì khác đi chăng nữa. Vậy Vương quốc Anh, một cựu thực dân chiếm đóng Hong Kong bằng vũ lực trước đó, làm gì có quyền có tiếng nói trong công việc nội bộ của Trung Quốc?
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc lại không đơn giản như thế.
Hong Kong là thuộc địa của Anh từ năm 1842 – sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ Nhất, cho đến năm 1997 – khi được Anh trao trả lại cho Trung Quốc.
Quá trình trao trả đó bắt đầu từ một hiệp ước quốc tế được ký kết giữa Trung Quốc và Anh năm 1984: Tuyên bố chung Trung – Anh 1984. Văn bản này đã được gửi chứng nhận và lưu trữ tại Liên Hợp Quốc.
Các lãnh đạo và các nhà ngoại giao Trung Quốc cho đến nay đều nhất nhất phủ nhận hiệu lực của Tuyên bố chung và tầm ảnh hưởng của nó lên Hong Kong. Một số người khẳng định văn bản này chỉ có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp và chuẩn bị cho hoạt động trao trả từ 1984 đến 1997. Số khác phủ nhận bất kỳ vai trò “chủ quyền” nào của Vương quốc Anh với Hong Kong, và vì vậy tiếng nói của chính phủ Anh sẽ không có giá trị với lãnh thổ Hong Kong.
Cách hiểu kiểu này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc giải thích điều ước vốn đã được công nhận là tập quán pháp quốc tế, cụ thể hóa trong Công ước Vienna 1969.
Trước tiên, ngay trong phần mở đầu của Tuyên bố, cả hai bên ghi nhận họ đồng ý với nhau về những điều kiện cụ thể cho tiến trình trao trả Hong Kong từ Vương quốc Anh về Trung Quốc. Điều này thể hiện trách nhiệm song phương đã được hai bên thống nhất và có nghĩa vụ tuân thủ. Việc tuân thủ của bên này chỉ có thể được thực hiện nếu bên kia cũng tuân thủ nghĩa vụ của mình. Cho rằng Anh có trách nhiệm trao trả Hong Kong còn Trung Quốc muốn làm gì thì làm với lãnh thổ này là không đúng theo tinh thần của nguyên tắc pacta sunt servanda (cam kết phải được tuân thủ) trong công pháp quốc tế.
Điểm thứ hai, được thể hiện rõ ràng và dễ hình dung hơn, là thời hạn của các trách nhiệm nêu ra. Nếu trách nhiệm của Anh dừng tại thời điểm Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc hồi năm 1997, trách nhiệm của Trung Quốc lại được khẳng định kéo dài hơn rất nhiều, ngay ở Khoản (12) Điều 3 của Tuyên bố chung:
“Những nguyên tắc chính sách cơ bản đề cập ở trên của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến Hong Kong và cách giải thích chúng đúng như quy định ở Phụ lục I của Tuyên bố chung này phải được quy định trong Đạo luật Cơ bản của Đặc khu Hành chính Hong Kong của Cộng hòa Nhân Trung Hoa, ban hành bởi Quốc hội Nhân dân và không được thay đổi trong thời hạn 50 năm.”
Như vậy, ngôn ngữ của Tuyên bố vô cùng rõ ràng, không chỉ đề cập chung chung đến nền tự trị của Hong Kong mà xác định rõ nghĩa vụ của cơ quan quyền lực nhà cao nhất của Trung Quốc – Quốc hội Nhân dân – là phải ban hành và duy trì những quy định pháp lý bảo vệ nền tự trị của Hong Kong như giải thích ở Phụ lục I.
Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hong Kong không chỉ là luật nội địa, mà còn được thiết lập từ các cam kết quốc tế của Bắc Kinh. Thời hạn 50 năm cũng không phải từ trên trời rơi xuống hay do Trung Nam Hải ban cho, mà là thỏa thuận chính thức giữa hai quốc gia. Bất kỳ hành vi nào trong thời hạn 50 năm này đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố chung luôn phải được xem là vi phạm cam kết quốc tế.
Đến đây, chúng ta xem xét điểm thứ ba, liên quan đến những nghĩa vụ cụ thể của nhà nước Trung Quốc mà tuyên bố đưa ra. Ở điểm này, người Anh hoàn toàn không tồi trong kỹ năng lập pháp.
Cụ thể, trong Phụ lục I, một loại thành tố rất quan trọng để hiểu và giải thích nội dung của một điều ước quốc tế theo Công ước Vienna, cả hai quốc gia thống nhất 14 điểm mà chính phủ Trung Quốc phải bảo đảm trong hệ thống pháp luật quốc nội liên quan đến Hong Kong với các nội dung tiêu biểu gồm:
(1) Vị trí pháp lý của Hong Kong trong Hiến pháp Trung Quốc: Tuyên bố chung trực tiếp xác định trách nhiệm của Quốc hội Nhân dân Trung Hoa là phải công nhận Hong Kong có tư cách Đặc khu Hành chính.
(2) Xác định trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc trong việc tôn trọng hiệu lực của các đạo luật, văn bản pháp lý được áp dụng ở Hong Kong trước năm 1997. Mọi sửa đổi của hệ thống pháp luật này phải do cơ quan lập pháp riêng biệt của Hong Kong tiến hành. Từ đây, Tuyên bố xác định thẩm quyền và vai trò của cơ quan lập pháp Hong Kong.
(3) Xác lập các nguyên tắc đảm bảo tư pháp độc lập của Hong Kong và tòa có thẩm quyền phúc thẩm cuối cùng phải là tòa Hong Kong.
(…)
(12) Xác định trách nhiệm độc quyền của chính phủ Hong Kong trong bảo vệ trật tự trị an của Hong Kong. Đặc biệt hơn, Tuyên bố chung không cho phép quân đội Trung Quốc can thiệp vào vấn đề nội bộ của chính quyền Hong Kong.
(13) Sau khi loại trừ tất cả khả năng can thiệp của Bắc Kinh vào nội bộ Hong Kong, Tuyên bố chung đặt trách nhiệm cho chính quyền Hong Kong trong việc bảo vệ quyền tự do và sự an toàn của công dân Hong Kong cũng như những người sinh sống tại Hong Kong bao gồm: quyền tự do cá nhân, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do thành lập liên đoàn lao động, tự do biểu tình, tự do bãi công – bãi khóa, v.v.
Đây là câu hỏi rất khó trả lời.
Trong một chuyến thăm tới Hong Kong ngay sau khi ký Tuyên bố chung, Thủ tướng Anh khi đó là bà Margaret Thatcher khẳng định với giới lãnh đạo Hong Kong rằng: “Anh quốc có quyền lên tiếng về bất kỳ sự vi phạm nào với Trung Quốc sau năm 1997. Chúng tôi sẽ không ngần ngại làm chuyện đó”.
Tuy vậy, cũng như hầu hết các điều ước quốc tế khác, Tuyên bố chung không ghi nhận rõ các biện pháp xử lý và giải quyết tranh chấp nếu một bên vi phạm nghĩa vụ của mình. Tình trạng này thường được gọi là khuyết điểm thực thi trong công pháp (the lack of enforcement mechanism of international law).
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh bó tay trong việc phản đối hay thậm chí tạo sức ép bắt buộc Trung Quốc (và cả chính quyền Hong Kong) chịu trách nhiệm cho việc vi phạm Tuyên bố chung.
Người viết tạm thời chia khả năng và mức độ can thiệp của Vương quốc Anh làm hai trường hợp:
Trường hợp đầu tiên, nếu Bắc Kinh không can thiệp quân sự hoặc sử dụng các biện pháp vũ lực khác, chính quyền Hong Kong là người vi phạm nghĩa vụ của Tuyên bố chung. Thật vậy, như đã đề cập trong Phụ lục I của Tuyên bố, điểm 13 quy định rõ chính quyền Hong Kong có trách nhiệm bảo vệ các quyền dành cho công dân Hong Kong, tuân thủ theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Với thực trạng cảnh sát Hong Kong đang lạm dụng quyền lực, không bảo vệ được (hoặc cố tình không bảo vệ) người biểu tình và để xảy ra tình trạng cảnh sát bạo hành, Anh có thể đệ trình vụ việc lên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, hay yêu cầu Hội đồng Nhân quyền hoạt động theo ICCPR can thiệp bằng thủ tục can thiệp khẩn cấp. Tuy nhiên, thủ tục này chỉ có giá trị bắt buộc quốc gia thành viên phải nộp báo cáo khẩn cấp và giải trình cho Hội đồng.
Trong trường hợp thứ hai, nếu Bắc Kinh thật sự đổ quân vào Hong Kong hoặc hạ lệnh cho các trại lính Trung Quốc bên trong Hong Kong sử dụng vũ lực, người viết cho rằng hành vi này không khác mấy với việc vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực (prohibition of the use of force) trong công pháp quốc tế , được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Dù Hong Kong là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, chính Bắc Kinh đã cam kết sẽ không can thiệp quân sự hay can thiệp vũ lực vào nội bộ của Hong Kong trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Theo người viết, cam kết này có sức nặng không thua kém với nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, bởi mục tiêu cuối cùng của Tuyên bố chung là bảo vệ quyền tự quyết (self-determination right) của người Hong Kong – ít nhất là trong thời hạn 50 năm.
Nếu việc sử dụng vũ lực quân sự diễn ra, Vương quốc Anh hoàn toàn có đủ quyền và nghĩa vụ để mang vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong trường hợp thật sự cần thiết, lực lượng quân đội Anh hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các chiến dịch sơ tán, cứu trợ nhân đạo và bảo vệ người dân Hong Kong. Tuy nhiên, người viết loại trừ khả năng Anh và đồng minh phương Tây sẽ thật sự dồn lực can thiệp vũ trang vào Hong Kong để đối kháng với quân đội Trung Quốc.
***
Hiển nhiên, người viết nhận ra khả năng Anh sẽ can thiệp vào Hong Kong là rất thấp. Nước Anh đang còn bận bịu với Brexit, và nền kinh tế quốc dân của người Anh cũng không dư dả giàu có để đầu tư vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài như xưa. Ngải Vị Vị, nghệ sĩ lừng danh người Trung Quốc, dù lên tiếng ủng hộ Hong Kong, cũng thừa nhận khả năng Vương quốc Anh làm gì đó vượt qua mức “bày tỏ quan ngại” là rất khó.
Ông than thở: đừng quên rằng Bắc Kinh đã dùng xe tăng để san bằng các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn. Họ biết rằng phương Tây sẽ không can thiệp khi họ vẫn còn muốn làm ăn như mọi khi. Đáng tiếc, người viết cũng phải đồng ý sự bi quan của ông.