Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chúng ta thật đáng xấu hổ khi đã tạo ra những con vật bình đẳng hơn những con vật khác.
Hôm 12/9, nhà báo Phạm Đoan Trang nhận giải Tự do Báo chí hạng mục Impact (Lan Tỏa) của tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Gần tròn 10 năm trước, vụ bắt cóc và giam giữ cô trong chín ngày của công an Việt Nam đã góp phần tạo nên Đoan Trang của ngày hôm nay.
Trong đoạn phim ngắn năm phút được phát ở buổi lễ trao giải: Đoan Trang hát và không nói gì về bản thân mình. Cô chỉ nói về cái đất nước, nơi mà cô đang trốn chạy công an trên đôi chân đã không còn lành lặn của mình.
Cũng trong hôm đó, nhà văn Phạm Thị Hoài công bố một bài phỏng vấn với một nhà văn đã qua đời, ông Hoàng Ngọc Hiến, nguyên hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du. Ông Hiến trả lời nhiều câu hỏi của Talawas, một tạp chí trực tuyến đã ngừng hoạt động mà trước đó là nơi để các trí thức bất đồng chính kiến giao lưu tự do và bị chính quyền ghét cay ghét đắng. Bài phỏng vấn có tựa đề là “Cái nước mình nó thế”. Câu cảm thán đó lập lại nhiều lần trong bài phỏng vấn. Câu nói đó đã nổi tiếng và lan rộng trong giới văn chương Việt Nam. Tôi cảm thấy câu nói đó có thể kết luận cho tất cả chuyện dị hợm ở đất nước này để không cần phải đào sâu hơn nữa, hoặc có đào sâu hơn nữa thì cũng thế thôi.
Đoan Trang không nói như vậy, theo thiển ý của tôi, ý của cô là, “cái nước của tôi như thế này này…”. Cái nước tôi có gần 1.000 tờ báo nhưng chỉ có đúng một ông tổng biên tập. Cái ông đó là Trưởng Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cái đất nước tôi có 20.000 nhà báo đeo thẻ nhưng cũng có đến một nghìn người bị tống vào tù vì nói lên chính kiến của mình trong những thập kỷ qua. Cái đất nước tôi trừng phạt những người nói lên sự thật còn không thì những người đó cũng phải trốn chui trốn nhủi.
Những năm qua, Đoan Trang đã trở thành một nhà báo của những người yêu tự do. Họ thấy cô đang nói tiếng nói của họ, nói thay cho họ. Tiếng nói mà họ đã muốn cất lên từ lâu nhưng lại sợ hãi vì nếu làm như vậy thì ngày mai công an có thể xuất hiện trước cổng nhà họ.
Cô khác hẳn với những người cầm bút “trong khuôn khổ”. Họ đứng đó, thật tội nghiệp, chờ đảng ban phát cho con chữ và tiếng nói của mình. Có bao giờ họ dùng con chữ của mình để tranh đấu cho nhân dân?
Một vài người trong số họ có thể nói “cái nước mình không cần thứ tự do đó”, nhưng họ có quyền gì mà nói như vậy? Trong thâm tâm họ có khao khát thứ tự do đó hay không?
Đoan Trang nói trong đoạn phim như nói với những người có ý nghĩ đáng sợ trên: “Chúng tôi có cái mà họ không có. Chúng tôi có một niềm khao khát công lý và sự thật. Chúng tôi hết mình cho sự thay đổi. Và chúng tôi có hy vọng. Vâng, chúng tôi có hy vọng. Hy vọng rằng Việt Nam sẽ thay đổi và sớm trở thành một nền dân chủ, một đất nước tự do và dân chủ, nơi mà những nhà báo như tôi, như chúng tôi được đi đến bất kỳ nơi nào trên đất nước này, không phải là để trốn chạy công an mà là để lắng nghe những tiếng nói chưa được lắng nghe, để kể những câu chuyện chưa được kể, để mang thông tin và kiến thức đến với mọi người.”
Nhiều người nói rằng Đoan Trang rất xứng đáng khi được trao giải thưởng đó. Tôi không thấy như vậy. Cô không hề xứng đáng một tí nào. Cô không xứng đáng để chiến đấu với lực lượng công an hung hãn và nhan nhản khắp mọi nơi. Cái lực lượng đó ở bên cạnh chúng ta trong quán cà phê, trên mạng xã hội và có thể theo chúng ta vào trong giấc ngủ. Và hơn hết, cô không xứng đáng để gánh trên đôi vai nhỏ bé của mình nỗi bất lực của chúng ta.
Cô xứng đáng như bao người Việt Nam khác xứng đáng. Cô xứng đáng được tự do đi lại. Cô xứng đáng được giao lưu trực tiếp với mọi người. Cô xứng đáng được an toàn. Cô xứng đáng được ổn định chỗ ở. Cô xứng đáng để không phải lo sợ công an. Cô xứng đáng để sống yên vui với gia đình mình. Và như bao người Việt khác, cô xứng đáng được hưởng một nền dân chủ và tự do.
Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ tạo nên Đoan Trang của ngày hôm nay mà chúng ta cũng đã góp bàn tay của mình vào đó.
Trong bao năm qua, chúng ta đóng thuế để chính quyền đàn áp thứ tự do mà chúng ta đang khao khát. Trong bao năm qua, chúng ta nuôi chính quyền để họ tàn độc với một người phụ nữ như Đoan Trang rồi chúng ta vui mừng khi cô được trao giải. Trong bao năm qua, chúng ta đã ủy quyền cho một chính phủ khinh thường nhân dân điều hành đất nước.
Đoan Trang nói trong đoạn phim, dẫn lời George Orwell trong “Trại súc vật”: “Như các bạn biết đấy, trên thực tế: Mọi con vật đều bình đẳng, song một số con vật bình đẳng hơn những con khác”.
Chúng ta chính là những người đã tạo nên những con vật bình đẳng hơn đó. Chúng ta thật đáng xấu hổ.
Không, chúng ta không thể nói “cái nước mình nó thế” nữa. Không thể nói vậy để mà tặc lưỡi cho qua, để xem một vở bi hài kịch mà chính chúng ta là nạn nhân (một vở kịch không biết đến bao giờ mới hạ màn). Đã đến lúc trả lại cho Đoan Trang những gì cô ấy xứng đáng, những gì con em chúng ta xứng đáng: một đất nước dân chủ và tự do.