Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Trong cuộc vận động dân chủ vô tiền khoáng hậu của người dân Hong Kong năm nay, có một lực lượng đặc biệt chưa từng xuất hiện ở những phong trào trước đó.
Khác với đa số người Hong Kong thuộc kiểu “hòa lý phi” (hòa bình, lý trí, phi bạo lực), nhóm “dũng vũ” này chủ trương sẵn sàng sử dụng vũ lực đáp trả chính quyền.
Họ là những người bị truy đuổi đàn áp khốc liệt nhất trong số những người biểu tình. Họ cũng là hình ảnh được “vinh danh” trên những chiếc loa kèn tuyên truyền của Bắc Kinh, xem đó là tiêu biểu cho “bản chất phá hoại” của phong trào.
Họ đồng thời cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong chính nội bộ những người tham gia biểu tình, vì lo sợ các hành động cực đoan, ăn miếng trả miếng này làm mất đi tính chất hòa bình, mất đi sự ủng hộ của người dân trong lẫn ngoài nước.
Nhiều người, công khai hay âm thầm, trách họ hữu dũng vô mưu, không có đầu óc, dễ dàng bị kích động, rơi vào những chiếc bẫy chính trị, là cái cớ để chính quyền tăng cường đàn áp khốc liệt phong trào.
Trong số những nhóm “dũng vũ”, có một nhóm còn nhỏ hơn và gây tranh cãi hơn nữa. Nhóm này dường như không theo chiến thuật phổ biến của lực lượng tiền tuyến là “thủ” (dựng chướng ngại vật giữ trận địa) và “lui” (khi cảnh sát chống bạo động càn quét).
Thay vào đó, họ chủ động “công” có mục tiêu lẫn mục đích, và không ngần ngại mặt đối mặt với cảnh sát.
Những người “dũng vũ của dũng vũ” này được gọi bằng cái tên “đội Đồ Long”.
Tờ Stand News (Lập Trường) của Hong Kong đã phỏng vấn một nhân vật trong đội Đồ Long này nhằm phác họa ra chân dung của họ – những người biểu tình cùng lúc là trung tâm, lại thường xuyên bị gạt ra ngoài lề phong trào.
Người ta bắt đầu chú ý nhiều đến nhóm Đồ Long khi họ gây ra các vụ tấn công đập phá những cửa tiệm ở khu Tsuen Wan vào ngày Chủ nhật 25/8.
Nhìn qua thì đó là những hành động phá hoại không mục đích. Nhưng như George (tên giả), thành viên của đội Đồ Long giải thích, họ hoàn toàn chủ ý nhắm đến những cửa tiệm trên.
“Hôm 12/8, bọn xã hội đen cầm vũ khí núp từ trong những cửa tiệm này phục kích sẵn, tấn công người biểu tình. Chúng tôi nhớ rõ những vị trí này và cố tình nhắm đến nó.”
George cho rằng nguồn cơn của đợt tấn công trên tất nhiên là đến từ sự kiện khủng bố của băng xã hội đen nhắm đến người biểu tình tại ga tàu điện ngầm tối 21/7 và những đợt tập kích riêng lẻ như chém người vào ngày 5/8. Tuy vậy, anh không cho rằng đó là hành động “trả đũa”.
“Bọn xã hội đen chém bị thương người khác, cảnh sát ngó lơ không xử lý. Chúng tôi chỉ là làm thay việc mà cảnh sát phải làm.”
Nhưng không phải người biểu tình nào cũng đồng ý với hành động “dùng vũ lực chống bạo lực” như vậy.
Thậm chí vào tối 25/8, khi nhóm Đồ Long tấn công các cửa tiệm, đã có người nghi ngờ liệu họ có phải là “quỷ” (từ trong tiếng Quảng Đông dùng để chỉ “nội gián”) do cảnh sát cài vào cố tình vu oan giá họa cho phong trào. Đặc biệt trong bối cảnh từ giữa tháng Tám, cảnh sát đã công khai thừa nhận sử dụng chiến thuật cài người trà trộn vào nhóm biểu tình để tiến hành bắt giữ.
George khẳng khái không quan tâm việc người ngoài nghĩ gì, và cũng chắc chắn đội của mình không có “quỷ”. Anh tự tin rằng sự nghi ngờ chỉ trích chỉ đến từ những người xem qua mạng đọc qua tin, còn những ai có mặt ở hiện trường đều hiểu những gì nhóm anh làm.
“Những người biểu tình ở hiện trường chẳng ai nghi ngờ chúng tôi, vì chúng tôi có mặt để bảo vệ họ, chống lại cảnh sát. Chỉ cần có mặt tận nơi, ai cũng có thể phân biệt được đâu là người đâu là quỷ.”
Anh nói như đinh đóng cột, “không tin, cứ việc tự ra hiện trường thì biết.”
Một trong những đặc điểm nổi bật của phong trào biểu tình ở Hong Kong lần này là phi-lãnh-đạo. Thay vì có một đầu mối tập hợp, những người biểu tình tự tổ chức các “tiểu đội” qua các mạng xã hội, công cụ liên lạc như Telegram, Whatsapp…
George tiết lộ đội Đồ Long có khoảng vài chục thành viên, so về số lượng nhiều hơn các tiểu đội khác, nhưng các thành viên không ai quen biết ai, và bình thường cũng không thường xuyên giữ liên lạc.
Chỉ ở trên hiện trường, họ mới nhận ra nhau qua các phương thức liên lạc và dấu hiệu riêng.
Cũng giống như sự ngẫu nhiên tập hợp của những kẻ xa lạ, sự ra đời của đội Đồ Long cũng hoàn toàn tình cờ.
Khi nhóm xã hội đen chém người vào tối 5/8 rồi bỏ trốn, một số người biểu tình tình nguyện đi tuần khắp khu vực, rảo qua rảo lại suốt đêm cho tới sáng, cho dù họ biết xác suất tìm ra những kẻ gây tội ác gần như bằng không.
Những ngày sau đó, các thành viên tình nguyện này tự nhiên tập hợp lại cùng nhau tiếp tục việc đi ra tuyến đầu để bảo vệ những người biểu tình khác.
Là một tập hợp ngẫu nhiên, nhưng đội Đồ Long có tiêu chí riêng của họ: các thành viên toàn bộ phải là nam, có sức mạnh thể chất. Họ từng từ chối các thành viên nữ xin gia nhập, với lời giải thích có thể sẽ khiến một số nữ trung hào kiệt nổi giận, “nói thật, con gái dễ trở thành gánh nặng.”
Nhưng lý do cho sự từ chối đó lại rất thực tế và thể hiện đúng tôn chỉ “bảo vệ người khác” của những thanh niên này.
“Tôi nể sự quyết tâm và dũng cảm của các bạn nữ, nhưng họ không thể ra tuyến đầu.” George nhắc đến việc đã liên tiếp xuất hiện những lời tố cáo cảnh sát cố tình làm nhục những phụ nữ tham gia biểu tình bị bắt giữ, buộc họ phải cởi hết quần áo để lục soát mà không có lý do chính đáng nào, “rất nhục nhã, hoàn toàn không dành cho người ta một chút tôn trọng nào.”
Anh cho rằng nữ giới một khi tham gia biểu tình sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn nam giới, đặc biệt khi bị bắt giữ và gặp phải cảnh sát lạm quyền như trên.
Ngoài việc chỉ toàn nam, đội Đồ Long còn có một “đặc điểm” khác: gần như các thành viên đều có xuất thân từ những gia đình đổ vỡ, hoặc quan hệ trong gia đình rất lạnh nhạt.
Bản thân George lớn lên trong một gia đình đơn thân, tự lập từ sớm, và cũng rất ít khi liên lạc với người nhà.
“Những người như chúng tôi, trưởng thành hơn, độc lập, biết nghĩ. Còn gia đình thì có cũng được không cũng được, chẳng cần thiết lắm. Cũng buồn chứ, nói ra như vậy.”
“Mà càng vì vậy – George nói – tôi càng sẵn sàng hi sinh cho ngôi nhà Hong Kong này. Những người có năng lực như chúng tôi mà không ra mặt, không lẽ để cho tụi nhỏ phải gánh trách nhiệm.”
Nói xong, George cười sảng khoái. Tiếng cười giòn tan của cậu thanh niên trẻ khiến người ta nhớ ra việc anh chỉ mới 21 tuổi, cái tuổi mà trong mắt rất nhiều người, cũng chỉ là “tụi nhỏ” giống vậy.
Ngay cả cái tên “Đồ Long” (giết rồng), nghe qua là biết để đối chọi với biệt danh “Tốc Long” của đội cảnh sát đặc nhiệm chống bạo động, cũng chỉ là “cái tên gọi chơi cho vui thôi”. Nó bắt nguồn từ ý tưởng của một thành viên, nhắc đến tên bộ phim hài nổi tiếng của Châu Tinh Trì, “Đào học uy long”, kể về các học sinh quậy phá chống lại bọn khủng bố quốc tế.
George tất nhiên không nghĩ mình là tụi nhỏ. Anh cũng không xem mình là người trưởng thành.
“Những người trưởng thành có gia đình riêng, phải lo tiền thuê nhà, lo nuôi các miệng ăn, đám chúng tôi thì không có những nỗi lo này.”
Tuy không phải lo những chuyện “trưởng thành” đó, những người như George không phải không có gì để mất.
Anh đã quyết tâm nghỉ việc để toàn tâm toàn ý “đấu tranh”. Lý do rất giản dị, “cảm giác tội lỗi”, khi có một lần vì bận công việc, anh không đến dự một sự kiện chiếu phim của phong trào phản kháng, và kết quả những người tham gia ở đó bị tập kích tấn công.
“Nếu lúc đó tôi có mặt thì đã ngăn được chuyện này.”
Tự tin vậy?
“Tôi rất tự tin vào thể chất và khả năng chiến đấu của mình.”
Bỏ công việc cố định để dành thời gian cho phong trào đấu tranh, George xuất hiện ở khắp nơi, kể cả những sự kiện hòa bình như các buổi chiếu phim, trang trí các bức tường Lennon, để bảo vệ những người biểu tình “hòa lý phi”.
Trong mắt những người biểu tình, những người như George là “dũng sĩ”. Trong mắt của chính quyền, của những người thuộc phe “bảo hoàng”, và đặc biệt là trong chiếc lưỡi bò khổng lồ của truyền thông cộng sản, những người như anh lại là minh họa điển hình cho “phế thanh” (đám thanh niên bỏ đi): bị kích động, vô công rỗi nghề, gia cảnh kém, suốt ngày lang bạt đi phản kháng.
George gạt phăng, “công việc tôi làm, mỗi tháng lương gần 30.000 đô-la Hong Kong (gần 4.000 đô Mỹ), đám bỏ đi nào làm được vậy? Toàn nhảm nhí.”
Nhưng có một thứ mà những người như George đã sẵn sàng “bỏ đi”.
Họ đều sớm viết sẵn di chúc.
Di chúc đó không phải dành cho gia đình, mà để dành cho “những người bạn yêu hòa bình ngồi nhà xem mọi thứ qua tivi.”
Thật khó tưởng tượng một người được dán nhãn “cực đoan” (radical) như George, chỉ mới hơn hai tháng trước vẫn còn là một “hòa lý phi” đúng nghĩa.
Các cuộc biểu tình hòa bình với hàng triệu người tham gia vào tháng 6 anh đều có mặt.
Nhưng phản ứng của chính quyền và hành xử của cảnh sát khiến anh thay đổi tất cả.
Ngày 12/6, lần đầu tiên cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình. George tận mắt chứng kiến đạn hơi cay bay đầy trời, “rất thê thảm, nhiều người nằm dưới đất lăn lộn, không thở nổi, tội nghiệp lắm.”
Những ngày tiếp theo, chính quyền tiếp tục dửng dưng xem thường yêu cầu thay đổi của người dân, cảnh sát thì không ngừng nâng cấp “đối thọi”.
Nó khiến George “giác ngộ”, không bận tâm đến những chỉ trích về phương thức đấu tranh của mình.
“Chúng tôi muốn đánh thức càng nhiều người hơn nữa, muốn họ bỏ đi giới hạn trong đầu mình.”
Lẽ nào chống lại ác quỷ, bắt buộc ta phải biến thành ác quỷ?
“Đối phương đã bỏ đi giới hạn lẫn đạo đức, tại sao chúng ta lại để đạo đức với giới hạn khóa tay khóa chân mình?”
Những người như George tự bỏ đi giới hạn, tự “nâng cấp” hoạt động của mình.
Từ những “vũ khí” ban đầu là chai nước, là chiếc dù, đến viên gạch lát đường, đến cây sắt, từ việc phòng thủ rút lui đến việc chủ động tấn công, liệu các bạn có còn tiếp tục nâng cấp?
“Có, ví dụ trong trường hợp cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình.”
Anh không nói rõ mình sẽ “nâng cấp” kiểu gì trong trường hợp trên. Nhưng qua các hành động chủ động tấn công “căn cứ” của nhóm xã hội đen, người ta không khó tưởng tượng ra sự leo thang này sẽ đến đâu.
George không ngây ngô đến mức nghĩ rằng mình đủ sức đấu lại chính quyền.
“Đây là đang đánh trận”, nhưng anh hiểu rõ, một khi cảnh sát dùng đến súng đạn thật, “trận chiến” này không có cách nào đánh nổi.
“Ừ, nhưng vẫn phải đánh. Tôi thà chết chứ không chịu ngồi tù mười mấy năm.”
Anh cũng hiểu rõ “kẻ thù” của mình là ai.
“Nếu có lựa chọn, chẳng ai muốn đi đến bước đầu rơi máu chảy cả. Bây giờ chỉ là người Hong Kong đang đánh người Hong Kong.”
Trong số bạn bè của George, có cả cảnh sát, thân thiết đến mức “nếu lấy vợ sẽ kiếm nó làm phù rể”.
Nhưng kể từ khi phong trào phản kháng của người Hong Kong bắt đầu, anh em bạn bè cũng từ mặt nhau. “Nó đã chọn con đường của nó rồi. Mọi người chỉ còn gặp nhau trên chiến trường thôi. Chẳng cần phải nói nhiều làm gì.”
—
Dưới con mắt của chính quyền đặc khu, những thanh niên như George là thủ phạm muốn “phá hủy Hong Kong”. Dưới con mắt của chính quyền Bắc Kinh, họ là những kẻ hoang tưởng định “bắt cả Hong Kong làm con tin”.
Một chính quyền giả câm giả điếc trước những yêu cầu của người dân, dùng cảnh sát để trấn áp họ, ngồi trốn trong các tòa nhà nguy nga, bình thản ngắm xung đột không ngừng leo thang, lại có thể bảo người dân là thủ phạm phá hủy đất nước.
Một đảng độc tài cầm tù hàng tỷ người dân suốt 70 năm, bưng bít sự thật, bịa đặt dối trá, quyết tâm không để người dân được tự do lên tiếng, càng không để họ tự do lựa chọn, lại cho mình tư cách để phán xét người dân dám “đe dọa” đất nước.
“Chính các người đã dạy tôi rằng biểu tình hòa bình chẳng được cái gì”, câu nói này được sơn lên cây cột lớn trong Tòa nhà Quốc hội Hong Kong vào ngày 1/7, khi người biểu tình đột nhập vào đây.
Đó cũng là điều mà những người như George đã “học được” từ thứ chính quyền như vậy.
Trước khi gặp gỡ, người ta tưởng tượng những “dũng vũ” như George chắc sẽ phải nói những lời kích động thù hận ghê gớm, hoặc ít nhất là thể hiện một sự nông nổi bộp chộp như cách nhiều người hình dung về họ, những “con gián chỉ biết làm loạn”.
Chân dung thật về họ là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Những thanh niên này tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng trải nghiệm về cuộc sống thì không hề hạn hẹp.
Họ cũng không dễ bị kích động, xỏ mũi, hoặc ít nhất, không phải kiểu não phẳng, không biết suy nghĩ. Họ chủ động lựa chọn việc mình làm, và hiểu đầy đủ tất cả những hậu quả có thể có.
Họ biết rõ lựa chọn của mình không phải là tốt nhất, nhưng đó là lựa chọn khi đã “tuyệt vọng”, bị “bức đến đường cùng”.
“Ban đầu tôi cũng không muốn thấy có bất kỳ ai phải bị thương. Tôi vốn dĩ cũng chỉ muốn biểu tình hòa bình mà thôi.”
Bạn sẽ trách ai, một chính quyền ép người dân đến bước đường cùng, hay những người bị ép phải nổi dậy?
Đừng trả lời vội.
Đây là cách đặt vấn đề điển hình kiểu “câu hỏi dẫn dắt” (leading question), cộng thêm với lựa chọn “chỉ được chọn một trong hai” (dichotomy).
Những cách đặt vấn đề như vậy không bao giờ dẫn đến sự thật, lại càng không bao giờ dẫn đến một giải pháp có ý nghĩa nào.
Michael Kadoorie, đại diện cho gia tộc Kadoorie nổi tiếng, vào tuần trước đã đăng một thư ngỏ trên các tờ báo lớn ở Hong Kong.
“Tôi đã nhiều lần nói rằng những người trẻ tuổi là tương lai của Hong Kong. Chúng ta không thể để cho họ rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm gầy dựng lại niềm tin trong cộng đồng, tạo dựng lại hy vọng cho thế hệ trẻ.”
Kadoorie là một trong những gia tộc có ảnh hưởng lớn ở Hong Kong. Họ là những người Do Thái, đặt chân đến thành phố này từ 140 năm trước. Gia tộc Kadoorie làm chủ tập đoàn CLP, một trong hai doanh nghiệp kinh doanh về điện lớn nhất của Hong Kong, có mạng lưới rộng khắp châu Á.
Trong cơn bão chính trị tồi tệ nhất của thành phố này kể từ năm 1997, nhà Kadoorie cũng lên tiếng như nhiều doanh nhân tại đây.
Nhưng khác với nhiều doanh nghiệp lớn, chịu sức ép từ Bắc Kinh, buộc phải đồng thanh ủng hộ chính quyền, phản đối các hành vi “trái pháp luật”, gia tộc Kadoorie nhận phần trách nhiệm của mình trong đó.
Stephen Shiu, nhà truyền thông kỳ cựu của Hong Kong đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho phong trào. Là một người chủ trường hòa lý phi, phản đối mọi hình thức đấu tranh dùng vũ lực, ông biết những hành động vũ lực của người biểu tình, cho dù “nâng cấp” đến đâu, cũng chỉ như trứng chọi đá, không thể đọ lại với một chính quyền có nguồn lực khổng lồ gần như vô hạn, lại chẳng từ bất kỳ thủ đoạn nào áp bức dân.
Nhưng ông cũng khẳng khái chia sẻ với những người như George, “cho dù các bạn với những hành động của mình kéo Hong Kong đến bờ hủy diệt, kể cả hủy diệt hết những thứ mà bản thân tôi nhiều năm gây dựng, tôi cũng không trách các bạn.”
Ông biết là xét tới cùng, những con người trẻ tuổi này đang tuyệt vọng.
Những người như nhà Kadoorie, như Stephen Shiu, có lẽ nhìn thấy được hình ảnh của chính mình qua chân dung của những con người tuyệt vọng đó.
Họ biết soi gương.
Đó cũng là thứ mà mỗi người có lương tri đều làm được, và đều nên làm.
Quay lại câu hỏi “trách ai” ở trên, bạn có thể vứt nó qua một bên.
Thay vì hao tốn tâm trí suy nghĩ, tranh cãi cho bằng được rồi hả hê “thả like câu tim”, bạn có thể đơn giản tìm một chiếc gương, nhìn thẳng vào đó và tự hỏi.
“Mình đã làm gì để thế giới này không còn những cảnh người ép người?”