Khi Tây Nguyên không còn là nhà

Gần hai thập kỷ, người Thượng vẫn không ngừng tháo chạy khỏi Tây Nguyên vì sự truy bức của chính quyền Việt Nam.

Khi Tây Nguyên không còn là nhà
Chân dung bốn trong số hơn 500 người Thượng vượt biên đến Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Thịnh Nguyễn.

Ngồi với tôi trong căn nhà trọ chật hẹp ở Bangkok, Nay Them, gương mặt phờ phạc, vừa trở về sau khi rảo qua văn phòng của các tổ chức phi chính phủ và Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Lại một ngày nữa, anh bập bẹ nói tiếng Anh để tìm cách cứu người vợ đang bị cảnh sát Thái Lan tạm giam hơn một năm qua.

Ba năm trước, từ ngôi nhà nhỏ ở xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, Nay Them và gia đình vượt biên đến Thái Lan qua một cửa khẩu ở Hà Tĩnh thông sang Lào.

Nay chưa bao giờ có một cuộc sống bình yên ở Tây Nguyên. Cuộc đời anh lại càng khốn đốn hơn khi lấy vợ rồi cải đạo sang đạo bên nhà vợ là đạo Tin Lành. Ôm đứa con gái hai tuổi vào lòng, Nay kể với tôi về những người Thượng bị chính quyền đàn áp ở quê mình mà chính anh cũng là nạn nhân.

Ia Piar là một xã cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hơn 80 cây số. Sáng hôm đó, 19/4/2008, là một ngày đặc biệt, dân làng không đi rẫy như mọi hôm. Họ sẽ đi biểu tình tại trụ sở của Uỷ ban nhân dân xã với băng-rôn đã được chuẩn bị từ mấy ngày trước.

Dân làng ở xã Ia Piar muốn chính quyền thả những người bị bắt vì biểu tình, trả lại đất đai đã bị lấy của họ và cho người dân tự do theo đạo Tin Lành. Người dân đã lên sẵn kế hoạch, và chính quyền cũng vậy.

Chưa đến được UBND xã, dân làng bất thình lình chạm mặt với nhóm côn đồ cầm gậy gỗ. Chẳng nói chẳng rằng, họ thẳng tay vụt gậy vào dân làng. Ai chạy được thì thoát, ai không chạy được thì bắt về đồn công an huyện. Nay Them nào có đi biểu tình, anh vừa mới đi chợ về nhưng cũng bị bắt.

Trong hội trường của công an huyện, người Nay bị công an buộc dính vào ghế. Dây điện trói chân anh vào chân ghế, hai cánh tay bị buộc vòng ra phía sau ghế, không thể cựa quậy được dù chỉ là một centimet.

Có rất nhiều viên công an đi lại xung quanh Nay. Chuyện gì đến thì cũng đến. Nay hứng từng cú đạp và bạt tai. Họ dùng dùi cui phang thẳng vào đầu anh như thể họ đã có thù oán với anh từ đời nào. Ghế ngã đến đâu anh lăn đến đấy. Dựng ghế lên, anh lại bị đánh tiếp. Những người cầm dùi cui không thấy anh là đồng bào của họ nữa.

Không có một màn dụ dỗ ngọt ngào nào, hoặc là chiến thuật đó không dành cho một người dân tộc Jrai (còn gọi là Gia Rai) như Nay. Anh đâu có biết gì về những câu hỏi của công an: “biểu tình để làm gì, ai cho tiền đi biểu tình, người biểu tình trốn ở đâu…” nhưng công an vẫn cứ đánh. “Thằng này cứng đầu lắm, phải đánh nó mới khai”, họ nói với nhau.

“Cả bộ đội, công an thường phục, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông ai thích thì đánh. Sau có thằng công an kia đi qua đi lại, cầm dui cui đánh thẳng vào mũi tôi”, Nay nói. Sau cú đánh như trời giáng đó, máu phun ra từ mũi anh, Nay ngất đi trong đau đớn với đôi mắt đã sưng vù.

Anh tỉnh dậy tại trại tạm giam vào ngày hôm sau. “Đau ê ẩm, mắt bị bầm, sưng, không mở được. Vẫn ngồi được nhưng không mở được mắt. Không ăn được gì trong 5 ngày”, Nay nhớ lại.

Khu vực xã Ia Piar, cách UBND tỉnh Gia Lai hơn 80km, cách Công an huyện Phú Thiện khoảng 17 km. Ảnh: Chụp màn hình.

Trong lúc Nay Them bị đánh ở đồn công an huyện Phú Thiện, ở trong rừng sâu, anh rể của Nay, Siu Wiu, mới chính là người tổ chức cuộc biểu tình. Siu là một người Jrai thấp người nhưng vạm vỡ, nước da ngăm đen đặc trưng của người Thượng ở Tây Nguyên, đôi mắt sắc lẹm như mắt cú mèo.

Người công an nào trong huyện cũng biết Siu Wiu. Anh đi trại cải tạo năm 2004 cũng vì tổ chức biểu tình. Năm đó, anh đã gặp hơn 180 người sắc tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai, đang cải tạo trong đó. Từ bảy giờ sáng đến sáu giờ tối, họ phải bốc mía lên xe tải, xây nhà, làm đủ thứ, vừa làm vừa bị đánh, “người trẻ hay già đều bị đánh bằng cán cuốc”, Siu nói.

Siu kể hơn một lần anh phản đối cán bộ đánh người: “Chúng tôi vào đây không phải vì trộm cắp mà vì đất đai, vì tôn giáo, các anh đối xử với chúng tôi như thế là đúng hay sai?”. Sau hai năm cải tạo, Siu về nhà với số tiền 160.000 đồng do trại cấp, “vừa đủ đi xe về đến nhà, không dư một đồng để ăn cơm”.

Hai năm ở trại cải tạo chỉ làm cho Siu nhận ra người sắc tộc thiểu số như anh đang bị ức hiếp thực sự. Gia đình theo đạo Tin Lành của Siu Wiu đã tan tác vì những cuộc biểu tình, bắt bớ, trải cải tạo và nhà tù.

Rời khỏi trại năm 2006, lúc này cha anh, Nay Bro, đã đi tù được hai năm theo bản án bảy năm vì phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc vào năm 2004.

“Bị theo dõi hằng ngày, làm ăn thì họ không cho. Đất đai thì họ [chính quyền] lấy đi. Đất ruộng là bốn sào, họ lấy đi ba sào, còn lại sào mấy”, Siu nói về nỗi bức xúc khiến anh dẫn dân làng biểu tình trước trụ sở UBND xã Ia Piar, huyện Phú Thiện – Nay Them tuy không tham gia nhưng vì là em rể của anh nên cũng bị bắt.

“Để thuyết phục người dân biểu tình thì mình nói về sự thật – họ cũng mất đất, họ cần mình nên họ cũng đi. Họ thiệt hại về đất đai, vì chính quyền đàn áp, vì tôn giáo. Họ cũng có những họ hàng, chồng đã đi tù vì lý do tôn giáo. Chính quyền nói là tự do thông tin, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp trong Hiến pháp là như thế. Thực tế mình đứng lên thì họ bắt, tra tấn”, Siu kể bằng giọng đầy uất ức.

“Chuẩn bị băng-rôn, đòi tự do tôn giáo, thả những người biểu tình, trả lại đất cho người dân. Từ làng đi biểu tình đi bộ khoảng hai cây số với khoảng 100 người. Đi giữa đường thì bị chặn đánh. [Họ] bắt vợ tôi đi tù khoảng 10 ngày”, anh thuật lại kết quả của cuộc biểu tình.

Một tháng trốn trong rừng làm Siu quá vất vả. Một buổi chiều, anh quyết định chạy về nhà tìm đồ ăn thì bị bắt trên đường về. Mọi thù oán của công an đều trút lên anh trong lần bị bắt này. “Họ bắt tôi khoảng bốn giờ chiều. Họ lấy dây buộc võng, buộc hai chân vào ghế rồi đánh. Họ đánh tôi ra máu tai, máu mũi. Mồm sưng, mắt không mở được, tai thì tụ máu bên trong. Họ nói là điều trị thằng này đã rồi đánh tiếp”.

Nay Thêm được thả về nhà sau khi anh rể bị bắt, anh vẫn không quên những người đã đánh anh nói như thay cho lời xin lỗi: “Họ nói: tôi biết anh không biết nhưng tôi sợ anh giấu nên tôi đánh anh trước”.

Mấy tháng sau, Siu lãnh án 10 năm tù giam vì tội phá rối an ninh vào cuối tháng 12/2008.

Tây Nguyên qua lời kể của Nay Them, Nay Bro và Siu Wiu là một nhà tù lớn cho bất kỳ người sắc tộc thiểu số nào muốn đòi quyền tự do tôn giáo và quyền đất đai. Càng xa xôi như ngôi làng của họ thì chính quyền kiểm soát càng chặt chẽ và dường như không có luật pháp nào tồn tại.

Siu Wiu và cha anh, Nay Bro, không có một luật sư bào chữa nào. Các phiên tòa xét xử lưu động của họ nhằm tuyên truyền với quần chúng hơn là bảo đảm quyền được xét xử công bằng. Và chưa bao giờ họ được tự do kể cả khi rời khỏi nhà tù.

Ra tù năm 2011 cho đến khi hết hạn quản chế thì ông Nay Bro tiếp tục bị nghi ngờ âm mưu tổ chức biểu tình. Ông bị bắt giam hai tuần sau khi thăm một người bạn của mình ở Hải Phòng. Công an tình nghi ông cấu kết với người bạn đó để kích động người dân Tây Nguyên.

“Đến ngày 25/8/2015 thì công an lại muốn bắt [tôi] nữa. Họ đến nhà thì lúc đó tôi đi rừng bẻ măng. Lúc đó tôi về thì nghe bà xã kể có năm đến sáu người công an vào nhà, nói với vợ tôi là ngày mai thì đừng cho tôi đi đâu vì cán bộ muốn gặp. Không được chết trong tay cộng sản, thà chết trong rừng còn tốt hơn”, ông Nay kể. Ông lấy vội quần áo, dặn con gái là bố mẹ đi chăm bạn ở bệnh viện sẽ không về mấy ngày tới. Ông dẫn theo vợ trốn liền trong rừng 11 ngày.

“Chạy sang rừng ở Đắk Lắk. Chạy xa lắm, khoảng 140km. Nếu mình ở Gia Lai thì bị bắt rồi. Ngày thì ở trong rừng, đêm thì đến chòi người ta để ngủ”, ông kể.

Vượt biên đến Thái Lan

Những người Thượng bị đàn áp như ông Nay Bro không tin vào điều mà nhiều người ở đồng bằng hay nói: “Không làm gì sai thì công an sẽ thả người”. Kinh nghiệm ở tù nói với ông rằng: “Đã đi tù một lần, nếu mà nó bắt lần thứ hai nữa thì chắc không về được nữa. Mình có thể chết trong rừng cũng được nhưng không thể ở tù một lần nữa.”

Nay Them giúp bố mẹ vợ đến Sài Gòn, rồi từ đó hai người được một người dẫn đường đã được thuê từ trước đưa cả hai vượt biên đến Thái Lan vào đầu tháng 9/2015.

Vượt biên là lối thoát duy nhất để không bị chính quyền truy bắt và nhập trại cải tạo, trại tù. Từ đầu những năm 2000, người Thượng đã vượt biên đến Campuchia để tránh bị chính quyền truy bắt sau những cuộc biểu tình khổng lồ. Thái Lan hiện là nơi có nhiều người Thượng tị nạn nhất.

Anh Siu Wiu và cha mình, Nay Bro, đứng trước căn nhà sàn của mình ở ngoại ô thủ đô Bangkok vào tháng 7/2019. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.

“Người Thượng” là từ ngữ được người Pháp dùng khi cai trị Việt Nam để chỉ những người bản địa ở Tây Nguyên với hơn 20 sắc tộc khác nhau. Họ sống ở núi rừng Tây Nguyên khi người Kinh còn chưa đặt chân đến. Người Êđê, Jrai, Bana đông hơn những sắc dân còn lại như K’ho, Sedang, Stiêng, Mạ, v.v.

Ngày nay, danh xưng “người Thượng” đã biến mất trong văn bản của nhà nước như Sài Gòn bị xoá tên sau năm 1975. Họ được gọi chung là “người dân tộc thiểu số”.

Sau khi bố mẹ vợ đã vượt biên thành công, công an biết được Nay Them đã giúp bố mẹ trốn chạy từ một người bị bắt khác. Anh bị bắt vào tháng 11/2016. Công an buộc Nay phải lựa chọn hoặc anh kêu gọi bố mẹ vợ trở về hoặc anh sẽ bị truy tố với ít nhất hai năm tù giam – “tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.

Một lần nữa, vượt biên là lối thoát duy nhất của Nay. Anh dắt vợ, hai con và em vợ trốn đến Thái Lan sau khi được tạm thả. Lệnh truy nã anh được phát đi từ đó.

Một tháng trước, tôi gặp Nay Them và tám người trong gia đình bố mẹ vợ anh ở khu tị nạn nằm ở ngoại ô Bangkok. Siu Wiu đến Thái Lan sau cùng khi vừa mãn hạn tù vào năm 2018. “Nếu anh không sang đây đằng nào họ cũng bắt. Họ xuống liên tục. Họ nói là anh bị quản chế ba năm, muốn đi đâu thì phải báo cho họ. Vẫn sinh hoạt tôn giáo ở nhà, không được đi làng này làng khác. Đi lễ làng này làng kia”, Siu nói.

Nay Them cầm trong tay những chiếc thẻ cấp cho những người xin tị nạn do Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn tại Bangkok cấp. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.

Gia đình Siu Wiu và Nay Them ở không xa khu mua sắm náo nhiệt West Gate, quận Bang dai, tỉnh Nonthaburi. Đó là một khu vực mà tôi không thể tự mình bắt Grab đến được. Một người Jrai tên Sen Nhiang đón tôi ở trạm tàu điện rồi đưa tôi về khu tị nạn. Cái nắng tháng Bảy như rang cả hai chúng tôi trên đường về.

Sen cùng vợ và ba đứa con (hai gái, một trai) ở trong một phòng trọ 20 mét vuông, không có bàn ghế, chỉ có một cái đệm mỏng, một cái quạt máy, một cái bếp gas, quần áo, sách vở của ba đứa con, một cái tủ lạnh trống huơ trống hoác và một cái thánh giá bằng gỗ đặt trang trọng ở một góc phòng. Trước nhà, vợ anh đang dệt một chiếc khăn thổ cẩm để tặng cho những người Việt hải ngoại trợ cấp gạo cho cộng đồng của mình. Đã gần một năm nay, Sen không có việc làm như phần đông người tị nạn ở đây. Đứa con gái lớn nhất 14 tuổi của anh vừa gãy tay phải xin tiền ủng hộ từ nhiều nơi để chữa trị.

Sen Nhiang và vợ trong căn nhà trọ cho năm người trong gia đình của anh ở Thái Lan. Ba đứa con của anh đang được đi học miễn phí. Ảnh: Victor/Luật Khoa tạp chí.

Nói về tình trạng của những người Thượng ở Thái Lan, cô Grace Bui, một luật sư Mỹ đã nghỉ hưu, nói khu vực tôi đến đang có hơn 500 người Thượng, bao gồm khoảng 120 trẻ em, chưa tính những người sắc tộc thiểu số từ miền Bắc Việt Nam.

“Thái Lan chưa ký Công ước Liên Hợp Quốc năm 1951 về vị thế của người tị nạn do vậy người Thượng dù được UNHCR công nhận là tị nạn thì họ vẫn là người cư trú bất hợp pháp. Họ không được phép làm việc, cảnh sát có thể bắt và phạt rất nặng, cả chủ và người làm thuê”, cô Grace cho biết.

Trong bốn năm qua, cô Grace đã trở nên thân thiết đối với cộng đồng tị nạn ở đây. Cô giúp người Thượng ở đây nhận gạo, nhu yếu phẩm do người Việt hải ngoại ủng hộ, vận động các tổ chức phi chính phủ, Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) trong những trường hợp cần thiết, như có người bị cảnh sát bắt giữ.

Sen nói sống ở Bangkok tuy thiếu thốn với những bữa cơm toàn rau nhưng anh được tự do theo đạo Tin Lành. Nếu bị cảnh sát bắt thì anh sẽ không bị hành hung như ở Việt Nam. Tháng Tám năm ngoái, cảnh sát Thái đã bố ráp một dãy nhà trọ ở đây, bắt hơn 130 người Thượng.

Người Thượng tị nạn ở Campuchia có một cuộc sống khác hơn. Một người Ê-đê tên Y Rin Kpâ, từng đi tù 10 năm ở Việt Nam vì biểu tình, gọi cho tôi qua Facebook bằng giọng tiếng Việt lơ lớ nói anh đang ở cùng 27 người Thượng khác, bao gồm bảy trẻ em dưới 14 tuổi.

Anh nói cảnh sát Campuchia đang giám sát mọi người rất chặt chẽ. Anh và những người tị nạn sống bằng sự hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền trợ cấp ít ỏi của UNHCR. Y Rin nói mọi người đang lo sợ chính quyền Việt Nam sẽ tìm mọi cách để thuyết phục chính phủ Hunsen trục xuất họ về Tây Nguyên, như một gia đình ba người đã bị cưỡng bách hồi hương vào tháng 6/2019.

Giải thích vì sao những người Thượng tị nạn không muốn quay về Việt Nam, anh Evan Jones, điều phối viên Mạng lưới Quyền Tị nạn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Refugee Rights Network) nói với Luật Khoa:

“Việt Nam đã quá nổi tiếng với việc trừng phạt những người hồi hương bằng án tù, sách nhiễu, đe dọa và hành hạ thân thể. Việc giữ liên lạc với những người trở về là rất khó khăn. Điều này có thể cho thấy rằng họ đã bị chính quyền trả thù sau khi hồi hương”, Jones nói. Anh cũng ước tính rằng ở Thái Lan và Campuchia đang có khoảng 500 người Thượng đang xin tị nạn.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có bốn điều luật nhằm truy tố những người liên quan đến tội vượt biên trái phép. Mức án tù thấp nhất là một năm tù giam nếu phạm tội “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” (điều 349). Hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam nếu phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của tội “trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (điều 121).

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch, một tổ chức phi chính phủ đã quan sát về tình hình nhân quyền ở Tây Nguyên gần 20 năm qua, không lạc quan về tình hình người Thượng tị nạn.

“Việt Nam đang gây sức ép để chính phủ Thái Lan trục xuất người Thượng về nước. Ở Bangkok và các tỉnh lân cận, người Thượng sống trong tình cảnh khó khăn, làm những công việc được trả lương thấp, gặp những vấn đề về tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho chính họ và những đứa con. Quan trọng hơn hết, họ không biết tương lai của mình sẽ như thế nào, và liệu có an toàn hay không”, Phil quan ngại.

“Ở Campuchia, sức ảnh hưởng của chính quyền Việt Nam đối với nước này còn hơn ở Thái Lan nên để bảo vệ người Thượng tị nạn ở đây còn khó hơn. Các quan chức của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, các nhà ngoại giao ở Bangkok và Phnom Penh đại diện cho các chính phủ tiếp nhận người tị nạn cần phải nỗ lực gấp đôi để bảo vệ người Thượng và chống lại nỗ lực của Việt Nam muốn cưỡng bách họ hồi hương”, ông Phil nói.

Mặc dù vậy, nhưng số người Thượng vượt biên đến Thái Lan vẫn ngày càng nhiều. Anh Sen Nhiang nói, “tổng số người Thượng hiện tại đang tăng. Tháng trước, có 20 người mới đến Đắk Lắk. Đợt vừa rồi, không đủ gạo để phát cho mọi người”.

Cả hai đại sứ quán của Việt Nam tại Thái Lan và Campuchia đều từ chối nói về tình hình người Thượng. Ở Thái Lan, Đại sứ quán không trả lời email, fax và điện thoại của chúng tôi. Tại Campuchia, một nhân viên hữu trách tên Ngọc nói anh ta không có trách nhiệm trả lời về tình trạng người Thượng ở thủ đô Phnom Penh.

Người Thượng vượt biên khi tiếng Anh thì không biết, tiếng Việt thì lơ lớ, tiếng Thái lại càng không. Những người xin tị nạn này mất nhiều thời gian hơn thông thường để vượt qua các thủ tục của UNHCR thì mới được công nhận là người tị nạn, rồi lại chờ đợi để một nước thứ ba cho họ tái định cư. Cơ hội tái định cư của mỗi gia đình rất khác nhau và dường như rất may rủi.

Bà Jennifer Harrison, phát ngôn viên của UNHCR ở Bangkok, cho biết, mỗi năm chỉ có 1% người tị nạn trên thế giới được đi tái định cư. Bà nói mình không thể tiết lộ về tổng số người Thượng đang xin UNHCR cấp quy chế tị nạn.

“UNHCR luôn ủng hộ việc không trao trả những người tị nạn và người xin tị nạn – những người đã được công nhận và cần sự bảo vệ của quốc tế – về quốc gia mà họ đã ra đi để tránh sự truy bắt, dựa trên nguyên tắc không cưỡng bách hồi hương”, bà Jennifer cho biết.

Mất hết ở quê nhà

Trân trọng sự trù phú của núi rừng để duy trì cuộc sống, có thể nói người Thượng đã giữ rừng ở Tây Nguyên từ bao đời qua. Những cánh rừng đó lại được phục vụ cho nhu cầu không có giới hạn của người Kinh. Chiếc giường hay chiếc ghế trong nhà của chúng ta có thể đã đến từ những rừng cây ở Tây Nguyên.

Người bản địa cũng đã hy sinh những mảnh đất tốt nhất để đón những di dân từ miền Bắc sau khi đất nước bị chia cắt thành hai miền năm 1954, rồi những đợt di cư đi kinh tế mới ở Tây Nguyên sau năm 1975 kéo dài đến những đợt di cư tự do vào cuối những năm 1990.

Ngày nay, khu vực Tây Nguyên gồm năm tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Kon Tum. Tây Nguyên có diện tích khoảng 54 nghìn km vuông, chiếm khoảng 16,4% diện tích cả nước. Ảnh: East West Center.

Tuy đã đánh đổi như thế nhưng người bản địa mà tôi gặp ở Thái Lan nói họ phải rời bỏ quê hương của mình vì bị chính quyền áp bức. Trước hết là không cho họ tự do theo đạo Tin Lành và sau là lấy đất của họ – nguồn sống duy nhất của các cộng đồng sắc tộc thiểu số ở đây.

Sau năm 1975, Tây Nguyên không còn là vùng đất huyền bí khi luật tục bị chính quyền xóa bỏ. Ngay từ lúc nhỏ, Nay Them đã được nghe “từ giáo viên dạy học, đến UBND xã, họ nói là tục bỏ mả, làm lễ cầu mưa, đâm trâu là phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Họ đi tuyên truyền cho các già làng để từ bỏ phong tục cổ xưa”, anh nói.

Lạ thay, khi người dân từ bỏ tín ngưỡng truyền thống thì chính quyền lại bắt họ khôi phục trở lại. “Sau năm 2000 đến năm 2004, họ muốn khôi phục những phong tục đó để hạn chế theo đạo Tin Lành. Họ nói đó mới là phong tục của Tây Nguyên còn Công giáo và Tin Lành theo đạo Pháp, đạo Mỹ”, Nay nói. Từ lúc nhỏ, Nay Them đã thấy chính quyền đi thu Kinh Thánh và đánh giáo dân nhưng anh không hiểu vì sao.

“Tôi không thích nhà thờ quốc doanh. Mục sư truyền đạo không phải là tín đồ hay do hội thánh bầu ra mà do chính quyền đưa ra nên mọi người không thích”, Nay nói. Vì bị chính quyền cấm đoán cầu nguyện nên Nay nói mọi người chỉ tập trung cầu nguyện vào đầu tháng nhưng cũng rất khó khăn. “Đầu tháng, anh em trong làng lén lút để cầu nguyện chung với nhau ở nhà Chấp sự trưởng. Đến ngày Chủ nhật công an sẽ đi đến tất cả các nhà, nếu mà họ thấy thì ngày hôm sau họ sẽ bắt mình lên đồn công an huyện và công an xã. Công an nói tôn giáo này không cho phép tập trung, tụ tập, cứng đầu cầu nguyện thì bị đánh là phải”, anh kể.

Nay đã thử một lần đến nhà thờ quốc doanh nhưng họ không đón tiếp anh, “mình đến nhà thờ quốc doanh thì luôn luôn bị tín đồ trong đó bị khinh bỉ, soi mói, họ nói mình từng phạm tội chống phá nhà nước, bị phân biệt đối xử”, anh cho hay.

Mục sư Thân Văn Trường, người từng giúp đỡ một số gia đình người Thượng vượt biên đến Thái Lan nói vào những năm 2000 các nhóm Tin Lành tư gia phát triển mạnh mẽ ở Tây Nguyên. “Những nhóm này có sự quan tâm đến nhân quyền là vì họ bị chính quyền chèn ép trong nhiều năm trên nhiều phương diện như thủ tục hành chính, đất đai, v.v. Họ có nhu cầu chia sẻ với nhau qua sự liên kết về tôn giáo”, ông giải thích.

Những tín đồ bị chèn ép và phải sinh hoạt tại tư gia như Nay Them không phải là ít ở Tây Nguyên. Số tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên đã tăng khoảng 432% từ 1975 đến năm 1999 với tổng số 228.618 tín đồ [1]. Đến đầu năm 2002, tỉnh Gia Lai chỉ công nhận hai mục sư, trong khi đó, số tín đồ theo đạo Tin Lành của tỉnh này là khoảng 100.000 người [2].

Những người cộng sản vô thần nhìn sự liên kết của các tín đồ theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên như một mối nguy cho chế độ. Năm 1999, chính phủ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải thành lập Ban Chỉ đạo 184 để trấn áp tín đồ theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và miền Tây Bắc.

Sau khi thực hiện kế hoạch đóng dấu tối mật có tên 184B, ban chỉ đạo đã nói về thành công của mình: “Chúng ta đã triệt phá và đánh đuổi bọn FULRO [United Front for the Liberation of Oppressed Races – tạm dịch là Mặt trận giải phóng các sắc tộc bị áp bức] và những nhóm phản động, ở một vài nơi các nhà thờ Tin Lành đã bị đóng cửa… Sau một vài năm thực hiện các biện pháp đấu tranh với đạo Tin Lành như dừng các hoạt động tôn giáo, giải tán ban trị sự của các chấp sự, giáo dục các giáo sĩ trong các trại cải tạo, đóng cửa các nhà thờ, trấn áp mạnh mẽ các hoạt động tôn giáo chưa được cấp phép, đe dọa tinh thần quần chúng để họ từ bỏ tôn giáo” [3].

FULRO là một mặt trận vũ trang đấu tranh để đòi lại quyền tự trị ở Tây Nguyên từ chính quyền Sài Gòn. Họ chiến đấu chống lại chế độ Việt Nam Cộng hòa và Việt Cộng. Mặt trận này đã tan rã sau khi cầm cự một thời gian dài trong một căn cứ ở Campuchia. Những thành viên của FULRO và gia đình họ được tái định cư ở Mỹ vào cuối năm 1992.

Trở lại Tây Nguyên cuối những năm 1990, chính quyền kiên quyết trấn áp mạnh mẽ người sắc tộc thiểu số theo đạo Tin Lành. Nhưng càng trấn áp thì người bản địa càng thấy rõ sự phân biệt đối xử mà họ đang chịu. Với họ, tôn giáo là thứ không thể mang ra thỏa hiệp.

Ba nhà nghiên cứu Neil L. Jamieson, Lê Trọng Cúc, A. Terry Rambo trong một báo cáo được công bố đặc biệt năm 1998 đã dự đoán về những ngòi nổ ở Tây Nguyên, và thực sự chúng đã bùng nổ thành những cuộc biểu tình vào đầu năm 2001 kéo dài đến năm 2008.

“Rất nhiều người vùng cao bắt đầu thấy họ nghèo và chậm tiến. Họ cảm thấy mình thấp kém hơn người miền xuôi, người nước ngoài, kể cả còn kém những sắc tộc đến từ miền núi phía Bắc”, các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo. “Thiếu tiền, thiếu thức ăn, thiếu quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ công (giáo dục, y tế, thông tin), họ có nguy cơ mất hết tài nguyên quý giá nhất của mình: sự tự tin và lòng tự tôn. Họ không chỉ thiếu tiền và thiếu một vài thứ hàng hoá trong cuộc sống. Rốt cuộc, vùng cao luôn luôn kém về kinh tế so với vùng đồng bằng. Vấn đề là ngày càng có nhiều người ý thức được rằng họ nghèo” [4].

Đầu năm 2001, hàng nghìn người Thượng từ rẫy lên thành phố biểu tình. Chính quyền phải huy động xe tăng, ra lệnh giới nghiêm, cắt đường dây điện thoại, sử dụng quân đội với vũ trang hùng hậu để dẹp những cuộc biểu tình khổng lồ.

Để hạ nhiệt ở Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc từng góp ý với Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là người phụ trách khu vực Tây Nguyên, nên cải cách về đất đai cho những người bản địa, tuy nhiên, ông Dũng không nghe. Dưới bàn tay sắt của ông, số phận của những người biểu tình là lao động cưỡng bức trong các trại cải tạo và bị giam cầm trong các nhà tù.

Sau năm 2001, chính quyền cho rằng các thành viên từng tham gia FULRO và một tổ chức tôn giáo do những người này thành lập là Tin Lành Đề Ga đã kích động các cuộc biểu tình ở Tây Nguyên. Cho đến ngày nay, Tin Lành Đề Ga và FULRO vẫn là lý do chính để chính quyền đẩy những người bản địa bất đồng chính kiến vào nhà giam.

Ở khu tị nạn Thái Lan, tôi đã cố gắng tìm hiểu về Tin Lành Đề Ga nhưng không ai biết hay có liên hệ với tổ chức tôn giáo này. Mục sư Thân Văn Trường cho biết nhiều lần ông hỏi những mục sư người Thượng ở Tây Nguyên nhưng không ai còn biết về Tin Lành Đề Ga.

Kpă Hùng, một người Bana, 44 tuổi, đã bị bắt ba lần vì chính quyền cho rằng anh theo FULRO và Tin Lành Đề Ga. Kpă nói với tôi anh đã mất hết niềm tin vào chính quyền sau lần thứ ba đi tù với bản án 12 năm.

Ba lần đi tù đối với anh là quá đủ để vượt biên. “Biểu tình minh bạch muốn chính quyền Việt Nam biết sửa sai về vấn đề tham nhũng. Nhưng họ không bao giờ chịu thay đổi”, Kpă nói. “Chiến tranh hay thời bình chúng tôi luôn luôn tiếp đón khách tử tế. Mà cuối cùng người khách lại muốn xoá sổ chúng tôi.”

Kpă Hùng trong một ngôi làng ở Campuchia, nơi anh và gia đình đã tạm lánh một năm bảy tháng trước khi vượt biên đến Thái Lan. Ảnh: Cambodia Daily.

Đương nhiên, ông Nguyễn Tấn Dũng – người chống lưng cho dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên – vẫn duy trì chính sách khắc nghiệt đối với Tây Nguyên trong hai nhiệm kỳ làm thủ tướng của ông.

Một cựu nhân viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nói rằng Tây Nguyên là khu vực “rất nhạy cảm” trong chính sách tôn giáo, sắc tộc từ phía nhà nước. Vị này cho biết từ trước đến nay, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chỉ can thiệp gián tiếp vấn đề ở Tây Nguyên qua các kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát và các chuyến thăm của các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc.

Vấn đề đất đai đã trở nên phức tạp sau hàng loạt chính sách sai lầm ở Tây Nguyên. Từ các dự án thuỷ điện khổng lồ, các nông lâm trường quốc doanh bạt ngàn, các binh đoàn quân đội làm kinh tế thuần tuý đến các doanh nghiệp xin thuê đất để đốn gỗ lậu đã nuốt phần lớn đất đai của người dân bản địa. Các quy định trong Luật Đất đai 2003 rồi đến Luật Đất đai 2013 không thể giải quyết tình trạng đất đai của những người bản địa đang bị thiệt thòi ở Tây Nguyên.

Một chuyên gia giấu tên với 10 năm kinh nghiệm làm về đất rừng nói rằng vấn đề đất đai ở Tây Nguyên đến nay đã rất phức tạp. Ông cho hay ở một số khu vực tỷ lệ tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai chiếm đến 90%. Tranh chấp đất đai đa dạng diễn ra giữa người Thượng với nhà nước, với doanh nghiệp, với người Kinh và với những người dân tộc di cư.

“Đồng bào Thượng ở thế quá yếu, đất đai không có đầy đủ bằng chứng pháp lý để đấu tranh, cơ chế lấy đất không đền bù thỏa đáng. Họ không được đảm bảo về cơ chế đất đai theo luật tục, và kể cả không có quyền thỏa thuận về giá cả. Đồng bào bản địa thì không muốn tranh chấp; bị chèn ép quá thì họ lùi dần vào rừng tự nhiên thì lại đụng với nhà nước”, ông nói.

Các gia đình người Thượng mà tôi gặp ở Bangkok đều nói họ không còn đất đai hoặc còn rất ít, cũng không đủ vốn để trồng những loại cây có giá trị cao nên chỉ cố cầm cự qua ngày.

Trẻ em dưới sự truy bức

Trong một căn nhà sàn bằng gỗ cũ kỹ mà mỗi bước chân đều phát ra tiếng cót két, một nhóm phụ nữ người Jrai đang vẽ lại cảnh họ vượt biên bằng màu nước. Trước mặt tôi, Jen một thiếu nữ Jrai, 20 tuổi, đang dịch từng lời hướng dẫn của một hoạ sĩ người Mỹ cho mẹ mình và những người phụ nữ khác.

Jen mới đến Thái Lan gần một năm nay. “Jen” là tên em sử dụng khi đi học tiếng Anh tại một trung tâm hỗ trợ người tị nạn ở Bangkok. Em muốn tôi dùng tên này để tránh sự uy hiếp của chính quyền Việt Nam. Ở Tây Nguyên, nhà Jen ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, một xã có đông người Jrai vượt biên đến Thái Lan.

Ngồi ngay trên sàn nhà, mẹ Jen đang tô lại cảnh chị bị lạc con gái út hai tuổi ở cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Lào. Để qua được cửa khẩu, chị được người dẫn đường bảo trốn trong hầm xe buýt, còn đứa con gái theo ông ta qua cửa khẩu. Đến khi qua được cửa khẩu, ra khỏi hầm xe, thì chị khóc ngất vì chẳng thấy đứa con gái và người dẫn đường ở đâu. Phải hai hôm sau, người dẫn đường mới mang đứa con gái của chị đến Lào.

Lúc mẹ Jen vượt biên cùng em gái út mình, ở Tây Nguyên, Jen vẫn còn là một đứa trẻ. “Ba chị em tự nuôi nhau. Rất là sợ, tự nhiên không có bố mẹ ở nhà. Lúc đầu mình cũng khóc, hai tháng, ba tháng rồi quen, rồi cố gắng tự lập trong gần ba năm”, Jen kể.

Jen nghẹn ngào nhớ lại lúc mẹ em bỏ trốn đến Thái Lan vì bị công an liên tục tra hỏi tung tích của bố em. “Lúc đầu em không biết mẹ trốn đi Thái Lan. Mẹ chỉ kêu em ở nhà, chăm sóc các em, rồi cõng đứa em út em đi”.

Sau ngày mẹ Jen vượt biên, “lúc đầu công an đến giám sát quanh nhà thôi. Đến khi em đủ 18 tuổi thì họ vô nhà hỏi thăm: bố mày có gọi điện về không, có liên lạc được bố mẹ hay không? Em nói là không, không liên lạc được. Em không dám nói vì sợ họ bắt em. Nhiều trường hợp trong làng, họ đến bắt các thành viên khác rồi giải về đồn đánh đập. Họ mà đến thì ba chị em sợ, ngồi ra một góc, cố gắng che hai đứa em lại”.

“Lúc đó, công an có mời em lên đồn nữa. Họ dọa nếu không kêu bố mẹ em về thì họ sẽ bắt em vô tù thế cho bố mẹ. Họ đòi em phải đưa số điện thoại liên lạc của bố mẹ. Em nói em không có. Em sợ quá nên lúc đầu em còn khai, lúc sau em chỉ ngồi đó khóc. Họ đánh em nữa, họ tát vô mặt, đánh vào đầu, họ mắng để em khai, họ chửi nữa. Tối nào cảnh sát cũng cử người theo dõi quanh nhà, chú hàng xóm thương nên nói là đưa chú ít tiền chú sẽ giúp ba chị em vượt biên”, Jen kể em đã đưa cho người hàng xóm 10 triệu đồng. Đây là tiền “xin của bà nội và tiền hai chị em dành dụm khi đi làm thuê một ngày được 150.000 đồng”.

“Ba giờ sáng hôm đó, chú hàng xóm đưa ba chị em Jen trốn khỏi nhà xuống Sài Gòn đến Bến xe Miền Đông rồi dặn tụi em đứng đó sẽ có người đến đó.  Lúc sau có một người đến, ông ta xúi tụi em đi nhanh nhanh. Sau đó, ba chị em lên xe nhỏ xíu có bốn chỗ với rất nhiều người thì lúc đó em không còn biết gì nữa. Tụi em đi bộ, đi qua đò, đi xe qua đường rừng. Đi ba ngày thì mới đến được Thái Lan”, Jen kể.

Jen mô tả cảnh thất lạc con gái út hai tuổi của mình trên đường vượt biên đến Thái Lan. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.

Sự truy bức đến cùng của công an Việt Nam đã buộc những đứa trẻ như ba chị em Jen đi theo những người không quen biết, lên những chuyến xe xa lạ băng qua những khu vực hẻo lánh. Ba chị em Jen có thể dễ dàng bị bắt cóc, bị bán vào các động mại dâm hoặc trở thành nô lệ lao động – vốn là vấn đề phổ biến đối với những người Hồi giáo Myanmar vượt biên đến Thái Lan.

Chúng tôi cố gắng liên lạc với hai tổ chức hỗ trợ trẻ em ở Việt Nam nhưng đều không được hồi âm.

Với 30 năm làm việc tại Việt Nam, tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) từ chối bình luận về tình trạng của trẻ em bị truy bức trong các gia đình theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tiếp nhận thông tin của Luật Khoa nhưng họ vẫn chưa phản hồi trong nhiều tuần qua. Những năm qua, UNICEF đã viện trợ hàng triệu USD cho chính phủ Việt Nam để bảo vệ trẻ em nhưng hàng năm vẫn có những đứa trẻ theo bố mẹ hoặc một mình vượt biên ra nước ngoài.

Chuyện truy bức người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên chỉ còn là công việc của các tổ chức nhân quyền nằm ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, những tổ chức này cũng rất khó tiếp cận Tây Nguyên vì bị chính quyền Việt Nam cô lập.

Phil Robertson, Phó Giám đốc của Human Rights Watch khu vực châu Á, tin rằng chính phủ Việt Nam đang cố gắng che giấu những vi phạm nhân quyền của họ ở Tây Nguyên.

“Vấn đề là Việt Nam xem những chèn ép đối với người Thượng là vấn đề nội bộ và làm tất cả để cách ly cộng động quốc tế khỏi Tây Nguyên. Thực tế, những gì Việt Nam đang làm với người Thượng rõ ràng là vi phạm nhân quyền và cộng đồng quốc tế đã khá là đúng về những nghi ngờ của họ”.

Ông cho biết thêm chính quyền Hà Nội đã cản trở các tổ chức nhân quyền, Liên Hợp Quốc, các hãng truyền thông quốc tế tiếp cận khu vực Tây Nguyên.

“Bằng cách cô lập khu vực này, Việt Nam hy vọng thế giới sẽ quên đi những phân biệt đối xử trắng trợn và xâm phạm quyền lợi đối với Thượng.

Hơn 20 năm qua, đã có những khoảng thời gian rất khó khăn đối với người Thượng, đặc biệt những cuộc truy bức của chính quyền sau các cuộc biểu tình, nhưng những cộng đồng này rất mạnh và họ sẽ kiên trì trước sự đàn áp của chính quyền”, Phil nói.

Anh A Ga, một tín đồ Tin Lành Đấng Christ ở tỉnh Kon Tum, đã cùng gia đình đến Mỹ sau sáu năm tị nạn ở Thái Lan. Tên anh đến nay vẫn còn nằm trong danh sách truy nã của Bộ Công an Việt Nam. Tháng 7/2019, Aga nằm trong số khoảng 25 nạn nhân bị đàn áp tôn giáo trên toàn cầu gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng.

Theo A Ga, anh được chính phủ Mỹ trợ giúp khi bị cảnh sát Thái bắt giữ để trục xuất về Việt Nam vào tháng 1/2018. A Ga tin rằng vụ bắt giữ anh do chính quyền Việt Nam yêu cầu vì anh là người bị công an Việt Nam truy nã. Sau ba tháng tạm giam, gia đình anh được chính phủ Mỹ đưa sang Philippines rồi đến Hoa Kỳ sau đó. Giờ đây, gia đình anh A Ga đã bắt đầu một cuộc sống mới ở tiểu bang North Carolina – nơi có cộng đồng người Thượng sinh sống.

Không may mắn như A Ga, rất nhiều người Thượng đang bị kẹt lại ở Thái Lan và Campuchia với một cuộc sống thiếu thốn và không biết trước điều gì sẽ xảy ra.

Và biết đâu, trong lúc bạn đang đọc bài viết này, ở đâu đó giữa biên giới Việt Nam với Campuchia hay với Lào, có những người Thượng đang chen chúc nhau trên những chuyến xe buýt vội vã, trốn chạy khỏi Việt Nam.

***

Tài liệu đã trích dẫn:
[1] Số liệu của Uỷ ban Tôn giáo chính phủ, tháng 10, 2000, báo cáo Repression of Montagnards năm 2001 trích dẫn, Human Rights Watch, 2001.
[2] Tài liệu đã dẫn, Repression of Montagnards, mục Repression of Ethnic Minority Protestant.
[3] Directions for Stopping Religion, công bố bởi Center for Religious Liberty của Freedom House vào tháng 11/2000.
[4] Neil L. Jamieson, Lê Trọng Cúc, A. Terry Rambo, The Development Crisis in Vietnam’s Mountain, 1998, East-West Center.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.