‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Bài viết này nằm trong số báo tháng Tư năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF ngày 26/4/2022.
Tan sở vào mỗi chiều thứ Sáu, Mai Thanh Truyết lái xe dọc dòng sông Doubs êm đềm của tỉnh Besancon để đến Paris, nơi anh sinh hoạt hàng tuần với Tổng hội Sinh viên Việt Nam. Trong những lần đi đi về về như thế, chàng thanh niên đưa mắt nhìn qua cửa kính bùi ngùi nghĩ về quê hương.
Anh biết nước nhà đang réo gọi mình. Mười năm xa xứ, kể từ khi tham gia phong trào sinh viên chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, chàng thanh niên đã lấy bằng tiến sĩ về hóa học cơ cấu và có cuộc sống ổn định nơi viễn xứ.
Lời vẫy gọi của quê hương trong những lần đưa mắt nhìn qua cửa kính đã ám ảnh anh, nhưng về nước lúc đó là một quyết định mạo hiểm. Anh em, họ hàng đều khuyên anh không nên về, nhưng anh đã có quyết định của mình.
Ở quê nhà khi đó, chiến tranh đã bao trùm lên khắp miền Nam. Sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ đang rút dần quân, để lại những người lính Việt Nam Cộng hòa giành giật từng ngôi làng với quân Mặt trận Giải phóng. Xác chết nhan nhản ở những vùng ngoại ô hẻo lánh.
Bất chấp sự bấp bênh của cuộc chiến, giáo dục đại học ở miền Nam vẫn đang thay da đổi thịt. Ngoài những trường đại học công lập đang cố gắng Việt hoá chương trình giảng dạy, người ta còn thấy có sự chung tay của một lực lượng khác mà từ sau năm 1975 họ đã bị cấm làm giáo dục, đó là các giáo phái.
Tại Sài Gòn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có hai viện đại học là Viện Đại học Vạn Hạnh (của khối Ấn Quang) và Viện Đại học Phương Nam (của khối Việt Nam Quốc Tự). Giáo hội Công giáo Việt Nam điều hành Viện Đại học Minh Đức tại Sài Gòn và Viện Đại học Đà Lạt.
Vươn ra khỏi Sài Gòn phồn hoa, Phật giáo Hòa Hảo đã khánh thành Viện Đại học Hòa Hảo ở Long Xuyên cho con em miền Tây. Ở Tây Ninh, Cao Đài giáo đã cùng tín đồ xây dựng Viện Đại học Cao Đài gần kề với biên giới Campuchia cho sinh viên nghèo từ các tỉnh miền Trung trở vào.
Trong công cuộc giáo dục hăng hái và can đảm mà những người bạn của mình đang khai mở, Truyết không do dự khi quyết định trở về Sài Gòn đương lúc khói lửa.
Về nước, ông bắt đầu giảng dạy tại Đại học Sư phạm Sài Gòn. Tiếp đến, ông dồn hết tâm huyết để vun đắp cho Viện Đại học Cao Đài vừa mới thành lập vẫn đang thiếu thốn trăm bề. Đó là thời gian vất vả nhưng hạnh phúc vì ông thấy đôi bàn tay của mình đang vun đắp cho quê hương.
Nhưng khoảng thời gian ngọt ngào đó chỉ kéo dài trong hai năm. Sau khi quân cộng sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn, cơn ác mộng giữa ban ngày đã bao trùm lên ông và những giáo sư tài năng khác, những con người đã chọn ở lại quê hương.
***
Thấm thoát đã hơn 40 năm, ông Truyết vẫn nhớ rất rõ khoảng thời gian giảng dạy tại Sài Gòn và Tây Ninh trước năm 1975. Ông cũng không quên mối quan hệ vừa là công việc vừa là bạn bè với ông Võ Văn Kiệt (tại Ủy ban Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh) cho đến ngày ông Truyết vượt biển. Mai Thanh Truyết là một trong những người mà tác giả của “Trăm năm cô đơn”, nhà văn Gabriel Garcia Marquez, đã nhắc đến trong phóng sự về Việt Nam sau chuyến đi vào năm 1979: “[…] trong cuộc tháo chạy hỗn loạn đó, nhiều kỹ sư, giáo sư giỏi mà đất nước rất cần cho công cuộc xây dựng đã ra đi”.
Khi thực hiện bài phỏng vấn này, ông Mai Thanh Truyết đã nghỉ hưu được bảy năm sau khi giữ nhiều chức vụ cao cấp trong các cơ quan xử lý chất thải hàng đầu ở bang California, Hoa Kỳ. Cả trong thời gian làm việc và sau nghỉ hưu, ông đều hướng về quê hương qua các hoạt động hội đoàn và blog cá nhân.
Bài phỏng vấn được thực hiện vào năm 2019, trong nhiều giờ đồng hồ qua điện thoại, khi múi giờ giữa hai chúng tôi lệch nhau đúng 12 tiếng giữa Việt Nam và thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.
***