Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Rừng Amazon vẫn đang cháy. Trước khi ngọn lửa bao trùm các kênh thông tin trên khắp thế giới, rừng cây ở khu vực này trong suốt hàng chục năm qua đã liên tục biến mất.
Theo tốc độ vào tháng 7/2019, tại Brazil, cứ mỗi phút, trung bình một khoảng rừng cây rộng cỡ năm sân bóng đá bị đốn trụi.
Cứ mỗi giây có khoảng 30 cây bị san phẳng.
Nghĩa là tính từ lúc bạn đọc từ đầu bài viết cho đến dòng chữ này, có thể đã có vài trăm cây rừng bị đốn hạ. Và nếu bạn kiên nhẫn đọc một mạch đến hết bài, con số đó đã lên đến chục ngàn.
Số liệu này dựa trên ước tính mật độ cây rừng trong nghiên cứu của một nhóm tác giả công bố vào năm 2003, theo đó mỗi hecta rừng có khoảng 400 đến 750 cây.
Và tất nhiên, một khi san bằng toàn bộ khu vực của rừng để phục vụ cho nhu cầu của con người, không chỉ có cây là nạn nhân, toàn bộ hệ sinh thái động thực vật tại đó cũng bị hủy hoại.
Đó chỉ là câu chuyện ở Amazon, một góc nhỏ của trái đất. Khắp nơi trên hành tinh, cứ ở đâu có rừng, và có người, ở đó lại có người phá rừng.
Được gọi là lá phổi cuối cùng còn sót lại của hành tinh (bản thân điều này đã là một thực tế đáng buồn), không ngạc nhiên gì khi rừng Amazon bị thiêu đốt, cả thế giới lại lên cơn sốt hầm hập.
Nhiều người ở Việt Nam cũng sốt theo.
Những cơn sốt tập thể này không phải là chuyện xấu.
Khi nhà thờ Đức Bà tại Paris bị cháy, nhiều người Việt ở cách đó 10.000 km vẫn cảm thấy đau xót như ngọn lửa thiêu trụi nhà mình.
Gần như ngay lập tức, có những người Việt khác không khỏi bất bình. Họ lập tức chỉ ra thói “đạo đức giả” của những ai không tiếc lời thương cảm cho một công trình kiến trúc ở xa tít tắp, nhưng hoàn toàn ngậm tăm trước những sự kiện ngay trước mắt, như việc nhà thờ Thủ Thiêm hàng trăm năm tuổi luôn bị bắn tiếng đe dọa cưỡng chế đập bỏ suốt nhiều năm nay, hay nhà thờ trăm tuổi Bùi Chu cũng bị dọa đập đi xây mới.
Đến cơn sốt Amazon hầm hập khắp các trang mạng xã hội Việt Nam, nhiều người lại một lần nữa chỉ ra sự thờ ơ của những đồng bào, khi chẳng bao giờ thấy họ lên tiếng về tình trạng cháy rừng ở trong nước.
Thống kê mỗi năm ở Việt Nam có từ hàng chục đến hàng trăm vụ cháy rừng, thiêu rụi hàng trăm đến hàng ngàn hecta. Mới đây thôi, những cánh rừng miền Trung vẫn đang cháy hầm hập suốt ngày đêm, thậm chí lan ra tận quốc lộ.
Số người “hỏi thăm” số phận rừng cây nơi mình sống có lẽ không bằng con số lẻ của hàng trăm ngàn những người Việt đau nhói một lòng hướng về Amazon.
Thoáng nhìn thì hiện tượng này có vẻ trái ngược hoàn toàn với một loại chỉ trích khác dành cho truyền thông và người dân phương Tây.
Vào cuối năm 2015, đầu 2016, khủng bố liên tiếp tấn công Paris và Brussels. Khi các nguồn lực và sự quan tâm đổ dồn vào những sự kiện này, có nhiều người đã chỉ trích thói “đạo đức giả” vì cùng lúc đó, các vụ khủng bố tại Iraq, Pakistan, Lebanon và các nước châu Phi giết hại hàng trăm hàng ngàn người vô tội khác lại chẳng được mấy ai nhắc tới.
Những người chỉ trích yêu cầu tất cả phải dành sự quan tâm như nhau cho mọi nơi, rằng nếu cả thế giới đồng lòng “pray for Brussels” (cầu nguyện cho Brussels) thì cũng phải “pray for Nigeria”, rằng nếu mọi người lan truyền thông điệp “Je suis Paris” (tôi là Paris) để thể hiện sự đoàn kết với người dân Pháp, thì cũng hãy lan truyền “Je suis Lahore” để ủng hộ người dân Pakistan.
Những lập luận này, nghe thì hợp lý, đúng đắn về mặt đạo đức lẫn chính trị, kỳ thực lại rất xa rời thực tế.
Những ai chỉ trích người khác là “đạo đức giả” với lập luận trên, thường dễ ôm trong mình một thứ “đạo đức siêu thực”.
Vì trên thực tế, không ai có thể cùng lúc quan tâm mọi thứ trên đời này, cũng không thể quan tâm mọi thứ như nhau.
Nguồn lực của mỗi người đều có giới hạn, họ buộc phải phân bổ nó theo giới hạn đó.
Người dân các nước phương Tây, một cách tự nhiên và tất nhiên, phải dành sự quan tâm nhiều hơn cho các sự kiện gần gũi với mình.
Sự gần gũi này (proximity) không chỉ về mặt địa lý, mà còn cả ở khía cạnh tâm lý. Bạn tìm thấy sự tương đồng với ai thì sẽ gắn bó nhiều hơn với người đó.
Sự tương đồng này không nhất thiết cứ phải là về mặt địa lý, không gian, hay sắc tộc, màu da, tiếng nói. Nó có thể là những thứ rất trừu tượng không sờ mó, thậm chí không định nghĩa được, như lối sống, yêu ghét, sở thích, hay giá trị sống, mục đích sống.
Điều này đồng thời lý giải nghịch lý “thiên vị ngược” của nhiều người Việt ở trên, khi họ quan tâm tới những thứ xa tít tắp mà có vẻ lờ tịt những chuyện ngay trước mặt.
Đối với họ, những sự kiện xa xôi đó gần gũi về mặt tâm lý, còn những thứ trước mặt thì không gây cảm xúc gì.
Điều đó tốt hay xấu, hạ hồi phân giải.
Nhưng có một điều phải xác nhận, con người được cấu tạo như vậy.
Trong trường hợp của Việt Nam, sự thiên vị ngược này còn trầm trọng hơn khi nó được “bảo kê” qua mức màn kiểm duyệt thông tin hà khắc cùng quyết tâm bóp nghẹt tự do báo chí của chính quyền.
Đa số người Việt tất nhiên quan tâm đến tình hình Amazon hơn khi thông tin về nó được cập nhật dồn dập từng ngày từng giờ trên khắp các trang chủ, còn tình hình cháy rừng trong nước lại bị chìm nghỉm giữa những biển tin. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy thông tin chỉ trích những chính sách của chính quyền Brazil trong việc bảo tồn rừng và khắc phục thảm họa. Còn thông tin chi tiết đầy đủ về các chính sách môi trường, tình hình thực tế và ai là người chịu trách nhiệm cho các thảm họa phá rừng của Việt Nam lại là “hàng hiếm” không dễ tìm.
Vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris được cập nhật đủ mọi góc cạnh, còn thông tin về các nhà thờ tại Việt Nam lại thường thuộc diện “nhạy cảm”, không được phép đưa tin. Những ai cứng đầu dám công khai những vấn đề “nhạy cảm” này đều được chính quyền cùng đội ngũ “dư luận viên” của họ sẵn sàng chụp chiếc mũ “phản động”, “chống phá” lên đầu.
Tương tự với những sự cố xả thải tại Formosa, các hoạt động gây hại môi trường của những nhà máy nhiệt điện… mọi thông tin liên quan đều bị kiểm soát đưa tin theo đúng “chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Trong một hệ thống như vậy, thật khó đổ lỗi hoàn toàn cho người dân nếu họ thường xuyên có chứng viễn thị, chỉ thấy xa mà không nhìn được gần.
Đơn giản vì mọi thứ “nhạy cảm” trước mắt họ đều đã bị bưng bít che phủ bởi một bức màn dối trá khổng lồ.
Xác nhận thực tế này không có nghĩa là buộc phải chấp nhận nó.
Sự phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật và dân trí sớm hay muộn sẽ xé toạc những tấm màn nhung giả tạo, cho dù chúng có lớn đến đâu và dày đến cỡ nào.
Nhưng ngay cả khi Việt Nam có tự do báo chí, tự do thông tin thật sự, việc thiên vị (xuôi lẫn ngược) như trên vẫn sẽ luôn tồn tại.
Ngoài yếu tố gần gũi, tính bất thường, tính hấp dẫn của câu chuyện cũng khiến con người sẽ luôn luôn chỉ thiên vị một số loại thông tin nhất định.
Như trên đã nói, nó không nhất thiết là chuyện xấu.
Từ tai họa xảy đến với người thân của mình, bạn có thể quan tâm hơn đến những người vô tội bất hạnh khác. Từ nhà thờ ở Paris, bạn có thể tìm hiểu thêm về các công trình văn hóa tại Việt Nam. Từ sự cố xả thải tại Formosa, bạn sốt sắng hơn cho các hoạt động bảo vệ môi trường biển. Hay từ những vụ cháy như ở nhà máy Rạng Đông vừa rồi, bạn bắt đầu để mắt chặt chẽ đến yêu cầu giữ an toàn cho môi trường trong những hoạt động sản xuất.
Rồi từ cháy rừng ở Amazon, bạn có thể để ý sức nóng từ những cánh rừng đang bị thiêu rụi ở trong nước. Bạn có thể tham gia và góp tay cho những tổ chức dân sự vẫn đang cố gắng cứu lấy môi trường như Green Trees, hay tham gia vào những hội nhóm xây dựng bảo vệ rừng cây và hệ sinh thái tự nhiên như “Cuộc cách mạng một cọng rơm”…
Hay từ việc theo dõi sát sao phong trào đấu tranh dân chủ ở Hong Kong, bạn có thể bắt đầu quan tâm hơn đến những cuộc vận động chống lại độc tài khác tại các nước châu Phi, Trung Đông, và tất nhiên, là tìm hiểu ngược về những nỗ lực giành dân chủ tự do cho chính người Việt Nam trong nước.
Sự thiên vị chỉ xấu khi bạn dừng lại ở vế đầu mà không đi tiếp đến vế sau.
Sau khi Luật Khoa đăng bài viết dài về tình hình tại rừng Amazon, một bạn đọc đã phản ánh một câu chuyện khác.
Theo tường thuật, trên đường đi làm mỗi ngày, bạn có đi ngang qua con kênh 19/5 tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều năm nay hai bên hàng rào của con kênh đã xuống cấp, rất nguy hiểm cho các phương tiện di chuyển, có thể xảy ra tai nạn phóng thẳng xuống kênh bất kỳ lúc nào. Vì vậy, bạn rất mừng khi thấy vào tháng Sáu vừa qua, công trình thi công cải tạo lại hàng rào được triển khai. Cho đến khi bạn nhận ra hàng rào được xây mới bằng cách đốn bỏ gần như hoàn toàn tất cả hàng cây ven hai bên (chỉ giữ lại một hai cây).
Bạn đã hai lần gửi thư và hình ảnh phản ánh đến một tờ báo lớn, nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào ngoại trừ thư trả lời tự động.
Có vẻ đối với họ, thông tin này không có gì đáng quan tâm. Với vụ cháy rừng Amazon, tờ báo trên cùng vô số báo đài khác của Việt Nam lại dành nhiều thời gian sốt sắng về nó. Bạn đọc không khỏi thắc mắc, vì sao những cây xanh ở ngay trước mắt, trong đô thị vốn dĩ đã rất thiếu mảng xanh, lại không được ai quan tâm bảo vệ?
Bạn đọc cũng nhắc lại một phóng sự đã từng được chính tờ báo lớn kia đăng tải nhiều năm trước, về hành trình khám phá trải nghiệm Bhutan. Trong bài viết, tác giả đã khen hết lời người dân nơi đây khi họ trân trọng tự nhiên ra sao, khi cành cây mọc cong sà xuống giữa đường, thay vì chặt bỏ, người Bhutan đã xây trụ đỡ cho cây, phân luồng xe chạy sang hai bên.
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Có thể những người xây dựng công trình hàng rào kia có ý định sẽ trồng lại hàng cây mới (dù rằng theo phản ánh, toàn bộ lề đường nơi bờ rào đã được lát bê tông).
Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, bạn đọc thắc mắc, vì sao không thể cố gắng giữ lại càng nhiều cây càng tốt?
Mất hàng chục năm để cây từ một mầm non mọc thành cao lớn, tỏa được bóng mát. Cho dù bỏ tất cả tiền của và nhân lực trên thế gian cũng không rút ngắn lại được quá trình tự nhiên này.
Trong lúc chờ đợi những cây mới được trồng lại đó (nếu thật sự người ta chịu trồng lại), chúng ta sẽ hít thở thứ gì? Gạch đá sắt thép có tạo ra được oxy cho con người?
Câu trả lời quá hiển nhiên, nhưng vẫn còn quá ít người đặt ra đúng câu hỏi.
Từ Amazon đến hàng cây nhà mình, cách bao xa, thật ra không quan trọng.
Một ngày nào đó, khi bạn không còn muốn an nhàn trong chiếc giếng của mình, chỉ ăn những thứ được người khác ném vào, chỉ nghe những thứ được vọng xuống, bạn sẽ muốn leo lên, bước ra ngoài và tự đón nhận khám phá cả thế giới theo lựa chọn của chính mình.
Vào ngày đó, bạn có thể bước qua mọi khoảng cách không gian và thậm chí cả thời gian.
Vì sao “ngày nào đó” không thể là ngay hôm nay?