Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Phải chăng tháng cô hồn chỉ là một tháng xui xẻo nên phải cúng để bớt xui?
Ngày nay, ai cũng biết “tháng cô hồn” là tháng âm lịch nào trong năm. Nhắc đến tháng này, người ta thường nghĩ ngay đến những phiền phức, xui xẻo nên ai nấy đều trông cho mau hết tháng.
Thuở nhỏ, bọn con nít xóm tôi rất trông đợi đến rằm tháng Bảy. Vào những ngày đó, trẻ con không phải đi học. Chúng tôi hăm hở chia nhau thành từng băng rồi lân la khắp xóm để giành đồ cúng được các gia chủ “thí” ra trước sân, thường là mía, khoai, cóc, ổi, v.v. Đồ thí ấy thường là những thứ rẻ tiền, dễ nhặt. Nhà có điều kiện thì mới thí tiền thật hoặc phát gạo. Không khí rộn ràng, tưng bừng suốt mấy ngày.
Nhà nghiên cứu Sơn Nam, người miệt mài nghiên cứu văn hoá dân gian, đã mô tả sống động về lễ cúng rằm tháng Bảy ngày xưa như sau: “Ngày [rằm tháng Bảy là ngày] xá tội vong nhân, tương truyền các cửa ngục đều mở ra, người bị giam giữ tha hồ rong chơi, tìm tự do, rồi trở vào ngục. Nhiều người dịp ấy bày cúng đơn sơ, trước sân, với thức ăn đơn giản như: trái cây, mía, bánh ngọt. […] Sau khi cúng, thức ăn được bố thí cho trẻ con, chúng tha hồ giành giựt vì trẻ con được gọi đùa là ‘cô hồn sống’.”[1]
Ngày nay, phong tục mang tính nhân bản khá cao này vẫn được phổ biến rộng rãi nhưng triết lý về nguồn gốc của nó ít nhiều đã bị mai một, có thể do nhà trường không dạy cho học sinh, người trẻ ít quan tâm, hoặc do người lớn hiếm khi giải thích đầy đủ về phong tục đặc biệt này.
Vậy phong tục cúng cô hồn vào dịp rằm tháng Bảy từ đâu mà có?
Người Việt quan niệm thờ cúng tổ tiên, ông bà là truyền thống tốt đẹp xưa nay, thể hiện lòng nhân nghĩa và hiếu thảo của con cháu.
Câu thơ sau của nhà nho Nguyễn Đình Chiểu cho thấy quan niệm đó đã tồn tại từ rất lâu với tinh thần nhân nghĩa của Khổng giáo: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn/ Lòng đây tưởng đó mất như còn”. Sự là thờ phụng. Người mình tin rằng người chết cũng có nhu cầu về vật chất chẳng khác gì người sống nên cần phải đối xử tử tế với người chết. Cúng kiếng, thờ phụng là một trong những phương tiện để đối xử với người chết.[2]
Đến đầu thế kỷ 20, Phan Kế Bính quan sát về niềm tin phổ biến người Việt về sự tồn tại của những linh hồn: “Tục ta tin quỷ thần, cho nên sự gì cũng cho người chết có linh hồn, có tri giác như người sống. Mà dưới âm phủ cũng có kẻ khổ người sướng như trên dương gian. Người có con gái giữ hương hỏa thì hồn phách có chỗ bằng y, người bất hạnh tuyệt tự thì không ai cúng cấp, chắc là phải phiền não ở dưới âm phủ.”[3] Những người bất hạnh đó được gọi chung là “cô hồn”.
Cho đến ngày nay, niềm tin đó vẫn không có gì thay đổi. Các gia đình, nhất là những ai buôn bán, ngoài cúng cho ông bà tổ tiên vào những ngày giỗ, tết, thanh minh… thì còn cúng cho các cô hồn. Người sống hay giúp đỡ những người nghèo, vô gia cư thì họ cũng làm điều tương tự qua việc cúng cô hồn với niềm tin rằng cũng có những linh hồn vất vưởng, không nơi nương tựa đáng được thương xót.
Niềm tin như thế cũng phù hợp với quan điểm của Phật giáo. Theo đạo Phật, con người khi chết đi tuỳ theo những gì người đó đã làm lúc còn sống mà tái sinh vào sáu cõi khác nhau, trong đó có cõi “ngạ quỷ” và “địa ngục”. Những người chết đi mà không may đầu thai vào ngạ quỷ và địa ngục sẽ chịu cảnh khổ đau, đói khát.
Sơn Nam giải thích về ý nghĩa của việc cúng rằm tháng Bảy, như sau: “Ngày [rằm tháng Bảy] tưởng nhớ những người bất hạnh, chết ở ‘đầu bãi cuối gành, hùm tha sấu bắt’. […] Nam Bộ là đất mới khẩn hoang, nhiều người chẳng biết mồ mả của ông nội, ông ngoại, hoặc chú bác ở đâu, thêm những năm chiến tranh dai dẳng, lắm người không đứng hẳn về bên nào cũng chết vì bom đạn, chưa kể đến những tai nạn giao thông đường bộ, đường sông, đường biển gia tăng nhanh, tất yếu, so với những thập niên trước. Ít ra những người không tên tuổi này cũng được nhắc nhở tượng trưng, ‘thương người như thể thương thân’.”[4]
Đi dạo trên các đường phố ở Hội An hay Huế, chúng ta dễ thấy các nhà san sát nhau đồng loạt cúng cô hồn. Họ bày biện chút bánh kẹo hoặc cháo loãng, nhang đèn, muối gạo, cùng với nước hay rượu rồi thắp nhang ngay trước nhà vào chiều tối của ngày đầu hay ngày rằm hàng tháng. Cúng xong, gia chủ đốt vàng mã, đồ cúng thì vứt ngay trước sân – vì tin rằng đó là những đồ ma quỷ đã ăn rồi.
Mặt khác, Đạo giáo của Trung Quốc đã phát triển ở Việt Nam hàng thế kỷ nên phong tục Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo các nghi thức của đạo này. Có không ít danh nhân Việt Nam chịu ảnh hưởng hoặc thực hành đạo giáo như Trần Cao Vân, Phan Xích Long, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v. Theo Đạo giáo, rằm tháng Bảy âm lịch là một trong ba ngày rằm lớn hay còn gọi là “Tết Trung nguyên” cùng với rằm tháng Giêng và rằm tháng Mười, trong dịp này thường tổ chức cúng kiếng và đốt vàng mã.
Ngày rằm tháng Bảy đã trở thành một ngày lễ lớn trong năm có lẽ vì cộng hưởng với dịp lễ Vu Lan của đạo Phật, với sự tích Mục Liên nhờ các sư tụng niệm để cho mẹ được nhẹ tội.
Như vậy, niềm tin sự hiện hữu của linh hồn cùng với sự ảnh hưởng lâu đời của Tam giáo (Phật Giáo, Khổng giáo và Đạo giáo) đã tạo thành phong tục cúng cô hồn vào ngày rằm tháng Bảy.
Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc là những nơi mà người dân đốt vàng mã rất phổ biến.
Với niềm tin rằng người chết cũng có những nhu cầu vật chất như người sống và hai thế giới đó cũng giống như nhau. Do đó đốt vàng mã đã trở thành một phần trong việc thờ cúng tổ tiên, ông bà của khá nhiều gia đình.
Thông thường, bằng việc đốt vàng mã – mô phỏng các đồ dùng từ các nguyên liệu nhẹ, dễ cháy như tre, giấy – người sống cho rằng mình đã gửi những vật phẩm cho người quá cố sử dụng ở thế giới bên kia. Đã đốt cho ông bà, tổ tiên của mình thì cũng đốt luôn cho cô hồn, nhưng thường ít hơn, đơn giản hơn.
Cho đến bây giờ, trong những dịp cúng đón ông bà vào ngày giỗ hay Tết, gia đình hay phân công tôi viết tên những người quá cố vào những tờ giấy nhiều màu sắc, mô tả các đồ dùng như quần áo, giày dép, lược, bút… rồi mang ra ngoài sân đốt sau khi cúng. Còn trong dịp cúng rằm tháng Bảy thì chỉ đốt những giấy màu đơn sơ và tiền âm phủ cho các cô hồn.
Cố hòa thượng Thích Tố Liên, một danh tăng của Phật giáo Việt Nam, cho rằng tục đốt vàng mã vào rằm tháng Bảy bắt đầu thời vua Đạt Tôn nhà Đường (762) ở Trung Quốc. Vua bị một nhà sư thuyết phục rằng ngày đó là ngày Diêm Vương ở âm phủ xét tội các vong nhân nên khuyến khích dân chúng đốt vàng mã cho những người quá cố.
Việc đốt vàng mã phổ biến trong công chúng không bao lâu thì bị nhà các nhà sư khác bài trừ vì không phải là thực hành của nhà Phật. Làm vàng mã cũng là một nghề kiếm ra tiền cho nên một gia đình làm nghề này đã tìm cách vực dậy lại việc đốt vàng mã trong quần chúng.
Cố hòa thượng Thích Tố Liên viết rằng có một gia đình có nghề làm vàng mã của Vương Luân đã bày trò cho anh ta chết đi sống lại. Gã họ Vương đã giả chết trong quan tài rồi bất ngờ tỉnh dậy khi người nhà anh ta đã đốt vô số vàng mã. Vương Luân sống lại trong quan tài giả vờ kể về việc “các thần thánh trong “tam, tứ phủ” đã nhận được hình nhân thế mạng, tiền bạc và hàng mã nên đã tha mạng cho anh. Dân chúng tận mắt chứng kiến cảnh ấy thì rất lấy làm tin rồi làm theo từ đời này sang đời khác mặc dù người chết chẳng sống dậy nổi.
Theo Phan Kế Bính, tục đốt vàng mã đến đời Ngũ Đại (907 – 979) ở Trung Quốc chế ra thêm áo giấy, mũ giấy. Sách sử Trung Hoa ghi lại người dân cúng kiến rồi đốt vàng mã vào mỗi dịp tết Trung Nguyên.[6]
Đương nhiên, tục đốt vàng mã ở Việt Nam là bắt trước phong tục của Trung Quốc rồi trở nên phổ biến như ngày nay.
Cố hòa thượng Thích Tố Liên đã quyết liệt phản đối việc đốt vàng mã, “dân tộc Việt Nam chúng ta mê tín cũng chẳng kém thế, nhưng vì trước đây, chúng ta bị họ đô hộ hơn 1.000 năm. Phong tục của người họ như thế nào, người mình cũng dập theo đúng khuôn khổ như vậy, bất luận hay – dở, phải – trái, tà – chính. Đó là do cái tính cẩu thả, phụ họa của người mình”, ông viết.
Đốt vàng mã ở Việt Nam hay ở các nước khác vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi khi tín ngưỡng dân gian va chạm với những quan điểm tân thời về bài trừ mê tín, tránh hoang phí và bảo vệ môi trường. Trong thực tế, các xưởng làm vàng mã vẫn ngày càng chế ra nhiều đồ cúng theo kịp với thời đại, ví dụ như máy bay, xe hơi, máy tính, điện thoại, thẻ tín dụng, v.v. để đáp ứng niềm tin lâu đời của người dân.
***
Tài liệu trích dẫn:
[1] Sơn Nam, Đình miễu & lễ hội dân gian miền Nam, NXB Trẻ, trang 246.
[2] Sách đã dẫn, ĐÌnh miễu & lễ hội dân gian miền Nam, trang 55.
[3] Phan Kế Bính, Việt Nam Phong tục, NXB Văn học, trang 123.
[4] Sách đã dẫn, Đình miễu & lễ hội dân gian miền Nam, trang 246.
[5] Sách đã dẫn, Đình miễu & lễ hội dân gian miền Nam, trang 51. (2) Lê Anh Dũng, Đất Nam kỳ tiền đề pháp lý mở đạo Cao Đài, trang 21.
[6]Sách đã dẫn, Việt Nam Phong tục, trang 48.