Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới phát triển gần 100 năm nay. Tôn giáo này bắt nguồn từ một hoạt động đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn là cầu cơ và chấp bút.
Đạo Cao Đài ra đời vào những năm 1920 từ các buổi cầu cơ của một số công chức người Việt ở Sài Gòn. Từ những đàn cơ này đã hình một tôn giáo mới với triết lý độc đáo.
Đạo Cao Đài không có một giáo chủ bằng xương thịt như nhiều tôn giáo khác.
Theo lịch sử của tôn giáo này, đạo Cao Đài lúc khai sinh có 13 tín đồ nhận thông điệp của một đấng tối cao là “Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát”. Theo đó, đấng tối cao này sẽ thông qua cơ bút [cầu cơ và chấp bút] để hướng dẫn tín đồ phát triển đạo Cao Đài trong những ngày đầu thành lập.
Cụm danh xưng “Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát” thể hiện sứ mệnh của đạo Cao Đài là dung hợp Tam Giáo (trở về nguồn gốc chỉ có một tôn giáo): Cao Đài là đại diện cho Nho giáo, Tiên ông là đại diện cho Lão giáo, Đại bồ tát Ma ha tát là đại diện cho Phật giáo. Đấng tối cao này của đạo Cao Đài còn được gọi là “Ngọc Hoàng Thượng Đế” hay “Đức Chí Tôn”.
Tín đồ của đạo Cao Đài tin rằng “Ngọc Hoàng Thượng Đế” là người tạo ra vũ trụ, loài người và các tôn giáo. Vì vậy, sứ mệnh của Cao Đài ngoài đưa ba tôn giáo trở về một gốc thì còn có hiệp nhất năm đạo lớn thành một: Phật Đạo (đại diện là Phật Thích Ca), Tiên đạo (đại diện là Lý Bạch), Thánh đạo (đại diện là Jesus Christ), Thần đạo (đại diện là Khương Tử Nha) và Nhơn đạo (bao gồm bảy cái ngai sơn son thếp vàng đặt trong nơi cử hành nghi lễ ở Tòa Thánh Tây Ninh – còn gọi là Cửu Trùng Đài – dành cho bảy chức sắc cao cấp của đài này).
Chính vì hai sứ mệnh trên mà đạo Cao Đài nhận mình là đạo cứu rỗi loài người lần thứ ba. Bạn dễ thấy dòng chữ “Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ” được đặt trang trọng trước cửa chính vào Tòa Thánh Tây Ninh, hay ở bất kỳ tòa thánh nào của đạo này.
Kỳ phổ độ thứ ba này xuất phát từ niềm tin “Ngọc Hoàng Thượng Đế” đã tạo ra ba kỳ cứu rỗi loài người. Hai kỳ trước “Đức Chí Tôn” đã cho sự xuất hiện của những nhân vật đại diện cho Nhơn Đạo là Văn Tuyên Đế Quân rồi đến Khổng Tử; Tiên Đạo là Hồng Quân Lão Tổ rồi đến Lão Tử; và Phật Đạo là Nhiên Đăng Cổ Phật rồi đến Thích Ca.
Nhưng đến thời kỳ thứ ba thì ba tôn giáo này sẽ trở lại nguồn gốc của nó là một đạo duy nhất là đạo Cao Đài.
Đạo Cao Đài là một tôn giáo có hệ thống giáo lý bài bản, quy định chặt chẽ, tổ chức phức tạp, bao gồm những nghi lễ cầu kỳ, thần bí, nhuốm màu Đạo giáo.
Gốc rễ sự ra đời của Cao Đài Giáo đã bắt nguồn phần lớn từ những biến cố của miền đất phóng khoán vừa được khẩn hoang Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Đất Nam Bộ ngày nay, ngày xưa gọi là Nam Kỳ, được tạo dựng nhờ những người khẩn hoang từ thế kỷ XVII. Từ đó đến đầu thế kỷ XX, Nam Kỳ đã dung nạp những người khẩn hoang can đảm đến từ nhiều địa phương, mang theo văn hóa, tín ngưỡng khác nhau đã tạo nên một vùng đất cởi mở, dễ chấp nhận sự khác biệt.
Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Lúc đó, Nam Kỳ đã là một vùng đất đa tín ngưỡng, người Khmer theo Phật giáo tiểu thừa; người Chàm theo ảnh hưởng của Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo; tín đồ Thiên Chúa giáo lánh nạn diệt đạo của triều đình; những người Hoa phản Thanh phục Minh đến chung sống với người Việt đã chịu ảnh hưởng của Tam giáo (Phật giáo, Khổng giáo và Nho giáo), trọng tình nghĩa huynh đệ, trung can nghĩa khí.[1]
Không chỉ duy trì sự hòa đồng về tôn giáo, người dân còn chấp nhận, khám phá những tín ngưỡng mới nhằm chung sống với cảnh loạn ly khi người Pháp cai trị đất Nam Kỳ: Thế Chiến thứ Nhất bùng nổ ở châu Âu, sự cai trị hà khắc của người Pháp, phong trào chống Pháp quyết liệt ở miền Nam, phong trào Duy Tân truyền cảm hứng cải cách xã hội, v.v.
Với tương lai bất ổn như vậy, dân chúng dễ tin vào những thế lực siêu nhiên để an toàn giữa cuộc ly loạn. Hồ Lê đã mô tả niềm tin những người dân Nam Kỳ tin vào thế lực siêu nhiên như sau: “Trong bối cảnh [chiến tranh, nghèo đói, áp bức] như vậy, người dân Nam Bộ [Nam Kỳ] tự nhiên phải tin tưởng nhiều vào sự hên, xui, may, rủi. Và để khỏi bị xui, bị rủi thì họ phải khấn vái, cầu xin sự phò hộ độ trì của Trời phật, thần linh, tổ tiên ông bà và cả những người ‘khuất mặt’”.[2]
Trong sự xáo trộn đó, phong trào Thông linh học hay “cầu cơ” bắt đầu được phổ biến ở Nam Kỳ nhằm liên lạc với các linh hồn. Việc tiếp xúc với các linh hồn cũng là một phần trong thực hành Đạo giáo. Những đàn cơ được lập dựa trên hướng dẫn trong các cuốn sách Thông linh học của Tây Phương đang thịnh hành lúc bấy giờ. Người Pháp cấm những hoạt động này nhưng dân chúng vẫn âm thầm đến các đàn cơ.[3]
Người cầu cơ thường có ba nhóm chính. Một nhóm hỏi về chuyện thời sự để biết tương lai của đất nước. Nhóm khác thì mượn đàn cơ để mua vui, nhận các bài thi phú. Nhóm còn lại đông đảo hơn cả là tầng lớp bình dân, họ cầu cơ để xin thuốc chữa bệnh, cầu thọ,… Cầu cơ có nhiều thuật khác nhau nhưng phổ biến là xây bàn và dùng ngọc cơ.[4]
Nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng sưu tầm được những tài liệu ghi rằng từ năm 1913, trong vài đàn cơ ở một số tỉnh Nam Kỳ đã xuất hiện danh xưng Cao Đài nhưng không được chú ý. Mãi đến những năm 1920 thì đạo Cao Đài mới có được những môn đồ đầu tiên.
Khi phong trào Thông linh học phổ biến ở miền Nam, năm 1925, Sài Gòn có một nhóm công chức người Tây Ninh bị hấp dẫn bởi thuật xây bàn để nói chuyện với các linh hồn ở phố Hàng Dừa (nay đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Nhóm này được gọi là nhóm Cao-Phạm, gồm các ông Cao Quỳnh Cư, 37 tuổi; Cao Hoài Sang, 24 tuổi; Phạm Công Tắc, 35 tuổi, đều là viên chức của chính quyền thuộc địa.[5]
Sau giờ làm, họ rủ nhau thực hành thông linh học để trò chuyện với những vong hồn, chủ yếu là để giải trí và xin thơ văn. Qua các lần cầu cơ, nhóm này trở nên hứng thú và tin tưởng vào các đàn cơ.[6]