Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Ở ta, nhiều cuộc thảo luận, tranh luận chỉ sống sót được dăm bảy phút, nhiều thì vài ngày, vì một lẽ rất giản đơn: lạc đề hoặc bị đánh lạc hướng.
Đơn cử như vụ ô nhiễm không khí. Ai cũng thấy bầu không khí đặc quánh, khét lẹt, bụi mù bụi mịt, đeo khẩu trang ra đường đi được một cuốc là khẩu trang cũng bám bụi đen đúa. Bầu trời giờ đây nhuốm một màu xám xịt, đứng trên các toà nhà cao tầng giờ không còn “tầm nhìn xa trên mười ki-lô-mét” nữa. Cái mũi người nó có lừa người bao giờ, hai cái lá phổi và cả cái cuống họng nó có lừa người bao giờ. Ô nhiễm hay không, ai sống ở đó khắc biết.
Nói vậy để thấy chuyện ô nhiễm nghiêm trọng là thứ đập vào mắt, vào mũi, vào phổi người ta, khỏi cần máy móc đo đạc gì cũng biết. Cái ứng dụng AirVisual, vốn đã được dân tình sử dụng nhiều năm nay để theo dõi chất lượng không khí ở nhiều đô thị, cũng chỉ cho ta vài thông tin tham khảo. Có nó hay không chẳng làm cho tình trạng ô nhiễm tăng lên hay giảm đi, chỉ số bụi mịn của Hà Nội có phải cao nhất thế giới hay không cũng chẳng làm thay đổi tình hình thực tế.
Và bởi vì tình trạng ô nhiễm là có thật, mũi dùi cần nhắm tới là các cơ quan quản lý, các nhà máy xả thải, các hãng vận tải ngày đêm rải bụi, v.v.
Ấy vậy nhưng mấy hôm nay, câu chuyện lại bị hai Facebooker nổi tiếng là Đỗ Cao Bảo và Vũ Khắc Ngọc lái sang một hướng hoàn toàn khác: cái ứng dụng AirVisual và cách đo đạc của nó, và chuyện liệu Hà Nội có phải thành phố ô nhiễm nhất thế giới hay không. Để rồi, sau cùng, làn sóng tẩy chay ứng dụng này nổi lên, khiến cho hãng cung cấp phải rút ứng dụng ra khỏi Appstore. Không còn ứng dụng, người dân không biết thông tin nữa, vậy là khỏi cãi nhau.
Trong khi đó, chính quyền thoát nạn. Không cơ quan nào bị chất vấn, không quan chức nào bị xét hỏi, không áp lực nào dồn lên những cánh cổng kín bưng của các cơ quan công quyền nữa.
Lại nhớ hồi tháng Bảy vừa rồi, cũng có một chuyện tương tự, và cũng liên quan đến quốc kế dân sinh chứ không phải chuyện chơi.
Đó là việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, thuộc khu vực bãi Tư Chính. Trong khi mạng xã hội nhốn nháo và hoang mang sau khi một số chuyên gia độc lập đưa tin, thì chính quyền và báo chí chính thống hoàn toàn im lặng. Một luồng dư luận giận dữ nhắm vào chính quyền và báo chí chính thống, đòi hỏi họ phải lên tiếng và bố cáo cho người dân biết chuyện gì đang xảy ra ở bãi Tư Chính.
Đúng lúc đó, một Facebooker nổi tiếng là Hoàng Hải Vân đăng đàn, lái luồng dư luận sang một cuộc tranh cãi về… luật biển, vốn là vấn đề mà ở nước ta không mấy người đủ khả năng tranh cãi. Hoàng Hải Vân đưa ra hàng loạt kiến thức về luật biển mà người đọc không mấy ai biết đến, rồi kết luận tàu Hải Dương 8 có quyền thăm dò ở bãi Tư Chính, Việt Nam vẫn đang theo dõi sát và không có gì cần phải ầm ĩ.
Luồng dư luận đang bức xúc về vấn đề minh bạch của nhà nước và sự im lặng của báo chí chính thống bỗng như bị dội một gáo nước lạnh. Nhiều người hoang mang không biết nên bày tỏ thái độ và quan điểm như thế nào trước một vấn đề quá phức tạp như luật biển.
Bài viết của Hoàng Hải Vân kéo dư luận ra khỏi vấn đề chính và đẩy họ vào một cuộc tranh luận chuyên môn hoàn toàn bất lợi.
Trong những hoàn cảnh dư luận nóng bỏng và bất lợi cho chính quyền, dường như luôn luôn có những nỗ lực từ một số nhân vật có ảnh hưởng lớn tới công chúng đưa ra ý kiến khiến dư luận đi xa khỏi trọng tâm như vậy. Rất khó có bằng chứng chứng minh động cơ thực sự của họ, nhưng hiện tượng dư luận lạc đề/bị đánh lạc hướng sau những phát biểu của họ là có thật.
Đến đây thì lại có một chuyện lạc đề nữa, đó là làn sóng chỉ trích cô Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường người Thuỵ Điển.
Vốn dĩ cô Thunberg kêu gọi thế giới, đặc biệt là các chính phủ, hãy hành động khẩn cấp để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu. Giải pháp mà cô và những người ủng hộ đưa ra là cắt giảm mạnh mẽ lượng khí CO2 phát thải vào khí quyển. Cơ sở cho những chỉ trích và giải pháp của cô là các báo cáo khoa học của Liên Hiệp Quốc, và cô cũng khuyến khích mọi người hãy nghe các báo cáo khoa học này, đừng nghe cô.
Vậy nhưng, một làn sóng mạnh mẽ khắp thế giới (mà người Việt Nam ta cũng tham gia rất nhiệt tình) đẩy vấn đề trật hoàn toàn ra khỏi trọng tâm, rằng cô hỗn láo với các vị lãnh đạo đáng tuổi cha tuổi chú, rằng cách cô bày tỏ thông điệp là cực đoan, rằng cô còn trẻ con biết gì về khoa học mà nói to như vậy, rằng cô bị các thế lực giật dây, v.v.
Nhưng họ chẳng hiểu cho một chuyện, dù thái độ của cô có thế nào đi chăng nữa, dù cô còn nhỏ tuổi đi chăng nữa, dù cô có bị giật dây đi chăng nữa thì chuyện ô nhiễm không khí là có thật, nhiệt độ trái đất đang tăng với tốc độ chóng mặt là có thật, băng đang tan ở Bắc Cực là có thật, mực nước biển dâng là có thật. Và để hạn chế được tất cả những việc như vậy thì việc con người có thể làm là cắt giảm lượng khí nhà kính đang được xả ra hàng ngày. Đây là kết luận của giới khoa học và của Liên Hiệp Quốc, chứ không phải của cô Thunberg 16 tuổi chưa học hết cấp 3.
Một lần nữa, tâm điểm chỉ trích bị đá ra khỏi các đối tượng chính cần nói đến: các chính phủ và các nhà máy. Không có gì phải ngạc nhiên khi các tập đoàn xả thải và các chính phủ hậu thuẫn họ là những người được lợi nhất trong bối cảnh này.
Môi trường tranh luận rất dễ bị đẩy vào thế lạc đề do kỹ năng tranh luận của những người trong cuộc, hoặc do có những người cố tình lái vấn đề sang một hướng khác. Đặc biệt, môi trường mạng xã hội, với số lượng người tham gia khổng lồ và ai cũng có thể dự phần được, là nơi mà các cuộc thảo luận rất dễ đi lạc đề hoặc bị thao túng. Chất lượng thảo luận như vậy là rất thấp và thường không đi đến đâu.
Rất khó kỳ vọng có những cuộc tranh luận chất lượng trên môi trường mở như mạng xã hội, và cũng không nên kỳ vọng rằng chúng sẽ không bị các nhóm lợi ích tìm cách đánh lạc hướng. Điều chúng ta có thể làm là xây dựng kỹ năng tranh luận tốt hơn, trong đó có cả kỹ năng nhận biết những ý kiến lạc đề và những ý kiến có khả năng đánh lạc hướng tranh luận.