‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ghi theo lời kể của cô Vi Thị Thảo, con gái của ông Vi Văn Phượng. Ông Phượng là người bị tòa ba lần tuyên án tử hình trong một vụ án mạng mà mẹ đẻ của ông, bà Nguyễn Thị Vui, là nạn nhân.
– Con ơi, bà nội mất rồi. Con về đi!
Đó là ngày thứ Sáu, 5 tháng Mười năm 2012. Cuộc gọi bất ngờ của bố tôi đến khi tôi đang ăn cơm trưa cùng bạn học trong căng-tin của trường dân tộc nội trú Bắc Giang.
Bà nội tôi bị giết ngay chính trên chiếc giường của bà. Cái chết bí ẩn đó trở thành một trong những vụ án rắc rối nhất ở Bắc Giang.
Bảy năm qua, các phiên tòa xét xử vụ án mạng của bà vẫn chưa dừng lại và liên tục giáng lên gia đình tôi những đau khổ chất chồng. Bởi vì nghi phạm hàng đầu trong vụ án mạng lại chính là người con trai út của bà, bố của chúng tôi.
***
Năm anh, chị em chúng tôi lớn lên trong một làng quê yên bình gần thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, nơi hội tụ của sông Lục và núi Huyền nổi tiếng khắp đất Bắc.
Mẹ tôi kể rằng bà về làm dâu nhà ông bà nội tôi vào năm 1988. Đó là một ngôi nhà tường đất, ngói máng, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Đám cưới quê năm đó được tổ chức giản dị, cổng cưới quấn bằng lá bạch đàn và bàn ghế khác nhau do đi mượn từng gia đình trong xóm. Chú rể hai mươi tuổi có vóc người nhỏ nhắn nhưng tháo vát. Cô dâu xinh xắn mười tám tuổi.
Bố tôi làm nông và học cách làm những việc khác để có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Người anh cả của bố đã yên bề gia thất tại Hà Nội, người anh thứ hai cũng đã lập gia đình riêng trong thôn. Bố tôi kết hôn sau cùng nên ở lại để chăm sóc ông bà nội.
Cũng trong năm đó, mẹ tôi sinh anh cả, đặt tên là Quyền. Cách nhau vài năm, bốn đứa con còn lại lần lượt ra đời.
Học vấn của anh, chị em chúng tôi cao thấp tuỳ theo tình hình kinh tế của gia đình. Anh Quyền tôi chỉ học đến lớp 9 rồi lang bạt Nam – Bắc để làm thuê. Chị Thu thì học đến cao đẳng kế toán trong khi anh Toàn thì học nghề cơ khí. Tôi, tên Thảo, năm nay 23 tuổi, đã tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Em Hồ, một phần cũng vì tai họa đó, nên chỉ học đến lớp 12 rồi sang Đài Loan làm việc.
Vừa chăm sóc năm đứa con vừa lo cơm nước chu đáo cho ông bà nhưng mẹ tôi chưa bao giờ than vãn. Khi tôi lên bảy thì ông nội qua đời để lại khoảng 200 gốc vải bao quanh nhà cùng với một ít đất ruộng. Năm anh em chúng tôi được nuôi lớn từ những tài sản rất đáng quý này.
Tôi nhớ rằng khi tôi lớn lên thì mắt bà tôi đã mù hẳn. Muốn biết tôi cao lớn như thế nào, bà phải đưa đôi tay gầy guộc của mình sờ lên gương mặt và thân người tôi.
Bà rất thương yêu con cháu. Bà chưa bao giờ nặng lời với chúng tôi. Có miếng bánh nào ngon bà cũng để dành cho các cháu. Bà nói ngày xưa bà phải đổi rất nhiều đồ thì mới có được mảnh vải để may áo nên mỗi khi có quần áo đẹp thì bà lại cất đi, coi chúng như một tài sản.
Bà tôi kể rằng ngày xưa nhà bà ở phố Kỳ Lừa. Đó là con phố trứ danh của thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Bà có nhiều anh em. Ông bà cố đặt tên cúng cơm cho các con là Dưa, Dứa, Mít và đến lượt bà thì được đặt tên là Dừa.
Cũng vì nhiều lần tản cư trong chiến tranh nên bà đã thất lạc với các anh chị em. Bằng cách nào đó, bà và ông nội tôi đã gặp nhau rồi kết hôn.
Bà tên thật là Nguyễn Thị Vui, là một trong những người sống đầu tiên ở thôn Hòn Ngọc và cũng là người sống lâu nhất ở đó cho đến ngày bà bị sát hại một cách bí ẩn.
Vì không nhìn thấy nên bà tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, muốn sang nhà hàng xóm cũng phải có người đưa đi. Một dạo, bác cả tôi đưa bà về Hà Nội chật hẹp để ở nhưng chỉ được một thời gian thôi thì bà đòi lại về miền Lục Nam thanh bình.
Bố tôi kể rằng trước lúc tôi chào đời vài năm, bố tôi đã cất một ngôi nhà bê tông vững chãi bên cạnh ngôi nhà cũ của ông bà. Ngôi nhà mới đó theo kiểu phổ biến ở nông thôn Bắc Bộ, chuộng chiều ngang với khoảng sân to dùng để phơi lúa hay tập trung nông sản. Bên trong nhà, bộ bàn ghế tiếp khách đặt ở giữa, hai bên là hai chiếc giường to. Bên trái có một căn buồng nhỏ, bên trong đặt một chiếc giường và một chiếc bàn học của anh em chúng tôi. Chếch về phía bên phải của ngôi nhà là một con đường đất dài, dẫn từ nhà tôi ra đường làng.
Sau khi ông mất thì bà nội sang ở hẳn với gia đình tôi. Cũng chính ngôi nhà này là nơi xảy ra vụ án mạng ngày hôm đó.
Ngày nay, làng quê của chúng tôi trông rất khang trang và giàu có. Những ngôi nhà nhiều tầng tráng lệ đã thay thế những ngôi nhà tranh liêu xiêu ngày xưa. Nhưng sự giàu có bên ngoài đó không đến từ đồng ruộng hay vườn vải truyền thống. Và kể cả nếu có chịu khó làm thêm nhiều việc khác như bố tôi thì cũng chỉ đủ ăn mà thôi.
Vẻ hào nhoáng đó đến từ hai con đường: làm kiểm toán nhà nước và xuất khẩu lao động.
Nhưng ngành kiểm toán nhà nước chỉ nằm trong tay một số dòng họ mà thôi. Những ngôi nhà nhiều tầng này đến từ việc bán sức lao động sang Trung Đông, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Năm 2009, anh Quyền tôi cũng được bố mẹ cho sang lao động ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Giống như các gia đình khác bố mẹ tôi phải trả phí môi giới rất đắt. Để anh ấy đặt chân sang bên đó, bố mẹ tôi phải vay từ ngân hàng và gom góp từ họ hàng được khoảng 70 triệu đồng. Đó là cả một gia tài lớn đối với một nhà nông và còn lớn hơn đối với gia đình đông con như nhà tôi.
Tôi không hiểu vì sao người nghèo đã không có nhiều cơ hội nhưng khi họ nhìn thấy được một chút ánh sáng thì nó cũng nhanh chóng trở thành một đường hầm tối tăm.
Anh Quyền tôi chỉ làm được tám tháng thì phải trở về Lục Nam do nhà máy bên đó đóng cửa. Số nợ ban đầu chỉ vơi đi một nửa trong khi bố mẹ tôi vẫn phải nuôi bốn đứa con còn lại ăn học.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, mẹ tôi quyết định sang Đài Loan làm việc. Mặc dù bà chẳng hề muốn sang đó vì ông ngoại tôi đang ốm nặng.
Năm đó, mẹ tôi đã 41 tuổi nhưng bà học tiếng Hoa khá dễ dàng nên sớm được nhận vào làm việc trong một bệnh viện ở Cao Hùng (Đài Loan).
Cuối năm 2011, mẹ tôi lên máy bay sang Đài Loan với hợp đồng làm việc trong ba năm. Mẹ tôi kể rằng bà phải làm việc 12 tiếng một ngày, từ bảy 7 giờ sáng đến 7 giờ tối hoặc từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Bà chăm sóc người già, những người đang tập vật lý trị liệu hoặc sống đời thực vật. Mẹ tôi cho họ ăn, tắm rửa, vệ sinh, trò chuyện với họ.
Bà ở trong ký túc xá của bệnh viện cùng với bảy người Việt khác. Mỗi tháng mẹ tôi dành dụm được 20.000 đô-la Đài Loan, khoảng hơn 15 triệu đồng. Bà gửi tiền về nhà mỗi ba tháng một lần.
Lúc đó, các anh chị tôi cũng đã có việc làm nhưng ở các tỉnh xa nhà. Tôi lúc đó đang học lớp 11 với học bổng của trường dân tộc nội trú Bắc Giang. Thi thoảng, hai anh chị và tôi mới về thăm nhà một vài ngày. Nhà chỉ còn lại bà nội, 85 tuổi, bố, và em trai tôi khi đó đang học lớp 10.
Đến tháng 10/2012, mẹ tôi đã gửi về nhà được 150 triệu đồng và đã trả gần hết số nợ của gia đình. Mọi việc trông có vẻ rất ổn thì bất thình lình bà tôi bị ai đó giết ngay tại nhà.
Luôn luôn có những chuyện làm con người ta khó hiểu. Bên cạnh những thanh niên ưa trộm cắp trong thôn thì còn có một người đàn ông rất kỳ lạ. Người đàn ông đó đã luống tuổi. Ông ta có nhà cửa nhưng lại thích lang thang, sống như một người vô gia cư.
Lúc nào ông ta cũng đeo lủng lẳng một chiếc liềm sắt nhọn bên hông mình, rồi mái tóc ông ta rất kỳ dị. Ai cho đồ ăn ông ấy cũng không ăn nhưng lại thích tự mình lấy. Ông ấy có con nhưng không chịu nhận là người thân của mình.
Người đàn ông đó đặc biệt thích ngôi nhà cũ của ông bà tôi. Như đã nói, khi ông nội mất thì bà tôi đã sang ở hẳn với bố mẹ tôi nên căn nhà cũ kỹ ấy bị bỏ trống. Nhiều lần, người đàn ông đó leo qua cửa sổ để vào trong nhà. Ông ấy nói căn nhà đó là của ông ta. Có lần ông ta đã ở suốt mấy ngày trong đó mà cả nhà tôi không hề hay biết. Tính bố tôi vốn nhút nhát nên chỉ nhẹ nhàng đuổi ông ta ra khỏi nhà. Sau vụ án mạng bí ẩn của bà nội, ông ta vẫn đột nhập vào ngôi nhà đó nhiều lần cho đến khi mẹ tôi phá đi vì nó đã quá cũ kỹ.
Trong căn nhà có khắc năm xây dựng là 1993, bà nội tôi hay ngồi dưới hiên nhà, lưng dựa vào cánh cửa cái bằng gỗ. Chiếc giường bà tôi nằm ngủ cách đó không xa, phía trên trái của bộ bàn ghế, sát với vách tường.
Ngôi nhà tôi nằm lọt thỏm giữa vườn vải, cách xa những ngôi nhà khác, nếu có chuyện bất ngờ xảy ra thì nhà hàng xóm cũng không thể biết.
Sau khi nhận được cuộc gọi báo tin của bố, tôi liền gom quần áo nhưng phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới xong thủ tục để rời khỏi trường. Tôi đón xe buýt về thị trấn Đồi Ngô rồi đi xe ôm vào thôn Hòn Ngọc.
Trên đường đi, tôi chỉ nghĩ đến lý do duy nhất mà bà qua đời là bị ngã, bạn biết đấy, người già thì chân yếu tay mềm, mà bà lại còn không nhìn thấy đường.
Ở nhà lúc đó, bố tôi thường đi làm cả ngày, hết việc trồng trọt thì đến việc xây dựng nhưng bố chưa bao giờ quên chuẩn bị cơm nước cho bà. Bà tôi thích ăn mì gói vì dễ tiêu hóa nên lúc nào bố vội thì sẽ mua mì về nấu cho bà. Vì trường khá xa nhà nên em Hồ thường đi học cả ngày. Vì vậy mà tôi chỉ còn nghĩ đến việc bà bị ngã nhưng không ai hay biết nên bà mới qua đời.
Gần về đến nhà, chân tôi mềm nhũn ra, tim tôi đập nhanh như sắp ngạt thở khi nhìn xa xa là những chiếc xe cấp cứu, xe công an đậu trước ngôi nhà của mình. Những người công an không cho ai vào bên trong căn nhà. Nhiều người hàng xóm đến giúp bố tôi dựng rạp làm tang lễ cho bà.
Một lúc sau đó, khi công an vẫn còn khám nghiệm hiện trường và tôi còn chưa biết thực sự chuyện gì đã xảy ra trong nhà mình thì chiếc loa trong thôn đã phát thông báo. Người đọc tin trên chiếc loa đó là một cô trong hội phụ nữ. Cô ấy kêu gọi người trong làng đến giúp nhà tôi làm tang lễ cho bà và liên tục lặp lại sự việc bà tôi chết vì bị chém.
Chiều hôm đó, tôi thấy bố tôi đờ đẫn cả người, có lẽ vì ông là người đầu tiên chứng kiến chuyện khủng khiếp đó xảy ra với người mẹ của mình.
Bố tôi kể rằng khi ông vừa đi làm về thì đã thấy bà nằm trên giường với nhiều vết máu, bố tôi dùng tay mình lay người bà nhưng bà đã chết từ lâu rồi. Biết bà đã bị hãm hại, ông liền gọi điện thoại cho bác cả Sáng, công an xã rồi đến người thân tình nhất đối với gia đình tôi ở ngay trong thôn là ông Vi Văn Thắng – ông ấy liền sang nhà tôi ngay lập tức.
Ông Thắng kể rằng trưa hôm ấy khi bố tôi gọi thì ông liền chạy ngay sang nhà bằng xe máy trong khoảng từ 11:24 hoặc 11:30 phút. Khi ông đến nhà thì bố tôi đã đứng ở ngoài hiên. Ông bước vào trong, ông thấy bà nội tôi mặc áo màu hoa đen, quần đen, nằm quay mặt vào trong vách, trên giường có một vũng máu rộng khoảng 25 cm, dài khoảng 30 – 35 cm, xung quanh vũng máu đã khô đen ở giữa còn hơi hồng. Trên tường có nhiều tia máu đã khô đen, vết thương to trên cổ bà đã khô đen. Đồ đạc trong nhà vẫn ở nguyên vị trí cũ.
Tử thi của bà tôi nằm phơi ra trên giường, máu chảy khắp người bà, rồi công an đến mổ tử thi để khám nghiệm và trả lại cho gia đình ngay trong chiều hôm đó.
Ngoài sân, dân làng kéo đến chuẩn bị đám tang với vẻ hoài nghi khó hiểu về cái chết bất thình lình của bà tôi ngay giữa làng quê thanh vắng này.
Ngôi nhà đã nhuốm màu u ám sau khi công an khám nghiệm xong hiện trường và trả thi thể của bà cho gia đình. Chị Thu và tôi cúi người lau máu của bà, một vũng máu to đã khô lại trên nền nhà, những vệt máu khô lại trên sàn nhà và vách tường. Tất cả đều là máu của bà. Vừa lau, tôi vừa nghe loa phường thông báo về cái chết của bà, trong lòng tôi dấy lên nhiều nghi ngại đáng sợ. Tại làm sao mà nhà tôi lại xảy ra chuyện động trời như vậy? Chuyện gì đã thực sự xảy ra trong căn nhà của chúng tôi vào trưa ngày hôm đó? Ai đã vào đây để giết hại bà nội tôi, lúc đó đã 86 tuổi, tay chân yếu, mù lòa, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà? Họ có gì đó không hài lòng với bà tôi đến nỗi muốn bà phải chết trong đau đớn? Cái chết của bà tôi còn tệ hơn những người lính tử trận mà bà đã nhìn thấy suốt trong thời chiến.
Tôi không thể giải đáp được những câu hỏi ghê sợ đó. Nhưng tai họa vẫn chưa dừng lại. Cái chết bí ẩn của bà mới chỉ là khởi đầu của một tấn bi kịch khác.
(Còn nữa)
Tấn bi kịch khác mà Thảo đang nói đến là gì? Đón đọc diễn biến tiếp theo vào ngày mai.