‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ghi theo lời kể của cô Vi Thị Thảo, con gái của ông Vi Văn Phượng. Ông Phượng là người bị tòa ba lần tuyên án tử hình trong một vụ án mạng mà mẹ đẻ của ông, bà Nguyễn Thị Vui, là nạn nhân.
Kỳ 1: Cái chết bí ẩn của bà nội tôi
Hai giờ chiều ngày hôm sau, chúng tôi an táng bà trên một mảnh đất không xa nhà lắm. Đám tang diễn ra rất chóng vánh, cũng bởi vì gia đình tôi muốn xua tan bầu không khí thê lương đang phủ trùm lên ngôi nhà.
Chúng tôi cũng chưa muốn mẹ tôi lúc đó mới sang Đài Loan gần một năm biết về chuyện bất thường trong gia đình, rõ ràng là nếu bà xúc động thì cũng không giúp được gì mà còn ảnh hưởng đến công việc. Nhưng phụ nữ có linh cảm riêng của họ. Tối hôm xảy ra án mạng, khi nhà tôi đang loay hoay với đám tang của bà, mẹ tôi đã gọi về nhà nhưng vợ bác cả vẫn cố giấu.
Hồ không về nhà vào hôm xảy ra án mạng. Cả nhà tôi nghe loáng thoáng là Hồ bị công an bắt ở lớp rồi đưa về Công an huyện Lục Nam. Nhưng vì bận chuyện tang lễ nên chúng tôi nghĩ là Hồ sẽ không sao vì lúc đó gia đình tôi còn tin tưởng vào công an.
Chiều ngày hôm sau, Hồ về nhà trong tình trạng sợ hãi và kinh ngạc về những chuyện đã xảy ra.
Hồ kể rằng trong lúc em đang ngồi học ở trường thì công an vào lớp rồi đưa em đi mà không nói một lý do nào. Em chỉ kịp nhét lại sách vở vào cặp da rồi theo họ. Thầy cô và các bạn học cũng bất ngờ không biết em đã gây ra chuyện gì mà bị bắt khẩn cấp như vậy. Đến trụ sở công an huyện, Hồ bị đưa vào một phòng họp lớn. Tại đây, em liên tục phải trả lời những câu hỏi lập đi lập lại của công an, có lúc họ đảo thứ tự các câu hỏi: Buổi sáng hôm đó em đã làm gì? Đã ra khỏi nhà lúc mấy giờ? Bà em là người như thế? Và bố đã làm gì ngày hôm đó? Sinh hoạt trong nhà diễn ra như thế nào? Em đã ở đâu trong sáng và trưa ngày hôm đó?… Mặc dù vậy, công an vẫn không cho Hồ biết là bà nội đã bị sát hại một cách bí ẩn.
Công an giam giữ Hồ qua một đêm nhưng vẫn không thông báo cho gia đình tôi. Vào chiều ngày hôm sau, họ mới cho Hồ biết là bà nội đã bị giết và cho em về nhà.
Nghĩ lại chuyện Hồ bị bắt, đến nay tôi vẫn hãi hùng: bị công an thẩm vấn một mình trong khi em tôi mới 16 tuổi, đang học lớp 10, chưa một lần xa vòng tay của bố mẹ. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để biết Hồ cần một người giám hộ trong lúc thẩm vấn như một nhân chứng cho vụ việc. Không có người giám hộ thì công an dễ dàng biến em từ nhân chứng thành nghi phạm. May mắn là cả sáng và trưa ngày hôm đó Hồ đã ở trường, xung quanh là bạn bè nên công an không thể nghi ngờ em ấy có dính líu đến vụ án mạng kinh hoàng của bà nội.
Một ngày ở nhà tôi thường sẽ diễn ra như sau: Buổi sáng, bố tôi dậy sớm, ăn tạm cơm nguội ở nhà, uống nước lã và đi làm. Hồ đi học, và bà tôi thì trông căn nhà mà chỉ có mỗi chiếc TV là có giá trị.
Buổi trưa, bố tôi thường về nấu cơm trưa cho bà. Chiều tối đến thì Hồ đi học về, em hâm lại đồ ăn từ trưa (nếu còn) hay nấu thêm thức ăn mới cho bữa tối. Bố và Hồ hay ở nhà với bà vào chiều tối, lúc đó cũng thường có hàng xóm hoặc họ hàng đến chơi. Vì thế nhà tôi vào buổi sáng thường chỉ có mỗi mình bà nội.
Buổi sáng thứ Sáu hôm đó, ngày 5 tháng Mười năm 2012, như thường lệ, bố tôi thức dậy từ lúc năm giờ, có lẽ bà tôi còn thức dậy sớm hơn. Trên chiếc giường đối diện với giường của bà, Hồ còn đang nằm ngủ. Bố tôi đánh thức em ấy dậy đi học. Trước khi Hồ sửa soạn đi học cả ngày ở trường, bố tôi đưa em ấy 40.000 đồng là tiền mua mì tôm về cho bà ăn sáng và để đi học cho ngày hôm đó.
Hồ kể rằng khi em mang mì tôm về đến nhà thì bố tôi đã đi làm với chú Mạnh. Hồ ăn sáng xong thì đeo cặp, đạp xe đến trường, lúc đó vào khoảng 6:30, bà tôi còn đang loay hoay với nửa bát mì tôm còn lại cùng căn nhà còn mỗi mình bà.
Lúc đó, có lẽ bà ra ngồi ở trước cửa nhà như thường lệ, cảm nhận những cơn gió, những âm thanh xung quanh ngôi nhà. Bà có thể sẽ nhớ lại những chuyện trong hơn 80 năm qua từ khi bà sinh ra và lớn lên ở phố Kỳ Lừa, những lúc bà còn sống với ông nội, những đứa con của bà, cho đến anh cả Quyền và chị Thu, đó có lẽ là những hình ảnh cuối cùng trong tâm trí của bà. Hoặc có lẽ bà lại nghĩ về mẹ tôi đang đi làm một mình ở Đài Loan, thương cho những đứa cháu không những vắng mẹ mà còn phải tha phương cầu thực, thương cho bố tôi không những đi làm từ sáng đến chiều mà còn chăm sóc rất chu đáo cho bà. Bà chắc chắn không hay biết mình đang ở những giờ phút cuối cuộc đời.
Bố tôi lúc này đang cùng chú Mạnh dọn đất nền cho nhà bà Liệu. Làng quê của xuất khẩu lao động nên không thiếu những công việc xây cất lặt vặt. Sau khi sang lấp xong đất nền ở nhà bà Liệu vào khoảng chín giờ sáng thì bố tôi và chú Mạnh cùng đến nhà chú Trường, cách nhà tôi hơn năm cây số, để nhận việc đào móng nhà xây tường vây cho nhà chú ấy vào buổi chiều cùng ngày.
Tiếp theo đó là khoảng thời gian kinh hoàng không ai biết được chuyện đó đã xảy ra như thế nào, vào lúc nào, và bà tôi đã phản ứng ra sao hoặc không kịp cất một tiếng thét hay để lại dấu vết gì trên người của hung thủ. Bà tôi chắc chắn không thể biết ai đã cho bà một kết cục thảm thương vào cuối đời như vậy vì bà bị mù hoàn toàn. Đương nhiên nhà tôi không có máy quay an ninh bởi vì nhà tôi chẳng có gì để lấy, cũng chẳng có một nhân chứng nào thấy bóng dáng của thủ phạm.
Đồ đạc trong nhà vẫn ở vị trí cũ, không hề có bất cứ dấu vết bị lục soát nào. Công an không phát hiện dấu chân nào bất thường trong nhà. Theo công an, trong các túi chiếc áo hoa mà bà mặc lúc đó có nhiều gói nilon, vải và ống nhựa (ống đựng viên sủi vitamin C) có tiền ở bên trong, tất cả có bảy tờ 100.000 đồng, 24 tờ 50.000 đồng, năm tờ 20.000 đồng, 29 tờ 10.000 đồng (tổng là hơn hai triệu đồng). Khi còn ở nhà, tôi hay sắp riêng những tờ tiền đó theo mệnh giá cho bà rồi bà để riêng trong các túi áo của mình. Thỉnh thoảng có người chuẩn bị đi chùa đến chơi nhà thì bà sẽ gửi tiền nhờ người đó cúng Phật. Lúc bà bị hại, túi áo bên phải của bà còn có một chiếc hộp nhựa màu đỏ, bên trong có đôi hoa tai bằng vàng. Tiền và vàng đều còn nguyên khi công an đến khám nghiệm hiện trường.
Chuyện bà có đôi hoa tai vàng đó cũng cực kỳ quan trọng, vì chuyện này là mấu chốt dẫn đến tai họa kế tiếp.
Bà nội tôi có cặp hoa tai đó chỉ vào tối hôm trước xảy ra vụ án mạng. Chuyện là lúc anh cả Quyền đi xuất khẩu lao động lần đầu tiên, bố mẹ tôi đã mượn đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng của bà để xoay sở. Bấy giờ mẹ tôi đã sang Đài Loan làm việc và gửi tiền về nhà đã trả gần hết số nợ nên mẹ nhờ bố trả vàng lại cho bà. Hồ kể rằng bố tôi sợ bà không nhận nên nhờ Hồ nói khéo với bà và em ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ban đầu, bà còn không nhận vì muốn cho luôn con cháu, bà chỉ chịu nhận lại sau khi nghe Hồ nói: “Bà cứ cầm lấy, khi nào cháu cưới vợ thì cháu mượn lại”.
Tiếp theo tôi sẽ kể về hai tang vật rất quan trọng và gần như là hai bằng chứng có giá trị nhất đối với công an và viện kiểm sát.
Thứ nhất, đó là một con dao quắm dài một mét hai. Mấy giọt máu đã khô dẫn từ chiếc giường của bà đến chỗ đặt con dao này ở góc buồng, chỗ mà bố tôi vẫn hay để mỗi khi đi dọn vườn vải về, trên con dao hôm đó có dính máu. Giám định sau đó xác nhận máu trên con dao này là của bà nội.
Kết quả khám nghiệm còn cho thấy bà tôi bị đánh bằng cán của con dao này trước mới rồi bị chém khoảng bảy nhát. Khi chém xong, hung thủ đã đứng một hồi lâu, con dao nhỏ máu xuống nền nhà tạo thành một vũng máu rộng khoảng 70cm và dài khoảng 90cm.
Thứ nhì, đó là chiếc áo phông màu trắng có vết máu. Áo này là của bố tôi. Ông hay vất quần áo của mình trên một chiếc thang gỗ trong buồng, cạnh cửa thông với gian chính và cách chiếc giường của bà nội chưa đến hai mét. Sau khi xét nghiệm thì công an khẳng định máu trên chiếc áo này là máu của bà tôi.
Cái chết của bà nội có lẽ đã trở thành một vụ án hóc búa đối với các điều tra viên. Tôi đoán như thể bởi vì không có manh mối nào để tình nghi một ai đó: không ai thấy hung thủ, tài sản trong nhà và trên người bà nội tôi vẫn còn nguyên và bà cũng không có thù hằn với ai.
Tôi biết ba người mà công an Bắc Giang triệu tập để hỏi nhiều nhất là bố tôi, Hồ và ông Thắng (người thứ hai đến hiện trường). Bố tôi và Hồ đã được mời không biết bao nhiêu lần và tưởng như cuộc điều tra sẽ không bao giờ kết thúc. Ông Thắng được mời đến 11 lần.
Tôi tin rằng do không có manh mối về nghi phạm nên mũi tên điều tra đã quay sang những người trong gia đình tôi.
Anh cả Quyền, anh Toàn, chị Thu và tôi đều không có ở nhà trong thời gian đó. Hồ thì còn đi học ở trường. Tất cả đều có chứng cứ ngoại phạm, riêng bố tôi là người đầu tiên về nhà, là nhân chứng đầu tiên và là con ruột của nạn nhân. Những vụ giết người xảy ra trong nội bộ gia đình là không mới ở Việt Nam. Bố tôi có lẽ đã bị cơ quan điều tra cho vào diện tình nghi. Nếu thời gian chết của bà trùng với thời gian bố tôi về nhà thì đó là một rắc rối cho gia đình và là một manh mối lớn đối với công an.
Theo kết luận khám nghiệm tử thi thì trong dạ dày của bà nội có thức ăn đã nhuyễn, họ quan sát bằng mắt và không biết chính xác đó là thức ăn gì. Họ kết luận rằng nếu là ăn mì tôm, theo lời khai của Hồ, thì bà tôi chết khoảng ba đến bốn tiếng sau khi ăn. Theo lời khai của Hồ thì lúc em ấy rời nhà để đi học vào khoảng 6:30 phút, lúc đó bà nội đã ăn được nửa bát mì. Cứ cho là vào lúc 7:00 thì bà tôi ăn hết nửa bát mì còn lại, như vậy nếu theo kết luận khám nghiệm tử thi thì bà tôi đã chết vào khoảng 10:00 – 11:00. Việc không ước tính được thời gian chết chính xác của bà đã dẫn đến rắc rối lớn cho bố tôi.
Từ lúc mẹ tôi sang Đài Loan, bố là người nắm chi tiêu trong nhà. Tiền mẹ tôi gửi về đã trả được gần hết các khoản nợ. Tiền sinh hoạt đến từ vườn vải, ruộng và những ngày đi làm thuê của bố. Từ lúc mẹ tôi sang Đài Loan, bố tôi thành người nội trợ trong nhà, nấu ăn cho bà và Hồ, giặt giũ, quét dọn, sửa sang nhà cửa và chăm mấy con ngan đang lớn. Mùa đông, bố tôi không bao giờ để bà phải thiếu nước nóng, mỗi ngày hai lần, ông đều xách nước từ giếng lên rồi đun sôi để bà dùng vào sáng và chiều tối.
Đến buổi trưa hôm bà tôi bị giết, bố tôi và chú Mạnh ở lại ăn cơm cùng gia đình chú Trường sau khi nhận công việc buổi chiều ở đây. Bữa cơm trưa hôm đó còn có thêm chú Linh là anh vợ chú Trường.
Khi bố tôi ăn cơm xong thì lấy xe máy để về nhà vì còn phải nấu cơm cho bà. Việc chứng minh thời gian ngoại phạm của bố tôi bắt đầu có rắc rối từ đây. Trong lúc ăn cơm thì điện thoại của chú Linh nhận được cuộc gọi của vợ vào lúc 11:14, nhưng điện thoại của vợ chú thì lại hiển thị thực hiện cuộc gọi đi lúc 11:10. Chú Linh khai sau khi nghe điện thoại của vợ thì bố tôi mới ra về. Chú Mạnh thì khai bố tôi ra về trước khi chú Linh có điện thoại. Còn chú Trường thì nhớ là sau khi nói với con “giờ mới 11 giờ mà đã đi học à” thì bố tôi đã về rồi.
Theo lời khai của bố tôi, trên đường về nhà ông có đi ngang qua trường tiểu học Tam Dị và thấy học sinh ra về. Về sau này, ông hiệu trưởng của trường tiểu học này có xác nhận với luật sư là ngày hôm đó chuông reo tan học vào lúc 11:15. Tiếp đến, bố tôi ghé tiệm tạp hóa của bà Tuyến để mua mì tôm về nấu cho bà nội ăn trưa. Bà Tuyến lúc đó đang rất bận vì đang chuẩn bị đi lễ nên không nói chuyện nhiều với bố tôi.
Quãng đường này do cơ quan điều tra đã thực nghiệm thì thấy tổng thời gian vào khoảng 16 phút.
Bố tôi kể với tôi và với mọi người, về đến nhà, bố tôi dựng xe máy, mang mì tôm vào nhà thì phát hiện bà tôi nằm bất thường trên giường và máu thì tung toé trên người bà, giường và xung quanh tường. Khi biết bà đã chết, ông gọi điện thoại cho bác cả, cuộc gọi đi đó vào lúc 11:23, tiếp đến ông gọi cho công an xã vào lúc 11:26 và gọi tiếp cho ông Thắng sau đó.
Vào 10 giờ sáng thứ Hai đen tối, ngày thứ 13 sau cái chết bí ẩn của bà nội, bố tôi ngồi ở trước sân nhà chuẩn bị ăn cơm trưa thì công an đến nhà. Lần này không giống như những lần trước đó, bố tôi không được mời mà là bị bắt. Bà ngoại tôi với dáng vẻ tội nghiệp nói với công an: “Tôi xin các chú, muốn bắt, muốn tạm giam gì thì để cho con tôi ăn bát cơm đã, gần tới bữa rồi”, nhưng họ không cho.
(Còn nữa)
Đọc thêm:
Kỳ 1: Cái chết bí ẩn của bà nội tôi
Đón đọc kỳ cuối vào ngày mai: Bố tôi có thật sự đã giết bà nội?