Án mạng Bắc Giang – Kỳ 3 và hết: Bố tôi có thật sự đã giết bà nội?

Án mạng Bắc Giang – Kỳ 3 và hết: Bố tôi có thật sự đã giết bà nội?
Bố tôi kể lại cảnh bị tra tấn trong những ngày bị tạm giam sau cái chết bí ẩn của bà nội. Ảnh: Luật Khoa.

Ghi theo lời kể của cô Vi Thị Thảo, con gái của ông Vi Văn Phượng. Ông Phượng là người bị tòa ba lần tuyên án tử hình trong một vụ án mạng mà mẹ đẻ của ông, bà Nguyễn Thị Vui, là nạn nhân.

Kỳ 1: Cái chết bí ẩn của bà nội tôi
Kỳ 2: Bi kịch nối tiếp bi kịch


Buổi sáng ngày 4 tháng Tư năm 2013, trong bộ đồng phục cấp ba, tôi đạp xe từ trường đến Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Lúc đó, tôi chưa có đủ sức để hình dung về một phiên tòa ngoài đời thật. Trong đầu tôi cứ nghĩ người ta xử vụ án của bà: phiên tòa sẽ hỏi lại nhân chứng về vụ án đã xảy ra như thế nào để thu thập chứng cứ để xét xử vụ án. Tôi vẫn nghĩ phiên tòa sẽ như trong phim, những phiên tòa mang lại công lý.

Tôi khá háo hức trên đường đến tòa vì nghĩ bố sắp được thả. Rồi ông sẽ trở về nhà với Hồ và mẹ tôi sẽ yên tâm hơn. Gia đình chúng tôi sẽ đoàn tụ. Những người hàng xóm sẽ chúc mừng ông vừa thoát khỏi một tai họa khủng khiếp. Nhưng sự thật thì không hề giống như hình dung của tôi.

***

Sau lễ tang của bà, bầu không khí quạnh quẽ vẫn quấn lấy ngôi nhà không buông. Vào những đêm tối trời, bố tôi gọi cậu sang nhà ngủ để không gian bớt phần u ám. Cũng nhờ vậy mà bố tôi nhớ được số điện thoại của cậu và việc này đã cứu ông nhiều tháng sau đó dù hơi muộn màng. Nói chung, bố tôi là một người nhút nhát. Ngay cả việc đuổi người đàn ông điên ra khỏi căn nhà cũ của ông bà nội, ông cũng cư xử rất nhẹ nhàng.

Trước nay, bố tôi không đánh chửi vợ con hay ngược đãi bất kỳ người nào. Ông là một người tốt mà ai trong làng cũng công nhận.

Việc điều tra khiến ông gần như nghỉ việc ở nhà vì hầu như ngày nào cũng phải gặp công an. Sau này, tôi mới biết ông bị bắt khi có kết luận giám định: vết máu trên chiếc áo cộc tay của ông là máu của bà nội; và theo kết luận tiếp theo sau đó khoảng một tháng (11/2012) của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) thì vết máu đó được hình thành trong lúc bà bị giết. Rồi đến năm 2017, viện này lại phủ nhận kết luận đó.

Ở Đài Loan, mẹ tôi hay tin bố tôi bị bắt sau khi biết bà nội bị giết tại nhà, bà lên cơn cao huyết áp mỗi khi đi làm về. Bà kể rằng mỗi lần đi làm về bà lại quay mặt vào trong vách tường để khóc và không thể ngủ được trong nhiều đêm. Mẹ tôi phải chấp nhận cái sự thật tưởng như chỉ có trong một cuốn tiểu thuyết nào đó. Rồi có những lúc bà đổ bệnh, phải vào bệnh viện nằm. Sau phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất của bố tôi thì bà mới về nước vào năm 2014 khi kết thúc hợp đồng lao động ba năm. Giờ đây, dù túng thiếu đến cỡ nào bà cũng không nghĩ đến việc đi nước ngoài để tìm việc nữa.

Sau ngày bố bị bắt, Hồ thường phải ở nhà một mình, từ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho đến trông nom vườn vải. Từ lúc bà bị sát hại đến ngày bố bị bắt là chưa đầy hai tuần, Hồ cũng là người trải qua nhiều cuộc thẩm vấn như bố tôi đã từng. Em ấy trở nên ít nói hơn, ít biểu lộ những tình cảm mà trước kia em thường thể hiện với mọi người. Hồ không thể tập trung học, em nghỉ học nhiều và kết quả học hành sa sút rõ rệt so với trước đó.

Tin xấu từ buồng giam

Lúc bố bị bắt, tôi vẫn còn là một học sinh lớp 11, tôi nghĩ công an bắt ông rồi họ sẽ cho ông về nhà như những lần trước đó. Nhưng khoảng một tuần sau ngày bố bị bắt, một cán bộ công an huyện đã nói với tôi qua điện thoại rằng: “Bố con bị chuyển lên trại tạm giam của tỉnh rồi. Các chị em ở nhà nhớ chăm sóc lẫn nhau!”. Lúc đó, tôi mới biết bố bị bắt thực sự.

Chúng tôi mất liên lạc với bố trong nhiều tháng sau đó vì công an không cho phép. Chúng tôi không biết ông sống chết như thế nào trong trại tạm giam của tỉnh Bắc Giang. Nhưng những người bị giam cùng với ông thì biết rất rõ.

Trong căn buồng tạm giam chật hẹp đó, người bị giam cùng buồng với bố tôi kể rằng trong những ngày đầu đi cung bố tôi trở về phòng với nhiều vết thương trên người, khóe miệng bị rách vì công an nhét còng số tám vào miệng, ngón tay cái bị thương vì bị buộc dây để treo hai tay lên trần nhà với mũi chân chạm đất, xung quanh vùng mặt bị bỏng do ông bị đốt râu và hất nước chè nóng vào mặt. Bố tôi đã rất sợ hãi mỗi lần ông bị gọi đi lấy cung, đồng nghĩa với việc bị tra tấn. Những người trong buồng giam bảo bố tôi nhận tội rồi sau này kêu oan với quan tòa sau.

Đây là cảnh tượng bố tôi mô tả lại ông đã bị tra tấn như thế nào trong những ngày bị tạm giam. Ảnh: Luật Khoa.

Trong buồng tạm giam, bố tôi vẫn còn nhớ số điện thoại của cậu nên đã viết lại cho một người bị giam cùng buồng, và dặn là nhớ liên lạc với cậu tôi để tìm luật sư cho ông. Đó là những thông tin đau đớn về bố mà gia đình tôi biết được sau nhiều tháng mất liên lạc. Người đàn ông mà bố tôi nhờ cậy vốn bị tạm giam và được tha vì ẩu đả trong một tranh chấp đất đai. Khi ông tìm gặp cậu tôi và kể lại mọi chuyện thì đã quá muộn, bởi chỉ vài tuần sau thì bố tôi ra tòa. Một gia đình mà cả nội ngoại đều là nông dân nên chúng tôi rất xa lạ với hệ thống tư pháp, vả lại lúc đó chúng tôi còn tin là công an không làm oan người vô tội.

Trong khi bị tạm giam, bố tôi có nhờ bác cả tìm luật sư cho bố nhưng bác ấy từ chối.

Thế là bố tôi được công an bố trí một luật sư chỉ định tên Ngọc. Ông ấy là người mà trước khi gặp bố tôi đã tin rằng thân chủ của mình là người có tội giữa những bằng chứng mập mờ mà công an điều tra cung cấp. Ông ấy thậm chí không tiếp xúc với gia đình tôi hay đến nhà để xem lại hiện trường của vụ án.

Bố tôi nói ông Ngọc không có mặt trong tất cả những lần mà bố đi cung nhưng ông ta phủ định điều này. Điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng, người mà bố tôi nói đã ép cung ông, cũng không thừa nhận việc làm độc ác của mình.

Một khi bạn đã nhận tội thì những gì bạn giải thích trước tòa đều trở nên vô dụng. Sự xuất hiện của bạn ở tòa cốt chỉ để trang trí chứ không có nhiều ý nghĩa. Bạn đứng đó và nghe các bên định đoạt về số phận của mình, họ không biết những gì đã xảy ra trong phòng hỏi cung trừ công an. Người ta đòi bạn bằng chứng về việc tra tấn nhưng không tài nào mà bạn cung cấp được vì mọi việc đã được công an tàn nhẫn sắp xếp. Những bằng chứng vô cùng mâu thuẫn thì tòa không yêu cầu công an làm sáng tỏ mà lại chọn những chi tiết ăn khớp với nhau để thành một kịch bản về khoảnh khắc mà bà tôi bị giết hại. Uất ức tụ lại trong lòng ngực của tôi khi quan tòa đọc to bản án quá bất ngờ của bố.

Phiên tòa nhanh hơn đám tang

Bố tôi tới phiên sơ thẩm, ngày 4 tháng Tư năm 2013, trên một chiếc xe bọc thép như một người phạm tội thật sự. Và dường như trong mắt kiểm sát viên, thẩm phán, công an, bố tôi đã là một tội phạm thật sự, họ chỉ còn chờ đợi để quyết định về hình phạt mà thôi.

Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy ông sau sáu tháng 13 ngày. Ông mặc áo sơ-mi cổ bẻ màu nâu sẫm, gầy rộc đi và má hóp lại. Ông nhắc từng bước chân, tiến chậm rãi vào phòng xét xử. Gia đình tôi và những người hàng xóm đều có mặt đông đủ tại tòa. Chúng tôi ở rất gần nhưng cũng rất xa ông.

Tôi nhớ rằng phiên tòa diễn ra còn nhanh hơn đám tang của bà tôi. Tất cả dường như đã chuẩn bị sẵn để chống lại bố tôi. Bản án của tòa giống hệt như cáo trạng của Viện Kiểm sát, không một chút hoài nghi về những bí ẩn trong vụ án mạng.

Bỏ qua sự mâu thuẫn trong lời khai của các nhân chứng ở bữa cơm trưa ngày hôm đó, bản án khẳng định bố tôi rời nhà chú Trường vào khoảng 11:00, mua mì tôm ở tiệm tạp hóa cách nhà tôi khoảng 650 mét rồi về đến nhà tôi khoảng 11:16 phút. Lúc đó, bà tôi đang nằm ngủ trên giường. Về đến nhà, ông cởi áo sơ-mi bên ngoài, bên trong vẫn còn có áo phông trắng cộc tay. Thấy bà nội tôi nằm ngủ trên giường, bỗng dưng ông nhớ lại chuyện bà nội tôi đòi ông trả lại vàng mấy hôm trước đó. Vì chuyện đó nên ông cảm thấy tức tối và thấy gánh nặng từ việc chăm sóc bà nội đang đè nặng lên đôi vai của mình. Không một chút đắn đo, bố tôi đi thẳng vào buồng rồi lấy con dao quắm đang dựng ở góc phòng. Tiến đến chỗ bà, ông cầm con dao bằng tay phải, rồi chém nhiều nhát vào người bà tôi vì nghĩ giết người dã man như vậy người ta sẽ không nghĩ đến thủ phạm lại chính là người con trai. Khi thấy máu phun ra nhiều, bố tôi trả con dao lại vị trí cũ, rồi cởi chiếc áo phông cộc tay màu trắng dính máu vất lên chiếc thang gỗ. Tiếp đến, ông thực hiện những cuộc điện thoại như tôi đã kể ở bài trước, nhằm biến mình từ thủ phạm thành nhân chứng đầu tiên.

Quan tòa kết luận bố tôi đã cầm con dao đó nhưng cho đến nay họ vẫn không thể tìm thấy dấu vân tay của bố tôi trên con dao ấy. Viện khoa học Hình sự (Bộ Công an) nói rằng cán dao quá nhỏ nên không thể xác định dấu vân tay. Một kết luận không có bằng chứng, ngoài lời nhận tội do bị ép cung của bố tôi.

Sáng hôm đó, liệu bố tôi có mặc hai chiếc áo hay không vẫn chưa được làm sáng tỏ. Thời tiết hôm ấy rất bình thường nên tôi không nghĩ ông đã mặc đến hai chiếc áo. Những lời khai đầu tiên cũng không khẳng định chắc chắn ông đã mặc hai chiếc.

Trong những lời nhận tội đầu tiên của bố tôi, ông còn khai là mình trở về nhà giết bà tôi vào khoảng 9:00 sáng rồi quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, lúc đó bố tôi vẫn đi làm với chú Mạnh nên lời khai này bị bác bỏ sau đó. Rõ ràng đã có điều gì đó rất bất thường trong những lời nhận tội của ông.

Khi tòa án đọc bản án của bố tôi, tôi không còn biết mình đang lơ lửng ở đâu. Những người trong gia đình tôi bật khóc thành tiếng lớn. Bố tôi đứng trên vành móng ngựa chờ những mũi tên là những lời buộc tội thiếu căn cứ lao thẳng đến ông. Ý nghĩ đợi ra tòa kêu oan cho mình vì bị điều tra viên ép cung của bố tôi đã thất bại. Tiếng nói của ông và gia đình tôi đã thu lại rất nhỏ rồi tắt lịm giữa phiên tòa, không ai lắng nghe gia đình của bị cáo, vốn cũng là gia đình của bị hại.

Rồi điều không mong muốn nhất của vị luật sư chỉ định đã thành sự thật trong phiên tòa. Tòa tuyên bố tôi đã giết bà nội, hành động đó bị tăng nặng hình phạt vì có tính chất côn đồ và động cơ đê hèn, và tuyên án tử hình.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao phiên tòa sơ thẩm lại yêu cầu tiêu hủy toàn bộ tang vật của vụ án. Trong khi đó, đây mới là phiên tòa đầu tiên của ông.

Liệu bố tôi có thật sự là kẻ đã giết bà nội? Nếu ông làm việc ấy vì sao ông không giấu đi tang vật và chiếc áo dính máu? Vì sao ông lại gọi điện cho mọi người ngay sau khi vừa giết bà nội? Những điều đó tôi không biết nhưng tôi biết chắc rằng bố tôi chưa bao giờ ghét mẹ ruột của mình. Hồ kể rằng trước hôm xảy ra án mạng và kể cả nhiều tháng trước đó không có cuộc cãi nhau nào giữa bà nội và bố như tòa đã khẳng định. Bà nội tôi đã vui vẻ nhận lại vàng khi Hồ năn nỉ bà. Trong bao năm qua, bố tôi luôn là một người tận tụy chăm sóc cho bà nội, họ hàng và xóm làng đều biết rõ điều ấy.

Sáng hôm đó, tất cả mọi người đều khóc. Bố tôi bị áp giải với đôi tay bị còng bước ra chiếc xe bọc thép. Cậu tôi bảo chúng tôi chạy theo ra cửa để chào bố. Năm anh em chúng tôi chạy nhanh theo sau, bố tôi đi ở phía trước với hai người công an kìm chặt hai tay, ngoảnh đầu lại nhìn chúng tôi, ông nói: “Các con đừng khóc, nhìn các con khóc bố thấy đau lòng lắm!”

Bố tôi đã thay đổi như thế này trong bảy năm qua. Từ trái sang: ảnh chụp bố tôi vào năm 2011, bố tôi ở phiên tòa sơ thẩm, và ảnh chụp bố vào phiên tòa bị hoãn vào tháng 5 năm 2019 trước lần thứ ba bị tuyên án tử hình. Ảnh: Tổng hợp từ nguồn của gia đình, báo Zing và báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.

Ánh sáng ở tòa giám đốc thẩm và lần thứ ba bố bị tuyên án tử hình

Tôi còn nhớ rất rõ rằng sau phiên tòa lấy đi nhiều nước mắt đó, lúc đó tôi còn học lớp 11, tôi đã tự viết đơn cầu xin tòa thả bố tôi ra nhưng không được hồi đáp. Tuần nào cậu tôi cũng từ Bắc Giang xuống Hà Nội để gửi đơn mặc dù không quen thuộc đường xá, có lúc cậu phải ngủ đêm lại ở Hà Nội vì người ta yêu cầu ai viết đơn thì người đó nộp mà đơn là do anh cả Quyền tôi viết.

Gần năm tháng sau, bố tôi bước vào phiên xét xử phúc thẩm. Phiên tòa cũng diễn ra chóng vánh hệt như phiên xử sơ thẩm diễn ra trong một buổi. Lúc này, gia đình tôi đã có một luật sư giỏi nhưng bố tôi vẫn không tránh được bản án tử hình. Bản án lần này còn ngắn gọn hơn lần trước đó. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người sắp sửa về hưu vào ngày hôm sau.

Ánh sáng chỉ thật sự đến với bố tôi vào hơn ba năm sau đó. Lúc này, Hồ vừa đi làm ở Đài Loan. Chị Thu trước đó cũng đã kết hôn mà không có bố tôi.

Phiên tòa giám đốc thẩm ngày 7 tháng 11 năm 2016 đã hủy hai bản án đầu tiên để điều tra lại từ đầu từ vụ án của ông.

Sau khi huỷ án bố tôi trở lại thân phận của một nghi phạm, vì vậy gia đình tôi lại không được thăm gặp và một lần nữa mất liên lạc với ông trong nhiều tháng.

Tòa giám đốc thẩm đã yêu cầu làm rõ hàng loạt nút thắt của hai phiên tòa trước: thời gian gây án nếu bố tôi có thật sự là kẻ giết người; thời gian chết của bà nội; phải thực nghiệm lại việc mặc hai áo; thực nghiệm lại việc dùng dao quắm chém bà tôi; giải thích các vết máu bắn trên quạt và áo phông trắng là máu bắn hay nhỏ giọt; phải làm rõ động cơ gây án; và lời khai của các nhân chứng đầu tiên đến hiện trường.

Nhưng ánh sáng nhỏ nhoi đó không le lói được bao lâu. Kết luận điều tra bổ sung của công an Bắc Giang vào tháng Chín năm 2018 (để chuẩn bị cho phiên sơ thẩm lần hai) chưa đầy hai trang giấy, ít hơn cả bản liệt kê vấn đề cần điều tra lại của tòa giám đốc thẩm. Rồi cả hai lần cơ quan điều tra cho thực nghiệm hiện trường đều sử dụng người đóng thế thay cho bố tôi và các nhân chứng cũng là các nhân chứng đóng thế.

Phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai được gia đình chúng tôi kỳ vọng nhiều nhất. Phiên tòa đã diễn ra trong hai ngày, 16 và 19 tháng Tám năm 2019, cho nên bản án lần này có vẻ chi tiết hơn hai bản án trước đó. Trong bản án có ghi rõ những nhân chứng có mặt và vắng mặt.

Bố tôi vẫn bước ra từ chiếc xe thùng bọc thép như một người tù thật sự. Giống như hai phiên tòa trước đó, ông vẫn nói mình nhận tội vì bị điều tra viên ép cung nhưng những người này đã phủ nhận điều đó trước tòa.

Trong phiên tòa này, bố tôi đã có ba luật sư bào chữa cho ông nhưng toàn bộ phần tranh luận kéo dài hàng giờ của các luật sư chỉ thu lại thành 1/30 trong toàn bộ bản án, còn lại gần như là dẫn từ cáo trạng của Viện kiểm sát. Điều này khiến cho ai đọc sơ qua bản án cũng thấy bố tôi là người phạm tội thật sự.

Kết cục của phiên tòa này là bố tôi bị tuyên án tử hình lần thứ ba. Phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai sẽ diễn ra sớm trong thời gian tới, liệu bố tôi có được minh oan hay không? Nếu như ông có tội vì sao đến nay việc buộc tội ông dù bằng lý lẽ nào cũng không đủ sức thuyết phục? Lẽ nào gom nhặt chứng cứ thành một bản cáo trạng để chống một người vô tội lại dễ dàng đến thế?

Trong suốt bảy năm qua, hình ảnh bố trong xà lim, khi ông đứng trước vành móng ngựa trong các phiên tòa bất công luôn chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Nếu Hồ càng ngày càng quên dần thì tôi càng nhớ rõ những gì đã xảy ra đối với gia đình tôi sau cái chết bí ẩn của bà nội. Đến nay, tôi vẫn chưa hiểu vì sao ở một làng quê thanh bình như vậy, dưới những cánh đồng bao la, êm đềm, nơi anh em chúng tôi cùng nhau lớn lên với vườn vải của ông nội, nơi bố mẹ chúng tôi chăm sóc ông bà hết sức chu đáo, lại xảy ra một bi kịch đã kéo dài hơn bảy năm nay. Các phiên tòa đã gây cho chúng tôi nhiều đau khổ hơn là mang lại công lý.

(Hết)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.