Liên Xô sụp đổ: Vì định mệnh hay vì “kẻ tội đồ” Gorbachev?

Liên Xô sụp đổ: Vì định mệnh hay vì “kẻ tội đồ” Gorbachev?
Tổng bí thư Mikhail Gorbachev của Liên Xô. Ảnh: Getty Images.

Vì sao Liên Xô sụp đổ? Trong muôn vạn lý do mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn còn chưa hoàn toàn thống nhất, một bộ phận người dân yêu mến Liên Xô luôn cho rằng Mikhail Gorbachev chính là kẻ tội đồ làm cho liên bang này sụp đổ. Họ khẳng định Liên Xô sẽ tiếp tục tồn tại và hùng cường nếu Gorbachev không xuất hiện.

Trong một cuộc điều tra về quan điểm của người dân Nga đối với các lãnh đạo từng nắm quyền trong lịch sử do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện, Gorbachev bằng cách nào đó ở vị trí thấp hơn cả vị độc tài quân sự Stalin khét tiếng, người từng phủ bóng Liên Xô với nạn thanh trừng và đàn áp. Một bộ phận không nhỏ khác đi xa đến mức gọi vết bớt (birthmark) trên trán của Gorbachev là dấu hiệu của Quỷ Satan (The mark of Satan).

Tuy nhiên, một số tài liệu khác thì lại ghi nhận rằng Liên Xô mà Gorbachev kế thừa thật ra đã rệu rã và có những dấu hiệu kiệt sức trong cuộc đua kinh tế với phương Tây. Liên Xô cần phải cải cách, và đó là lý do mà Gorbachev trở thành người quyền lực nhất khối xã hội chủ nghĩa.

Cách nhìn nhận sự kiện lịch sử nói chung và vai trò của Gorbachev nói riêng phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Bài viết này không nhằm định hướng hay áp đặt người đọc vào một lề thói nhất định. Mục tiêu của bài viết là cung cấp thông tin đúng – đủ, có căn cứ – nền tảng không thể thiếu cho mọi đánh giá.

Tính hai mặt của lịch sử kinh tế Liên Xô

Ngày 31 tháng 12 năm 1991, Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chính thức chấm dứt tồn tại với tư cách một thực thể pháp lý quốc tế. Sự sụp đổ của nhà nước hùng mạnh kéo dài hơn nửa thế kỷ này không hề được dự đoán trước, và tin tức về nó khiến người Liên Xô, các nhà lãnh đạo và giới quan sát quốc tế phải bất ngờ.

Vậy nên không có gì khó hiểu khi những thành tựu của Liên Xô luôn khiến những người còn luyến tiếc đôi khi vẫn mộng mơ về nó.

Ngay từ khi vừa thành lập cho đến ngày tan rã, nền kinh tế Liên Xô luôn phát triển tịnh tiến tăng dần đều (và chỉ bị gián đoạn trong Đệ nhị Thế chiến). Đời sống người dân tuy không tăng trưởng ở tốc độ choáng ngợp và có của cải dư thừa như ở phương Tây, nhưng các nhà khoa học đồng tình rằng nó luôn theo chiều hướng đi lên. Sự can thiệp toàn diện của nhà nước vào mọi vấn đề xã hội đồng nghĩa với việc chính phủ Liên Xô luôn duy trì chế độ giáo dục miễn phí, hệ thống y tế toàn dân. Đóng góp khoa học và công nghệ của Liên Xô cho nhân loại luôn được Đông – Tây thừa nhận. Từ cuộc chạy đua lên vũ trụ cho đến cờ vua và khúc côn cầu, Liên bang Xô Viết luôn khẳng định mình là đại diện duy nhất có khả năng đối trọng với “nửa bán cầu của Hoa Kỳ” suốt hàng chục thập niên.

Một nhà máy ở Moscow, Liên Xô, năm 1957. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, trong cùng lúc đó, nên thừa nhận một sự thật rằng mô hình Liên Xô có hàng loạt những vấn đề hệ thống vô cùng nghiêm trọng. Từ thói tham nhũng và thân hữu, giới lãnh đạo bảo thủ thiên cực (ultra-conservative), cho đến giai đoạn kinh tế phát triển chững lại và hơn 20% ngân sách quốc gia phải chi cho hoạt động quân sự để gìn giữ “chế độ xã hội chủ nghĩa” ở nước ngoài, có nhiều lý do để tin rằng Liên Xô đã đi đến chỗ buộc phải cải cách nếu muốn sống còn.

Tham nhũng là một vấn đề không xa lạ với mọi quốc gia trên thế giới. Song tham nhũng và lạm quyền tại một quốc gia mà mọi ngóc ngách của nền kinh tế bị chính phủ kiểm soát có những đặc trưng thú vị hơn.

Theo nhà nghiên cứu Charles A. Schwartz, có đến ba kiểu tham ô – tham nhũng tại Liên Xô. “Tham nhũng hành chính trắng” (white administrative corruption), là loại nhẹ nhất (không bị pháp luật Liên Xô hình sự hóa), nhưng cũng đi sâu vào bản chất văn hóa lao động nhất và có ảnh hưởng gốc rễ đến năng suất làm việc và khả năng sáng tạo sản phẩm tiêu dùng của người dân tại đây.

Do các ngành sản xuất đều bị kiểm soát theo sản lượng và kế hoạch, việc hoàn thành chỉ tiêu mà nhà nước đề ra trở thành “nồi cơm” của mọi tầng lớp lao động hay quản lý tại Liên Xô. Lương, thưởng, thăng tiến, lợi thế chính trị đều lệ thuộc vào những chỉ tiêu này. Cách thức quản lý này gây ra hiện tượng “báo cáo khống” (report padding) – hay nói kiểu dân dã Việt Nam, là căn bệnh “thành tích”. Người quản lý các đội nhóm làm việc thì không muốn báo cáo các vấn đề sản xuất của đội mình lên cấp trên. Giới lãnh đạo nhà máy, xí nghiệp có nhận ra vấn đề hay không thì vẫn theo guồng mà chạy để bảo đảm các lợi ích kinh tế và chính trị của việc hoàn thành chỉ tiêu tạo ra.

Không phải quan tâm đến chất lượng, thị trường sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng hay cạnh tranh, không có gì khó hiểu khi sự đa dạng, tiêu chuẩn, khả năng sáng tạo của hầu hết các loại sản phẩm của Liên Xô dù là nông nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp hay công nghiệp nặng đều có dấu hiệu thua kém so với các quốc gia tư bản phương Tây, nơi mà hiệu quả, năng suất và lợi nhuận là những tiêu chí hàng đầu trong đánh giá sản xuất.

Thể dạng tham nhũng nói trên dần được Khruschev xác định ra và bị chuyển hóa thành một tội hình sự dạng nhẹ trong những năm giữa thập niên 1960. Song điều này không làm thay đổi thực tế là nền kinh tế Liên Xô vẫn vận hành hoàn toàn bằng kế hoạch và chỉ tiêu sản lượng từ nhà nước giao xuống, một mô hình luôn được được những nhóm hưởng lợi từ cơ chế cũng như bởi những nhà Marxist bảo thủ bảo vệ.

Không chỉ vậy, nghiên cứu “Sự trỗi dậy và lụi tàn của nền kinh tế Liên Xô” (tên tiếng Anh: The rise and decline of Liên Xô economy) khá nổi tiếng vì tính trung lập của Giáo sư kinh tế Robert C. Allen, thuộc Đại học British Columbia, còn tiếp cận và chỉ ra những đặc điểm thú vị khác của nền kinh tế Liên Xô.

Theo ông, cần thừa nhận rằng từ năm 1928 đến năm 1970, Liên Xô có tốc độ tăng trưởng vượt trội mọi quốc gia công nghiệp phát triển (OECD) khác, kể cả nếu so sánh với Hoa Kỳ. Họ đứng sau Nhật Bản, nhưng điều đó cũng đủ khiến Liên Xô trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới (luôn giữ mức trên 5%).

Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, năm 1963. Ảnh: rferl.org.

Song trong giai đoạn thứ hai, từ năm 1970 cho đến khi không còn tồn tại, tỷ lệ tăng trưởng (dù là GNP hay GDP) của Liên Xô chỉ thoi thóp ở mức 2%, thấp hơn hầu hết các quốc gia OECD cũng như Hoa Kỳ. Điều gì khiến cho sự chênh lệch này lại đáng kể và đột ngột đến như vậy?

Thông qua kiểm chứng số liệu và chạy mô hình kinh tế, Giáo sư Allen cho biết thành công của Liên Xô giai đoạn 1928 – 1970 dựa trên ba lý do chính:

(1) Việc duy trì chính sách Kinh tế mới (New Economic Policy) từ 1928 đến 1940, theo đó duy trì sản xuất nông nghiệp hộ – cá thể và những cốt lõi của nền kinh tế thị trường như cho phép giá cả dao động theo cung cầu, bảo hộ quyền tư hữu một cách cơ bản… tạo nền tảng cho phát triển kinh tế;

(2) Chú trọng và can thiệp độc quyền vào các ngành công nghiệp nặng (sản xuất gang, thép, chế phẩm kim loại…), đồng thời với chính sách nhấn mạnh vào các loại hàng hóa sản xuất như máy móc thiết bị nông nghiệp, công nghiệp (Producer goods, trái ngược với Consumer goods là hàng hóa tiêu dùng – công nghiệp nhẹ) giúp cho năng lực sản xuất công nghiệp được tăng cường, và lĩnh vực này cũng tạo ra được nguồn tư bản đáng kể thông qua hoạt động xuất khẩu.

(3) Cuối cùng, cơ chế điều hành kinh tế tập trung và quản lý sản xuất dựa trên chỉ tiêu kết hợp cùng Ức chế ngân sách mềm (Soft Budget Constraint – tạm hiểu là việc các nhà nước sẽ hỗ trợ, cung cấp ngân sách hay thậm chí bù lỗ cho các doanh nghiệp nhà nước) khiến cho hoạt động sản xuất mở rộng một cách chóng mặt, từ đó thu hút việc làm cho phần lớn người dân tại các vùng nông thôn chưa có việc làm, đẩy tăng trưởng của năng suất lao động và thành phẩm, mở rộng nhu cầu tiêu dùng của cả nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, kiểm soát thị trường bằng mệnh lệnh hành chính cũng phải tới thời điểm lộ ra sự yếu kém của nó. Khi mọi người đều có việc, năng suất lao động bắt đầu chững lại, và sản lượng chỉ có thể tăng dựa vào các quyết định đầu tư và cải thiện đúng đắn. Song các quyết định đầu tư khổng lồ vào những ngành công nghiệp cũ kỹ không tìm thấy được kết quả sản lượng và tăng trưởng việc làm như mong đợi. Các mỏ khoáng sản truyền thống như dầu, gang thép… cứ dần cạn kiệt và hoạt động khai thác không có tiến triển tốt dù chi phí duy trì của những ngành này là khổng lồ. Như Allen nói đùa, chính các lãnh đạo Liên Xô đã biến nền kinh tế nước này trở thành một điều thần kỳ, nhưng khi thế giới thay đổi, và những vị lãnh đạo này không còn khả năng tưởng tượng ra tương lai của nền kinh tế thế giới, điểm mạnh nhất của chính quyền trở thành yếu điểm của nó – nền kinh tế Liên Xô đã không còn kịp thích nghi và đáp ứng với thế giới xung quanh.

Gorbachev – Nhà cải cách hay kẻ tội đồ?

Năm 1985, Liên bang Xô Viết đứng ở ngã ba đường. Các chỉ số kinh tế sụt giảm, người dân bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt trong đời sống tiêu dùng tại các quốc gia tư bản Tây Âu – Hoa Kỳ và tại Liên Xô, sự mệt mỏi và cồng kềnh của bộ máy quan liêu dần biểu lộ rõ sau khi công nghệ thông tin và hệ thống mạng toàn cầu lần đầu tiên được giới thiệu và hoàn thiện.

Và cũng không may cho Liên Xô, giới lãnh đạo Đảng dường như cũng không còn sức sống. Với ba cái chết liên tục của các đời tổng bí thư Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko chỉ trong ba năm, phương thức tuyển chọn lãnh đạo của các chính thể chuyên chế như Liên Xô không còn nhiều sự lựa chọn – và Mikhail Gorbachev trở thành người kế nhiệm của “đế chế” Liên Xô khổng lồ. Nói ra điều này không phải để phủ nhận năng lực của Gorbachev, mà nhằm cho thấy nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô đang trong tình trạng khủng hoảng, và một nhân vật có tư tưởng cấp tiến như Gorbachev cuối cùng cũng có cơ hội trỗi dậy.

Tháng Năm năm 1985, chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, Gorbachev đưa ra chính sách cải cách đầu tiên của mình – chiến dịch chống lạm dụng rượu. Ông nhìn thấy được sự thiếu hiệu quả của hệ thống lao động và sản xuất của Liên Xô, như các nhà nghiên cứu mà bài viết đề cập ở trên, song đối tượng – nguyên nhân của tệ nạn mà ông nhắm tới - có vẻ không chính xác.

Chính sách bắt đầu với việc hạn chế các cửa hàng được phép bán thức uống có cồn, nhiều nhà máy pha chế và nấu rượu bị đóng cửa, tiêu hủy các vườn trồng nho và nguyên vật liệu khác để nấu rượu tại những nền cộng hòa chỉ chuyên sản xuất rượu bên trong liên bang như Moldavia, Armenia và Georgia. Không chỉ vậy, nhà hàng bị cấm bán rượu trước 2 giờ chiều; và các cơ quan tại Nga phấn đấu thi đua trở thành những cơ quan không rượu.

Tuy nhiên, như đã nói, năng suất lao động kém ở Liên Xô là một vấn đề của cơ chế và mô hình của nền kinh tế, không phải chỉ bởi vì thói quen thích uống rượu của người Liên Xô. Chiến dịch kết thúc mà không đạt được thành tựu gì cụ thể, chỉ riêng Gorbachev bắt đầu được gọi là mineral’nyi sekretar’ (Bí thư nước khoáng) thay vì general’nyi sekretar’ (Tổng bí thư).

Mọi sự vẫn còn chưa đến đâu thì vào năm 1986, thảm họa Chernobyl diễn ra. Sự tụt hậu và cũ kỹ của công nghệ Liên Xô không chỉ bị phơi bày, nó còn làm các quốc gia cộng hòa thành viên đặt dấu hỏi về tính minh bạch và sự trung thực của các nhà lãnh đạo Liên Xô sau thảm họa. Nhu cầu và áp lực cải cách ngày càng đè nặng lên vai Gorbachev.

Để dễ thở hơn cho các cải cách trong nước, Gorbachev tìm cách giảm căng thẳng Chiến tranh Lạnh với phương Tây, mà đặc biệt nhất là Hiệp ước Giải giáp Vũ khí Hạt nhân Trung tầm (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty), theo đó hai bên cam kết sẽ tiêu hủy và không phát triển hay sử dụng các loại vũ khí hạt nhân có bán kính sử dụng từ 500 đến 5.000 km. Giới chính trị phương Tây có cảm giác có thể làm việc và tin tưởng Gorbachev, trong khi bản thân ông này cũng có thể tập trung vào các vấn đề quốc nội nhiều hơn.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tiếp Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1987 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Lần này, chính quyền Gorbachev buộc phải dùng cách tiếp cận cấp tiến hơn và những cải cách “nặng đô” hơn, với hai nguyên tắc chủ đạo là perestroika (restructuring – tái cơ cấu) và glasnost (openness – mở) nhắm vào cả không gian kinh tế và chính trị.

Ví dụ, tháng Sáu năm 1987, cuộc bầu cử đa ứng viên đầu tiên được thử nghiệm ở cấp địa phương với kỳ vọng tăng cường hoạt động tham gia dân chủ của người dân và tiếp nhận thêm ý kiến để hoàn thiện mô hình thể chế. Ngay sau đó, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được giải phóng dần, trao bớt quyền cho địa phương và doanh nghiệp thay vì điều hành nền kinh tế theo cơ chế mệnh lệnh tập trung, cũng như cho phép thành lập những doanh nghiệp hợp tác (cooperative enterprises) đầu tiên.

Tuy nhiên, những cải cách này cũng không tỏ ra hiệu quả. Đổi mới trong kinh tế dù được thực hiện, lại vẫn còn vướng với mô hình quản trị lâu năm của kế hoạch hóa, kiểm soát giá và trợ cấp chính phủ – những đặc trưng của nền kinh tế XHCN mà giới lãnh đạo trung ương Liên Xô vẫn loay hoay cãi nhau xem nên bỏ hay giữ. Do đó, văn hóa sáng tạo và nhận thức kinh doanh – sản xuất hàng hóa như một nhu cầu tư nhân vẫn không thể hình thành.

Mặt khác, cải cách chính trị khiến Liên Xô giống như một con bệnh lâu ngày mới khám, và ổ bệnh liên quan đến xung đột sắc tộc cũng như danh tính quốc gia bùng nổ. Các quốc gia cộng hòa thành viên của Liên Xô cũng như quốc gia cộng sản trong khối xã hội chủ nghĩa không còn nhìn hệ thống như một sự gắn kết của tư tưởng chính trị nữa. Thay vào đó, họ cho rằng đây là sự áp đặt của ngoại bang. Biểu tình ngày càng lan rộng, và những xung đột bạo lực vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.

Ở thời điểm này, có hai phe trong giới lãnh đạo Liên Xô. Nhóm thứ nhất chủ trương không can thiệp và chấp nhận một số yêu cầu của những nền cộng hòa thành viên – mà đại diện là Gorbachev. Theo lập luận của phe này, đại đa số những khu vực này vẫn còn muốn nằm trong Liên bang Xô Viết, chúng ta chỉ cần trao quyền bớt cho chính quyền dân cử địa phương mà thôi. Tuy nhiên, phe bảo thủ của Đảng Cộng sản Liên Xô không đồng tình. Họ cho rằng đây là biểu hiện của một chính quyền yếu đuối, và sẽ làm suy giảm nghiêm trọng vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế.

Ngày 19 tháng Tám năm 1991, sau khi thành lập Hội đồng Khẩn cấp Quốc gia (State Emergency Committee – vốn vi hiến vì không được ghi nhận trong pháp luật Liên Xô), giới tướng lĩnh quân sự và quan chức Cơ quan An ninh Quốc gia (KGB) tiến hành đảo chính Gorbachev. Theo họ, đây là biện pháp cuối cùng để cứu Liên bang Xô viết khỏi sự sụp đổ.

Gorbachev bị đặt vào tình trạng quản thúc tại gia và lệnh thiết quân luật được ban hành.

Mikhail Gorbachev xung đột với Boris Yeltsin ngày 23/8/1991 tại Quốc hội, ngay sau cuộc đảo chính không thành của giới tướng lãnh quân đội và an ninh. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, bất kể có Gorbachev hay không, bản thân những người cầm đầu cuộc đảo chính hoàn toàn không rõ họ sẽ làm gì trong tình trạng kinh tế – chính trị Liên Xô thời điểm đó.

Người dân Nga không mong muốn nhìn thấy một Liên Xô cũ kỹ của ngày xưa quay trở lại – điều mà cuộc đảo chính nhắm đến, và đồng loạt xuống đường ngăn chặn các lực lượng quân sự. Kế hoạch của quân đội và KGB cũng không nhận được sự đồng tình từ hệ thống quan chức hành chính, cơ quan lập pháp và bộ máy nhà nước nói chung. Cô đơn trên mọi mặt trận, cuộc đảo chính của giới quân sự và an ninh thất bại sau ba ngày, và chỉ càng làm tăng thêm sự tức giận của người dân dành cho mô hình nhà nước Liên Xô.

Đây chính là cơ sở để ba lãnh đạo của ba quốc gia lớn nhất còn tồn tại trong Liên Xô: Nga (do Boris Yeltsin đứng đầu), Belarus (do Stanislav Shushkevich lãnh đạo) và Ukraine (do Leonid Kravchuk nắm quyền) họp kín để quyết định về vận mệnh của Liên bang Xô Viết mà không có Gorbachev. Cả ba bên thống nhất giải thể liên bang vào ngày 31 tháng 12 năm 1991, riêng Gorbachev không còn cách nào khác ngoài từ chức.

Lời kết

Với những thông tin kiểm chứng nói trên, khó có thể cho rằng Liên Xô tan rã là một “tai nạn” của lịch sử, một sự kiện xảy ra chỉ bởi vì sai lầm của một cá nhân. Liên Xô đúng là vĩ đại theo cách riêng của nó, nhưng chính những thứ làm quốc gia này trở nên vĩ đại cũng là rào cản cho sự phát triển và năng động của nó trong thời đại mới. Gorbachev, theo người viết, thật ra đã làm hết sức mình. Bản thân ông vẫn còn luyến tiếc Liên Xô và thù hận sự phản bội của Boris Yeltsin. Song với làn sóng mới trong kinh tế, công nghệ và chủ nghĩa dân tộc địa phương, sự tan rã của Liên Xô một thời hùng mạnh thật ra cũng chỉ nằm trong guồng quay của lịch sử mà thôi.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.