Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tác phẩm nghiên cứu quốc tế về Việt Nam xuất bản mỗi năm chỉ trên đầu ngón tay, và không phải tác phẩm nào cũng do người Việt Nam viết. Đây là một điều rất đáng tiếc. Song giá trị khoa học và đóng góp của những tác phẩm này dành cho cộng đồng người Việt, các nhà nghiên cứu người Việt Nam là rất đáng quý và rất đáng tham khảo. Năm 2019 sắp kết thúc, người viết xin giới thiệu đến bạn đọc bốn tài liệu, nghiên cứu đáng tham khảo được công bố vào cuối năm 2018 và trong năm 2019 viết về Việt Nam.
Tạm dịch: “Lo lắng về thực phẩm ở một nước Việt Nam toàn cầu hóa”
Nhiều tác giả
Nhà xuất bản: Palgrave Macmillan (Anh)
Đây là một cuốn sách đặc biệt thú vị về thực phẩm và những thói quen ăn uống của người dân Việt Nam, từ đó bàn về căn tính, bản chất và thậm chí là danh tính của dân tộc. Do nhiều tác giả tổng hợp và đóng góp, mà thú vị thay là chỉ có một tác giả Việt Nam tham gia. Quá trình toàn cầu hóa thức ăn (food globalisation) đã và đang dẫn đến nhiều thay đổi và những hướng phát triển khác biệt tại nhiều quốc gia.
Theo cách nghĩ thông thường, các quốc gia phương Bắc (Global North – một thuật ngữ thường dùng để chỉ các quốc gia phát triển) thường quan tâm về chất lượng và độ an toàn của thực phẩm nhờ vào một nền nông nghiệp hiện đại và được tiêu chuẩn hóa. Trong khi đó, các quốc gia phương Nam (Global South – chỉ các quốc gia đang và kém phát triển) thường lại lo sợ về tình trạng thiếu thốn lương thực nhiều hơn. Việt Nam, giữa ngã ba phát triển, là một đối tượng nghiên cứu thú vị về nỗi “âu lo ăn uống” của thế kỷ 21.
Là tập hợp của nhiều nghiên cứu ngắn lại với nhau, rất nhiều đề tài và góc nhìn mới lạ được khai thác trong quyển sách này.
Trong một bài viết bàn về những thói quen ẩm thực “cấm” tại Việt Nam tại Chương I, nhà nghiên cứu cho rằng thói quen ăn thịt rừng, thịt cấm và một số các bộ phận đặc biệt của động vật để thể hiện sự nam tính, khả năng tình dục… là một phần của ý thức phụ hệ, sự kết nối rõ ràng giữa món ăn và suy nghĩ, hoạt động tình dục và tư tưởng “vật hóa” (objectify) phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Tác giả ghi nhận, điều này hình thành nên một nền ẩm thực kỳ lạ vốn không phụ thuộc vào mong muốn và nhu cầu ăn uống thông thường, mà ngầm trong đó còn ẩn chứa các quan niệm về giới tính và bất công xã hội.
Trong một bài viết khác, tác giả Judith Ehlert lại bàn về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm mà xã hội đặt lên người mẹ và nạn béo phì ở quốc gia còn chưa được xem là thu nhập trung bình trên thế giới này. Tập trung số liệu và phân tích tại thành phố Hồ Chí Minh, Ehlert bàn về ba vấn đề liên quan đến “âu lo ăn uống” mà một người làm mẹ ở Việt Nam phải gánh chịu: (i) sức ép của các phương tiện truyền thông và quảng cáo, phổ biến quan điểm cho rằng cho con mình ăn các loại thức ăn dinh dưỡng nhất, ngoại nhập, với nhiều chất bổ trợ… là biểu tượng cao cả nhất của tình thương mẫu tử; (ii) trong khi đó, các chiến dịch sức khỏe cộng đồng lại đặt áp lực lên người mẹ trong việc kiểm soát chế độ dinh dưỡng của trẻ và cho đó là nghĩa vụ làm mẹ; (iii) cuối cùng, bà chỉ ra những đối lập và gánh nặng của định kiến xã hội cho rằng chế độ dinh dưỡng của trẻ em là “bổn phạm đạo đức con người” của người mẹ, từ đó tạo nên nỗi ám ảnh âu lo ăn uống mà phụ nữ có con hoặc chuẩn bị sinh con gặp phải.
Ở gần cuối nghiên cứu, còn có hẳn một chương về “Chính trị và an ninh lương thực” tại Việt Nam, với những bài viết độc lập nghiên cứu khá chi tiết về vai trò của Trung Quốc đối với ngành lương thực cũng như an ninh lương thực của Việt Nam trong tương lai. Một số tác giả còn chỉ ra sự mỏng manh của lưới an ninh lương thực tại Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008, tác giả Timothy Gorman phải thảng thốt: “Thề có Chúa, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm của khu vực xuất khẩu lúa gạo lớn thứ hai thế giới, các sản phẩm gạo bị vét sạch khỏi hệ thống mua bán lẻ, siêu thị… chỉ trong hai ngày.”
Là một đề tài nghiên cứu thú vị, lại được trình bày ở nhiều góc nhìn khác nhau bởi các tác giả khác nhau, quyển sách chắc chắn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, đặc sắc và đặc biệt là rất dễ tiếp nhận.
Tạm dịch: “Vừa xây vừa phá: Hoạt động kiến quốc của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam”
Tác giả: Andrew J. Gawthorpe (Đại học Leiden – Hà Lan)
Nhà xuất bản: Đại học Cornell (Mỹ)
“Vừa xây vừa phá” được đánh giá là một nghiên cứu toàn diện, chặt chẽ và đặc biệt quan trọng, không chỉ là một mảnh ghép lịch sử trong nhiều mảnh ghép khác về miền Nam Việt Nam, mà cả về kinh nghiệm và sai lầm trong học thuyết xây dựng chính thể và nền tảng của nhà nước. Tuy nhiên, cách tiếp cận về chiến tranh Việt Nam của tác giả Andrew J. Gawthorpe – một nhà sử học người Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Leiden (Hà Lan) – có lẽ sẽ không tránh khỏi tranh cãi.
Cụ thể, theo Gawthorpe, qua nhiều năm, một bộ phận giới học thuật Hoa Kỳ cho rằng quốc gia này đã thành công trong việc hỗ trợ xây dựng nên một quốc gia vững chãi, có thể vận hành tốt tại miền Nam Việt Nam, và chỉ vì các quan điểm chính trị khác biệt cùng môi trường phản chiến quá mạnh mẽ mà Hoa Kỳ buộc phải rút khỏi Việt Nam. Sự thất bại tại Việt Nam, vì vậy, thường được cho là một thất bại về cam kết quân sự, không phải một thất bại về xây dựng nhà nước.
Với giả định này, Gawthorpe làm rõ và giới thiệu một câu chuyện liền mạch về chiến tranh Việt Nam, từ những kỳ vọng chính trị và thất bại thực tế tại Washington D.C, cho đến những xung đột tại các làng mạc miền Nam Việt Nam nơi mà Văn phòng Dân sự vụ và Hỗ trợ Phát triển Cách mạng (Office of Civil Operations and Revolutionary Development Support – thường biết đến với tên gọi CORDS) hoạt động. Ông khẳng định, với những gì mà Hoa Kỳ đã làm, họ chưa bao giờ tiến gần tới chiến thắng về mặt xây dựng nhà nước như họ tưởng tượng, và cũng sẽ rất khó để duy trì một chính thể phi cộng sản độc lập về kinh tế, chính trị, xã hội tại miền Nam Việt Nam.
Giả dụ, trong một luận điểm, Gawthorpe cho rằng sự yếu kém của chính quyền Việt Nam Cộng hòa một phần là di sản quản trị của người Pháp để lại. Các quan chức Pháp thường có xu hướng quản lý vi mô, tức muốn tự mình kiểm soát mọi thứ ở tận… Paris (theo nhận xét của Alexis de Tocqueville), vậy nên lực lượng quản trị địa phương Việt Nam, đầu tiên là Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa, có lẽ đã chịu ảnh hưởng từ quá trình đào tạo và tư duy quản trị nhà nước này. Trong khi đó, hệ thống nhà nước địa phương mà Pháp để lại cũng không hề có kết nối gì với khu vực nông thôn, hệ quả của chiến dịch ám sát mà Việt Minh thực hiện giai đoạn 1945 và xu hướng tập trung tại các thành thị nói chung trong khoản thời gian sau đó.
Khó có thể hoàn toàn đồng ý với những thông tin và lập luận mà Gawthorpe đưa ra, song chúng có những điểm mới về mặt khoa học, lịch sử rất đáng chú ý mà có thể nhiều bạn đọc sẽ quan tâm.
Tạm dịch: “Cải cách nông nghiệp hậu 1975 tại Việt Nam: Chính trị địa phương đã làm chệch hướng nông nghiệp xã hội chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam như thế nào”.
Tác giả: Dang Trung Dinh
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Australia
Đây là một trong những tác phẩm nghiên cứu quốc tế quý giá do một tác giả Việt Nam tiến hành. Tiến sĩ Dang Trung Dinh hiện là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Australia.
Quyển sách ghi nhận nỗ lực áp đặt cơ chế sản xuất nông nghiệp tập thể và sự hình thành của các hợp tác xã tại miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Tuy nhiên, cả hai phía của cải cách đều có những vướng mắc nhất định. Phía chính quyền thận trọng đưa ra các thí nghiệm cải cách vì lo sợ mất đi nguồn lực ủng hộ mình nồng nhiệt nhất trước giải phóng, trong khi phía nông dân thì không mặn mà gì với hình thức sản xuất nông nghiệp tập thể với hầu hết các hoạt động thí điểm đều thất bại và không đạt được bất kỳ kết quả nào cụ thể.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt vùng miền nhất định, khi nông dân tại các tỉnh miền Trung (mà theo nghiên cứu của tác giả tại các tỉnh như Quảng Nam, Đà Nẵng) có xu hướng “phục tùng nhà nước” cao hơn so với các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Ông Dinh còn nhận xét thêm, theo nhiều cuộc phỏng vấn trong phạm vi nghiên cứu, các cán bộ đảng, cán bộ nông nghiệp tại khu vực miền Trung có xu hướng “bôn-sê-vích” và “phát-xít” hơn cán bộ tại các khu vực khác miền Nam Việt Nam. Điều này khiến cho tỉ lệ tập thể hóa đất nông nghiệp tại miền Trung đạt được kết quả khả quan nhất trong các vùng thí điểm.
Giai đoạn 1978 – 1981 được xem là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình áp đặt, xây dựng cơ sở cho tập thể hóa tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, tại cả miền Nam lẫn miền Bắc, kết quả sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp dần cho thấy nó không tạo ra được bất kỳ đột phá gì so với hình thái sản xuất tư nhân trước đó, đặc biệt là tại miền Nam Việt Nam. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp tập thể trở thành một chiến trận ngầm giữa nông dân và các cán bộ địa phương cũng như các nhà chính sách Việt Nam thời điểm đó. Ông chỉ ra nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long thì né tránh các hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, tức vẫn tham gia do lo ngại bị chính quyền cô lập, nhưng không bao giờ thật sự đóng góp hay tham gia vào quá trình sản xuất thật sự của hợp tác xã. Hay nông dân tại vùng duyên hải miền Trung thì tham gia một cách đông đảo hơn, nhưng lại làm việc vì “chấm công” hơn là vì sản lượng và năng xuất, hiện tượng “làm thật ăn cháo, làm láo ăn cơm” vốn đã trở thành thâm bệnh tại các hợp tác xã miền Bắc.
Điểm người viết cảm thấy không thỏa mãn nhất đối với nghiên cứu chính là giọng văn và thái độ của tác giả Dinh về quá trình cải cách ruộng đất sau 1975. Ngay từ tiêu đề, việc sử dụng từ “derailed” (chệch hướng, lệch hướng) khiến bạn đọc lần đầu tiếp xúc không khỏi có cảm giác ông ủng hộ chính sách tập thể hóa, và rằng nông dân cùng với kiểu chính trị địa phương đã làm phá sản kế hoạch tốt đẹp này. Trong bản thân nghiên cứu, việc sử dụng hai giọng văn và hai thái độ tùy nơi, tùy chỗ không khỏi khiến người đọc có cảm giác tác giả “tự kiểm duyệt”.
Tuy nhiên, với những thông tin quý giá mà nghiên cứu mang lại, người viết vẫn ủng hộ bạn đọc nên tham khảo và tìm hiểu tài liệu nói trên, đặc biệt khi đây là một tài liệu được công bố dưới dạng mở, có thể đọc miễn phí trên JSTOR.
Tạm dịch: “Tranh cãi toàn cầu – Song đề địa phương: Phá thai dựa trên lựa chọn giới tính ở Việt Nam đương đại”.
Tác giả: Tran Minh Hang
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Australia
Cuốn sách này của tác giả Tran Minh Hang, một nghiên cứu viên khác đến từ Đại học Quốc gia Australia là một nghiên cứu cấp thiết trước vấn nạn nạo phá thai vì giới tính của thai nhi tại Việt Nam, trong mối tương quan toàn thế giới. Đây có thể được xem là quyển sách, nghiên cứu hoàn chỉnh đầu tiên về hiện tượng này tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc thấu hiểu nền tảng và các thảo luận xã hội liên quan đến quyền phụ nữ, quyền sống của thai nhi và định kiến xã hội về giới tính.
Tập hợp và kể lại câu chuyện của rất nhiều phụ nữ ở Việt Nam trải qua quá trình nạo phá thai vì lý do giới tính trẻ em, nghiên cứu lần dấu con đường tâm lý dẫn đến quyết định xác định giới tính và nạo phá thai vì giới tính, cùng lúc đó thống kê và điều tra về trải nghiệm của người phụ nữ trước, trong và sau khi thực hiện nạo phá thai. Không chỉ vậy, nghiên cứu còn tìm hiểu và ghi nhận lại mối liên hệ và sự tương tác giữa những phụ nữ này với các cá nhân, tác nhân xã hội và các tổ chức y tế thực hành các loại hình phá thai vì giới tính.
Dựa trên nền tảng thông tin sơ cấp đáng trân trọng đó, tác giả phân tích và bình luận về những phản hồi và định kiến xã hội vốn cực kỳ nhạy cảm liên quan đến phá thai dựa trên giới tính thai nhi; cũng như các lỗ hổng ở khả năng kiểm soát tập trung của nhà nước trong một nền y tế thị trường hóa.
Đáng quý hơn nữa, nghiên cứu này cũng được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Australia phát hành miễn phí online (bản in bìa cứng có giá 48 đô-la Úc), và chắc chắn là một tài liệu không thể thiếu cho các chuyên gia và bạn đọc quan tâm đến bình đẳng giới cũng như sức khỏe sinh sản của người Việt Nam.