Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Giới trẻ Đông Bắc Á đang làm gì với nền dân chủ của mình?
Các nhà nghiên cứu chính trị thường tỏ ra lo lắng về một giới trẻ Đông Bắc Á thích bàn luận về các vấn đề phi chính trị: K-Pop, trà sữa, thời trang, điện thoại thông minh, mạng xã hội và phẫu thuật thẩm mỹ.
Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc, đã phát biểu rằng giới trẻ ngày nay xem trọng một thứ văn hóa thực dụng hơn là các giá trị tư tưởng.
Còn Dafydd Fell, giám đốc trung tâm nghiên cứu Đài Loan, trường Đông phương và Phi châu (SOAS) Đại học London, từng nhận xét rằng sau năm 2000, giới trẻ Đài Loan dần trở nên thờ ơ với chính trị. Thế hệ trẻ dần mất đi sự tự tin ở bản thân và niềm tin với các chính trị gia xứ Đài.
Nhận định của giới chuyên gia trước đây cũng không khác gì cho lắm trong trường hợp Hàn Quốc và Hong Kong. Jiyoon Kim, nghiên cứu viên Trung tâm Ý kiến Cộng đồng và Định lượng thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan, cho rằng giới trẻ Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với hệ thống phân tầng giai cấp và định kiến xã hội ngày càng khắt khe khiến cho họ cảm thấy lạc lõng, hạn chế tương tác với mọi người xung quanh và bó buộc mình trong một thế giới riêng.
Còn Stephen Ortmann, Phó Giáo sư khoa châu Á và Quốc tế học, Đại học Thành phố Hong Kong (CityU), nhận định rằng sau năm 1997, người trẻ Hong Kong không còn là nhân tố chính trong các cuộc biểu tình đòi công bằng xã hội.
Có những danh từ đặc biệt dùng để “dán nhãn” thế hệ trẻ Đông Bắc Á. Họ được gọi là thế hệ “Dâu Tây” (Strawberry Jam) ở Đài Loan, Honjok (cô đơn) ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, và “Công Chúa” ở xứ Cảng Thơm.
Những danh từ này đều mô tả một thế hệ được gia đình chiều chuộng, từ đó, sinh ra bản tính thích hưởng thụ vật chất, chạy theo những trào lưu nhằm nổi tiếng trên mạng xã hội, và tự cách ly bản thân ra khỏi những vấn đề xã hội. Họ có thể dõng dạc tranh cãi về bất cứ vấn đề gì trên Facebook, Instagram, hay Twitter nhưng khi bước ra xã hội thì lại là những con người cô đơn và nhút nhát.
Nhiều học giả cho rằng thế hệ này sẽ rất khó làm nên những phong trào dân chủ với sức ảnh hưởng sâu rộng như thời kỳ nửa cuối thế kỷ 20, chẳng hạn như cuộc nổi dậy Tháng Sáu (June) năm 1987 tại Hàn Quốc hay biểu tình ôn hòa Hoa Ly Ly Rừng (Wild Lily) năm 1990 tại Đài Loan.
Nhận định này không còn hợp lý nữa nếu như nhìn vào diễn biến những năm gần đây. Giới trẻ ở Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan đang trở thành người dẫn đầu trong các phong trào chính trị và lên tiếng cho quyền lợi của bản thân trong chương trình nghị sự quốc gia.
Mặc dù có các xu hướng chính trị khác nhau, nhưng giới trẻ Đông Bắc Á có mối quan tâm chung về sự suy giảm kinh tế, việc bị từ chối không được tham gia chính trị, và lo ngại về sự xói mòn giá trị đạo đức của những quan chức chính phủ. Những vấn đề này đang gây nguy hại cho tương lai của chính bản thân họ và nền dân chủ đương thời.
Họ đã làm gì để bảo vệ nền dân chủ?
Vào tháng 3-2014, giới trẻ xứ Đài đã xông vào chiếm giữ Lập pháp Viện trong hai mươi ba ngày. Công cuộc chiếm lĩnh này được gọi là Phong trào Hoa Hướng Dương.
Những người biểu tình thất vọng với sự điều hành kinh tế của đảng cầm quyền và tệ nạn tham nhũng đang liên tục bao trùm lên nền chính trị Đài Loan. Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu của họ là Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển (CSSTA). Đối với họ, bản hiệp định này mang những những nguy cơ về kinh tế và an ninh của Đài Loan khi ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục.
Các sinh viên biểu tình phản đối CSSTA bởi vì bản hiệp định này chỉ đem về những lợi ích cho các tập đoàn lớn nhưng lại làm tổn thương và gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, những nhà hoạt động trẻ tuổi cảm thấy Bắc Kinh đang lợi dụng các thỏa thuận kinh tế này để mở rộng sức mạnh của họ lên chính quyền Đài Loan. Từ đó, mục tiêu thống nhất với Đài Loan sẽ dễ trở thành hiện thực hơn.
Ở Hàn Quốc, sự thất vọng trong giới trẻ bắt đầu từ năm 2013 khi sự xuất hiện của một áp phích viết tay của một sinh viên không rõ danh tính ở một tại đại học tốp đầu lưu truyền trên mạng xã hội.
Tấm áp phích được viết dưới dạng một bức thư, truyền tải sự thất vọng về những bất công xã hội. Một trong số đó là vụ việc 4.213 công nhân bị sa thải vì phản đối việc tư nhân hóa Công ty Đường sắt Hàn Quốc. Tấm áp phích như một lời thức tỉnh, khi mà giới trẻ dường như mất đi tiếng nói trong việc định hướng tương lai của chính họ.
Lời cảnh tỉnh chính trị này đã được nhân rộng sau sự việc chính phủ đã xử lý không kịp thời tấn thảm kịch chìm phà Sewol vào mùa xuân năm 2014 và sự bùng phát Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) vào mùa xuân năm 2015.
Các báo cáo đã tiết lộ rằng chính quyền đã thông đồng với các nhóm lợi ích ngành hàng hải, dẫn đến sự lỏng lẻo các quy định về giao thông đường biển. Chính phủ thì thất bại trong việc đưa ra những thông tin cảnh báo về đại dịch MERS. Vụ chìm tàu Sewol đã giết chết 304 hành khách trên tổng số 476 người mà hầu hết là học sinh trung học.
Từ sự phản đối mạnh mẽ của giới trẻ về sự thiếu minh bạch và tham nhũng, Cách mạng Ánh nến diễn ra năm 2016 đòi phế truất Park Geun-hye, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ. Bà Park sau đó bị phế truất và kết án 24 năm tù.
Kể từ khi được trao trả vào năm 1997, Hong Kong luôn được đảm bảo có quyền tự trị dưới mô hình “nhất quốc lưỡng chế”, ít nhất là đến năm 2047. Bên cạnh đó, theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Hoa (NPC-SC) năm 2007, người dân Hong Kong sẽ có quyền bầu chọn chức vụ Trưởng Đặc khu và Hội đồng Lập pháp Viện bằng hình thức phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 và 2020.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2014, Thường vụ Quốc hội lại đưa ra thông cáo rằng công chúng Hong Kong chỉ có thể bầu chọn những ứng cử viên mà Ủy ban xét chọn thông qua với tiêu chí ưu tiên là thân Bắc Kinh.
Giới học sinh, sinh viên cảm thấy bị lừa dối và phản bội. Một số nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu đã thành lập phong trào Chiếm giữ Trung tâm, trong đó tuân thủ các chuẩn mực bất bạo động.
Không có chính phủ đại diện, các cuộc biểu tình đã nhanh chóng trở thành một diễn đàn cho người dân Hong Kong nói lên ý kiến của bản thân. Vì vậy, các nhà hoạt động trẻ tuổi, đại diện là Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) và Nathan Law, đã quyết định phát triển một phương thức biểu tình khác thay vì chiếm giữ Trung tâm như ban đầu. Họ bắt đầu biểu tình bằng cách bãi khóa và phát động thành một phong trào rầm rộ kéo dài ba tháng, gọi là Phong trào Dù vàng.
Tinh thần của phong trào ấy vẫn được tiếp tục sau đó 5 năm. Mùa hè năm 2019, cả thế giới nhắc đến Hong Kong với phong trào chống chính phủ bắt đầu từ việc phản đối Dự luật Dẫn độ. Kéo dài đã hơn nửa năm, đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử thành phố. Cùng với các cuộc xuống đường diễn ra trên khắp thế giới, Hong Kong là chỉ dấu cho cái mà người ta đang gọi là làn sóng dân chủ lần thứ tư.
Đó sẽ là một làn sóng dân chủ được tạo nên bởi thế hệ trà sữa?
Bài viết này nằm trong chuỗi bài về các phong trào phản kháng chính trị của giới trẻ Đông Bắc Á.