Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Ở một đất nước tự do như nước Mỹ, điều gì có thể biến một người thành kẻ thù của phần đông công chúng?
Chắc hẳn có nhiều con đường dẫn đến kết cục đó. Nhưng một trong những con đường chắc chắn nhất là trở thành một người vô thần và chống lại các tôn giáo.
Người nổi tiếng nhất từng làm việc đó có lẽ là bà Madalyn Murray O’Hair (1919 – 1995).
Vào ngày 27 tháng Tám năm 1995, bà biến mất một cách bí ẩn cùng với hai đứa con của mình, anh Jon Garth Murray và cô Robin Murray O’Hair
Một ngày trước cuộc mất tích lạ lùng này họ vẫn sinh hoạt bình thường. Anh Jon đã mua một cuốn sách hơn 19 đô-la. Ba ngày trước đó, trên một chương trình truyền hình, bà và Jon còn hẹn gặp lại khán giả vào tuần sau. Tám ngày trước cuộc mất tích, bà còn mua 241 đô-la đồ dùng và thực phẩm.
Điều lạ lùng là hộ chiếu của ba người và thuốc tiểu đường của bà O’Hair vẫn còn nguyên ở nhà. Hai con chó mang tên Marx và Engel, vốn luôn được mang theo trong những chuyến đi dài ngày, lần này bị bỏ lại nhà.
Tất cả những gì người ta biết về vụ mất tích vào lúc đó là một mẩu giấy dán ở cửa văn phòng của tổ chức American Atheists (Những người Mỹ Vô thần) của bà mà bọn bắt cóc đã để lại: “Vì có việc khẩn cấp nên nhà Murray O’Hair phải đi vắng. Vào lúc viết mẩu tin này, chúng tôi không biết bao giờ mình mới trở lại”.
Không ai hoài nghi về mẩu giấy đó. Đây không phải là lần đầu tiên bà đột nhiên biến mất. Bà và con trai vẫn duy trì liên lạc với các đồng nghiệp qua điện thoại trong ba tuần sau đó rồi vĩnh viễn mất tích. Một số đồng nghiệp đã nhận ra giọng nói bất thường của bà qua những cuộc gọi nhưng không ai làm gì cả.
Gần một năm sau đó, người ta vẫn tin vào những thuyết âm mưu mà họ cho rằng một người như bà rất có thể đã làm: bà và hai đứa con của mình đã bỏ trốn để hưởng thụ cuộc sống xa hoa bằng một tài khoản ngân hàng kếch xù ở nước ngoài, hoặc bà tìm một nơi bí mật để chết, một nơi mà không ai có thể cầu nguyện cho bà vì bà không tin vào Thiên Chúa giáo hay bất kỳ tôn giáo nào.
Kể cả người con trai đã từ mặt của bà, William J. Murray III, người đã chiến đấu cùng mẹ trong thời gian đầu khi anh còn là học sinh, cũng không thèm báo cảnh sát về sự mất tích của mẹ, em trai, và đặc biệt là con gái của mình. Bà O’Hair đã nhận cháu gái, Robin Murray, con của William, làm con nuôi trước khi chấm dứt mối quan hệ mẹ con với William. Cô Robin Murray đã biến mất cùng với bà O’Hair.
William có lý do để tin vào giả thuyết là mẹ anh đang bày trò gì đó. Suốt ba mươi năm đầu đời, anh chưa bao giờ có cuộc sống yên bình với những quyết định tai tiếng và các chiêu trò nổi bần bật của mẹ mình. William đã đúng, mẹ anh đã có một cuộc đời ồn ào với những rắc rối theo bà cho đến tận lúc cuối đời: bị bắt cóc và giết hại.
Với Madalyn Murray O’Hair, ngay cả cái tên cũng đã phản ánh phần nào cuộc đời phức tạp của bà. “Murray” và “O’Hair” là hai tên họ của hai trong ba người đàn ông đã đi qua cuộc đời bà.
Năm 1945, khi đang làm việc cho quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ Hai ở Ý, dù đã có chồng nhưng Madalyn đã yêu và có con với một sĩ quan Mỹ cũng đã có vợ là William J. Murray. Nhưng hai người không đến được với nhau vì William là người Công giáo.
Trở về Mỹ, bà ly dị chồng và sinh con của William vào năm 1946 rồi đổi họ sang Murray sau đó. Năm 1948, bà tốt nghiệp Đại học Ashland, tiểu bang Ohio, nơi mà bà đã bị bắt buộc học hai năm Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Về sau này, khi đã nổi tiếng, Madalyn nói rằng hai năm học Kinh Thánh này giúp bà có lợi thế chiến đấu với những Kitô hữu, “bạn không thể phủ nhận một điều gì đó một cách hợp lý mà không biết tất cả về nó”.
Năm 1952, bà lấy bằng luật tại trường Luật South Texas. Hai năm sau, bà mẹ đơn thân sinh con trai thứ hai là Jon Garth Murray sau mối tình với một người bạn trai nhưng bà không tái hôn. Năm 1965, Madalyn tái hôn với một cựu thuỷ quân lục chiến và đổi họ sang O’Hair.
Cha mẹ của bà O’Hair đều là những con chiên ngoan đạo. Họ sinh Madalyn vào năm 1919 ở thành phố của những cây cầu – Pittsburgh – bang Pennsylvania.
Gia đình Madalyn không bao giờ ở yên một chỗ. Cha cô phải đổi công việc và đổi ở liên tục để xoay sở với cuộc sống khó khăn của mình. Năm Madalyn 12 tuổi, trong một lần chuyển nhà đến Ohio, tiểu bang Texas vào năm 1931, theo lời kể của Madalyn, ở nhà cô vào lúc đó chỉ có hai thứ để đọc là từ điển và Kinh Thánh.
“Tôi đã đọc cuốn Kinh Thánh từ đầu đến cuối vào một dịp cuối tuần, đọc như đọc tiểu thuyết vậy. Tôi đọc nó rất nhanh và chưa bao giờ quên tôi đã bị sốc vào lúc đó như thế nào. Bởi vì cuốn sách chứa đầy sự kỳ diệu, sự không nhất quán, bất khả thi, lịch sử tồi tệ, tình dục bẩn thỉu và sự tàn bạo – tất cả đều làm tôi sốc vô cùng. […] Sau đó, ký ức đầu tiên khi tôi bắt đầu đi nhà thờ là vị mục sư đứng dậy và cho rằng chúng tôi mang đầy tội lỗi mà không nói rõ lý do tại sao. Và sau đó, họ truyền cho chúng tôi một cái đĩa để xin tiền”, Madalyn lúc đó thấy việc này cực kỳ vô lý vì mọi người phải trả tiền để được thanh lọc tâm hồn bị cho là dơ bẩn của mình.
Nhiều năm sau đó, Madalyn phát hiện một từ phù hợp để mô tả mình khi gia đình cô quay về thành phố Pittsburgh. Ở đó, cô phát hiện ra một thùng sách chứa 20 quyển viết về tòa án xét xử những người dị giáo. Và Madalyn đã tìm được từ mô tả mình: “dị giáo”.
Cho đến một ngày nọ, Madalyn nghe thấy ai đó gọi cô là “vô thần” (atheist) trong một phiên đấu bò khi cô còn ở trong quân đội.
“Tin hay không thì tùy bạn nhưng đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy từ vô thần. Điều đó cho bạn thấy dù lớn lên và học đại học ở Mỹ nhưng vẫn có thể không biết một cái từ chết tiệt nào đó. Dù sao đi nữa, khi tôi biết rằng tồn tại một thứ gọi là vô thần, tôi đã tìm hiểu nó và thấy nó hoàn toàn phù hợp với mình. Cuối cùng, ở cái tuổi 24 tôi mới thật sự biết mình là ai và là cái gì. Trễ còn hơn là không bao giờ”, Madalyn trả lời tạp chí Playboy vào năm 1965.
Nhóm bắt cóc Madalyn và hai đứa con của bà vào năm 1995 gần như đã sắp đặt hoàn hảo về mọi thứ. Nếu có ai nghi ngờ thì họ cũng khó mà lần ra kẻ chủ mưu vì người căm thù Madalyn nhiều như mưa rào.
Vào tháng 12 năm 1960, khi đang là nhân viên công tác xã hội của chính quyền bang, Madalyn đã đệ đơn kiện lên tòa án thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland đề nghị phán quyết rằng việc bắt buộc học sinh đọc Kinh Thánh và cầu nguyện trong các trường học công lập là trái với Hiến pháp. Madalyn lập luận rằng con trai của bà đã bị phân biệt đối xử vì cậu ấy từ chối tham gia cầu nguyện buổi sáng ở trường theo luật của bang. Bà cho rằng điều này là vi phạm Tu chính án thứ Nhất của nước Mỹ, cụ thể về quyền tự do tôn giáo của con trai bà.
Trước vụ kiện chấn động của Madalyn, đã có nhiều vụ kiện tương tự như vậy nhưng không thu được nhiều kết quả. Nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai hoang mang trong cuộc Chiến tranh Lạnh, họ sợ sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản ở đất nước rộng lớn này. Vô thần và cộng sản lúc đó bị coi là không có gì là khác nhau. Chính Madalyn cũng đã nhiều lần tìm cách định cư ở Liên Xô cùng hai đứa con của mình nhưng thất bại.
Lo sợ ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần đi liền với sự lan truyền chủ nghĩa cộng sản, năm 1954, Quốc hội Mỹ đã bổ sung cụm từ “Under God, Dưới Thượng Đế” vào lời tuyên thệ trung thành với nước Mỹ: “Tôi xin thề trung thành với quốc kỳ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và với nền cộng hoà mà lá cờ đại diện, một Quốc gia, dưới Thượng Đế, bất khả chia cắt, với tự do và công lý cho mọi người.”
Năm 1955, tổng thống thứ 34 của nước Mỹ Dwight Eisenhower đã ký một đạo luật liên bang yêu cầu trên tất cả các đơn vị tiền tệ của quốc gia phải in chữ “In God We Trust” (Chúng ta tin Chúa). Một năm sau đó, ông biến nó thành tiêu ngữ của nước Mỹ.
Vụ kiện của Madalyn xảy ra vào đúng thời điểm nước Mỹ đang tranh luận căng thẳng về tính hợp pháp của việc bắt buộc học sinh cầu nguyện trong các trường học công. Vào thời điểm đó, có khoảng 41% các trường học công lập ở 37 bang và thủ đô yêu cầu học sinh đọc Kinh Thánh hoặc Kinh Lạy Cha.[1]
Tháng 6 năm 1962, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ra phán quyết trong một vụ kiện khác, Engel v. Vitale, rằng: Việc quan chức các bang soạn lời cầu nguyện và khuyến khích học sinh đọc chúng trong các trường học công lập là vi hiến. Phán quyết này tạo nên lợi thế rất lớn trong vụ kiện xảy ra gần như cùng lúc của Madalyn.
Vụ kiện của Madalyn được Tối cao Pháp viện gộp chung với vụ kiện tương tự của nhà Edward Schempp với tiểu bang Pennsylvania để ra phán quyết.
Madalyn đã khéo léo biến vụ kiện của mình thành cơ hội để truyền đạt chủ nghĩa vô thần: “Chúng tôi là những người vô thần. Như vậy, chúng tôi là kẻ thù của tất cả các tôn giáo. Chúng tôi muốn loại bỏ Kinh Thánh khỏi trường học bởi vì chúng tôi không chấp nhận tính thần thánh của nó như là một tài liệu lịch sử chính xác”. Madalyn kêu gọi công chúng ủng hộ bà trong vụ kiện đầu tiên của mình.
Madalyn biết rằng vụ án có thể làm cô trở thành người đàn bà nổi tiếng nhất ở bang Maryland. Không bao lâu sau đó, Madalyn cũng bất ngờ hơn khi cô bị chính quyền bang cho nghỉ việc sau khi cô đưa vụ kiện lên Tối cao Pháp viện liên bang.
Trong các cuộc vận động, Madalyn không ngại ngần dùng các từ ngữ, cách diễn đạt mạnh, đôi khi bị cho là thô tục để thu hút sự chú ý của công chúng. Gia đình cô và hai đứa con trai bị cộng đồng và trường học kỳ thị. William và Jon bị bạn bè ăn hiếp thường xuyên và các thầy cô thì tìm mọi cách để phạt hai cậu bé.
Càng nhiều sự sách nhiễu đối với gia đình cô thì Madalyn càng nhận được nhiều tiền ủng hộ của công chúng. Cô không chỉ mạnh mẽ trong vụ án của mình mà còn biết cách biến nó thành một cơ hội để thành lập các nhóm vô thần ở nhiều bang.
Ngày 17 tháng Sáu năm 1963, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã tuyên bố Madalyn thắng kiện, các trường học công phải dần bãi bỏ việc đọc kinh hay cầu nguyện tự nguyện hay bắt buộc.
Đó là một quyết định trái với ý nguyện của số đông dân chúng. Madalyn liên tục nhận được vô số các thư đe dọa, điện thoại nặc danh, bị tấn công, và kể cả bị dọa giết. Báo chí đã đặt cho Madalyn một biệt danh khiến cô càng nổi tiếng hơn: Người phụ nữ bị căm ghét nhất nước Mỹ.
Năm 1963, Madalyn thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Những người Mỹ vô thần” (American Atheists – AA), tại Austin, tiểu bang Texas, và xuất bản tạp chí cùng tên.
AA đã thực hiện rất nhiều vụ kiện chống lại chính quyền nhằm loại bỏ tôn giáo ra khỏi các hoạt động của nhà nước, hay trong chính trị học được gọi là nguyên tắc phân tách nhà thờ và nhà nước. Madalyn trở thành một ngôi sao truyền hình ở nước Mỹ vì những tranh luận ăn miếng trả miếng, không ngần ngại vùi dập đối thủ và các thuyết tôn giáo mà bà cho rằng thiếu thực tế.
Tháng 10 năm 1977, Madalyn gây chú ý lớn khi đệ đơn kiện Bộ trưởng Ngân khố về tiêu ngữ “In God We Trust” vốn được in trên tất cả các đơn vị tiền tệ của nước Mỹ.
Trước đó, vào năm 1970, Toà Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ra phán quyết được xem là có thẩm quyền cao nhất về vấn đề pháp lý này trong vụ kiện Aronow v. United States. Theo án lệ này, tiêu ngữ “In God We Trust” không có bất cứ mối liên hệ nào đối với việc thiết lập một tôn giáo nào (làm quốc giáo) như cáo buộc của Madalyn.
Khi đệ đơn kiện, Madalyn đã biết mình có rất ít cơ hội để giành chiến thắng nhưng thắng kiện không phải là mục tiêu lớn nhất của bà.
“Dù biết 95% mình sẽ thất bại nhưng tôi vẫn sẽ kiện. Tôi tận dụng vụ kiện của mình như một phương tiện để có cơ hội diễn thuyết, lên sóng truyền hình, lên sóng phát thanh, đến nói chuyện ở các trường trung học và đại học, được báo chí và các tạp chí phỏng vấn, để tranh luận đến cùng về vấn đề mà tôi muốn nói đến trong vụ kiện của mình”, [2] Madalyn trả lời một nhà báo vào năm 1979.
Sau khi bị tòa án quận ra phán quyết bất lợi cho mình, bà đã viết rằng:“Khi đưa ra quyết định của mình, tòa án quận đã không xem xét hoặc chấp nhận bất kỳ lời khai chứng hoặc văn bản nào. Đó là những bằng chứng về tác động đối với tự do tư tưởng của những người vô thần vì họ phải mang theo bên trong bộ đồ của mình, trong túi của mình về thứ khẩu hiệu tôn giáo được chính phủ hậu thuẫn. […] Câu hỏi khắc sâu và duy nhất dành cho Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là: Liệu quyền tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ có bao gồm quyền được tự do khỏi các tôn giáo của những người vô thần hay không? […] Nếu trên các đơn vị tiền của chúng ta có một dòng chữ nào đó thì nó nên đề là ‘Không có chúa nào mà bạn có thể tin được đâu’”.[3]
Madalyn càng gây được chú ý hơn nữa khi bà cùng con trai kiện Giáo hoàng John Paul II vào năm 1979.
Trước đó, Madalyn và con trai Jon đã gây được nhiều sự chú ý khi công khai chỉ trích Giáo hoàng. Jon nói mọi người nên nhìn vào sự thật của Công giáo La Mã về phá thai, quyền của người đồng tính và tự do tình dục, phân biệt chủng tộc và kiểm duyệt.
Tháng Chín năm 1979, Madalyn và Jon đã họp báo để thông báo rằng họ đã nộp đơn kiện Giáo hoàng vì một thánh lễ Chúa nhật đã cử hành tại Công viên Quốc gia Washington, vốn là tài sản công do chính quyền liên bang quản lý.
Buổi họp thu hút rất nhiều sự chú ý, với khoảng 50 đài truyền hình đã có mặt. Bà và Jon nói rằng Công giáo La Mã sở hữu đất đai trị giá đến 162 tỷ đô-la ở Mỹ, tại sao họ không cử hành nghi lễ trong khuôn viên của mình mà phải tiến hành ở nơi công cộng? Tiến hành nghi lễ tôn giáo ở những địa điểm thuộc sở hữu công như vậy là “không thể chấp nhận, trái với Hiến pháp và lẫn lộn giữa nhà nước và nhà thờ”.
Phiên tòa sơ thẩm đầu tiên diễn ra vào ngày 1 tháng 10 năm 1979 đã ra phán Madalyn thua kiện, với lý do rằng Công viên Quốc gia cũng đã mở cửa cho các nhóm tôn giáo khác.“Tôi không ngạc nhiên lắm khi thẩm phán Gasch đã không đủ can đảm để chống lại đám đông và đứng về phía Hiến pháp của nước Mỹ khi phải đối diện với sức ảnh hưởng của Giáo hoàng, và đối diện với sự giàu có và quyền lực của nhà thờ”, Madalyn O’Hair nói khi thề rằng sẽ kháng cáo nhưng sau đó tòa phúc thẩm cũng ra phán quyết chống lại bà.
Trở lại với vụ biến mất kỳ lạ của Madalyn và hai con vào năm 1995. Gần một năm sau, nhà báo John MacCormack của tờ San Antonio Express News bắt đầu điều tra vụ biến mất âm thầm này.
Lúc biến mất, Madalyn đã về hưu và nhường quyền chủ tịch tổ chức lại cho con trai của mình là Jon Garth Murray. Tuy nhiên, Jon chỉ làm theo những gì mà mẹ anh yêu cầu, không sai một ly.
Anh trai cùng mẹ khác cha của Jon là William nói rằng mẹ anh đã kiểm soát hoàn toàn Jon khiến em trai anh không hề có một cuộc sống riêng. William đã bị mẹ mình từ mặt và gọi là “kẻ phản bội” khi rời bỏ bà và trở về với niềm tin vào Chúa.
“Lúc bị giết, em trai của tôi đã 40 tuổi. Anh ấy sống với mẹ tôi. Anh ấy ăn sáng, đi làm, ăn trưa, ăn tối, và đi du lịch cũng cùng với bà. Anh ấy vẫn chưa kết hôn. Thậm chí anh ấy chưa bao giờ có mối quan hệ nghiêm túc với bất kỳ người phụ nữ nào vì bị mẹ tôi kiểm soát. Mẹ tôi cũng kiểm soát con gái tôi hệt như vậy. Lúc con bé bị giết, nó đã 30 tuổi. Con bé cũng sống với mẹ tôi. Mẹ tôi lấy đồ ăn để kiểm soát con bé và tìm mọi cách để đàn ông không để ý đến con bé. Lúc bị hại, con bé thật sự rất béo, nó phải mua hai vé máy bay mỗi lần bay vì không ngồi vừa một ghế”, William viết những dòng này vào năm 1999, sau khi vụ bắt cóc bị phanh phui.
Một năm sau vụ mất tích, nhà báo John MacCormack đã phỏng vấn nhân viên ở AA, nhưng có vẻ không ai quan tâm hay thắc mắc về sự biến mất của bà cựu chủ tịch, ngài chủ tịch và cô Robin. Họ đang cố xoay sở để vận hành tổ chức và gần như cố quên đi chuyện Madalyn đang ở đâu.
Vài tháng sau, John phát hiện ra 625.000 đô-la đã biến mất từ bản sao kê thuế của hai tổ chức do Madalyn quản lý.
John phát hiện ra rằng Madalyn còn có khoảng 259.013 đô-la trái phiếu chính phủ New Zealand và năm ngoái đã thanh lý các khoản đầu từ trị giá khoảng 800.000 đô-la New Zealand.
Davis Travis, một cựu nhân viên của AA, nói với John rằng vào tháng Ba năm 1995, anh tình cờ phát hiện một bản sao kê ngân hàng ở New Zealand gửi Jon Garth Murray với số dư khoảng 900.000 đô-la Mỹ. Tất cả các giấy tờ khi đó đều phải được nhà O’Hair xem qua trước rồi mới chuyển cho nhân viên, Davis sợ bị mất việc nên đã không khai điều đen tối mà anh biết được.
Vào tháng Hai năm 1998, John nhận được tin Sở Thuế vụ Hoa Kỳ phát hiện ra Jon Murray đã mua 600.000 đô-la tiền vàng ở San Antonio sau khoảng ba tuần mất tích nhưng chỉ nhận lấy đi 500.000 đô-la tiền vàng. 100.000 đô-la tiền vàng còn lại bị tịch thu để điều tra.
Khoảng bốn tháng sau đó, John nhận được một cuộc gọi nặc danh. Người gọi nói với anh là cả ba người nhà O’Hair đã bị giết chết cùng với một người nữa tên là Danny Fry. Người gọi còn nói rằng John nên tập trung vào một cựu nhân viên AA bị Madalyn vạch mặt vì ăn cắp tiền của tổ chức vào năm 1995 tên là David Waters.
Năm 1993, David Waters được thuê vào làm việc ở AA. Không bao lâu sau đó, nhờ sự cần cù, dễ mến, thông minh của mình, Waters được Madalyn thăng chức làm quản lý văn phòng AA. Madalyn đã bỏ qua quá khứ của Waters sau khi biết thời thiếu niên anh đã phạm tội giết người.
Năm 1995, Madalyn đuổi việc Waters khi phát hiện anh ăn cắp khoảng 54.000 đô-la. Bà còn làm thêm việc là viết bài báo vạch mặt và kể những bí mật của anh đối với công chúng trên tạp chí AA khiến Water thề rằng phải trả thù bằng được.
Vào tháng 10 năm 1998, nhà báo John MacCormack đã tìm ra một manh mối lớn trong vụ mất tích ba người nhà Murray O’hair, đồng thời giúp cảnh sát Texas nhận dạng một xác chết đã ba năm không xác định được danh tính.
John tình cờ đọc tin tức về một xác chết mất đầu và tay được một người nhặt ve chai phát hiện ba năm về trước ở một bờ sông gần Seagoville, tiểu bang Texas. Cho đến lúc John đọc được tin thì thi thể này vẫn chưa xác định được danh tính.
Anh đã suy đoán rằng rất có thể xác chết này chính là Danny Fry mà cuộc gọi nặc danh đã nhắc đến, vì thời gian tìm thấy thi thể cũng là lúc gia đình O’Hair biến mất.
Vụ mất tích nhà O’Hair đã mở ra lối thoát khi xác chết đó được cảnh sát xác định là Danny Fry sau khi gia đình Fry gửi mẫu máu để xét nghiệm.
Danny Fry là một người nghiện rượu nặng, lắm chuyện, sống với hai con ở tiểu bang Florida. Fry đã quen David Waters nhiều năm về trước và theo gia đình, anh đã đến Texas để làm một “phi vụ” với Waters.
Các nghi ngờ về cái chết của Fry đều dẫn đến David Waters. Fry đã gọi nhiều cuộc điện thoại từ nhà của Waters vào tháng Chín năm 1995. Cuộc gọi cuối cùng mà Fry gọi về nhà là lúc 2 giờ chiều ngày 30 tháng Chín năm 1995 tại nhà Waters. Trong cuộc gọi cuối cùng đó, Fry nói với con gái là công việc bí mật của anh đã xong và anh sẽ về nhà vào thứ Ba tuần tới.
Trước khi Fry đến Texas, cảnh sát phát hiện nhiều cuộc gọi kéo dài hàng giờ giữa anh và Waters. Cảnh sát phát hiện một số cuộc gọi mà Fry gọi về nhà từ một căn hộ dịch vụ Warren Inn, ở San Antonio, cách văn phòng của AA hơn một giờ lái xe.
Anh trai của Fry, Bob Fry, nói rằng mình đã liên hệ với David sau khi em trai mất tích. Bob đề cập đến một lá thư là em trai anh Fry đã gửi về nhà, nói rằng đã làm một phi vụ cùng với Waters, nếu chưa thấy anh về thì hãy báo cho cảnh sát và khai tên David Waters.
Bob nói anh đã nói dối Waters rằng anh chưa mở lá thư đó. Không lâu sau, Waters đã bay đến Florida và đòi bằng được lá thư.
Đầu năm 1999, cảnh sát khám nhà của Waters và Garry Karr, đồng phạm với Waters, và đã bắt hai người vì tội tàng trữ vũ khí.
Karr đã khai nhận tội bắt cóc, giết người và tống tiền nhà O’Hair nhưng công tố viên không đủ bằng chứng để chứng minh hết tất cả những tội này do vẫn chưa tìm thấy xác của Madalyn, Jon và Robin.
Tháng Tám năm 1999, Karr bị kết án tù chung thân vì tội tống tiền. Karr bị phạt chung thân vì áp dụng luật bất quá tam (three strikes law), phạt tù chung thân cho những ai đã từng phạm hai hay ba tội nghiêm trọng trước đây. Trước đó, Karr đã chịu án 20 năm tù giam vì hàng loạt các tội nghiêm trọng liên quan đến cưỡng hiếp, bắt cóc, và cướp có vũ khí. Ngay sau khi ra tù không bao lâu thì lại dính vào vụ bắt cóc nhà O’Hair.
Waters ban đầu đã từ chối nhận tội, ngoại trừ tội tàng trữ vũ khí của anh đã quá rõ ràng. Tháng Tám năm 1999, Waters bị kết án 60 năm tù giam cho các vi phạm về quản chế và tàng trữ vũ khí.
Cho đến năm 2001, khi Waters chuẩn bị ra tòa về tội bắt cóc và tống tiền và biết mình bị ung thư phổi, anh đã thỏa thuận với công tố viên liên bang rằng anh sẽ khai hết nhưng phải chuyển anh đến giam ở nhà tù liên bang với điều kiện tốt hơn.
Waters nói rằng anh, Karr và Fry đã bắt cóc ba người nhà O’Hair rồi giam giữ ở căn hộ hai phòng ngủ được thuê ngắn hạn.
Waters đã thuyết phục được Jon hợp tác với họ với điều kiện khi tiền đến thì họ sẽ thả ba người về nhà. Jon đồng ý, anh còn được cho phép sử dụng điện thoại và ra ngoài mà không cần sự giám sát. Đổi lại, Jon giúp Waters thuyết phục Madalyn và Robin ở yên trong căn hộ.
Trong căn hộ đó, Waters đã cố quản lý mọi chuyện êm đẹp trong ba tuần. “Tôi mang máy chơi điện tử đến. Jon ngay lập tức bị thu hút. Anh ấy và tôi ngồi trong phòng khách và chơi điện tử. Điều này làm Madalyn rất bực dọc. Jon vui khi được làm thứ mà có lẽ anh ấy bị cấm đoán trong suốt 40 năm cuộc đời. Anh ấy thật sự đã rất vui”, Waters khai.
Waters nói Karr tỏ ý sàm sỡ cô Robin, và bị Madalyn chọc tức trong một tranh luận về triết học.
Ngày 21 tháng Chín năm 1995, Jon bay cùng với Karr đến New Jersey để nhận tiền được chuyển đến từ New Zealand. Jon vào ngân hàng nhận tiền nhưng anh không báo cảnh sát. Kể cả lúc lấy vàng ở San Antonio thì Jon chỉ đi một mình nhưng anh vẫn theo kế hoạch đã thỏa thuận trước.
Mọi chuyện kết thúc khi nhóm của Waters nhận được 500.000 đô-la tiền vàng vào ngày 29 tháng Chín năm 1995. Tối hôm đó, họ đưa ba người đến một căn hộ khác có tầng trệt (để dễ dàng chuyển xác) rồi cùng nhau siết cổ từng người một.
Ngày hôm sau, họ chở xác của ba người đến một nhà kho được thuê ở Austin (Texas). Tại đó, Karr chặt xác của họ thành từng khúc rồi bỏ vào ba thùng phuy kim loại để nhận được 50.000 đô-la cho riêng anh.
Khi cảnh sát lần theo lời khai của Waters và tìm được chỗ giấu xác, họ còn phát hiện ra đầu và hai cánh tay của Danny Fry ở trong những thùng phuy này.
David Waters sau đó nhận thêm 20 năm tù giam và chết trong trại giam vì ung thư phổi vào năm 2003.
Với anh William J. Murray, ngay cả khi mẹ anh đã qua đời, anh vẫn không thể tha thứ cho bà. “Phần lớn cuộc đời của mẹ tôi đã diễn ra như một gánh xiếc, nó còn hơn là gánh xiếc trong 5 năm bà ấy mất tích, và bây giờ là lúc gánh xiếc phải hạ màn”, William nói trước khi chôn cất mẹ, em trai và con gái của mình.
Vào tháng Ba năm 2001, William đặt tro cốt của bà Madalyn Murray O’Hair, Jon Garth Murray, và Robin Murray O’Hair trong một ngôi mộ không đánh dấu ở một nghĩa trang không tiết lộ gần Austin, Texas.
Đến nay, tổ chức American Atheists vẫn hoạt động để tranh đấu cho quyền tự do không bị buộc phải theo tôn giáo của những người vô thần ở Mỹ.
[1] [2] The Atheist Madalyn Murray O’Hair, Bryan F. Le Beau, New York University 2003, trang 164.
[3] The Atheist, Madalyn Murray O’Hair, trang 165.
The Atheist Madalyn Murray O’Hair, Bryan F. Le Beau, New York University 2003.
O’Hair’s last days, John MacCormack, San Antonio Express News ngày 29 tháng Sáu năm 2003.
O’Hair case looks like an ugly B-movie, San Antonio Express News, ngày 30 tháng Năm năm 1999.
Madalyn Murray O’Hair – Playboy Interview 1965.
Meet the real reporter in new Netflix movie about Madalyn Murray O’Hair, John Tedesco.