Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhà máy thuỷ điện vẫn đang được xây dựng ồ ạt bất chấp những lời kêu cứu về tình trạng dòng sông.
Cuối tháng 10 năm 2019, đập Xayaburi được đưa vào vận hành ở Lào, bất chấp làn sóng phản đối của người dân. Mực nước ở sông Mekong khi đó đã giảm xuống 1,5 mét, mức thấp nhất trong vòng một thế kỷ. Lòng sông cạn đến mức có thể nhìn thấy cả đáy cát.
Đập Xayaburi có công suất 1,3 gigawatt, nằm ở phía Bắc của Lào, trên con sông Mekong chảy dọc theo chiều dài đất nước. Đó chỉ là một phần của kế hoạch xây dựng gần một trăm con đập thuỷ điện vào năm 2020 để trở thành “cục pin của Châu Á”, với mục tiêu xuất khẩu hai phần ba năng lượng sản xuất trong nước. Các con đập này đang đe dọa ngăn trở dòng chảy của sông Mekong vốn đã bị bóp nghẹt. Đáng chú ý, nhiều dự án trong số này được Trung Quốc tài trợ chi phí và hỗ trợ thi công trực tiếp.
Sông Mekong là con sông huyết mạch ở Đông Nam Á. Chảy qua sáu quốc gia, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và đổ ra Biển Đông, nơi đây là ngư trường có năng suất đánh bắt cao nhất thế giới, trị giá 17 tỷ USD mỗi năm. Có khoảng 60 triệu người sống ở lưu vực sông Mekong, và 80% trong số họ kiếm sống trên sông.
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với sự sống của sinh vật và sinh kế của người dân quanh con sông. Theo một số nghiên cứu, đến hết thế kỷ 21, hai phần ba băng tuyết ở dãy núi Himalaya – nguồn cung cấp nước cho sông Mekong – có thể biến mất. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự thay đổi đường đi của các khối khí nhiệt đới sẽ làm thay đổi lưu vực sông Mekong, và quá trình này không thể cứu vãn. Lượng mưa thay đổi thất thường sẽ khiến khu vực này dễ bị hạn hán hơn. Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng xấu đến dòng sông như làm mất phù sa, tăng độ mặn và xói mòn bờ sông.
Việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng trên sông Mekong đang khiến các tác động của biến đổi khí hậu càng trở nên tồi tệ hơn. Cư dân sống ở lưu vực sông Mekong đang phải chịu một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất của thế kỷ. Khi những con đập lớn được đưa vào vận hành trong những năm tới, cộng đồng ven sông sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa: mực nước thay đổi thất thường, chịu lũ quét bất ngờ và hệ sinh thái sông sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Tuy vậy, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho nhiều dự án tương tự.
Trung Quốc đã xây dựng ít nhất mười con đập lớn trên dòng chảy chính của con sông trên lãnh thổ của mình. Những con đập này đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến nghề cá, hệ sinh thái ven sông và nghề canh tác ở hạ lưu sông. Hiện Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc xây dựng đập xuống phần sông ở Lào và Campuchia, biến sông Mekong trở thành nơi khuếch đại lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Từ năm 1995, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã hợp tác quản lý dòng sông và các nguồn tài nguyên của nó thông qua một tổ chức liên chính phủ có tên là Ủy hội sông Mê Công (Mekong River Commission – MRC). Ít nhất là trong tuyên bố của các quốc gia thành viên của MRC, họ đã chấp nhận nguyên tắc quản lý sông Mekong, đó là: “Vì lợi ích tốt nhất của khu vực và tính bền vững sinh thái của dòng sông”. Năm 2010, Ủy hội đã thúc đẩy một lệnh tạm hoãn 10 năm đối với các đập thủy điện công suất lớn trên sông.
Nhưng Ủy hội không có quyền lực để thực thi các khuyến nghị của tổ chức. Lào, nước nghèo hơn các nước láng giềng, đang tìm cách phát triển “nhảy vọt” bằng cách thu hút đầu tư, chủ yếu từ Trung Quốc. Việc xây dựng đập tràn lan ở Lào hiện nay là một phần trong kế hoạch phát triển thủy điện ồ ạt do Trung Quốc hậu thuẫn. Biju Abraham, giám đốc của Oxfam tại Campuchia, cho biết trên tờ Khmer Times rằng hiện Trung Quốc đã xây dựng bảy đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và có kế hoạch xây thêm 21 đập, trong khi các nước ở hạ nguồn đang lên kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện.
Vào năm 2015, Trung Quốc đã thành lập một tổ chức cạnh tranh với Ủy hội và đã làm lu mờ nó một cách hiệu quả. Khuôn khổ hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation Framework – LMC), được Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi mô tả là “một chiếc máy ủi hàng thật giá thật, chứ không phải nơi bàn chuyện phiếm”, có tầm kiểm soát bao trùm lên cả dòng sông. Mục tiêu của tổ chức này ăn khớp với Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative), dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng của Trung Quốc. Đầu tư vào khu vực này còn thể hiện tham vọng tạo ra các tuyến đường vận tải mới cho ngành nhập khẩu dầu hỏa. Phía Bắc Kinh mong muốn giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tuyến vận tải duy nhất trên eo biển Malacca, hiện đang được tuần tra và kiểm soát bởi Hạm đội Bảy của Hải quân Hoa Kỳ.
Là một nhà đầu tư và chủ nợ, Trung Quốc gia tăng kiểm soát chính trị và kinh tế đối với các quốc gia trên sông Mekong. Các tổ chức quốc tế cảnh báo rằng Lào có nguy cơ vỡ nợ nguồn vốn vay từ Trung Quốc, với tỷ lệ nợ công dự báo tương ứng 70% GDP. Mỗi năm, hội nghị thượng đỉnh LMC đều đưa ra các cam kết cho vay “khủng”. Trung Quốc đã ký kết các khoản vay và viện trợ trị giá 12 tỷ USD trong năm 2018. Các dự án điển hình có thể kể đến như tuyến đường sắt cao tốc Trung – Lào kết nối Côn Minh đến tận Singapore. Trung Quốc cũng hỗ trợ xây dựng các đặc khu kinh tế, chẳng hạn như Sihanoukville ở Campuchia và Savan-Seno ở Lào. Nhiều người dân địa phương thậm chí coi là đất nội phận của Trung Quốc.
Các quốc gia ven sông Mekong đang điều chỉnh chính sách hướng đến các đối thủ của Trung Quốc và các cường quốc trong khu vực, với mong muốn các nước này có thể ngăn cản ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Australia và Hoa Kỳ đã thành lập ít nhất 13 chương trình Sáng kiến trong lưu vực sông Mekong, nhằm hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực, nâng cao các tiêu chuẩn quốc tế về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng ảnh hưởng của các quốc gia này cho đến nay vẫn kém xa so với quy mô và tốc độ mở rộng của Trung Quốc xuống lưu vực sông Mekong.
Năm 2010, chính phủ Lào và Thái Lan đã cùng phê duyệt dự án đập Xayaburi. Sự kiện này đã khởi đầu cho một cuộc chiến vì môi trường của những người dân và các nhà hoạt động ở lưu vực sông Mekong.
“Cuộc sống và sinh kế của chúng tôi phụ thuộc vào sức sống của sông Mekong”, Kamol Konpin, Chủ tịch huyện Chiang Khan, Thái Lan nói. “Vì người dân địa phương đã phải chịu đựng những con đập ở thượng nguồn Trung Quốc, chúng tôi sợ rằng đập Xayaburi sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu hơn nữa”. Vào thời điểm đó, dân làng Thái Lan cư ngụ dọc bờ sông đã biểu tình phản đối và lên kế hoạch gửi thư cho Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và Đại sứ quán Lào tại Bangkok, nhưng chính phủ Thái Lan đã giữ im lặng.
Các chuyên gia môi trường phản đối việc xây đập thủy điện vì cho rằng các công trình như vậy sẽ cản trở sự di cư của cá, ngăn chặn dòng chảy của phù sa xuống hạ nguồn. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể phá hủy vựa lúa của Việt Nam vì làm chậm tốc độ của dòng chảy và khiến nước mặn chảy ngược vào đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà hoạt động Somkiat Khuengchiangsa là người đã dành cả cuộc đời của mình để bảo vệ dòng sông và hiện đang đứng đầu Mạng lưới Bảo tồn Văn hóa và Tài nguyên Thiên nhiên Mekong-Lanna (Mekong-Lanna Natural Resources and Culture Conservation Network). Ông chỉ trích rằng các chính phủ quan tâm đến hiệu quả kinh tế của các dự án thủy điện hơn là tác động của nó đối với người dân.
“Sông không phải là tài sản của các quốc gia hay các nhóm lợi ích, chúng thuộc về cả nhân loại”, ông nói.
Nhưng những cư dân và các nhà hoạt động sẽ có nguy cơ phải đối mặt với sự thù địch của chính phủ. Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á có lịch sử thù địch và hình sự hóa các nhà hoạt động môi trường. Tháng 7/2018, một phần của đập Xe Pian Xe Namnoy ở Lào bị vỡ, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng tại một số ngôi làng và làm chết nhiều người. Chính phủ Lào đã phản ứng bằng cách trấn áp các phóng viên đưa tin. Ở Campuchia cùng năm này, các binh sĩ đã giết chết ba người bảo vệ rừng để trả đũa việc thu giữ các thiết bị, đồ nghề của những kẻ khai thác và buôn lậu gỗ vào Việt Nam.
Các cư dân sống ven sông nói rằng họ đã nhìn thấy các phần của dòng sông bị hư hại không thể khắc phục do nổ mìn và nạo vét cát để bán. Việc các con đập của Trung Quốc xả lũ bất thường cũng làm cuốn trôi lượng phù sa và các sinh vật trên sông. Theo cảnh báo của tổ chức Save the Mekong, chúng ta có lẽ là thế hệ cuối cùng có thể chèo thuyền trên dòng sông này, hoặc thậm chí là có thể tưởng nhớ về sự hùng vỹ và rộng lớn một thời của nó.
Cộng đồng sống ven sông Mekong nhận thấy mình đang đứng trước các thế lực không thể chống lại: các tác động xấu của biến đổi khí hậu, tham vọng địa chính trị của Trung Quốc và sự thờ ơ của chính phủ nước họ. Như “châu chấu đá voi”, cư dân của lưu vực sông Mekong vẫn đang tìm cách bảo vệ sinh kế của họ và bảo vệ dòng sông.