Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Quyết định đầu tiên ta cần đưa ra khi đứng trước một vấn đề chính trị là: có cần phải quan tâm tới nó không? Quan tâm là một thái độ, không quan tâm cũng là một thái độ. Bạn có thể lựa chọn hoàn toàn không quan tâm gì đến chính trị, cũng có thể chọn lọc những vấn đề chính trị để quan tâm. Một người quan tâm tới chính trị không nhất thiết phải quan tâm đến tất cả mọi vấn đề. (Mà thực sự có ai đủ sức quan tâm tới tất cả mọi vấn đề đây?)
Khi quan tâm rồi thì ta đứng trước một nan đề: một vấn đề chính trị đang gây tranh cãi, ai cũng có vẻ đúng mà ai cũng có vẻ sai, chẳng biết tin ai bây giờ.
Lấy ví dụ như vụ Đồng Tâm xảy ra ngày 9/1/2020. Chính quyền thì nói dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng, tàng trữ vũ khí, chống người thi hành công vụ; dân Đồng Tâm và những người ủng hộ thì nói đất ruộng là của họ, họ bị công an tấn công bố ráp lúc 4:00 sáng và giết ông Lê Đình Kình.
Bạn đang hoang mang không biết làm gì thì lại có tin công an phong tỏa tài khoản ngân hàng Vietcombank của bà Nguyễn Thúy Hạnh vì cho rằng đó là tài khoản nhận tiền tài trợ khủng bố, trong khi bà Hạnh tuyên bố chỉ nhận tiền phúng điếu cho ông Lê Đình Kình. Một số người ngay lập tức kêu gọi đóng góp cho dân Đồng Tâm trên GoFundMe và lại lập tức nhận được rất nhiều khoản đóng góp, hầu hết là nhỏ lẻ từ rất nhiều người.
Thiên hạ chia đôi, bên nào cũng quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình. Ta phải lựa chọn thái độ như thế nào đây? Một số gợi ý sau đây có thể giúp bạn tháo gỡ được một số nút thắt để lựa chọn thái độ, rồi từ đó xây dựng quan điểm riêng của mình.
Mỗi vấn đề chính trị có những nhân tố khác nhau tham gia. Phổ biến là các cặp chính quyền – người dân và doanh nghiệp – người dân, rất thường xuyên xuất hiện các vấn đề bao gồm cả ba nhân tố: chính quyền – người dân – doanh nghiệp.
Trong hầu hết các trường hợp, sức mạnh nghiêng hẳn về phía chính quyền. Họ có súng, có loa, có tiền và có người. Người dân, mà thực ra là một cá nhân hoặc một nhóm người dân, vừa yếu thế về vũ khí (gần như không có), lại không nắm được truyền thông chính thống, rất hạn chế về tiền bạc, và thường không có lợi thế về nhân sự. Ngày nay, người dân có được một công cụ truyền thông là Internet thì tương quan lực lượng truyền thông giữa hai bên không còn thiên lệch quá mức như trước.
Doanh nghiệp, trong mối quan hệ với người dân, cũng có lợi thế hơn hẳn. Thường họ có dư dả tiền bạc, nắm được truyền thông và có quan hệ tốt với chính quyền. Dĩ nhiên, trong hầu hết các trường hợp, họ phải phục tùng chính quyền bởi chính quyền mạnh hơn họ.